Những đô thị hạt nhân tuyệt mật trên thế giới

Thứ Năm, 16/08/2018, 11:10
Lịch sử nhân loại trong thời gian gần đây chứa đầy bí mật. Cụ thể hơn là việc ai đó có ý đồ xây dựng các thành phố nằm cách biệt với tầm quan sát của công luận nhằm phục vụ cho một số mục đích nào đó.

Khi một quốc gia cần tiến hành các thử nghiệm bí mật hay đảm bảo chắc rằng căn cứ bí mật để tiến hành các nhiệm vụ mật, thì họ tiến hành xây dựng những đô thị đặc biệt không để lọt vào mắt người khác, từ các căn cứ ngầm cho tới những đô thị nằm lọt thỏm trong hoang mạc...

Sarov

Sarov là tên của một “đô thị khép kín”. Nó nổi tiếng như là một trong những nhà kho vũ khí hạt nhân hàng đầu của Nga cho đến ngày hôm nay. Trong suốt nhiều thập niên, thành phố này bị “phong bế” trước mắt công chúng hay thậm chí nó bị gỡ tên ra khỏi hàng loạt bản đồ vào năm 1947 và không được thừa nhận cho mãi đến cuối năm 1994.

Sarov (tên gọi trước đó là Arzamas-16) là thành phố rất độc đáo bởi vì nó là một trong những địa điểm tôn giáo nổi tiếng của Nga, nơi có một tòa chủng viện hình thành từ thế kỷ 18, cùng với ngành công nghiệp hạt nhân trong thành phố.

Sự tương phản kỳ dị của Sarov đã thu hút nhiều sự quan tâm của Giáo hội chính thống giáo Nga trong những năm gần đây. Họ tìm cách tái thiết lập giáo hội bất chấp các giới hạn mà sẽ không khuyến khích thêm bất kỳ người hành hương nào được viếng thăm Sarov. Chủng viện này là nơi thờ tự của một trong những vị Thánh nổi tiếng nhất nước Nga, Thánh Seraphim. Ông nổi tiếng với những bài giảng về tình yêu và lòng nhân hậu, nhưng các mặt tốt đó xem ra lại rất tương phản với mục đích hiện đại của Sarov. 

Hầm trú ẩn Burlington

Nằm ngay bên dưới lòng đất thành phố Corsham thanh bình của Vương quốc Anh, là một đô thị thuộc hàng tuyệt mật. Thời điểm này, đây có lẽ là nơi người Anh nghĩ đến khả năng trú ẩn hạt nhân an toàn hơn là mục đích chính tạo ra nó. Trong trường hợp nếu xảy ra một sự kiện chiến tranh hạt nhân thì 4.000 thành viên cao cấp của Chính phủ Anh có thể sống sót bên trong phức hợp Boongke Burlington rộng tới 14ha.

Thành phố ngầm này được trang bị tận răng từ trạm phát thanh vô tuyến cho đến một bệnh viện khang trang nằm kế cạnh một hồ nước ngầm nhằm cung cấp đủ nước sinh hoạt cho các cư dân dưới lòng đất. Burlington còn có cả tuyến đường sắt cho phép người trên mặt đất chui xuống lòng đất cực nhanh trong hoàn cảnh gọi là “cảnh báo 4 phút”, bằng đủ thời gian để ICBM của Nga phóng tới nước Anh.

Burlington ngừng hoạt động vào năm 2004 và mở cửa đón công chúng tham quan, thậm chí Chính phủ Anh vào năm 2016 còn muốn bán nó với giá thấp kỷ lục: 1,5 triệu bảng Anh.

Trại Thế Kỷ

Là một tàn tích có từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khu căn cứ quân sự Mỹ này là một phần của chiến dịch quân sự tuyệt mật được biết đến dưới cái tên Dự án Trùng Băng (Project Iceworm). Địa điểm bí ẩn này nằm sâu bên dưới Greenland mà buổi ban đầu nó chỉ đơn giản là một cơ sở nghiên cứu khoa học.

Khi người Mỹ cần giành lại sự ảnh hưởng trước đà tiến lên của Liên Xô, người Mỹ cần phải triển khai những bệ phóng tên lửa hiệu quả, thì thành phố ngầm này đã được trang bị mọi thứ để giúp dân cư sống dài hạn, từ rạp chiếu phim đến nhà nguyện nhỏ. 

Mục tiêu của Dự án Trùng Băng là sử dụng các địa đạo ngầm trải dài của Trại Thế Kỷ để thực hiện một điểm phóng hạt nhân di động. Nơi đây các loại tên lửa sẽ bắn thẳng vào Liên Xô từ bất kỳ khoang phóng nào trong mạng lưới đường ngầm dài tới 4.000km.

Wunsdorf 

Với biệt danh là “Tiểu Moscow” và “Tử Cấm Thành”, Wunsdorf là Tổng hành dinh của Hồng quân Liên Xô vào thời hậu chiến ở CHDC Đức. Buổi ban đầu, Wunsdorf là một căn cứ của Đức Quốc Xã. Nơi này từng có sự hiện diện của từ 60.000 người đến 75.000 người chủ yếu là lính tráng. 

Wunsdorf cho phép Liên Xô định hình quyền lực ở CHDC Đức trong suốt hàng thập kỷ. Nó cung cấp các chuyến hỏa xa thường xuyên đến Moscow và xây dựng một sức mạnh quân sự hùng cường và nóng đỉnh điểm dưới thời Chiến tranh Lạnh.

Được thành lập bởi đế quốc Đức vào năm 1871, Wunsdorf là nơi có thánh đường Hồi giáo đầu tiên của Đức dùng cho các tù nhân Hồi giáo và sau này nó trở thành trụ sở của các lực lượng vũ trang Đức vào năm 1935. Ngày nay, Wunsdorf đã trở thành hoang phế. Những tòa nhà liêu xiêu nằm ngó mặt ra đường như nhắc nhở lại chuyện quá khứ của thành phố này.

Hanford/ Richland

Nằm tọa lạc ở tiểu bang Washington (Mỹ), đây là đô thị thứ 3 và cũng là cuối cùng của “các đô thị bao kín” quanh Dự án Manhattan. 

Mục tiêu chủ chốt của đô thị này là sản xuất ra Plutonium. Thời chiến tranh Lạnh, Hanford/ Richland cũng là nơi tiếp tục duy trì chương trình hạt nhân của Mỹ và nó hoạt động suốt thời kỳ này và là “cỗ máy tiên tiến” nhất trong số 3 điểm Dự án Manhattan cùng có năng lượng sản xuất điện.

Tuy nhiên, trong các giai đoạn đầu tiên, nhiều biến cố xoay quanh nguồn cung cấp điện này khiến nó giảm năng suất theo thời gian. Điều này dẫn đến việc khám phá ra ngộ độc xenon, neutron bị hấp thụ và gây ra các vấn đề trong chuỗi phản ứng cần thiết để sản xuất ra Plutonium đạt chuẩn cho vũ khí. 

Thành phố 404

Thành phố tuyệt mật này cũng bị gỡ bỏ khỏi các bản đồ, giữ bí mật tuyệt đối với thế giới bên ngoài, chuyên dùng để sản xuất ra vũ khí hạt nhân. Và nơi này nằm ở Trung Quốc. 

Một số báo cáo nói rằng Thành phố 404 từng có gần 1 triệu dân cư sinh sống, còn có nguồn tin khẳng định dân cư nơi này khoảng độ 100.000 người, và dân số Trung Hoa vào thời kỳ đó lên tới 600 triệu người. Nhưng không chắc người Trung Quốc cho tiết lộ chính xác về tình hình dân cư thực tế ở đó.

Công trình được bắt đầu xây dựng vào năm 1954. Chính phủ Trung Quốc lựa chọn các công dân ưu tú để sống tại 404 nhằm đạt mục tiêu tham vọng là có thể đánh bại Mỹ và Liên Xô nhằm thống trị toàn cầu.

Nằm ở tỉnh Cam Túc và ngay rìa của hoang mạc Gobi, mất tới 4 năm mới xây xong thành phố 404 và thêm 6 năm để chạm mục tiêu biến Trung Quốc thành một cường quốc hạt nhân. Năm 1964, Trung Quốc đã thành công trong việc tiến hành các thử nghiệm vũ khí hạt nhân đầu tiên trong hoang mạc Gobi, kể từ đó đã làm thay đổi bộ mặt của nền chính trị toàn cầu. 

Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos

Los Alamos (New Mexico, Mỹ) nổi tiếng trong việc đóng góp một phần quyết định vào Dự án Manhattan. Los Alamos là địa điểm quan trọng số 1 cho dự án này và hầu như ai cũng nhớ về nó. Biệt danh “Ngọn đồi”, Los Alamos là quê hương thực sự của bom nguyên tử và giữ bí mật tuyệt đối trong suốt thời gian Chiến tranh Lạnh.

Toàn bộ thành phố này nằm cô lập với thế giới bên ngoài, không ai ở đây nói với bạn bè hay gia đình của họ rằng họ đang làm gì ở Los Alamos. Dân cư ở Los Alamos dùng chung một hộp thư bưu chính.

Nếu có một đứa bé lọt lòng mẹ, nơi khai sinh của nó sẽ được viết là “P.O. Box 1663”. Hơn 5.000 người sống bên trong đô thị tuyệt mật này, tất cả làm việc cùng nhau để đạt mục tiêu mà chỉ có họ mới hiểu. Địa điểm tọa lạc Los Alamos rất hoàn hảo. Chủ sở hữu nó là chính phủ liên bang, và chỉ có Giám đốc J. Robert Oppenheimer mới biết rõ mọi ngóc ngách trong vùng do ông ta quản lý. Điều thú vị là, buổi ban đầu, Los Alamos là trường nam sinh. 

Thành phố 40

Đây là một địa điểm hạt nhân hết sức bí ẩn. Thành phố 40 (tên thường gọi Ozersk) là nơi khởi động chương trình vũ khí hạt nhân của Liên Xô vào năm 1946. Có khoảng 100.000 dân cư sống ở đây. Họ hưởng thụ chất lượng cuộc sống tốt hơn  các thành phố khác của Liên Xô. Thành phố 40 được xóa khỏi các bản đồ, còn danh tính người sống bên trong nó cũng bị xóa khỏi các hồ sơ lưu trữ.

Bí mật đen tối của “đô thị bao kín” này là nơi từng xảy ra vài tai nạn hạt nhân khác nhau bao gồm một sự cố có mức độ tàn phá không kém vụ Chernobyl. Ngày nay, thành phố 40 vẫn còn hoạt động, dân tình vẫn làm việc ở đó, hàng rào dây thép gai bao kín, nơi đây vẫn tồn trữ nguyên liệu hạt nhân của Nga.

Kỳ lạ nhất là cư dân ở thành phố 40 dù nhận thức rõ ràng nơi họ sống là “nghĩa địa của thế giới” nhưng họ không sợ, vẫn sống yêu đời và thỏa mãn với cuộc sống ở đây. Ngày nay, cư dân được cho phép rời khỏi thành phố 40 nếu họ muốn. Nhưng không nhiều người rời đi. Họ vẫn chấp nhận sống tại một trong những nơi có lượng bức xạ cao nhất hành tinh.

Oak Ridge

Đó là năm 1943, Đại chiến tranh thế giới thứ II đang diễn ra, và các lực lượng Đồng Minh đang tìm kiếm một thứ mà có thể kết thúc chiến tranh trong êm đẹp: bom nguyên tử. Nằm cách Knoxville (tiểu bang Tennessee) khoảng 40km, Oak Ridge là nơi tập trung hàng ngàn công nhân, lính tráng và các nhà khoa học.

Trên các bản đồ Mỹ đều không hiển thị địa danh này, tuy nhiên đó là nơi có rất đông người hăng say làm việc cho Dự án Manhattan, một trong những bí mật thuộc hàng tuyệt mật thời Đại chiến thế giới thứ II. Công nhân được giữ kín danh tính như bản chất vốn có của dự án và thậm chí họ còn phải vượt qua các bài kiểm tra phát hiện nói dối.

Hơn 24.281 ha diện tích đất bao quanh Oak Ridge được chính phủ liên bang mua đứt nhằm đảm bảo một không gian riêng tư tuyệt đối cho các mục tiêu của dự án mà các điệp viên đối phương sẽ không cách gì mò ra được nó. Oak Ridge được xây dựng để tinh luyện quặng uranium nhằm sản xuất ra vũ khí hạt nhân.

Nguyễn Thanh Hải (tổng hợp)
.
.