NSA lại rò rỉ thông tin

Thứ Ba, 13/06/2017, 08:46
Ngày 3-6-2017, cơ quan chức năng Mỹ đã bắt tạm giam Reality Leigh Winner, nhân viên hợp đồng của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), với cáo buộc cố ý rò rỉ thông tin mật của nhà nước cho các cơ quan báo chí. Đây là vụ rò rỉ thông tin tình báo mật đầu tiên dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Vụ rò rỉ được phát hiện vào cuối tháng 5, đầu tháng 6-2017. Sáng ngày 5-6, sau khi tờ báo The Intercept đăng tải những thông tin điều tra chi tiết về vụ việc tin tặc Nga đột nhập hệ thống máy tính trong bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, NSA ra thông báo hôm 3-6 đã bắt giữ một nghi can tên Reality Leigh Winner, nhân viên hợp đồng đến từ công ty Pluribus International Corporation đóng tại bang Georgia.

Theo cáo trạng, NSA cáo buộc Winner tội "di chuyển tư liệu mật từ cơ sở của nhà nước và gửi email cho một cơ quan báo chí". Winner đã thừa nhận với cơ quan điều tra rằng mình cố tình cung cấp thông tin cho tờ báo The Intercept. Theo cáo trạng của tòa án, Winner đã vi phạm các quy định của Luật Gián điệp Mỹ, và nếu bị buộc tội, cô có thể bị tuyên mức án tù 10 năm.

Winner là một cô gái còn rất trẻ, năm nay mới 25 tuổi. Mẹ của Winner, bà Billie Winner-Davis, mô tả con gái bà là "một cô gái đẹp, ai gặp cũng yêu thích nó, và nó rất hiền và tử tế". Hiện cơ quan điều tra vẫn chưa xác định được động cơ nào đã thôi thúc Winner. Winner có quy chế an ninh thuộc hàng tối mật, do đó được phép tiếp cận những tài liệu có độ mật cao, như báo cáo tình báo về điều tra phản gián.

Qua xác minh, cơ quan điều tra đã xác định được Winner có tư tưởng tự do, có thiên hướng bảo vệ môi trường. Cô là người ủng hộ các chính khách có lập trường quan điểm tự do như Bill Maher, Michael Moore và đặc biệt là cựu ứng cử viên tổng thống Bernie Sanders. Cô cũng ủng hộ các tổ chức đấu tranh vì quyền tự do của công dân như Women's March và Islamic Society of North America. Cô đặc biệt "ghét" Tổng thống Trump vì những chính sách của ông.

Reality Leigh Winner.

Theo The Guardian, nội dung tư liệu bị rò rỉ là bản báo cáo tình báo đề ngày 5-5-2016, về cuộc điều tra vụ tin tặc Nga tấn công hệ thống máy tính bầu cử Mỹ. Mặc dù không có phiếu bầu nào bị ảnh hưởng, nhưng vụ tấn công đã đặt ra nhiều câu hỏi nghi vấn về khả năng tình báo Nga có liên quan tới các tin tặc và bí mật can thiệp nhằm tạo ra kết quả bầu cử theo hướng có lợi cho ông Trump?

Theo nội dung báo cáo đăng trên tờ The Intercept, các tin tặc Nga đã tấn công vào máy chủ của công ty trúng thầu cung cấp hệ thống máy tính bầu cử ở Mỹ. Tháng 10-2016, đài CNN đã đưa tin các nhà điều tra liên bang cho rằng tin tặc Nga đứng sau vụ tấn công vào một nhà thầu hệ thống bầu cử ở bang Florida và có thể làm lộ dữ liệu cá nhân của cử tri.

Vụ tấn công ở Florida tiếp nối các vụ tấn công khác xảy ra trước đó, bao gồm một vụ ở bang Illinois, trong đó hàng chục nghìn dữ liệu cá nhân của cử tri đã bị đánh cắp, và một vụ nữa ở bang Arizona, trong đó các nhà điều tra tin rằng dữ liệu cử tri đã bị tiết lộ ra bên ngoài. Theo The Intercept, thông tin về các vụ tấn công tin tặc này đã được đưa vào trong báo cáo tình báo của NSA, kèm thêm nhiều thông tin chi tiết khác được tích hợp từ cuộc điều tra của FBI về tin tặc Nga.

Bản in báo cáo mật của NSA rò rỉ trên tờ The Intercept.

Giám đốc truyền thông của tờ báo The Intercept Vivian Siu nói với CNN rằng, tài liệu mật tờ báo nhận được qua một người gửi nặc danh. Do đó, ngày 30-5, tờ báo The Intercept đã liên hệ với NSA để xác thực nội dung bản báo cáo trước khi sử dụng làm tài liệu đăng báo.

Từ thông tin của The Intercept, lãnh đạo NSA nghi ngờ trong nội bộ cơ quan có người đã lén sao chụp rồi tuồn tài liệu mật cho cơ quan báo chí. Vì thế, cơ quan này tiến hành công tác kiểm tra nội bộ để sàng lọc đối tượng khả nghi. Qua sàng lọc, có 6 người - trong đó có Winner - đã trực tiếp in bản báo cáo mật ra giấy để xem. Vấn đề tiếp theo là làm sao xác định được ai trong 6 người này là thủ phạm rò rỉ thông tin?

Thực ra việc truy tìm thủ phạm rò rỉ thông tin không gặp nhiều khó khăn do sơ hở của thủ phạm để lại nhiều dấu vết. Đó là những chấm nhỏ màu vàng trên bản in các tài liệu. Cần biết rằng, những máy in laser màu được NSA trang bị cho nhân viên trong hệ thống có cài đặt chế độ nhận dạng rất đặc biệt, có thể xem là "chứng minh thư" của chiếc máy in. Mỗi máy in có số lượng và cách bố trí chấm vàng khác nhau để phân biệt giữa người này với người kia.

Thay vì biên soạn lại thành một bài báo, tờ The Intercept đã cho in nguyên bản chụp quét màu báo cáo mật nên đã thể hiện rõ ràng, đầy đủ các yếu tố nhận dạng chấm vàng. Từ đó, các nhà điều tra của NSA chẳng mấy khó khăn để xác minh bản in đó do ai in. Thời điểm in cũng được xác định là ngày 9-5-2017.

Không chỉ có các chấm vàng, Winner còn để lại nhiều dấu vết kỹ thuật số trên máy tính đã sử dụng để tải tài liệu về và in ra. Quá trình kiểm tra nội bộ, xem xét ai, máy tính nào đã truy cập vào kho tài liệu mật, các nhà điều tra NSA cũng dễ dàng lần ra IP máy tính của Winner. Truy xét kỹ thuật số, NSA tiếp tục phát hiện các giao tiếp email của Winner với cơ quan báo chí, cụ thể ở đây là tờ The Intercept.

Ở Mỹ có một thông lệ là các cơ quan an ninh quốc gia như NSA, CIA,... được phép kiểm soát và lưu trữ dữ liệu về các giao tiếp trên môi trường kỹ thuật số của tất cả nhân viên để theo dõi, quản lý. Nhờ đó mà NSA đã nhanh chóng lần ra manh mối vụ rò rỉ thông tin của Winner.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.