Nguyên mẫu của Bond girl – Điệp viên hoa hậu Krystyna Skarbek

Thứ Năm, 03/08/2017, 15:30
Krystyna Skarbek được xem là một nữ điệp viên đặc biệt, không chỉ vì bà vốn là một hoa hậu, một nữ điệp viên đa tình, mà còn vì bà là một trong những điệp viên gạo cội, là nguyên mẫu của "Bond girl"...


Bài 1: Nữ điệp viên đa tình

Trong rất nhiều nữ điệp viên lẫy lừng của quân Đồng minh trong Chiến tranh Thế giới lần II, Krystyna Skarbek được xem là một nữ điệp viên đặc biệt, không chỉ vì bà vốn là một hoa hậu, một nữ điệp viên đa tình, mà còn vì bà là một trong những điệp viên gạo cội, được xem là điệp viên ưa thích nhất của Thủ tướng Anh Winston Churchill, và là nguyên mẫu của "Bond girl" Vesper Lynd trong phim đầu tiên về điệp viên huyền thoại James Bond 007: "Sòng bạc Hoàng gia" (Casino Royale).

Dù sống trên cõi đời không lâu lắm (mất năm 44 tuổi), nhưng câu chuyện về cuộc đời của nữ điệp viên - hoa hậu Krystyna Skarbek rất dài và nhiều tình tiết. Đã có cả một bộ phim về cuộc đời bà được trình chiếu ngay khi bà còn sống, đó là bộ phim "The Spy Who Loved" (Điệp viên yêu đương) phát hành năm 1951 và chính con gái của Thủ tướng Anh Winston Churchill là Sarah Churchill đóng vai chính.

Theo các tư liệu ghi nhận, bà Sarah nhận lời thủ vai Skarbek là bởi vì, như bà cũng từng nói với mọi người rằng, Skarbek là điệp viên ưa thích nhất của cha bà. Cùng nhiều quyển sách đã được xuất bản viết về bà. Nói hay viết về cuộc đời của Skarbek, người ta nhắc nhiều nhất đến bà như một nữ điệp viên - hoa hậu nhưng đa tình, đa cảm, lấy nhiều chồng và…cả lố nhân tình; những mối tình trong khi làm nhiệm vụ, có cả mối tình từ thuở ấu thơ, lớn lên gặp lại nhau cùng chung chiến tuyến hoạt động tình báo trong lòng địch.

Krystyna Skarbek thời trẻ.

Krystyna Skarbek tên đầy đủ là Maria Krystyna Janima Skarbek, người Ba Lan, sinh ngày 1-5-1908, cha là bá tước Jerzy Skarbek, mẹ là Stefania Goldfeder thuộc gia đình Do Thái giàu có. Của hồi môn kết xù của bà Stefania đã giúp bá tước Skarbek trang trải nợ nần và tiếp tục lối sống xa hoa. Ông bà Skarbek sinh hai gái, con gái lớn theo mẹ, còn Krystyna theo cha vì hợp ý với cha hơn.

Ngay từ bé, Krystyna đã bộc lộ khí chất của một cô gái thông minh, nghịch ngợm, thích làm con trai hơn con gái, mà thời đó thì chưa có khái niệm "ô môi" như ngày nay. Năm 14 tuổi, Krystyna đã bị đuổi khỏi trường dòng do nghịch ngợm làm cháy chiếc áo choàng thánh của đức cha khi ông đang hành Thánh lễ. Krystyna thích cưỡi ngựa, và cưỡi ngựa ngồi dạng chân chứ không ngồi nép một bên như con gái thời đó. Bà cũng thích trượt tuyết khi cùng cha đến chơi vùng Zakopane trong rặng núi Tatra, miền Nam Ba Lan.

Thập niên 1920, kinh tế của gia đình sa sút, tài chính cạn kiệt, vì thế ông bà Skarbek bán điền trang ở vùng quê để di chuyển lên Warsaw sinh sống. Đến năm 1930, bá tước Jerzy qua đời vì bệnh lao, cùng lúc cơ nghiệp nhà Goldfeder cũng lụn bại hoàn toàn, chỉ còn đủ tiền để bà quả phụ Stefania sống qua ngày. Krystyna lúc này đã trưởng thành (22 tuổi), vì không muốn sống bám theo mẹ nên xin việc làm tại một cửa hiệu buôn xe Fiat, nhưng không lâu sau ngã bệnh vì hít phải các chất khí thải độc hại, phải xin nghỉ việc.

Nhà báo Frederick Voigt, người đã giới thiệu Krystyna Skarbek với tình báo Anh.

Với kết quả chụp X-quang, bác sĩ chẩn đoán bà bị bệnh lao, và được ông chủ hiệu xe bồi thường một khoản tiền. Cũng vì được chẩn đoán bệnh lao nên Skarbek được bác sĩ khuyên thay đổi lối sống, sinh hoạt ngoài trời càng nhiều càng tốt. Vậy là Skarbek bắt đầu dành phần lớn thời gian để tập leo núi và chơi trượt tuyết trên rặng núi Tatra - một sự chuẩn bị ngẫu nhiên cho những hoạt động gián điệp sau này của Skarbek.

Giai đoạn này cũng là lúc bắt đầu những cuộc hôn nhân và những mối tình; những người đàn ông bắt đầu lần lượt đi qua cuộc đời Skarbek. Tháng 4-1930, Skarbek làm đám cưới với doanh nhân Gustaw Gettlich tại Warsaw. Nhưng cặp vợ chồng son trẻ này tỏ ra không hợp nhau, và cuộc hôn nhân cũng mau chóng kết thúc. Sau đó, Skarbek lại có một tình yêu mới nhưng không đi đến đâu, vì bà mẹ của chàng trai trẻ không chấp nhận cô con dâu tương lai trong túi không có một xu.

Khu trượt tuyết Zakopane là nơi mở đầu cho danh tiếng sau này của Skarbek. Krystyna được trời phú một vẻ quyến rũ lạ kỳ làm mê hoặc vô khối đàn ông, nhiều người trong số họ sau này mô tả bà là một cô gái "thông minh, với đôi mắt nâu hớp hồn người". Vẻ quyến rũ đó mang lại cho Krystyna danh hiệu "Hoa hậu trượt tuyết" vào năm 1931, đồng thời cũng định đoạt số phận "đa truân" trong phương diện tình cảm.

Vương miệng Hoa hậu không phải là miếng mồi hấp dẫn Skarbek, mà bà có cái thú kỳ lạ là trượt tuyết để vượt biên giới sang Tiệp Khắc, qua mặt các lính canh biên phòng mang thuốc lá lậu trở về Zakopane bán kiếm lời. Rồi một ngày, sườn núi tuyết Zakopane đã trở thành "mai mối" cho cuộc hôn nhân thứ hai của Skarbek.

Một ngày kia, trong lúc trượt tuyết thả dốc, Krystyna bị mất kiểm soát và suýt bị tai nạn, may nhờ một người đàn ông to cao chặn giữ cô lại. Người đã cứu nạn cho Krystyna là Jerzy Gizycki, lớn hơn Skarbek 20 tuổi, giàu có, thông minh nhưng tâm trạng thất thường, hay cáu kỉnh và lập dị. Từ năm 14 tuổi, Gizycki đã bỏ nhà ra đi, sang Mỹ làm thuê chăn bò và đào vàng. Thế nhưng ông ta sau đó lại trở thành nhà văn, nhà báo, chu du khắp thế giới để tìm tư liệu viết sách và báo.

Gizycki biết nhiều về châu Phi, và mơ ước một ngày kia sẽ có cơ hội quay trở lại lục địa đen. Tháng 11-1938, Krystyna và Gizycki làm đám cưới tại Warsaw. Không lâu sau đó, Gizycki được tuyển chọn cho vị trí Tổng lãnh sự làm việc tại Ethiopia thuộc miền Đông châu Phi.

Tháng 9-1939, Chiến tranh Thế giới lần II bùng nổ sau khi phát xít Đức tấn công xâm lược Ba Lan. Vợ chồng Skarbek-Gizycki tức tốc rời châu Phi, dong buồm đến London. Từ London, Gizycki tiếp tục sang Pháp để chuẩn bị cho việc thành lập chính phủ lưu vong do đất nước Ba Lan bị chiếm đóng; còn Skarbek, với ngọn lửa phiêu lưu không bao giờ tắt, đã đến cơ quan chức năng Anh xin được phục vụ chống kẻ thù chung là phát xít Đức.

Qua sự giới thiệu của nhà báo Frederick Augustus Voigt, Krystyna được gặp các sĩ quan tình báo MI-6 của Anh và trình ra một kế hoạch hành động khá phiêu lưu. Theo kế hoạch, Skarbek đề xuất mình đi sang Hungary, lúc đó vẫn còn là quốc gia trung lập, và từ đó trượt tuyết vào vùng chiếm đóng ở Ba Lan. Bà sẽ mang theo tài liệu tuyên truyền và rải ở vùng bị chiếm đóng để cổ vũ phong trào kháng chiến Ba Lan. Đồng thời, bà sẽ thu thập thông tin tình báo từ quân kháng chiến để mang về London phục vụ cho phe Đồng minh.

Đây là vai trò cực kỳ quan trọng, vì những thông tin tuyên truyền bà mang đến vùng tạm chiếm Ba Lan có giá trị tinh thần rất lớn, khi chính phủ Ba Lan đã phải bôn tẩu sang Pháp.  Và khi thực hiện kế hoạch này, Krystyna cũng là người phụ nữ đầu tiên thời Chiến tranh Thế giới lần II trở thành điệp viên của nước Anh thực thi nhiệm vụ trong vùng chiến sự.

Krystyna Skarbek với Andrzej Kowerski (hình bên phải) và hình tượng của họ trong phim James Bond 007.

Tháng 12-1939, Krystyna đến Hungary để chuẩn bị thực hiện kế hoạch. Bà tìm gặp lại những người cùng hội trượt tuyết ở Zakopane để yêu cầu hỗ trợ. Bà đã thuyết phục được vận động viên trượt tuyết Olympic Jan Marusarz hộ tống bà từ Hungary vượt qua rặng núi Tatra để vào Ba Lan. Đó là một mùa đông đáng nhớ trong cuộc đời bà, với nhiệt độ xuống dưới âm 30 độ C ở vùng núi. Cái lạnh khiến cho những chú chim ngủ trên cành bị đông cứng, từng đàn sói đói thức  ăn nên ăn thịt lẫn nhau, máu loang đầy tuyết trắng. Sự khắc nghiệt của mùa đông đã giết chết rất nhiều người khi họ cố vượt qua rặng Tatra. Nhưng tất cả những sự khắc nghiệt này không ngăn được bước chân Krystyna. Và bà đã đến được Ba Lan vào tháng 2-1940.

Chuyến thi hành nhiệm vụ đầu tiên trót lọt, nhưng cũng xảy ra một "tai nạn" nho nhỏ. Tại một quán cà phê ở Warsaw, một phụ nữ, có lẽ là người quen cũ của gia đình, đã nhận ra Krystyna và reo lên, gọi tên bà ầm ĩ. Krystyna chối phắt, nhưng người phụ nữ kia cứ khăng khăng, thề thốt gọi tên bà.

Để tránh bị phát hiện, Krystyna lẳng lặng rút khỏi quán. Đồng thời, chuyến về Ba Lan đầu tiên đó, Krystyna không chỉ hoàn thành nhiệm vụ đưa tài liệu tuyên truyền đến vùng kháng chiến của Ba Lan, mà bà còn có đủ thời gian để gặp gỡ và yêu đương với bá tước Wladimir Ledochowski, một thành viên kháng chiến Ba Lan, đồng thời cũng là người dẫn đường cho bà ở Ba Lan. Tình cảm của họ nảy sinh trong hoàn cảnh khi cả hai cùng gặp nguy hiểm đã tìm thấy nhau. Sau này, Krystyna nhớ lại rằng Ledochowski đã chạy những ngón tay của ông trên thân thể trần trụi của bà. Thì ra, Ledochowski là một chuyên gia về kỹ thuật mật mã.

Thế rồi Krystyna gặp lại người đồng hương tên Andrzej Kowerski, một sĩ quan quân đội Ba Lan, nhỏ hơn bà 4 tuổi. Hai người tình cờ gặp lại nhau trong lúc làm nhiệm vụ ở Hungary. Kowerski là bạn thời thơ ấu. Bố của Kowerski là một người quen biết, có nông trang gần kề khu điền trang của gia đình Skarbek. Những lúc tới lui trò chuyện với bố của Krystyna về những việc trồng trọt, chăn nuôi, ông Kowerski thường mang theo con trai 10 tuổi tên Andrzej để chơi cùng cô bé Krystyna. Số phận xô đẩy cả hai đi về hướng khác nhau, xa vắng hàng chục năm.

Trong lần gặp lại này, cả hai đều đã trưởng thành, đều là những người con Ba Lan yêu nước, ngày đêm hoạt động chống kẻ thù xâm lược quê hương, dù họ làm việc cho những tổ chức, lực lượng khác nhau. Kowerski bị mất một chân trong một tai nạn lúc đi săn trước chiến tranh, nhưng điều đó không ngăn được ông trở thành một thành viên quan trọng của quân kháng chiến Ba Lan. Kowerski chuyển thông tin tình báo bí mật bằng cách giấu chúng trong chiếc chân giả bằng gỗ của mình.

Gặp lại nhau, tình yêu bùng cháy, Krystyna và Kowerski cùng phối hợp để thực hiện nhiệm vụ được giao, cùng dìu nhau qua lại vùng biên giới Hungary-Ba Lan không biết bao nhiêu lần. Họ không chỉ mang tài liệu tuyên truyền vào vùng kháng chiến Ba Lan, mà còn giúp vận chuyển vũ khí, thuốc nổ, tiền bạc ủng hộ kháng chiến, thậm chí còn giúp rất nhiều chiến sĩ Ba Lan trốn thoát khỏi vòng vây của kẻ thù.

Cuộc phiêu lưu của họ đã trở thành huyền thoại của đất nước Ba Lan trong thời kỳ kháng chiến chống phát xít Đức trong Chiến tranh Thế giới lần II. Nhiều câu chuyện mang tính chất giai thoại về những lần thoát hiểm đã được kể về họ. Chẳng hạn, có một lần khi Krystyna vượt lên đến đỉnh ngọn núi giáp ranh Ba Lan và Tiệp Khắc, một phi công lái máy bay trực thăng Luftwaffe phát hiện bà - một chấm đen nhỏ trên nền tuyết trắng bên dưới.

Thế là một cuộc "trốn tìm" kéo dài hàng giờ giữa bà với viên phi công trên chiếc máy bay, Krystyna phải lẩn trốn dưới một tảng đá to để tránh làn đạn súng máy từ trên chiếc trực thăng.

Một lần khác, Krystyna lại thoát hiểm bằng cách đánh lừa bọn lính canh biên giới, thậm chí còn bắt chúng đẩy ôtô cho bà nổ máy chạy đi. Tất cả những hành động này của Krystyna đều thể hiện trí thông minh, lanh lợi bẩm sinh từ nhỏ của bà. Nó được vận dụng tối đa trong hoàn cảnh đất nước bị quân Đức chiếm đóng, tình yêu đất nước đã thôi thúc bà phải hành động bất chấp nguy hiểm.

Tháng 1-1941, Krystyna và Kowerski bị lính Gestapo bắt giam. Trong lúc bị tra khảo, Krystyna đã nhanh trí cắn lưỡi cho chảy máu, rồi giả bộ ho nhiều tiếng, khạc ra máu và nói dối bọn Gestapo rằng bà bị ho lao. Quả nhiên, bọn lính tin thật, lo sợ bị bà lây nhiễm, bọn chúng thả bà đi, dĩ nhiên là cùng với Kowerski và một số người cùng bị thẩm vấn chung vì chúng nghĩ rằng họ cũng bị lây nhiễm bệnh rồi.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.