Nhân viên NSA đánh cắp thông tin mật để… lưu trữ

Thứ Năm, 20/10/2016, 21:35
Như ANTG đã đưa tin: Hồi tháng 8 vừa qua, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã bí mật bắt giữ cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) Harold Thomas Martin III, 51 tuổi, để điều tra nghi vấn người này đánh cắp mã máy tính tuyệt mật do cơ quan phát triển để xâm nhập các mạng máy tính chính phủ nước ngoài.

Cũng giống như người thổi còi Edward Snowden, Martin làm việc cho công ty tư vấn tình báo tư nhân Booz Allen Hamilton. Harold Martin bị FBI bắt giữ trong cuộc khám xét bất ngờ căn nhà của ông hôm 27-8-2016, họ phát hiện hàng ngàn trang tài liệu và hàng chục máy tính hay thiết bị điện tử trong căn nhà và ô tô của Martin, trong đó phần lớn là tài liệu mật.

Michael Rogers, Giám đốc NSA.

Đặc vụ FBI cũng phát hiện một số tài liệu mật được đưa lên Internet, trong đó bao gồm mã máy tính của NSA.

Đối với NSA, vụ việc Harold Martin là cú sốc khủng khiếp thứ 2 sau vụ Edward Snowden. Trong thời gian qua, NSA đã tiêu tốn 2 năm và hàng trăm (thậm chí hàng tỷ) USD để khắc phục những hậu quả mà Edward Snowden gây ra cho cơ quan này.

Sau vụ Edward Snowden tiết lộ hàng ngàn trang tài liệu mật của NSA, chính quyền Mỹ đã triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn ngừa nội gián - theo Josh Earnest, người phát ngôn cho Nhà Trắng. Josh Earnest đề cập đến việc thành lập một đơn vị đặc nhiệm giám sát những yêu cầu an ninh  đối với những cơ quan chính quyền lưu giữ thông tin mật. Thậm chí, số người được cấp phép sử dụng thông tin mật cũng giảm 17% trong 2 năm qua.

FBI nghi ngờ Harold Martin bắt đầu thu thập tài liệu mật trước cả khi hoạt động của Snowden lộ diện trước công chúng. Nhưng theo một quan chức chính quyền Mỹ, một số biện pháp an ninh chặt chẽ được đặt ra sau vụ lộ thông tin mật của Snowden dường như vẫn không ngăn chặn được Martin. Thông tin mật được cho là bị Martin đánh cắp có vẻ như khác hẳn loại thông tin của Snowden (trong đó chủ yếu bao gồm những dữ liệu mật về quy mô hoạt động gián điệp của NSA).

Harold Martin bị nghi ngờ đánh cắp mã máy tính tuyệt mật (mặc dù trong đó một số đã lỗi thời) được NSA phát triển để xâm nhập mạng máy tính các đối thủ "nặng ký" như Nga, Trung Quốc, Iran và CHDCND Triều Tiên.

Tuy nhiên, một số quan chức cao cấp cho rằng vụ việc liên quan đến Martin không giống như vụ gián điệp truyền thống. Nghĩa là, Martin không có động cơ chính trị giống như Edward Snowden hay người khác (bởi vì những người này tin hoạt động của chính quyền là bất hợp pháp và muốn công bố sự thật).

Harold Martin là cựu sĩ quan Hải quân có văn bằng tiến sĩ kinh tế và hệ thống máy tính, từng làm việc trong lĩnh vực khoa học máy tính suốt một thập niên. Những người láng giềng mô tả Martin là người chân thành và hay giúp đỡ người khác song họ ít biết về công việc của ông.

Hiện thời, FBI đang điều tra khả năng Martin thu thập dữ liệu mật song có lẽ không có ý định chuyển giao nó cho ai. Thậm chí, giới chức FBI còn cho rằng Martin là loại người chỉ đơn thuần thích tích trữ thông tin như một số trường hợp khác từng được ghi nhận. Như trường hợp cựu cố vấn an ninh quốc gia Samuel R. Berger đánh cắp tài liệu mật từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Mỹ chỉ để giấu chúng.

Khi còn làm Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, Alberto R. Gonzales lén lút mang bộ tài liệu về chương trình nghe lén bất hợp pháp của chính quyền về nhà cất giữ. Cựu giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) khi còn đương chức cũng lưu giữ thông tin mật trên máy tính cá nhân ở nhà riêng.

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.