Những câu lạc bộ tình báo ở Châu Âu

Thứ Năm, 03/12/2020, 14:02
Bạo lực Thánh chiến và sự hỗ trợ của một số lượng phiến quân Châu Âu cho Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria (viết tắt IS) đã làm khuấy động các nhu cầu lặp đi lặp lại của hợp tác chống khủng bố giữa các cơ quan an ninh Châu Âu trong những năm gần đây.


Đóng một vai trò quan trọng trong chia sẻ thông tin tình báo đa phương và hợp tác hoạt động, ngày càng có nhiều câu lạc bộ bí mật và không chính thức đang trở thành đề tài tranh luận chính trị công khai, phủ trên các bề mặt báo chí và cả những cuộc thảo luận của giới chuyên gia.

Khi những người đứng đầu các cơ quan tình báo nội địa của Châu Âu cùng đến nhóm họp ở Berlin vào tháng 5 năm 2018 nhằm tham dự một hội nghị chuyên đề được tổ chức bởi Văn phòng bảo vệ hiến pháp liên bang Đức (Bundesamt für Verfassungsschutz, BfV), thì Tổng giám đốc MI-5 (Anh), ông Andrew Parker, đã tuyên bố rằng hợp tác chống khủng bố giữa các dịch vụ tình báo Châu Âu là quan trọng hơn lúc nào hết. 

Trong bài phát biểu đầu tiên trước công chúng với tư cách là người đứng đầu MI-5 ở hải ngoại, ông Parker đã nhấn mạnh rằng: “Suốt nhiều năm, chúng tôi và các dịch vụ đối tác kiểu như BfV đã làm việc để phát triển và đầu tư vào đối tác an ninh và tình báo mạnh mẽ trên khắp châu Âu gồm cả song phương, đa phương và với các thể chế trong khối. Trong thế giới bất ổn ngày nay, tất cả chúng ta cùng cần một sức mạnh chung đó hơn lúc nào hết”.

Trong một nỗ lực nhằm trấn an các đối tác Châu Âu về việc sắp xảy ra sự kiện Brexit, điều mà người đứng đầu MI-5 muốn nói chính là một hệ thống mê trận đồ các nỗ lực điều phối chống khủng bố trên khắp Châu Âu và hơn thế. 

Tổng giám đốc MI-5, ông Andrew Parker.

Hệ thống đó đã được định hình lần đầu tiên kể từ sự kiện 11-9 cũng như sau khi xảy ra những vụ đánh bom lớn ở Madrid (năm 2004) và London (năm 2005), trước khi nó được sửa đổi và mở rộng trong vài năm qua, như là một sự phản ứng trước nạn bạo lực trên đất mẹ Châu Âu do được tổ chức hoặc bắt chước IS. Hệ thống đó bao gồm các thỏa thuận song phương, các thể chế EU, nhiều tổ chức quốc tế cũng như một số lượng đáng kể các câu lạc bộ đa phương không chính thức.

Các tổ chức quốc tế và những thể chế phi chính thức

Ngay trong cấu trúc của Liên minh Châu Âu (EU) có một thể chế hết sức quan trọng mà ít người biết có tên là Trung tâm phân tích tình báo (INTCEN) với tiền thân là Trung tâm tình huống Châu Âu (EU SITCEN). Thể chế này (Intcen) nằm tại thủ đô Brussels (Vương quốc Bỉ), nó không chỉ thu thập tình báo mà còn phụ thuộc vào các nguồn tin được cung cấp bởi dịch vụ tình báo của các quốc gia thành viên. 

Cộng đồng Châu Âu (EC)duy trì văn phòng điều phối chống khủng bố (CTC) chịu trách nhiệm điều phối công việc của EC trong đấu tranh chống khủng bố và cải thiện thông tin liên lạc tương ứng giữa EU và các nước thứ 3. Gần đây hơn, Cục cảnh sát Châu Âu (Europol, một cơ quan thi hành pháp luật của EU) đã khánh thành Trung tâm chống khủng bố Châu Âu (ECTC) mà kể từ đầu năm 2016, trung tâm này đã hoạt động như là nền tảng chia sẻ thông tin và điều phối hoạt động chung.

Bức không ảnh chụp cảnh Cơ quan an ninh quốc gia Hoa Kỳ (NSA). Ảnh nguồn: Trevor Paglen.

Bên ngoài các thể chế của Châu Âu, hợp tác đa phương tiện đã diễn ra trong các tổ chức quốc tế và những mạng lưới không chính thức mà chống khủng bố không phải là mục đích chính hoặc duy nhất. Trong số họ là Liên hiệp quốc (UN), Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và G7. Tuy nhiên không kém phần quan trọng là một vài câu lạc bộ đa phương cung cấp các dịch vụ an ninh và tình báo không chính thức dùng trong hợp tác chống khủng bố và chia sẻ tình báo, và chính chúng mới là cốt lõi của hoạt động tình báo. 

Những câu lạc bộ này hoạt động trong vòng bí mật, cũng như không có sự đưa tin của các phương tiện truyền thông đại chúng, có thể kể đến là Tổ chức chống khủng bố Club de Berne (CTG), Tổ chức Paris, Nhóm cao niên SIGINT, Tổ chức công tác cảnh sát chống khủng bố (PWGOT) và G13+. Một điểm nữa là những câu lạc bộ đa phương này thì phần nhiều dư luận vẫn mù tịt cũng như không được thảo luận rộng rãi.

CTG được sáng lập sau khi xảy ra loạt vụ khủng bố từ ngày 11 tháng 9 năm 2001 như là một sáng kiến của Club de Berne. Là thể chế đa phương lâu đời nhất được thành lập nhằm hợp tác chống khủng bố, Club de Berne được tổ chức như là một nơi hội họp hàng năm của các giám đốc cơ quan tình báo nội địa ở Tây Âu vào đầu năm 1969. CTG bao gồm các dịch vụ cảnh sát và tình báo từ các quốc gia EU, Mỹ, Na Uy và Thụy Sỹ, câu lạc bộ này chú trọng vào phân tích các mối đe dọa chung, chủ yếu là chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo, cũng như tạo điều kiện cho việc trao đổi thông tin và hợp tác hoạt động. 

CTG có lẽ là một trong những hợp tác chống khủng bố quan trọng nhất hiện nay, nó chuyên tìm kiếm những mối quan hệ gần kề với các cấu trúc EU trong vài năm qua đặc biệt là với Europol. Kể từ tháng 7 năm 2016, Club de Berne và CTG cùng duy trì một nền tảng hoạt động ở The Hague, nơi mà các cơ quan tình báo nội địa của các quốc gia thành viên bao gồm Cục tình báo liên bang Thụy Sỹ (NDB) đang điều hành một cơ sở dữ liệu chung cùng một hệ thống thông tin thời gian thực.

Các nhánh đặc biệt của các lực lượng cảnh sát quốc gia thuộc các quốc gia thành viên EU và cả hợp tác với Na Uy hiện đang nằm trong câu lạc bộ tuyệt mật PWGOT. Tổ chức này được thành lập vào năm 1979 bởi Nhánh đặc biệt cảnh sát Anh (MPS), Cảnh sát trung ương quốc gia Hà Lan (CRI), Văn phòng cảnh sát hình sự liên bang Tây Đức (BKA) và Cảnh sát liên bang Bỉ. Việc thành lập ra PWGOT là một liên kết mạnh mẽ giữa các quốc gia sáng lập và đặc biệt là người Anh vào cuối thập niên 1970, nó nhấn mạnh rằng sự hợp tác cảnh sát ở cấp độ hoạt động vẫn còn thiếu. 

Theo đó, đây là một tổ chức làm việc không chính thức, thường tổ chức họp hành 2 lần mỗi năm, thường trao đổi thông tin (ở cấp độ hoạt động), hay chính thức (bằng cách tiến cử các biệt phái viên chức), và cấp chuyên gia (thông qua việc tổ chức các hội thảo chuyên gia). Hồi giữa thập niên 1990, chuyên gia an ninh Peter Chalk đã kết luận rằng giá trị  chính của PWGOT là “cải thiện các mối quan hệ làm việc chặt chẽ và thiện chí cá nhân giữa các cơ quan quốc gia khác nhau cùng tham gia vào đấu tranh chống khủng bố”.

Những câu lạc bộ tình báo mới ở Châu Âu 

Tổ chức Paris (Paris Group) được thành lập vào đầu năm 2016 vốn là hệ quả của tình trạng gia tăng bạo lực khủng bố trên đất Châu Âu tiếp sau đà tăng của IS, và đặc biệt là những cuộc tấn công ở Paris vào tháng Giêng và tháng 11 năm 2015. Những cuộc họp của câu lạc bộ này đã mang lại các điều phối viên tình báo đến từ 15 quốc gia Châu Âu bao gồm Đức, Áo, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Ý, Ireland, Hà Lan, Ba Lan, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh, Na Uy và Thụy Điển. 

Theo đó Tổ chức Paris đã vượt ra khỏi sự hợp tác của các cơ quan tình báo nội địa bao gồm cả các dịch vụ tình báo hải ngoại. Gần đây có thêm một tổ chức mới được thành lập trong bối cảnh những thách thức tăng lên từ IS và cuộc chiến ở Syria, đó là Tổ chức 13+ (G 13+). Sáng kiến do Bỉ dẫn đầu này không phải là một tổ chức liên ngành mà thay vào đó là mang các bộ trưởng nội vụ của vài quốc gia Châu Âu cùng đồng hành với nhau. Bên cạnh Bỉ, các thành viên của G13+ mà buổi ban đầu còn có tên là Tổ chức EU9 (EU9 Group) bao gồm các quốc gia EU gồm Đan Mạch, Đức, Pháp, Vương quốc Anh, Ireland, Áo, Thụy Điển, Hà Lan, Tây Ban Nha, Ý và Ba Lan, ngoài ra là Thụy Sỹ và Na Uy. 

Kể từ tháng 6 năm 2013, những cuộc họp không chính thức đã được tổ chức nhằm thảo luận về chia sẻ thông tin và những biện pháp chung khác nhằm chống lại cái gọi là “chiến binh ngoại bang”, và vào thời điểm này nó còn liên quan đến sự trở lại của các chiến binh từng tham gia vào hàng ngũ của IS. 

Rõ ràng, G 13+ không chính thức đã có thể tạo ra “xung lực từ bên trong” cho những hoạt động mà sau này đã được theo đuổi ở cấp độ Châu Âu. Vì vậy mà diễn đàn này cung cấp cho Bộ Nội vụ Thụy Sỹ cơ hội để trực tiếp giúp đỡ chia sẻ các chính sách của Châu Âu đối với những ảnh hưởng chống khủng bố cụ thể. Nhưng câu lạc bộ đa phương tuyệt mật nhất phải kể đến là Nhóm cao niên SIGINT (SIGINT Seniors), đó là một liên minh của các cơ quan tình báo chống khủng bố và có mối liên quan đến Tình báo tín hiệu (SIGINT). Nỗ lực do Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) dẫn đầu này với cấu trúc là 2 bộ phận: Nhóm cao niên SIGINT Châu Âu và Nhóm cao niên SIGINT Thái Bình Dương.

Nhóm cao niên SIGINT Châu Âu được thành lập vào năm 1982 với trọng tâm chính là thông tin về quân đội Liên Xô. Sau sự kiện 11-9, nhóm này đã thay đổi trọng tâm để chuyển sang chống khủng bố và “nở rộng” từ 9 lên thành 14 thành viên, gồm tổ chức Ngũ Nhãn (Mỹ, Canada, Vương quốc Anh, Australia và New Zealand) cũng như Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Na Uy, Tây Ban Nha và Thụy Điển. Nhóm cao niên SIGINT Châu Âu thường tổ chức các hội nghị thường niên và chú trọng vào những tên khủng bố bị hoài nghi cũng như hợp tác phát triển các công cụ và kỹ thuật trinh sát mới. 

Kể từ năm 2006, nhóm/ tổ chức này cũng khai thác mạng internet như là một phần của hoạt động chống khủng bố. Nhóm cao niên SIGINT Châu Âu đang điều hành một hệ thống thông tin liên lạc gọi là SIGDASYS nhằm chia sẻ các bản sao thông tin bị can thiệp. Mặt khác, Nhóm cao niên SIGINT Thái Bình Dương do NSA hình thành vào năm 2005. Mạng lưới này cũng bao gồm tổ chức Ngũ Nhãn cũng như các cơ quan tình báo SIGINT của Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Pháp và Ấn Độ (trong năm 2013) nhằm duy trì một trọng tâm địa lý đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, cũng như vận hành một hệ thống liên lạc bổ sung gọi là CRUSHED ICE. 

Cùng một mục tiêu

Kiến trúc của các câu lạc bộ đa phương trong bài viết này là nhằm mang lại gần nhau các dịch vụ tình báo của Châu Âu, và ở một mức độ thấp hơn so với tình báo Bắc Mỹ, đặt dưới ngọn cờ của hợp tác chống khủng bố quốc tế. Trong khi nền tảng kiến trúc của các thể chế như Club de Berne và PWGOT vốn đã được xây dựng trong thời thập niên 1970, thì cấu trúc chống khủng bố này thật sự đã được hình thành vào những năm sau sự kiện 11-9. Trong bối cảnh của bạo lực Thánh chiến, nhu cầu cải thiện hợp tác chống khủng bố ở Châu Âu và thế giới xuyên Đại Tây Dương đã được thảo luận liên tục trong những năm gần đây. 

Trụ sở của MI-5 bên bờ sông Thames, nước Anh.

Hiện tại, việc thành lập một cơ quan tình báo Châu Âu tích hợp là không khả thi nếu xét về mặt chính trị, tuy nhiên thi thoảng vẫn có lời kêu gọi về việc thành lập một cơ quan như thế. Vì lẽ đó mà các chính trị gia, chuyên gia và cơ quan truyền thông chỉ mải mê để tâm tới các thể chế của Châu Âu như INTCEN, Europol cũng như NATO. Gần đây, một số câu lạc bộ cũng đang tìm kiếm sự hợp tác chặt chẽ hơn hoặc tích hợp vào các thể chế EU. Thụy Sỹ đã được tích hợp vững chắc vào hợp tác quốc tế này, và cho đến nay vẫn không bị chỉ trích bởi những ánh mắt diều hâu của Quốc hội và dân chúng.

Bài viết “Những câu lạc bộ bí mật của các dịch vụ an ninh và tình báo: Cái nhìn thực tế đằng sau hậu trường hợp tác chống khủng bố ở Châu Âu” đã được đăng vào ngày 31 tháng 3 năm 2019. Đó là một tác phẩm của Tiến sĩ Adrian Hanni, là giảng viên về lịch sử chính trị tại Đại học học tập từ xa Thụy Sỹ (SDLU) và hiện đang nghiên cứu tại Đại học Newcastle (Australia). Ông Hanni hiện đang sinh sống ở cả Washington D.C. và Zurich. Bài viết dưới đây đã được chỉnh sửa từ một phiên bản tiếng Đức vốn được công bố trên tờ VSN Bulletin số 3 năm 2018.

Văn Chương (Tổng hợp)
.
.