Nữ điệp viên giúp quân Đồng minh chặn đứng chương trình tên lửa của Hitler (bài cuối)

Thứ Tư, 27/09/2017, 13:10
Bản báo cáo tình báo mà Jeannie Rousseau gửi về cho London được gọi tên là "Báo cáo Wachtel", được hoàn tất và chuyển về vào tháng 9-1943. Jeannie không hiểu gì về khoa học kỹ thuật, nhưng bà có thứ đặc biệt: Một bộ nhớ cực tốt, có khả năng ghi nhớ mọi thứ chỉ qua một lần tiếp xúc, như một chiếc máy điện tử.


Bài cuối: Trở về từ cõi chết

Bản báo cáo tình báo mà Jeannie Rousseau gửi về cho London được gọi tên là "Báo cáo Wachtel", được hoàn tất và chuyển về vào tháng 9-1943. Jeannie không hiểu gì về khoa học kỹ thuật, nhưng bà có thứ đặc biệt: Một bộ nhớ cực tốt, có khả năng ghi nhớ mọi thứ chỉ qua một lần tiếp xúc, như một chiếc máy điện tử.

Báo cáo xác định người sĩ quan phụ trách chương trình tên lửa của Đức là Đại tá Max Wachtel; cung cấp các chi tiết chính xác về hoạt động tại khu thử nghiệm tên lửa Peenemunde trên bờ biển Baltic. Báo cáo cũng cung cấp thông tin đầy đủ về các địa điểm dự kiến làm bãi phóng tên lửa tấn công nằm dọc ven biển từ vùng Brittany đến Hà Lan.

Nội dung bản báo cáo tình báo đã được ghi chép lại đầy đủ trong quyển sách nhan đề "The Wizard War" của tác giả Reginald V. Jones, sếp tình báo khoa học của Anh trong Chiến tranh thế giới lần II. Một đoạn báo cáo ghi như sau: "Có vẻ như việc phát triển quả bom kiểu mới đã đạt đến giai đoạn cuối. Quả bom này được cho là có thể tích 10 mét khối và chứa đầy chất nổ. Nó sẽ được phóng gần như thẳng đứng để đạt độ cao ở tầng khí quyển bình lưu khoảng thời gian ngắn nhất có thể... tốc độ ban đầu được duy trì bởi việc kích nổ liên tục... Các vụ thử đã cho kết quả xuất sắc... Và Hitler đã nói đến việc sử dụng chúng để làm thay đổi cục diện chiến tranh". Theo bản báo cáo, ước tính khoảng từ 50 đến 100 quả bom là có thể đủ để hủy diệt thành London.

Jeannie và chồng, Henri de Clarens.

Jeannie băn khoăn không biết các quan chức cao cấp ở Anh có nhận được thông tin tình báo của bà hay không, hoặc nếu có nhận được thì liệu họ có hiểu được tầm quan trọng của nó hay không. Nhưng đấy là Jeannie quá lo xa.

Ngay khi nhận được bản báo cáo tình báo của Jeannie do Lamarque chuyển về, Jones - sếp tình báo khoa học lập tức nhận ra tính chất phức tạp của thứ mà người "điệp viên vô danh" (tức Jeannie) đã phát hiện, do đó, chỉ vài ngày sau bản báo cáo đã được đặt trên bàn làm việc của Thủ tướng Anh Winston Churchill. Bản báo cáo đã góp phần làm gia tăng tính thuyết phục của thông tin tình báo về chương trình tên lửa V-1 và V-2 của Đức, từ đó thuyết phục quân Đồng minh ném bom cơ sở tên lửa ở Peenermunde và chuẩn bị các phương án để đối phó các mối đe dọa từ Đức.

Thế là các báo cáo tình báo của Jeannie tiếp tục được gửi về London đều đặn. Bước vào năm 1944, thêm nhiều chi tiết mới về chương trình tên lửa ở Peenemunde được Jeannie thu thập và gửi về London. Cùng với đoàn các nhà công thương nghiệp Pháp, cô bắt đầu đi sâu vào trong lòng nước Đức, báo cáo về cho London chính xác những gì cô thấy và nghe được.

Người Anh rất ấn tượng với thông tin báo cáo của Jeannie, đến nỗi vào mùa xuân năm 1944, họ quyết định điều cô sang London để trực tiếp báo cáo cho lãnh đạo. Một cuộc không vận được tổ chức để "đón rước" Jeannie nhưng bất thành vì trời hôm ấy không trăng nên viên phi công không thể điều khiển máy bay vào ban đêm, vì thế phương án đi bằng đường biển được triển khai ngay trước khi diễn ra cuộc đổ bộ D-Day ở Normandy.

Tên lửa V-2 tại một bãi phóng tên lửa của phát xít Đức.

Địa điểm xuất phát là thị trấn ven biển Treguier ở Brittany. Thế nhưng, người điệp viên Pháp lĩnh nhiệm vụ dẫn đường để mọi người vượt qua bãi mìn đến điểm xuất hành đã bị lính Đức bắt, vì thế chuyến đi phải hủy. Jeannie đến điểm hẹn trước tiên và phát hiện ngôi nhà điểm hẹn đã bị lính Đức bao vây.

Cô liều mạng cảnh báo cho các điệp viên Pháp khác biết để tránh cho họ bị rơi vào bẫy, nhưng rốt cuộc 4 người đã bị bắt, trong đó có Jeannie. Bọn Đức ngay sau đó đưa cô đến giam tại nhà tù ở Rennes, nơi cô từng bị bắt giam vào năm 1940. Lần này, giấy tờ thể hiện cô tên là Madeleine Chaufeur. Đáng ngạc nhiên là không ai ở nhà tù này nhận ra cô gái mà cách đấy 4 năm họ từng giam giữ và thả ra.

Jeannie la hét, kêu gào mình vô tội với bất cứ ai chịu nghe mình. Jeannie mang theo hơn hai chục đôi tất nilon định làm quà tặng cho các lãnh đạo tình báo khi cô gặp họ. Rơi vào tình huống này, cô nảy ra ý bảo với bọn lính Đức rằng, cô chỉ là người mang tất đi bán chợ đen, tình cờ đi chung với đoàn người bị bắt, chứ không có tội tình gì. Thật may, cuộc thẩm cung diễn ra chóng vánh, và Jeannie được chuyển đến tạm giam ở một nhà tù lớn hơn ở ngoại ô Paris trước khi được chuyển đến trại tập trung dành cho nữ tù Ravensbruck.

Ngày 15-4-1944, Jeannie được chuyển đến Ravensbruck. Hồ sơ của lính Đức ghi "có bằng chứng tham gia một đường dây gián điệp". Jeannie lại chơi trò "mèo vờn chuột". Khi bọn Gestapo hỏi tên họ, Jeannie khai tên thật là Jeannie Rousseau. Tuy nhiên, bọn cai ngục phát xít tỏ ra mù mờ, không đối chiếu thông tin tù nhân với hồ sơ tiền án. Trại tập trung là một nơi cực kỳ tồi tệ.

Một số tù nhân đã bị giam cầm ở đây hơn một năm, và một số người trong tình trạng dở sống dở chết. Jeannie hạ quyết tâm: người mới đến có nhiệm vụ mang lại hy vọng sống cho những người đang dở sống dở chết ấy. Thế là Jeannie cùng với hai người bạn Pháp cùng là kháng chiến quân là nữ bá tước Germaine de Renty và đảng viên Cộng sản Marinette Curateau cùng nhau phản kháng, không làm những việc ủng hộ guồng máy phát xít. Nếu bị chuyển đến trại lao động, họ sẽ tổ chức phản đối.

Bà Jeannie de Clarens bên cạnh ông Reginald V. Jones khi nhận Huy chương R.V. Jones Intelligence Award.

Jeannie cùng 500 phụ nữ Pháp khác bị chuyển đến trại lao động ở Torgau và bị ép tham gia sản xuất đạn dược. Và Jeannie thực hiện đúng như đã cam kết, từ chối làm việc. Jeannie đến gặp tên trưởng trại, đó là một gã đàn ông Đức có khuôn mặt núng nính, và xổ một tràng tiếng Đức hoàn hảo với hắn. Jeannie lập luận rằng, đám người phụ nữ này là tù nhân chiến tranh, mà theo Công ước Geneva, Gestapo không có quyền ép buộc họ sản xuất đạn dược. Các nữ tù nhân khác cũng theo gương Jeannie, ùn ùn phản đối, không chịu làm việc. Đó là một hành động phản đối điên rồ, nhưng nhờ thế mà nó đã giúp nâng cao tinh thần đấu tranh của các tù nhân trong trại.

Sau vụ phản đối, Jeannie bị đưa trở lại trại tập trung Ravensbruck để khảo cung. Jeannie chắc mẩm "lần này  chết thật rồi". Tuy nhiên, bọn Đức đã không thể tìm thấy hồ sơ giấy tờ nào mang tên Jeannie Rousseau - bởi có đâu mà tìm. Nhưng bọn Gestapo lại kết luận rằng, cho dù là ai thì cô cũng là một "kẻ gây rối". Vì thế, bất kể là có giấy tờ hay không, bọn chúng vẫn chuyển Jeannie và hai người bạn (Germaine de Renty và Marinette Curateau) đến trại trừng phạt Konigsberg ở miền Đông nước Đức.

Đó là một nơi vô cùng tồi tệ. Những người phụ nữ phải làm việc ở ngoài trời trong điều kiện tuyết rơi lạnh giá. Họ phải khuân và đổ đá, sỏi để xây dựng đường băng cất - hạ cánh máy bay. Khi màn đêm buông xuống, họ mới được lê bước trong trời lạnh buốt trở về trại để dùng bát súp loãng. Jeannie quả quyết rằng, các tù nhân ở đây sẽ có nhiều cơ hội sống sót hơn nếu những người ở bên ngoài biết họ còn sống.

Vì thế, Jeannie tổ chức vận động sự đồng thuận chung trong cả trại, thu thập họ tên của hơn 400 nữ tù nhân rồi viết chúng lên những mảnh giấy nhỏ để tuồn qua hàng rào kẽm gai cho các tù nhân ở trại giam kế bên. Rồi bằng cách nào đó, các nam tù nhân Pháp đã chuyển những mảnh giấy ghi tên nữ tù nhân đến được Hội Chữ thập đỏ Quốc tế ở Thụy Sĩ.

Bị hành hạ dã man, tình trạng sức khỏe của Jeannie ngày càng sa sút. Mùa đông 1944-1945, bọn Đức đã dùng vòi nước phun ướt cả người các nữ tù nhân vào mỗi buổi sáng, sau đó bắt họ đứng trần truồng bên ngoài trời giá rét cho đến khi chịu hết nổi mới cho vào bên trong. Jeannie biết rằng, nếu tiếp tục ở lại trại Konigsberg, bà sẽ không sống sót nổi. Thế là bà nảy ra một kế hoạch trốn trại kỳ lạ.

Do bị hành hạ trong giá rét nên một số nữ tù nhân bị bệnh sốt thương hàn. Bọn Đức lấy xe tải chở họ đến các phòng hơi ngạt ở trại Ravensbruck để thủ tiêu họ. Jeannie và hai người bạn Pháp đã trốn vào trong xe tải để đi hai ngày đường mà không có gì ăn.

Khi chiếc xe tải đến cổng trại Ravensbruck, nó dừng lại ít phút trước khi lăn bánh đến các phòng hơi ngạt. Jeannie và hai người bạn lợi dụng lúc tên lính gác cổng quay đi chỗ khác đã lẻn ra khỏi chiếc xe. Khi đã vào được bên trong, cả ba lại gặp rắc rối. Do trốn vào trại, không có số tù nên không được phát khẩu phần ăn, Jeannie và hai người bạn lại phải đi từ khu Pháp đến khu Ba Lan để xin ăn nhờ các tù nhân. Bị phát hiện, Jeannie và hai người bạn bị tra tấn dã man.

Khi cơ hội sống sót của Jeannie cạn dần, một ngày kia một phái đoàn Chữ thập đỏ Quốc tế đến thăm trại Ravensbruck. Một quan chức người Thụy Sĩ đọc to danh sách tù nhân được thả vì lý do nhân đạo. Từ buồng giam của mình, Jeannie lắng tai và nghe gọi tên mình. Bà chạy ngay đến cửa buồng giam để đáp lại lời gọi nhưng bọn gác ngục ra sức ngăn bà lại. Khi đoàn Chữ thập đỏ Quốc tế đi rồi, Jeannie biết rằng bà chỉ còn sống sót được vài tuần nữa thôi. Nhưng số phận đã ban cho Jeannie cơ hội thứ hai.

Vài ngày sau, một phái đoàn Chữ thập đỏ Thụy Điển lại đến thăm trại. Lại một danh sách tù nhân được đọc lên. Jeannie lại bị giam hãm, không cho tiếp cận phái đoàn Chữ thập đỏ. Lần này, bất chấp bệnh tật và sức khỏe yếu, Jeannie thu hết sức lực, la hét, gào thét dữ dội khiến bọn gác ngục phát hoảng và buông bà ra. Thế là Jeannie chạy theo phái đoàn Chử thập đỏ để thoát thân. Jeannie được dẫn ra khỏi khu trại tập trung, được đưa lên một chiếc xe buýt để đi đến biên giới Đan Mạch, rồi từ đó lên một chuyến tàu hỏa để đến Copenhagen, thủ đô Đan Mạch.

Khi đến nơi an toàn rồi, Jeannie đổ ụp xuống vì kiệt sức. Việc đầu tiên Jeannie yêu cầu các bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho bà là đánh điện báo cho cha mẹ biết bà còn sống. Jeannie được các bác sĩ mổ để điều trị căn bệnh lao phổi, và phải trải qua thời gian dài hồi phục tại một khu điều dưỡng trên vùng núi của nước Pháp.

Tại đó, định mệnh lại đến với Jeannie: bà gặp gỡ Henri de Clarens, người cũng vừa sống sót qua hai trại tập trung khủng khiếp là Buchenwald và Auschwitz. Hai người sau đó kết hôn, thành vợ chồng. Jeannie đã nỗ lực rất nhiều để trở lại với cuộc sống sau chiến tranh. Bà xin vào làm phiên dịch cho cơ quan Liên Hiệp Quốc và một số tổ chức quốc tế khác.

Với những công trạng trong chiến tranh, năm 1955, Jeannie được Chính phủ Pháp tặng thưởng Bắc đẩu bội tinh và gia nhập Quân đoàn danh dự của nước Pháp, đến năm 2009 được thăng lên cấp Đại sĩ quan (bậc 4 trên 5 bậc của Bắc đẩu bội tinh). Tiếp sau đó, bà tiếp tục được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến và Huân chương Thập tự chinh. Ngoài ra, bà còn được Cục Tình báo trung ương Mỹ tặng thưởng các huân, huy chương Seal và R.V. Jones Intelligence Award dành cho những điệp viên có thành tích tình báo xuất sắc.

Jeannie Rousseau de Clarens vừa qua đời ngày 23-8-2017 tại Montaigu, Nantes, Pháp, thọ 98 tuổi.

Nguyên Khang (theo Washington Post)
.
.