Sự thực về người hùng Do Thái là gián điệp Anh
Nhân vật này đã phản bội cộng đồng người Do Thái từ trước khi Israel được thành lập vào năm 1948. Kollek đã từng là một nguồn tin quan trọng của MI-5 (với mật danh "The Scorpion”) vào thời điểm chính quyền Anh đang cai quản vùng đất Palestine theo sự ủy trị của Liên Hợp Quốc.
Thông tin về quá khứ bí mật của Kollek đã được Ronen Bergman, một phóng viên điều tra của tờ Yedioth Ahronoth phát hiện được trong kho tài liệu của Cơ quan lưu trữ quốc gia Anh. “Nội dung tất cả những tài liệu trên đã cho thấy, ông ta đã cộng tác rất chặt chẽ với tình báo Anh trong suốt nhiều năm: Từ 1943 cho tới 1947” – Bergman đã khẳng định với giới phóng viên Anh như vậy.
Teddy Kollek. |
Chưa có những bằng chứng rõ ràng cho thấy, những thông tin được Kollek trao cho người Anh dẫn tới cái chết của một người nào đó. Tuy nhiên, có một sự thực không thể chối cãi là những thông tin này đã khiến cho hàng chục nhà hoạt động Do Thái bị bắt giữ và bị giam trong tù rất lâu sau đó.
Điều này đã khiến người dân Do Thái bị sốc thực sự khi biết được những việc đã làm trong quá khứ của Kollek, người từng được coi là một trong những tượng đài sừng sững trong lịch sử Israel. Bản thân quá khứ của Kollek chỉ được phát hiện sau cái chết của ông ta một vài tháng - Kollek qua đời hồi tháng Giêng năm 2007 ở tuổi 95 – cũng gây ra không ít tranh cãi trong công luận Israel.
Theo nhận định chung, quyết định của Kollek hợp tác với cơ quan tình báo Anh đã được ông ta đưa ra trong giai đoạn có nhiều bất đồng sâu sắc trong hàng ngũ những người Do Thái, khi đó đang đấu tranh nhằm xây dựng một nhà nước riêng của mình.
Trong khi những hành động không nhất quán từ đội quân chiếm đóng Anh đối với chủ nghĩa phục quốc Do Thái đã gây ra nhiều bất bình, khiến nhiều nhóm Do Thái cực đoan đã áp dụng cả chiến thuật khủng bố trong hoạt động của mình.
Kollek (bìa trái) và một đồng nghiệp trong lần gặp tại châu Âu. |
Còn Kollek, đại diện cho một tổ chức có xu hướng phục quốc ôn hòa hơn (còn gọi là Jewish Agency), đã theo đuổi mục tiêu vô hiệu hóa hoạt động của những kẻ cực đoan trong việc tổ chức những vụ đánh bom hay ám sát.
Vào tháng 8/1945, Kollek - trên thực tế là người đứng đầu mạng lưới tình báo của Jewish Agency - đã trao cho người Anh thông tin về một trại huấn luyện ở Shula của nhóm Do thái cực đoan Irgun. Quân Anh sau đó đã tổ chức một vài đợt tấn công vào Shula, khi đó được coi là trung tâm của chủ nghĩa phục quốc Do Thái cực đoan.
Một tài liệu của MI-5 đã kể về “những kết quả cực kỳ thành công” của một cuộc tấn công này, trong đó người Anh đã bắt được 27 kẻ tình nghi. Cha của cựu Bộ trưởng nhập cư Ze'ev Boim cũng từng là một đối tượng nằm trong số 27 người bị bắt khi đó. Một số cựu thành viên khác của Irgun cũng cảm thấy bị sốc sau khi biết được quá khứ của Kollek, cho dù họ khẳng định rất hài lòng vì sự thực đã được làm rõ.
“Dù phải mất rất nhiều năm, nhưng sự thực đã được đưa ra ánh sáng” – đó là phát biểu của Mordechai Tzipori, cựu chỉ huy một thời của tổ chức Irgun. Hồi năm 1944, Tzipori cùng hàng trăm nhà hoạt động Do Thái khác đã bị người Anh đày sang tận châu Phi. Ông ta đã phải ở tại nơi này suốt 4 năm và chỉ được phép trở về sau khi Israel được thành lập.
Tài liệu của MI-5 còn cho thấy, Kollek còn giúp đỡ người Anh trong một số nỗ lực bất thành nhằm bắt giữ Menachem Begin, người từng lãnh đạo Irgun trong giai đoạn 1944-1948 và về sau trở thành thủ tướng Israel.
Còn nhớ khi Kollek qua đời vào tháng Giêng năm 2007, đã có vô số những lời chia buồn được gửi đến từ khắp nơi trên thế giới. Trước đó, người Do Thái vẫn hết sức khâm phục và ngưỡng mộ ông này vì những đóng góp trong việc khai sinh nhà nước Do Thái cũng như những thành công của ông trong suốt 28 năm trên cương vị thị trưởng Jerusalem.
Kollek đã phấn đấu rất nhiều trong việc bảo vệ và phát triển Jerusalem với hy vọng biến thành phố này trở thành thủ đô của Israel. Trên thực tế, Kollek đã nắm cương vị thị trưởng Jerusalem trong giai đoạn từ 1969-1993, trước khi thất bại trong một lần tranh cử với Ehud Olmert (cựu Thủ tướng Israel).
Theo lời nhà báo Bergman, rất có thể còn nhiều phát hiện mới trong cuộc đời của Kollek sẽ được tiết lộ sau khi MI-5 giải mật và công bố nốt những tài liệu còn lại. Ngay khi số tài liệu trên về hoạt động của MI-5 được người Anh giải mật, Đại sứ quán Israel tại London đã đặc biệt quan tâm tới hồ sơ số 66968 với nội dung nói về việc hợp tác của Kollek với MI-5. Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Israel đã yêu cầu phía Anh trì hoãn việc công khai số hồ sơ liên quan tới Kollek cho tới khi ông này qua đời.