Những nhân vật đặc biệt trong lịch sử CIA

Thứ Ba, 09/04/2019, 18:49
Lịch sử hình thành và phát triển của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) được gắn liền với hai nhân vật khá đặc biệt. Cả hai đều có điểm chung là luôn mang trong mình những quan điểm chống cộng quyết liệt, thậm chí có thể nói là những nỗi ám ảnh mang tính chất bệnh hoạn.

Với tinh thần đó, họ đã làm mọi cách để tạo dựng và thúc đẩy CIA như một cơ quan đứng đầu trong mặt trận chống lại Liên Xô. Có lẽ vì những quan điểm cực đoan thái quá như vậy, số phận cuối cùng của cả hai đều chẳng tốt đẹp gì…

James Forrestal – Người sáng lập

CIA được hình thành giữa vô số những tranh cãi của các đại diện chính quyền tại Washington về sự cần thiết phải thành lập một cơ quan như vậy, trong bối cảnh diễn đàn thế giới tạm thời yên ắng sau những năm đẫm máu và kiệt quệ của Chiến tranh thế giới thứ hai.

James Forrestal.

Như cựu Bộ trưởng chiến tranh Henry Stimson đã kịch liệt phản đối việc thành lập CIA, điều theo như ông chẳng khác gì việc dựng lên thêm một cơ quan mật vụ liên bang nữa. Stimson cùng một số chính khách hàng đầu tại Washington đã tìm cách chứng minh không chỉ về nhu cầu không cần thiết của CIA, mà còn cảnh báo cơ quan này có thể bị lợi dụng cho những “trò bẩn thỉu” làm phá hỏng môi trường của một quốc gia vốn được họ coi là “dân chủ” như Mỹ.

Tuy nhiên, phe này đã gặp phải một sự đối đầu mạnh mẽ và quyết liệt hơn từ một nhóm các chính trị gia có ảnh hưởng từ cả hai đảng. Người đặt nền móng về khái niệm cho việc hình thành một cơ quan mới như CIA chính là George Kennan.

Một số nhà nghiên cứu của Mỹ cho rằng, nhân vật này chính là kiến trúc sư của hai quan điểm cơ bản của Chiến tranh Lạnh - đó là học thuyết Truman nhằm thúc đẩy một cuộc chiến tổng lực chống lại Chủ nghĩa cộng sản, tiếp đó là kế hoạch Marshall nhằm khôi phục lại ách nô dịch về tài chính-kinh tế của Mỹ tại châu Âu, vốn đã suy yếu đáng kể sau chiến tranh.

George Kennan - Người đặt nền móng tư tưởng cho việc hình thành CIA.

Những đề xuất về quan điểm của Kennan đã nhận được sự chú ý đặc biệt của một nhân vật có ảnh hưởng của đảng Dân chủ cầm quyền khi đó – Bộ trưởng Hải quân James Forrestal, người tập hợp quanh mình những quan chức ủng hộ cho ý tưởng thành lập một cơ quan tình báo tập trung nhằm đấu tranh một cách toàn diện với những kẻ thù chính của nước Mỹ, trong đó có cả chủ nghĩa cộng sản.

Forrestal trong con mắt của giới quan chức tại Washington vẫn được đánh giá là một chính trị gia có trình độ và cực kỳ năng nổ. Ông ta từng đích thân chỉ đạo cả ngành công nghiệp đóng tàu khổng lồ của nước Mỹ, tham gia kế hoạch giải ngũ và tinh giảm lực lượng hải quân và đặc biệt là soạn thảo cái gọi là “Đạo luật an ninh quốc gia” được thông qua vào năm 1947 nhằm chống lại chủ nghĩa cộng sản tại Liên Xô, trong đó đặc biệt tập trung nêu cao vai trò thành lập một cơ quan tình báo tập trung như CIA.

Forrestal cũng là nhân vật chủ chốt trong việc thống nhất lại Bộ Quốc phòng từ tất cả các quân binh chủng. Trên cương vị bộ trưởng thống nhất này, ông tiếp tục điều hành và thúc đẩy việc tập trung hóa các cơ quan tình báo mà CIA là đại diện hàng đầu. Forrestal không từ bỏ bất cứ nỗ lực nào nhằm đẩy mạnh và nâng cao vai trò của cơ quan mật vụ, thậm chí cả vận động tiền trực tiếp từ các ông chủ nhà băng tại Wall-Street, chi cho các chiến dịch đặc biệt chống lại cộng sản (điển hình trong đó có chiến dịch được tổ chức tại Italy).

Dù là người đứng đầu Bộ Quốc phòng, nhưng Forrestal lại coi tình báo chứ không phải quân đội là công cụ chính trong cuộc chiến chống lại phe XHCN do Liên Xô đứng đầu trên toàn thế giới.

Cùng chung quan điểm với ông là một người bạn lâu năm Allen Dulles, người chỉ vài năm sau trở thành giám đốc của CIA, đồng thời là một nhân vật có ảnh hưởng đặc biệt trên chính trường.

Cũng cần nói thêm, vào giai đoạn cầm quyền tại Bộ Quốc phòng của Forrestal, tình hình trên thế giới có những diễn biến đặc biệt phức tạp đối với Mỹ: chính quyền cộng sản lên cầm quyền tại Tiệp khắc và Trung Quốc, Tây Berlin bị phong tỏa, việc Israel tuyên bố độc lập làm thổi bùng cuộc chiến tại Trung Đông, nảy sinh những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến việc thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tất cả những điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình trạng sức khỏe của Forrestal, người luôn được đánh giá là một bộ trưởng luôn “cháy hết mình” trong công việc. Cuối tháng 3-1949, khi tình trạng bệnh tật đã trở nên nghiêm trọng, Forrestal buộc phải từ bỏ tất cả các trọng trách và được chuyển tới Trung tâm y tế hải quân quốc gia tại Bethesda.

Bác sĩ Wiliam Manninger, khi đó là một bác sĩ tâm thần nổi tiếng hàng đầu tại Mỹ, đã chẩn đoán vị bộ trưởng đang mắc chứng rối loạn tâm thần nghiêm trọng. Chỉ vài ngày sau, ông gieo mình xuống đất từ tầng 6 tòa nhà bệnh viện. Các nhân chứng khẳng định, Forrestal đã bị tác động mạnh vì tình hình đáng lo ngại tại châu Âu khi đó. Ngay trước khi qua đời, ông ta còn không ngừng lặp lại những câu vô nghĩa như: “Người Nga đang tới… Họ ở khắp mọi nơi. Tôi đã nhìn thấy những người lính Nga”.

Frank Wisner – Cha đẻ của những chiến dịch bí mật

Còn phải kể tới một nhân vật đặc biệt nữa, cũng được đánh giá là “cha đẻ” của tình báo chính trị Mỹ là Frank Wisner. Vốn là người sùng bái các tư tưởng của Kennan và thân cận với Forrestal, Wisner đã dồn nhiều nỗ lực cho hàng loạt các chiến dịch phiêu lưu của tình báo Mỹ.

Frank Wisner.

Không phải ngẫu nhiên vào ngày 18-6-1948, khi Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ thông qua chỉ thị bí mật 10/2 nhằm phê chuẩn các kế hoạch đặc biệt chống lại chủ nghĩa cộng sản, Wisner đã được tín nhiệm giao trọng trách là người lập kế hoạch và tiến hành cuộc chiến bí mật trên.

Cũng phải nói thêm, trong những năm đầu tiên sau khi CIA thành lập, chính quyền Washington vẫn chưa thể thống nhất được về việc, liệu cơ quan tình báo mới được thành lập này có được tham gia vào những “chiến dịch bẩn thỉu” hay chỉ hạn chế trong việc thu thập và phân tích thông tin tình báo.

Có một vài quan chức cao cấp tình báo Mỹ ủng hộ quan điểm thứ hai, trong đó có một trong những giám đốc CIA đầu tiên, chuẩn đô đốc Roscoe Hillenkoetter. Một quan chức lãnh đạo khác của CIA, tướng Bedell Smith cũng cảnh báo rằng, việc dính líu vào những chiến dịch bí mật sẽ làm giới lãnh đạo tình báo tốn nhiều thời gian để chuẩn bị và thực hiện, khiến họ lơ là nhiệm vụ hàng đầu là phân tích tổng hợp thông tin. Tuy vậy, quan điểm của phe cực đoan cuối cùng vẫn thắng thế.

Để tiến hành cuộc chiến bí mật, một bộ phận mới được thành lập ngay trong nội bộ CIA với tên gọi rất đơn giản – Cục phối hợp chính sách. Người đứng đầu bộ phận này không ai khác chính là Wisner. Trách nhiệm của ông ta trên danh nghĩa luôn phải phối hợp với các chiến dịch trong tương lai của Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao.

Wisner với sự ủng hộ từ phía giới chức quân sự đứng đầu là Forrestal đã rất sốt sắng bắt tay vào công việc. Ông ta công khai tuyên bố, sứ mạng chính của mình là “giải phóng châu Âu khỏi sự kiểm soát của cộng sản” và “đẩy lùi chính quyền Xôviết trở về các ranh giới trước kia của nước Nga”.

Theo Tom Weiner, một chuyên gia nghiên cứu lịch sử tình báo Mỹ, Wisner là một kẻ nghiện rượu, nhưng đồng thời cũng có khả năng làm việc đặc biệt. Dưới sự bảo trợ và ủng hộ của các nhân vật có ảnh hưởng như Forrestal, Kennan và sau đó là Allen Dulles, Wisner đã liên tục triển khai nhiều chiến dịch đặc biệt, không hiếm khi đẩy cả thế giới tới nguy cơ thảm họa toàn cầu.

Ngay những năm đầu tiên, Wisner đã triển khai một loạt các hành động khiêu khích đặc biệt mạo hiểm.

Chẳng hạn như các điệp viên Mỹ tại khu vực do Liên Xô kiểm soát tại Đức đã tổ chức nhiều hoạt động quy mô gây bất ổn tại Berlin; hàng ngàn người di cư từ Liên Xô, các nước Đông Âu, Trung Quốc và Triều Tiên được huấn luyện và trang bị vũ khí, trước khi tung trở lại quê hương để hoạt động chống phá; triển khai nhiều kho vũ khí bí mật tại các nước châu Âu và Trung Đông để sẵn sàng cho mục đích phá hoại, nổi dậy sau này…

Có điều phần lớn các kế hoạch trên đều thất bại, dù ngân sách của nước Mỹ phải đổ vào đó không ít. Như theo tướng Bedell Smith, Wisner đã chi tiêu nhiều gấp 3 lần so với tất cả những hoạt động tình báo còn lại. 

Những thất bại ban đầu không khiến Wisner phải chùn chân. Ông ta tiếp tục tuyển mộ, huấn luyện hàng trăm các chuyên gia từ Mỹ và nhiều nước khác để phục vụ cho các mục đích của mình.

Wisner cũng chính là một trong những cha đẻ của sáng kiến tiến hành một cuộc chiến tranh tâm lý toàn diện chống Liên Xô và các nước đồng minh. Với mục tiêu này, ngoài hàng loạt các công cụ báo chí và truyền đơn, CIA còn dựng lên “Đài phát thanh châu Âu tự do” có công suất lớn phát bằng tất cả những thứ tiếng của các quốc gia đối địch.

Nhưng hoạt động đặc biệt sôi động của Wisner phải bắt đầu từ những năm 1950, dưới thời của Tổng thống phe Cộng hòa Dwight Eisenhower và ngay tại CIA khi đó là người bạn thân Allen Dulles. Đây là giai đoạn của hàng loạt những chiến dịch do CIA triển khai tại tây bán cầu.

Theo đó, chiến dịch thành công nhất do đích thân Wisner điều hành chính là vụ lật đổ tổng thống Arbenz “không hợp khẩu vị” với Washington tại Guatemala vào năm 1954. Một thành công khác trong cuộc chiến bí mật của Wisner là vụ đảo chính tại Iran năm 1953 cùng với sự hậu thuẫn của nước Anh nhằm lật đổ thủ tướng Mosaddegh, người đã “cả gan” giành lại quyền kiểm soát ngành khai thác dầu mỏ khỏi tay phương Tây.

Tính ra chỉ trong 5 năm dưới sự “đỡ đầu” của Dulles, Wisner đã tiến hành hơn 200 chiến dịch bí mật ở nước ngoài, chủ yếu là can thiệp vào các tiến trình chính trị tại các quốc gia độc lập. Nhưng đến nửa cuối của những năm 1950, những chiến dịch lớn của Wisner về cơ bản đều gặp thất bại. 

CIA đã bất lực trước sự lan rộng của phe XHCN sau sự kiện năm 1956 tại Hungary; thất bại trong việc gây dựng các chế độ thân Mỹ tại những quốc gia chủ chốt ở Trung Đông như Ai Cập, Syria và Iraq; cũng như không kịp ngăn ngừa sự chuyển hướng sang thân Moscow của nhà lãnh đạo Sukarno tại Indonesia.

Chính thất bại tại Indonesia được đánh giá là “giọt nước tràn ly” đối với sức khỏe của Wisner. Ông ta bị chẩn đoán mắc chứng điên loạn tâm lý, thường xuyên phải có mặt ở bệnh viện hơn là tại CIA. Tất cả các bác sĩ thần kinh hàng đầu, những loại thuốc mới nhất, thậm chí cả giải pháp sử dụng sốc điện cũng không thể cải thiện tình hình. Cực chẳng đã, giới lãnh đạo đã cử Wisner đi công tác dài hạn tại London, thực chất là một hình thức giúp cho ông ta có thời gian nghỉ ngơi để giảm căng thẳng.

Tuy nhiên, tình trạng sức khỏe của “cha đẻ các chiến dịch bí mật” tiếp tục xấu đi. Bạn bè và đồng nghiệp thường xuyên phải nghe những phát biểu hoang tưởng của ông ta, bày tỏ sự quan tâm tới chủ nghĩa phát xít, đặc biệt là thiện cảm đối với Adolf Hitler. Wisner có một kết thúc bi kịch chẳng khác gì Forrestal. Vào năm 1962, khi mới 56 tuổi, ông ta đã tự sát sau một đợt phát bệnh nặng.

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.