“Người nguyên tử”, nhân vật thứ sáu trong nhóm "Bộ ngũ Cambridge"

Thứ Tư, 16/09/2015, 20:15
Suốt hơn 50 năm, danh tính của các thành viên trong nhóm điệp viên "Bộ ngũ Cambridge" nổi tiếng thế giới đã gây ra nhiều cuộc tranh cãi sôi nổi đồng thời phát sinh không ít sự nghi ngờ về tính xác thực của những tiết lộ.

Trước đây, 4 cái tên điệp viên làm việc cho Cơ quan Tình báo KGB của Liên Xô được công khai là: Kim Philby, Guy Burgess, Donald Maclean và Anthony Blunt. Riêng người thứ 5 trong nhóm Cambridge được tin là một trong hai người - Bletchley Park và sĩ quan Cơ quan phản gián Anh MI-6 John Cairncross.

Như Chuyên đề ANTG đã đề cập, trong quyển "Stalin's Englishman: The Lives Of Guy Burgess" của Andrew Lownie vừa phát hành có nội dung tiết lộ danh tính của người thứ sáu.

Người thứ 6 - Wilfrid Mann.

Nhà vật lý học tài ba của MI-6 Wilfrid Mann được cho là đã trao các bí mật hạt nhân cho KGB cho phép Liên Xô phát triển quả bom nguyên tử của riêng mình. Wilfrid Mann - được các đồng nghiệp ở MI-6 gọi là "Atomic Man" (Người nguyên tử) - chính là cầu nối giữa chương trình vũ khí hạt nhân mới thành hình của Anh với nhóm chuyên gia làm việc dưới quyền nhà khoa học Robert Oppenheimer trong Dự án Manhattan của Mỹ tại vùng sa mạc New Mexico.

Nhưng Wilfrid Mann cũng có một cuộc sống bí mật với vai trò là điệp viên Liên Xô, làm việc với các điệp viên KGB là Donald Maclean, Guy Burgess và Kim Philby tại Đại sứ quán Anh ở Washington từ năm 1943 đến 1951. Vai trò của Mann giúp Maclean cung cấp thông tin chi tiết về những bước phát triển mới nhất trong chương trình nghiên cứu hạt nhân hợp tác giữa Anh và Mỹ cho Liên Xô.

Cuốn sách "Stalin's Enghlishman" của Andrew Lownie.

Được KGB tuyển mộ khi còn là sinh viên Đại học Cambridge năm 1930, Wilfrid Mann được đặt bí danh là “Malone” và được Moscow đánh giá là một điệp viên có tầm quan trọng tương đương với Kim Philby. Ngày 16/7/1945, Mỹ thử quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới với chiến dịch mật Trinity. Mặc dù chương trình nghiên cứu vũ khí hạt nhân phối hợp Anh - Mỹ được bảo vệ cực kỳ nghiêm ngặt, nhưng với sự giúp đỡ nhiệt tình từ Wilfrid Man và nhóm Cambridge mà người Nga đã có thể tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 1948 trước sự ngỡ ngàng pha lẫn tức giận của London và Washington.

"Người nguyên tử" trước đây hầu như vô danh cho đến khi tác giả Andrew Lownie phát hiện một tài liệu độc lập làm bằng chứng về sự tồn tại của người này khi tìm kiếm tư liệu để biên soạn cuốn tiểu sử mới về Guy Burgess. Năm 1979, Wilfrid Mann từng được đề cập với tên gọi "Basil" trong cuốn "The Climate Of Treason" của nhà báo Andrew Boyle phơi bày sự thật về điệp viên Anthony Blunt. Nhà báo Boyle nhận định: người Israel đã chuyển giao cái tên "Basil" cho sĩ quan phản gián Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) không bao lâu sau khi Thế chiến II kết thúc.

Tác giả Andrew Lownie.

Theo Boyle, các chuyên gia phá mật mã của Mỹ tiết lộ vào cuối năm 1948 rằng, một nguồn tình báo của Liên Xô trong Đại sứ quán Anh đã bí mật chuyển giao thông tin cho KGB trong suốt giai đoạn quan trọng cuối cùng của cuộc chiến. Boyle viết: Sau khi "Basil" được xác định và "lật mặt một cách nhanh chóng và dễ dàng", Basil bị buộc phải lựa chọn tiếp tục làm việc cho KGB với vai trò điệp viên hai mang nằm dưới sự kiểm soát của CIA, hoặc là phải đối mặt với sự truy tố trước pháp luật.

Cuối cùng, "Basil" đồng ý cung cấp cho Maclean những thông tin vô giá trị để không bị truy tố. Mặc dù, Andrew Boyle không nêu tên Wilfrid Mann, song người này dễ dàng bị những người trong nội bộ Đại sứ quán Anh lật mặt. Thật ra, Mann đã tiết lộ về tình bạn của mình với 3 điệp viên Cambridge và thậm chí còn mô tả một cách chi tiết về bữa dạ tiệc nổi tiếng năm 1951 được tổ chức tại nhà của Kim Philby.

Wilfrid Mann sinh năm 1908 tại Anh. Mann học tại Trường St. Paul trước khi đỗ vào Đại học Imperial College London. Năm 1941, Mann sáng chế cỗ máy phân tích uranium nguyên mẫu Jitterburg. Trong những năm đại học, Mann chịu ảnh hưởng từ G. P. Thompson - nhà vật lý học phụ trách chương trình hạt nhân của Anh, về sau hợp tác với Dự án Manhattan phối hợp Anh - Mỹ. Sau thời gian ngắn làm việc trong chương trình hạt nhân Anh ở Canada, Mann trở về Mỹ với vai trò sĩ quan liên lạc tình báo của MI-6.

Nhưng vào tháng 4/1951, Mann bất ngờ bị thay thế khi sự phản bội của Maclean bị phát giác. Wilfrid Mann trở thành công dân Mỹ năm 1959 và giữ im lặng từ đó cho đến khi qua đời tại nhà riêng ở thành phố Baltimore, bang Maryland, Mỹ, vào tháng 3/2001.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.