Tesla và bản "hồ sơ Trung Quốc"

Thứ Ba, 11/05/2021, 10:41
Trung tuần tháng 4, mạng xã hội Trung Quốc dậy sóng với các đoạn băng ghi hình một phụ nữ tự nhận là khách hàng của Tesla đứng trên nóc một trong những chiếc xe của hãng này tại Triển lãm Ôtô Thượng Hải với chiếc áo phông có in dòng chữ “Hỏng phanh”.

Lực lượng an ninh đã lập tức vây quanh, sử dụng ô che chắn để ngăn mọi người quay phim, chụp ảnh cô gái và đăng lên mạng xã hội. Tuy nhiên, cô gái giận dữ giật những chiếc ô ném đi, đồng thời hét lớn: "Phanh xe Tesla bị lỗi". 

Người này đã livestream ngay tại triển lãm, sau đó tiến đến gian trưng bày của Tesla và vụ việc xảy ra. Cô gái cho biết phanh xe Model 3 của cô bị hỏng, suýt giết chết 4 thành viên gia đình cô trong một vụ tai nạn. Tesla đã phản bác các thông tin liên quan song mọi chuyện không dừng lại ở đó.

Đây không phải là khó khăn duy nhất với Tesla ở thời điểm hiện tại. Thậm chí, dư luận cho rằng hãng sản xuất ôtô điện hàng đầu thế giới có thể đang đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng quan hệ công chúng tồi tệ nhất ở Trung Quốc, một thị trường mà các nhà đầu tư coi là đặc biệt quan trọng đối với đà tăng trưởng của Tesla. 

Trước áp lực càng lớn khi trở thành tâm điểm chỉ trích của các hãng truyền thông và cơ quan quản lý Trung Quốc, Tesla được cho là đang tăng cường hợp tác với các cơ quan quản lý tại Đại lục và củng cố các mối quan hệ với chính phủ Bắc Kinh.

Việc Tesla thay đổi chiến lược theo hướng thúc đẩy tương tác hậu trường với các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh đánh dấu thay đổi so với quan điểm trước đây của doanh nghiệp, vốn dường như không quá coi trọng những thất bại tại thị trường lớn thứ hai của mình (sau Mỹ). 

Những thay đổi cũng diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tích cực “điều chỉnh” nhiều công ty tư nhân lớn và quyền lực, đặc biệt là các ông lớn công nghệ, do lo ngại nguy cơ thống trị tại thị trường này.

Người phụ nữ biểu tình trên nóc xe điện Tesla Model 3 tại Triển lãm Ôtô Thượng Hải hồi tháng 4-2019.

Tesla “quay xe”?

Theo thông lệ, các nhà quản lý Trung Quốc sẽ thảo luận chính sách và tiêu chuẩn trong ngành với các công ty địa phương và đa quốc gia, cũng như các hiệp hội và các tổ chức tư vấn. 

Việc tham gia các cuộc họp kiểu này đã thành điều bình thường với nhiều hãng công nghệ, song không giống như các đối thủ bao gồm Toyota Motor và General Motors, các lãnh đạo của Tesla hầu như vắng mặt trong các cuộc họp kín. 

Thay vào đó, các quan chức Tesla thường xuyên phát biểu tại các hội nghị cấp cao. Giám đốc điều hành (CEO) Tesla, tỷ phú Elon Musk cũng thường xuyên dùng Twitter để bình luận hoặc chỉ trích các cơ quan quản lý hoặc các quy tắc chặt chẽ của Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong những tuần qua, các giám đốc điều hành Tesla đã tham dự ít nhất 4 cuộc thảo luận về chính sách, với các chủ đề từ lưu trữ dữ liệu ôtô, công nghệ kết nối thông tin từ phương tiện đến hệ thống hạ tầng, tái chế xe và lượng khí thải carbon. 

Tại đó, theo giới chức, Tesla – công ty có trụ sở chính tại California và sản xuất mẫu xe sedan Model 3 cũng như xe thể thao đa dụng Model Y tại một nhà máy riêng ở Thượng Hải - không đưa ra cam kết cụ thể mà chỉ tham gia quá trình thảo luận.

Có nhiều dấu hiệu khác cho thấy Tesla – “con cưng” một thời – đang tìm cách cải thiện mối quan hệ gập ghềnh với giới chức Trung Quốc. 

Trong 2 quảng cáo tuyển dụng đăng trên tài khoản WeChat hồi tháng 4, Tesla muốn tìm các ứng cử viên quản lý để cập nhật cơ sở dữ liệu chính sách và duy trì mối quan hệ với chính phủ cũng như các hiệp hội ngành nhằm "xây dựng môi trường bên ngoài hài hòa và hỗ trợ mục tiêu phát triển kinh doanh của Tesla tại thị trường khu vực". Chưa rõ con số chính xác các ứng cử viên mà Tesla tìm kiếm.

Mẫu xe Tesla Model 3.

Làn sóng công kích

Hàng loạt thông tin tiêu cực về Tesla ở Trung Quốc đã gia tăng trong những tháng gần đây. Đầu năm nay, một chiếc Tesla Model 3 được cho là đã phát nổ ngay tại một nhà để xe ở Thượng Hải, trong khi một bài viết trên phương tiện truyền thông nhà nước cho biết có ít nhất 10 vụ việc được ghi nhận trong năm 2020 về việc các tài xế Tesla mất khả năng điều khiển xe của họ.

Tháng 2-2021, Cục Quản lý Thị trường Nhà nước đã triệu tập đại diện của Tesla để yêu cầu phản hồi về khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến các sự cố như cháy pin, tăng tốc bất ngờ và lỗi cập nhật phần mềm qua mạng. Nhiều thông tin cho biết Trung Quốc cũng đã khuyến cáo việc sử dụng xe Tesla với các nhân viên nhà nước vì cho rằng các cảm biến của xe có thể ghi lại hình ảnh và dữ liệu vị trí.

Tháng 3-2021, Tesla trở thành tâm điểm khi quân đội thông báo “cấm cửa” các thiết bị và phương tiện của Tesla tiếp cận các khu phức hợp quân sự, với lý do lo ngại về an ninh đối với camera gắn trên xe. 

Vài ngày sau, Elon Musk sau đó nhấn mạnh tại một diễn đàn cấp cao rằng Tesla sẽ đóng cửa nếu ôtô của hãng được sử dụng cho mục đích do thám. CEO Musk cũng đã tìm cách xoa dịu những căng thẳng trong bài phát biểu hồi tháng 3 với Đài truyền hình nhà nước CCTV rằng tương lai của Trung Quốc “sẽ trở nên tuyệt vời” và quốc gia này sẽ là “thị trường lớn nhất” của Tesla.

Tuy nhiên, vụ việc tại Triển lãm Ôtô tại Thượng Hải và phản ứng sau đó của Phó Giám đốc Tesla Grace Tao được xem như giọt nước tràn ly khi thay vì thừa nhận những thiếu sót, quan chức phụ trách mối quan hệ của Tesla và chính phủ lại đặt dấu hỏi về động cơ thực sự của vị khách quá khích kể trên. 

Theo Grace Tao, người phụ nữ gây rối rõ ràng muốn một mức bồi thường cao và công ty không có bất kỳ lý do gì để trả cho cô ta. Trong một bài đăng trên Weibo, Tesla tuyên bố không thỏa hiệp với “những yêu cầu vô lý”.

Truyền thông nhà nước và các cơ quan chính phủ nhanh chóng chỉ trích Tesla. Các hãng thông tấn nhà nước “dội” vào Tesla hàng loạt bài đăng chỉ ra những nguy cơ và lỗi kỹ thuật, trong khi giới chức đưa ra cảnh cáo. 

Một bài báo trên phương tiện truyền thông nhà nước có tiêu đề: “Ba bài học dành cho Tesla” cảnh báo nhà sản xuất ôtô điện có trụ sở tại California này nên tôn trọng thị trường tiêu dùng Trung Quốc. 

Bài viết trên tờ Thời báo Hoàn cầu nhấn mạnh: “Lập trường kiêu ngạo và hống hách mà Tesla thể hiện trước công chúng là đáng chê trách và không thể chấp nhận được, điều này có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng và nguồn khách hàng của công ty tại thị trường Trung Quốc”.

Tân Hoa Xã và Nhân dân Nhật báo đều công khai ý kiến nói rằng Tesla đã thờ ơ với quyền lợi của người tiêu dùng. Tesla bị chỉ trích vì hủy bỏ cam kết đầu tư của họ (ước tính 14 tỷ NDT) và cam kết về thuế (khoảng 2,23 tỷ NDT hàng năm), thậm chí không đáp ứng mục tiêu doanh thu. 

Một làn sóng công kích, yêu cầu “đuổi cổ” Tesla khỏi Trung Quốc đang lặp lại giống như những gì Google từng đối mặt. Nhiều ý kiến cho rằng điều đáng lo ngại hơn là những bình luận tiêu cực không chỉ xuất hiện trên vài bài báo mà đang ngày càng diễn ra theo chiều hướng một chiến dịch “bài Tesla” có tổ chức.

Sự tham gia của truyền thông nhà nước khiến mọi chuyện trở nên trầm trọng hơn, bởi bài học với Dolce&Gabana hay H&M mới đây cho thấy Bắc Kinh có quyền "đưa một thứ lên và vùi dập nó” khi cần.

Tesla sau đó đưa ra tuyên bố xin lỗi vì chưa nhạy bén trong việc xử lý khiếu nại khách hàng. Một bài đăng trên Weibo sau đó nói rằng Tesla sẵn sàng hợp tác với các cơ quan chức năng, thực hiện đúng các quy trình "tự kiểm tra và điều chỉnh" để "khắc phục" các vấn đề dịch vụ khách hàng.

Bên trong một nhà máy của Tesla.

Quyền lực của Bắc Kinh

Tesla từng được xem là ”con cưng”, một trong những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm chứng minh rằng Trung Quốc đang tạo điều kiện để nhiều doanh nghiệp nước ngoài thâm nhập thị trường tương đối đóng cửa của mình.

Công ty này đã tăng cường đầu tư và tập trung vào thị trường Trung Quốc suốt 2 năm qua. Với sự hậu thuẫn của chính phủ, Tesla đã động thổ một nhà máy lớn ở Thượng Hải vào năm 2019 và năm ngoái đã bắt đầu giao dòng xe Model 3 được sản xuất tại nhà máy này cho khách hàng ở Trung Quốc. 

Doanh số bán hàng tại Trung Quốc của Tesla đã tăng hơn gấp đôi vào năm 2020 và Model 3 là xe điện bán chạy nhất tại quốc gia này. Chiếm khoảng 30% doanh số toàn cầu của Tesla, Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai của nhà sản xuất ôtô này sau Mỹ và cũng là thị trường giúp Tesla đạt kỷ lục về lượng xe giao hàng trong quý đầu tiên.

CEO Elon Musk thậm chí còn có cuộc gặp với Thủ tướng Lý Khắc Cường vào năm 2019. Tuy nhiên, thành công đã đi kèm với sự giám sát chặt chẽ hơn, nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp địa phương cũng đang tìm kiếm một thị phần lớn hơn trong lĩnh vực xe điện nhiều tiềm năng này.

Các chính sách thuận lợi của Trung Quốc đối với ôtô điện đã thúc đẩy sự ra đời của một số công ty khởi nghiệp với hy vọng cạnh tranh với Tesla như Nio và Xpeng Motors, dù doanh số của họ vẫn kém xa Tesla. 

Nói một cách đơn giản, ở một mức độ nào đó, Bắc Kinh hoan nghênh sự hiện diện và nguồn đầu tư của Tesla cho thị trường xe điện, song lại vẫn muốn sự vượt trội của các doanh nghiệp nội địa trong lĩnh vực này. 

Nổi bật nhất trên thị trường xe điện Trung Quốc hiện là Tesla, SAIC-GM-Wuling Automobile Co. và BYD. Số liệu tháng 3 vừa qua cho thấy 3 ông lớn này chiếm 55% thị trường xe điện Trung Quốc, nhưng mới chỉ tương đương 5% tổng thị phần thị trường ôtô tại quốc gia này, một thực tế cho thấy rằng thị trường xe điện vẫn còn rất non trẻ. 

Hongguang Mini, liên doanh SAIC-GM-Wuling Automobile, đã soán ngôi Tesla trong năm nay về doanh số bán hàng.

Mọi chuyện giờ có lẽ sẽ phụ thuộc vào khả năng của Tesla trong việc thâm nhập sâu hơn vào Trung Quốc, thị trường được xem là mấu chốt đối với thành công toàn cầu của Tesla. 

Thách thức với Tesla hiện nay là đảm bảo họ không vấp ngã một cú nghiêm trọng nào khác ở Trung Quốc, nơi Tesla đã sẵn sàng cho hơn 40% tổng lượng giao hàng toàn cầu vào năm 2022.

Trung Quốc rõ ràng đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho Tesla, ông lớn trong ngành xe điện, và giờ nhận ra rằng để đứa con cưng này thống trị thị trường có lẽ lại không phải là lợi ích cho Trung Quốc. Nhiều công ty như Volkswagen và Mercedes cũng đã trải qua những điều tương tự.

Thái Hân (Tổng hợp)
.
.