Biệt kích Israel và chiến dịch Entebbe: Sự trở mặt của “ông bạn cánh hẩu” (bài 2)

Thứ Tư, 11/05/2016, 09:10
Vì sao ông bạn cánh hẩu của Israel lại trở mặt? Số là khi bị Amin lật đổ, Tổng thống Milton Obote được Nyerere, Tổng thống Tanzania cho hưởng quy chế tị nạn cùng với 20.000 người Uganda khác.

Khi Tổng thống Amin lật kèo

Sinh năm 1923, thuộc chủng tộc Kakwa theo đạo Hồi ở Koboko, tây bắc Uganda, năm 1946 Amin gia nhập quân đội Anh rồi sau đó trở thành Trung tướng Tổng tư lệnh quân đội Uganda. Ngày 1-7-1971, Amin làm đảo chính quân sự, lật đổ Tổng thống Milton Obote và tự xưng là “tổng thống Uganda suốt đời”. Trong suốt 8 năm cầm quyền, Amin cai trị Uganda bằng chính sách tàn bạo và khắc nghiệt.

Tổng thống Amin với khẩu súng chống tăng ở sân bay Entebbe.

Theo cáo buộc của Tổ chức  Ân xá quốc tế, Amin đã trực tiếp ra lệnh giết hại hơn 400.000 người Uganda, trong đó có khoảng 300.000 người mà ông ta cho là “thành phần đối lập”. Vì chế độ của Milton Obote có khuynh hướng thân Liên Xô nên cuộc đảo chính của Amin được nhiều nước phương Tây ủng hộ, kể cả Israel.

Các cố vấn quân sự Israel trực tiếp huấn luyện cho quân đội Uganda kỹ thuật chiến đấu, cách sử dụng pháo binh, cách vận hành xe tăng, máy bay…, đồng thời viện trợ cho Uganda nhiều thiết bị, khí tài.

Thế nên, khi các tin tức cho biết chiếc Airbus số hiệu 319 đã đáp xuống sân bay Entebbe, Uganda, “Ủy ban các tình huống khẩn cấp” Israel hy vọng qua mối quan hệ hữu hảo với Tổng thống Amin, cuộc khủng hoảng con tin sẽ được giải quyết trong êm thấm. Bên cạnh đó, Ủy ban còn triệu tập một cựu sĩ quan thuộc Lực lượng Quốc phòng Israel (IDF) là Trung tá Baruch Burka Bar-Lev, người được xem rất thân tình với Tổng thống Amin nhằm tác động Amin ủng hộ Israel bằng cách bắt giữ những tên không tặc.

Để tăng thêm hiệu quả, Chính phủ Israel cũng nhờ Chính phủ Mỹ gửi một thông điệp đến Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat, đề nghị Sadat thuyết phục Amin trong việc giải phóng con tin.

Báo cáo của Cơ quan tình báo Mossad, Israel xác định: Wadia Hadad, kẻ vạch kế hoạch cướp chiếc máy bay số hiệu 319 đã cử người sang Uganda từ hàng tuần lễ trước khi vụ không tặc diễn ra, còn kẻ trực tiếp thực hiện là Abuds Lahmu Jabel, nằm trong nhóm 58 hành khách lên chiếc Airbus 319 khi nó quá cảnh tại Athes, Hy Lạp..

Lúc này, tại sân bay Entebbe, nhóm không tặc được sự tiếp tay của 4 thành viên PFLP đến đây từ trước theo lệnh của Wadia Hadad. Tin tình báo cho biết  quân đội Uganda đã đưa 4 tên khủng bố đến tận cửa máy bay để chúng phối hợp với bọn ở trên máy bay khống chế hành khách.

Vài giờ sau đó, lại có thêm 5 thành viên PFLP đi đường bộ từ Somali đến sân bay Entebbe mà không gặp bất kỳ sự ngăn cản nào, nâng tổng số lên 13 tên.

Chưa hết, đích thân Tổng thống Amin cũng xuất hiện tại sân bay Entebbe và thay vì thuyết phục bọn không tặc trả tự do cho các con tin hoặc bắt giữ chúng thì Amin lại ngỏ lời hân hoan chào đón bọn chúng và tuyên bố sẽ làm trung gian giữa Chính phủ Israel với PFLP! Bên cạnh đó, ông ta còn cho phép bọn không tặc sử dụng một nhà ga vốn được dùng làm nơi tạm nghỉ cho hành khách quá cảnh để giam giữ những người bị bắt.

Vì sao ông bạn cánh hẩu của Israel lại trở mặt? Số là khi bị Amin lật đổ, Tổng thống Milton Obote được Nyerere, Tổng thống Tanzania cho hưởng quy chế tị nạn cùng với 20.000 người Uganda khác.

Điên tiết trước chuyện ấy, cộng với một số quân nhân Uganda nổi loạn, chạy sang Tanzania rồi tuyên bố thành lập “Mặt trận dân tộc giải phóng Uganda” nên Amin cầu cứu Israel nhưng lo ngại trước những phản ứng của cộng đồng quốc tế, Israel từ chối. Không lâu trước khi xảy ra vụ PFLP cướp chiếc máy bay Airbus 319, Amin ra lệnh trục xuất tất cả mọi cố vấn Israel rồi quay sang làm bạn với nhà lãnh đạo Libya là Muammar Gaddafi và được Gaddafi gửi cho 25.000 quân cùng súng đạn để Amin tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Tanzania.

Thế nên, mọi hy vọng của “Ủy ban các tình huống khẩn cấp” Israel nhanh chóng biến thành nỗi thất vọng. Ngay cả khi Trung tá Baruch Burka Bar-Lev, người được xem như rất thân tình với Tổng thống Amin gọi điện thoại cho ông ta, cũng chỉ nhận được những lời hứa hẹn hờ hững.

Các tài liệu giải mật của Cơ quan tình báo Israel Mossad sau này cho thấy theo đề nghị của Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat, ông Yasser Arafat, Chủ tịch Tổ chức giải phóng Palestin PLO đã cử trợ lý chính trị của mình là ông Hani al-Hassan đến Uganda gặp gỡ Tổng thống Amin và bọn không tặc nhưng theo chỉ đạo của PFLP, bọn không tặc từ chối tiếp xúc với Hani al-Hassan.

Con tin kẻ khóc người cười

4 giờ chiều ngày 28-6, Abuds Lahmu Jabel, kẻ cầm đầu vụ không tặc chính thức lên tiếng trên Đài Phát thanh Uganda. Ngoài số tiền chuộc 5 triệu USD, Jabel còn yêu cầu Chính phủ Israel, Chính phủ CHLB Đức phải thả 40 tù nhân là những chiến binh PFLP cùng 13 người là cảm tình viên của PFLP, đang bị hai quốc gia này giam giữ. Nếu đến hết ngày 30-6 mà những yêu cầu trên không được đáp ứng thì bắt đầu từ ngày 1-7, Jabel sẽ lần lượt hành quyết các con tin người Israel.

Sân bay Entebbe, Uganda, nơi bọn không tặc giam giữ con tin.

Trước đó, ngày 29, với sự trợ giúp của binh lính Uganda, những tên không tặc lùa tất cả con tin vào nhà ga dành cho khách quá cảnh rồi tiến hành phân loại công dân Israel. Theo con tin Michel Cojot Goldberg, có vẻ như lính Uganda ủng hộ bọn không tặc: “Chúng nói chuyện, đùa giỡn, mời nhau thuốc lá rất thân mật khiến tôi không khỏi nghĩ rằng hình như vụ cướp máy bay đã có sự bàn bạc giữa đôi bên từ trước”.

Bà Bose, một phụ nữ Israel nhưng mang quốc tịch Pháp kể: “Sau khi kiểm tra hộ chiếu, nhìn thấy những con số xăm trên cánh tay tôi, một tên khủng bố hỏi tôi hình xăm ấy có ý nghĩa gì. Tôi trả lời là do bố tôi xăm, kỷ niệm chuyện gì đó mà tôi không nhớ”, thật ra nó là mã số tù nhân mà bọn Đức Quốc xã xăm lên tay bà Bose khi bà mới chỉ 10 tuổi, ở trại tập trung Do Thái hồi Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhờ cách giải thích này mà bà Bose được bọn không tặc xem như người Pháp trong lúc một công dân Pháp chính hiệu là Monique Epstein thì lại bị xem là người Israel chỉ vì cái chữ… “Epstein”!

Monique Epstein kể: “Chúng khẳng định tôi là người Do Thái mặc dù tôi sinh ra, lớn lên ở Côte D’azur. Chúng bảo Epstein là họ của bọn Do Thái, giống như Einstein - nhà bác học thiên tài, cha đẻ của thuyết tương đối - cũng là dân Do Thái”. Một người khác - ông Jean-Jacques Mimouni, có hai quốc tịch, vừa Pháp vừa Israel. Khi bọn không tặc xua ông sang nhóm những người không phải là Israel thì ông tình nguyện ở lại. Ông kể: “Trong giây lát, tôi nghĩ đến những trại tập trung dưới thời Hitler. Tôi biết những người bị phân loại sẽ gặp khốn khó và tôi muốn chia sẻ với họ”.

Ngày 30-6, những tên không tặc đột ngột phóng thích 47 con tin - là những người không phải công dân Israel, chủ yếu gồm người già, bệnh tật, phụ nữ và trẻ em, trong đó có 33 công dân Pháp, 2 người Mỹ, 2 người Canada và một số người Do Thái nhưng quốc tịch lại là của một quốc gia khác. Bà Julie Aouizerat, một con tin người Algeria gốc Do Thái được phóng thích kể: “Đó là thời điểm khủng khiếp khi bọn không tặc đọc tên từng người. Có thể dễ dàng nhận ra ai là Israel qua các phụ âm tiếng Hebrew. Nó nhắc nhở chúng tôi nhớ về những trại tập trung của Đức Quốc xã, nơi người Do Thái phải vào phòng hơi ngạt”.

Tổng thống Amin đến thăm các con tin.

Khi nghe đọc tên, nhiều người mặt tái mét, một số phụ nữ, trẻ em rấm rứt khóc. Marius Michel, cũng là một con tin cho biết ông vô cùng sợ hãi khi chiếc Airbus 319 hạ cánh xuống sân bay Benghazi, Libya.

Ông nói: “Từ lâu, Muammar al Gaddafi, nhà lãnh đạo Libya đã coi Israel là kẻ thù không đội trời chung nhưng nỗi sợ hãi của tôi còn tăng lên gấp nhiều lần lúc máy bay đáp xuống Uganda vì cái tên Amin đồng nghĩa với Hitler”.  Thế nhưng, thái độ của Amin khi đến thăm họ  đã khiến họ ngạc nhiên.

Bà Aquizerat kể: “Ông ấy nói rất tiếc về những gì đã xảy ra và sẽ cố gắng dàn xếp với những tên không tặc để những người bệnh, người già, phụ nữ và trẻ em được phóng thích. Khi ông ấy vừa ra về, một nhóm phụ nữ Uganda đã mang bánh mì, chuối, cà phê, trứng và chăn mền cho chúng tôi. Lát sau, lại có thêm một bác sĩ cùng một y tá đến, hỏi xem ai cần phải khám bệnh”.

Ngay khi các con tin được trả tự do về đến Paris, tình báo Mossad, Israel lập tức tiếp cận họ và vài ngày sau đó, Mossad đã có một bức tranh toàn cảnh về vụ cướp máy bay. Một hành khách người Pháp gốc Do Thái, có kiến thức sâu về quân sự và một trí nhớ phi thường đã mô tả rất chi tiết về số lượng, chủng loại vũ khí của bọn không tặc.

Bên cạnh đó, các công ty Israel từng tham gia các dự án xây dựng ở Uganda vào những năm 1960, 1970 - trong đó có Công ty Solel Boneh - đã cung cấp cho Mossad toàn bộ sơ đồ thiết kế nhà ga quá cảnh ở sân bay Entebbe - là điều kiện cần và đủ nếu buộc phải tấn công giải cứu.

Thế nhưng, những diễn biến cho thấy hành động trung gian hoà giải lập lờ của Tổng thống Amin cũng chính là sự bảo đảm an toàn cho bọn khủng bố. Một cố vấn của Thủ tướng Yitzhak Rabin nhớ lại: “Chưa bao giờ Chính phủ Israel gặp phải một áp lực nặng nề như thế.

Trên tivi và nhiều tờ báo xuất bản tại Uganda, hình ảnh Tổng thống Amin cùng các tay súng PFLP mang theo vũ khí xuất hiện tại nơi giam giữ con tin. Thân nhân của các con tin yêu cầu Thủ tướng Yitzhak Rabin phải giải quyết vụ khủng hoảng bằng biện pháp hoà bình. Nước Pháp, chủ sở hữu của chiếc máy bay 319 không thể hiện lập trường cứng rắn. Ngay cả Hiệp hội Hàng không quốc tế cũng vậy, thay vì lên án mạnh mẽ thì thái độ của họ lại tỏ ra mềm yếu và không đáng tin cậy...”.

Nửa ngày 1-7 trôi qua nhưng không con tin nào bị hành quyết. Sự thất bại trong việc đàm phán với nhóm không tặc qua trung gian của Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat và Chủ tịch PLO Yasser Arafat được Israel giấu kín nhưng bề ngoài, để trấn an dư luận, Bộ Ngoại giao Israel vẫn lên tiếng đề nghị những nhà lãnh đạo một số cường quốc trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, quốc gia trung lập Thụy Sĩ, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kurt Waldheim can thiệp, yêu cầu Chính phủ Uganda thuyết phục nhóm không tặc, giải quyết vấn đề con tin trên lập trường nhân đạo dù họ biết trong vấn đề này, PFLP coi những lời khuyến cáo của Mỹ, Anh, Pháp và ông Kurt Waldheim chẳng có giá trị gì!

2 giờ 15 phút chiều ngày 1-7, Thủ tướng Yitzhak Rabin triệu tập phiên họp “Ủy ban về những tình huống khẩn cấp”.

Trong cuộc họp ấy, tất cả các thành viên đều đi đến thống nhất rằng khó mà thuyết phục Tổng thống Amin ngả về phía Israel trong lúc tính mạng con tin đang bị đe dọa từng giờ. Không còn cách lựa chọn nào khác, họ đồng ý về mặt nguyên tắc là tiến hành đàm phán với bọn không tặc bằng cách thông qua Tổng thống Amin, báo cho chúng biết Israel có thể trả tự do cho 40 tay súng PFLP đang bị giam trong các nhà tù để đổi lại việc PFLP phóng thích con tin.

(Về sau, khi các con tin đã được cứu thoát, một sĩ quan cao cấp của Mossad tiết lộ rằng việc đồng ý đàm phán chỉ mang tính chiến thuật nhằm thoả mãn yêu cầu của bọn không tặc, kéo dài thời gian để chuẩn bị cho một kế hoạch can thiệp bằng quân sự, và rất ít người trong “Ủy ban tình huống khẩn cấp” biết được điều này).

Tin “Chính phủ Israel đồng ý đàm phán với bọn khủng bố” truyền đi rất nhanh, từ Tel Aviv đến Paris rồi Entebbe. Đại sứ Pháp tại Uganda không một chút chậm trễ, lên xe chạy ngay vào sân bay Entebbe rồi qua những người lính gác, ông nhờ họ báo cho các con tin: “Israel đồng ý đàm phán rồi!”. Menahem, một con tin Israel kể: “Mọi người ôm lấy nhau, khóc nức nở hoặc cười như điên dại. Tất cả đều tin rằng chỉ nội ngày mai, họ sẽ được trở về nhà”.

(Còn tiếp)

Cao Trí (theo Flight 319 and Popular Front for the Liberation of Palestine)
.
.