Những kế hoạch của Mỹ đối phó với tình báo Nga

Thứ Ba, 07/07/2020, 06:50
Sự sụp đổ của Liên Xô có ảnh hưởng tồi tệ nhất đối với cơ quan đặc vụ nước này. Trước năm 1991, tất cả các chức năng của cơ quan này tập trung ở KGB thuộc Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô.

Việc giải thể KGB đã dẫn đến sự vô tổ chức của một hệ thống thống nhất về tình báo, phản gián và các dịch vụ kỹ thuật từng được xây dựng trong nhiều thập niên. Trên thực tế, đây là điều mà Mỹ và các đồng minh của họ đã tìm kiếm và KGB luôn là một trong những cơn ác mộng chính đối với họ.

Những kế hoạch của Mỹ đối với tình báo Nga

Sự tồn tại của tình báo hùng mạnh Liên Xô luôn tạo ra những trở ngại to lớn đối với Washington. Tình báo là một trong những công cụ chính trong cuộc đối đầu giữa các cường quốc. Chính nhờ hoạt động của các điệp viên quả cảm của Liên Xô ở Moscow mà họ đã biết được những kế hoạch của đối phương và nhận được thông tin về những đổi mới kỹ thuật. Đương nhiên là Mỹ đã mong muốn triệt phá tình báo đối ngoại Liên Xô.    

Đối thủ chính của tình báo đối ngoại KGB Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh là CIA. Và chính tại đây, vào cuối những năm 1980 là khi hiểu rằng, những kế hoạch của CIA đã bắt đầu được ấp ủ để tiêu diệt tình báo đối ngoại của Liên Xô.

Anh hùng Nga, tướng quân đội Viacheslav Ivanovich Trubnikov đã phục vụ tại cơ quan Tình báo đối ngoại  hơn 30 năm, và từ năm 1996 đến năm 2000, ông đã lãnh đạo cơ quan này của Liên bang Nga, thay thế cho Evgeni Primakov ở vị trí này.

Evgeni Primakov, cựu giám đốc Tình báo đối ngoại Nga thời kỳ 1991-1996.

Theo tướng Trubnikov, vào đầu những năm 1990, CIA đã xem xét khả năng ít nhất là làm tê liệt hoàn toàn tình báo đối ngoại của Nga, còn tối đa là giảm mức độ của các cơ quan đặc vụ trước đây thuộc tổ chức Hiệp ước Warsaw bằng cách thực hiện một loạt biện pháp đặc biệt.

Các biện pháp tương tự đã được thực hiện đối với các cơ quan an ninh quốc gia của các nước XHCN cũ ở Đông Âu. Trước hết, họ nhắm vào nhân sự: tất cả nhân viên làm việc theo chế độ XHCN đã bị sa thải khỏi các cơ quan đặc vụ mà không có quyền khôi phục. Trên thực tế  là loại bỏ hoàn toàn các dịch vụ tình báo truyền thống - những nhân viên cũ bị sa thải, không có ai chuyển giao kiến thức. Chỉ những giảng viên ở nước ngoài từ Mỹ mới có thể đào tạo lớp trẻ đã được tuyển dụng.

Người Mỹ hy vọng sẽ áp dụng mô hình tương tự đối với tình báo Nga. Ví dụ, ở các nước vùng Baltic, các biện pháp như vậy đã được áp dụng có hiệu quả cao. Những cán bộ từng là cộng sản là cựu nhân viên KGB của Liên Xô đã bị xóa khỏi cơ quan đặc vụ của các nước cộng hòa mới. Mặc dù có một tỷ lệ nhất định các cựu quan chức an ninh Liên Xô, cảnh sát và quân đội của các nước cộng hòa Baltic vẫn còn, nhưng những người này đã lập tức thay đổi lý tưởng và chứng minh sự trung thành với chính quyền mới.

Lợi dụng những kẻ phản bội

Một chiến dịch mạnh mẽ đã được phát động ở phương Tây chống lại tình báo Liên Xô. Một mặt, báo chí phương Tây, và sau đó cơ sở của nó được gọi là “Báo chí dân chủ” của Liên Xô và Nga hậu Xôviết đã xuất bản nhiều bài về tội ác của các cơ quan đặc vụ đặc biệt Xôviết, coi đó là công cụ của “chế độ toàn trị”. Đã diễn ra sự “lật tẩy” những người Chekist Xôviết trong mắt dân chúng, tạo ra sự ngờ vực đối với họ tại quê hương. Điều này rất quan trọng để làm suy sụp tinh thần của chính nhân viên của các cơ quan an ninh.

Mặt khác là việc tiếp tục tích cực thu hút các nhân viên tình báo không ổn định về mặt đạo đức và hám lợi. Đó chính là “thời kỳ Gorbachev” đã xảy ra một số lớn các vụ bê bối điệp viên Liên Xô chạy ra nước ngoài.

Một số người bị thu hút bởi tiền bạc, những người khác thực sự thất vọng về hệ thống Xôviết, nhưng phương Tây đã sử dụng cả hai dạng này vì quyền lợi của mình, họ vừa là nhà cung cấp thông tin mật, vừa là nhà chỉ trích công khai Liên Xô.

Triệt phá KGB Liên Xô

Vào đêm 21-22 tháng 8 năm 1991, sau thất bại của Ủy ban Khẩn cấp nhà nước, một trong số những người tích cực tham gia đã bị bắt - đó là Chủ tịch KGB, tướng quân đội Vladimir Kruchkov. Là “người của Andropov”, trong suốt 14 năm, từ 1974-1988 Kruchkov đã đứng đầu Tổng cục Chủ đạo đầu tiên của Liên Xô, chịu trách nhiệm chính về tình báo đối ngoại.

Vào ngày 29/8/1991, Vadim Bakatin, một đảng viên từ Kemerovo được bổ nhiệm làm giám đốc mới của KGB thời kỳ 1988-1990, từng là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Liên Xô. Bakatin đã chuẩn bị cải tổ KGB, tuy nhiên, sự cải cách đã dẫn đến sự sụp đổ của ngành tình báo Xôviết có cơ cấu thống nhất.

Vào ngày 22/10/1991, KGB đã bị bãi bỏ và một số cơ quan đặc vụ đã được tạo lập trên cơ sở của nó. Các chức năng của bộ đội biên phòng được chuyển giao cho Ban Bảo vệ biên giới quốc gia Liên Xô. Các hoạt động phản gián được chuyển cho Cơ quan An ninh Liên đảng, còn cơ quan an ninh đối ngoại được giao cho Cơ quan Tình báo Trung ương Liên Xô (USSR).

Cơ quan này được lãnh đạo bởi Evgeni Primakov - một nhà khoa học nổi tiếng, nhà phương Đông học, người duy nhất trong lịch sử tình báo đối ngoại là nhân vật dân sự. Thật thú vị là chính ông là người đã cứu USSR không chỉ khỏi một tương lai rất tồi tệ, mà còn khỏi bị triệt phá hoàn toàn.

Ngày 2/12/1991, Thiếu tướng Viacheslav Trubnikov, một sĩ quan tình báo chuyên nghiệp được bổ nhiệm làm phó giám đốc của Primakov thời kỳ 1990-1992. Trubnikov là người đứng đầu bộ phận các quốc gia Nam Á trong KGB và trước đó ông đã lãnh đạo bộ phận KGB ở Ấn Độ và Bangladesh.

Người Mỹ thuyết phục Moscow về sự vô dụng của tình báo

Sau sự sụp đổ của Liên Xô, khi đoàn tùy tùng của tổng thống Boris Elsin chịu ảnh hưởng của các đối tác Mỹ, Washington quyết định đã đến lúc phải hành động tích cực hơn. Họ bắt đầu thuyết phục giới lãnh đạo mới của Nga rằng nếu không giải thể tình báo thì sau đó nên định hình lại nó để giải quyết các nhiệm vụ hoàn toàn phi lý theo quan điểm thông thường.

Ví dụ, người Mỹ nghiêm túc đề nghị tình báo Nga tập trung vào việc theo dõi sự di cư của cá trên hồ Victoria. Tại đây được cho là cư dân địa phương đã gây ra thiệt hại lớn cho quần thể cá và người ta đã đề xuất sử dụng các vệ tinh của Nga để theo dõi tình hình. Đề xuất này được trình bày như một “sự hợp tác chiến lược”, mặc dù về bản chất, đó là hiện thân ước muốn của Mỹ về cách hạ thấp tình báo Nga.

Thời kỳ khó khăn nhất đối với tình báo Nga là năm 1991. Lúc này, các nhà dân chủ tích cực phát triển chủ đề rằng Nga hoàn toàn không cần các cơ quan đặc vụ, rằng đó là di sản của một chế độ toàn trị trong quá khứ, cần phải chấm dứt một lần và mãi mãi. Họ cho rằng hiện tại đã có hòa bình và hữu nghị với phương Tây, do đó không cần thông tin tình báo chống lại Mỹ và các nước NATO là điều hoàn toàn có thể làm. Tất nhiên, các nhà lãnh đạo có ảnh hưởng của Mỹ đã bảo vệ những luận điểm đó trước sự xúi giục trực tiếp của những nhà bảo trợ của họ từ Washington.

Tuy nhiên đảng Dân chủ Nga từng chịu ảnh hưởng của Mỹ đã bị những người lãnh đạo yêu nước cốt cán từ cơ quan tình báo mới của Nga phản đối. Vì ở Nga, không giống như các quốc gia Đông Âu và các nước vùng Baltic không diễn ra sự tẩy chay các cơ quan đặc vụ. URSS được chuyển thành Cơ quan tình báo Đối ngoại của Liên bang Nga vào ngày 18/12/1991, mà bộ khung lãnh đạo là những người yêu nước Liên Xô đã làm mọi điều có thể để ngăn chặn sự sụp đổ cuối cùng của các cơ quan tình báo trong nước.

Người cứu tình báo Nga

Những người lãnh đạo Tình báo Đối ngoại đã đóng vai trò then chốt trong việc ngăn chặn các kế hoạch của Mỹ cho sự sụp đổ của tình báo Nga. Trước hết, phải kể đến Evgeni Primakov, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo đối ngoại thời kỳ 1991-1996.

Là một nhà khoa học xuất chúng, là giáo sư, tiến sĩ khoa học kinh tế, E.Primakov đã kết hợp trí tuệ đặc biệt và sâu sắc nhất và sự trung thành tuyệt đối với Tổ quốc. Có thể ông không phù hợp với những định kiến thông thường về một điệp viên là hiệp sĩ áo choàng và dao găm kiểu James Bond, nhưng ông có đủ sự can đảm và sức mạnh để ngăn chặn sự sụp đổ của tình báo đối ngoại và nhanh chóng đưa nó vào phục vụ một nhà nước mới - Liên bang Nga.

Không ít những người yêu nước từng là phó tướng của Primakov như Tướng Trubnikov, phó giám đốc Tình báo đối ngoại, Trung tướng Viacheslav Gurgenov, (cựu nhân viên KGB tại Islamabad 1978-1983, thời kỳ đầu của chiến tranh Afganistan), Yuri Zubakov và những tướng lĩnh khác.

Trong thời kỳ khó khăn của những năm 1990, sự nỗ lực đáng kể đã được thực hiện để bảo tồn không chỉ hoạt động của ngành tình báo, những nhân sự tiềm năng của ngành mà còn có tài chính tốt. Thời kỳ đó, các sĩ quan tình báo không thể tự hào về mức lương của họ, nhiều người vẫn phải chuyển sang kinh doanh dân sự thành công cho đến các dịch vụ an ninh thương mại nhưng vẫn còn những người ưu tú nhất đã tạo dựng ngành tình báo đối ngoại mới của Nga.

Sự đáp trả đích đáng đối với Mỹ

Một trong những chương đầu tiên chứng minh cho sự hồi sinh sức mạnh cũ của tình báo đối ngoại - đó là câu chuyện về sự phản ứng của Tình báo đối ngoại về việc bắt giữ Aldrich Ames tại Mỹ. Người đứng đầu ban Liên Xô của phản gián đối ngoại CIA A.Ames là một điệp vụ của KGB của Liên Xô và sau này là Cơ quan Tình báo đối ngoại của Liên bang Nga.

Aldrich Ames thuộc Phản gián đối ngoại CIA là điệp viên của KGB tại Mỹ.

Ngày 21/2/1994, Ames bị FBI bắt giữ tại Arlington đã gây ra một vụ bê bối ở Mỹ. Người Mỹ từng tin rằng tình báo đối ngoại của Nga đã bị đánh bại, và “người bạn Boris Eltsin” đã làm mọi cách có thể để Nga không thực hiện các hoạt động tình báo chống lại Mỹ. Khi Ames bị FBI bắt giữ, một phái đoàn lớn gồm đại diện của Bộ Ngoại giao Mỹ và các cơ quan đặc vụ đã bay tới Moscow.

Họ đệ đơn khiếu nại đến Nga về hoạt động của các điệp viên tình báo Nga tại Mỹ và yêu cầu rút nhân viên tình báo đối ngoại Alexandr Lysenco khỏi Washington. Thời điểm này, khi E.Primakov đi công tác, phó tướng đầu tiên của ông, Trubnikov đã gặp gỡ người Mỹ.

V.Trubnikov đã tự nhận trách nhiệm và trong các cuộc đàm phán với phái đoàn Mỹ đã nói với Mỹ rằng ông sẽ “phải chia tay” với người đứng đầu cơ quan CIA Mỹ tại Moscow James Morris. Phía Mỹ thực sự bị sốc trước tuyên bố của tướng Trubnikov vì họ tin rằng chỉ có Eltsin, người mà Washington có quan hệ tốt mới có thể đưa ra quyết định trục xuất nhân viên CIA.

Thực ra, Trubnikov là phó giám đốc Ban tình báo đối ngoại không có thẩm quyền gọi điện trực tiếp cho tổng thống, tuy đã vi phạm nghi thức hiện hành và gọi cho nguyên thủ quốc gia báo cáo về việc thông qua quyết định này. Boris Eltsin đã trả lời: “Giỏi lắm!”. Qua đó, Nga đã chứng minh với Mỹ rằng đã đến một thời kỳ mới và việc nói chuyện với Moscow với vị thế “bề trên” là không được.

Hải Yến (tổng hợp)
.
.