Thảm họa môi trường lớn nhất thế kỷ 20 - 1.746 người chết chỉ trong một đêm

Thứ Sáu, 23/06/2017, 14:20
9 giờ tối thứ năm, ngày 21-8-1986, dân cư ngôi làng Nyos, tỉnh Bamenda, tây bắc Cameron, đã trực tiếp hứng chịu khoảng 300.000 tấn khí độc dioxid carbon (CO2) trong tổng số 1,6 triệu tấn thoát ra từ hồ Nyos - là một miệng núi lửa đã tắt. Khi lượng khí này tràn xuống, nó đã giết chết 1.746 người cùng hơn 3.500 con bò, cừu, chó, gà, dê…, và vô số động vật hoang dã.

Tuy nhiên, số người chết còn cao hơn nữa bởi lẽ làng Nyos không phải là nơi duy nhất chịu ảnh hưởng của vụ thoát khí CO2, mà còn có các làng và các thị trấn  lân cận như Cha, Subum... Người dân ở những nơi này đã chôn nạn nhân trong những ngôi mộ tập thể trước khi các đội cứu hộ có mặt. Và phải mất nhiều năm nghiên cứu, nguyên nhân của vụ thoát khí mới được các nhà khoa học đưa ra kết luận rõ ràng…

Bài 1: Thần chết đến từ mặt hồ

Đêm định mệnh

Tám giờ tối ngày 21-8-1986,  Marikh Nke, nông dân làng Nyos vặn nhỏ ngọn đèn dầu khi thấy con gái ông đã say ngủ. Từ mấy ngày trước, vợ ông dẫn đứa con trai lớn về thăm cha mẹ ở thị trấn Wum gần bên, nên nhà chỉ còn hai cha con.

Nke kể với tạp chí Khoa học tự nhiên - Natural Sciences magazine: "Vì không có điện, gia đình tôi cũng như 1.000 cư dân làng Nyos thường đi ngủ sớm. Nguồn sống chính của tất cả chúng tôi là trồng bắp, sắn, khoai mỡ, đậu phộng, đậu nành và chăn nuôi gia súc. Mặc dù hồ Nyos nằm ngay bên cạnh nhưng lại không hề có con cá nào đủ lớn để ăn được…".

Do trong nhà chỉ có 1 chiếc giường nên khi thấy con gái đã ngủ, Nke trèo lên căn gác xép và điều này đã giúp ông sống sót. Ông kể: "Lúc thức dậy, tôi không thể nói vì không hé môi được. Cổ họng tôi có cái gì đó giống như giấm chua, rất khủng khiếp. Cố gắng trèo xuống, tôi thấy cây đèn dầu đã tắt mặc dù trong bầu vẫn còn rất nhiều dầu. Khi đến bên giường con gái tôi, nó nằm ngửa, miệng há hốc như cố hớp lấy không khí. Sờ vào người nó, tôi biết nó đã chết...".

9 giờ sáng, một người bạn của Nke gõ cửa nhà ông. Chẳng nghe ai trả lời, người này đẩy cửa bước vào. Nke kể tiếp: "Bạn tôi xốc tôi lên, kéo tôi ra ngoài. Tôi rất muốn hỏi chuyện gì đã xảy ra nhưng lưỡi tôi cứng đờ, trong đầu tôi có những cơn đau khủng khiếp, mắt tôi nhìn một thành hai. Sau đó tôi lại ngất đi".

Làng Nyos (bên trái, gần mép hồ) trước ngày xảy ra thảm họa.

Nke mê man đến 4 giờ 30 chiều. Lúc ngồi dậy được, ông cố gắng đi sang những nhà hàng xóm nhưng 4 rồi 5 căn nhà, nhà nào ông cũng thấy chẳng ai còn sống. Phần lớn chết trong tư thế nằm, hoặc đang bò ra cửa như muốn tìm đường thoát. Có người lúc sắp chết đã ngã vào bếp lửa, thân thể cháy sém từng mảng. Cuối cùng, trên chiếc xe đạp, ông chạy khắp làng Nyos và nhận ra rằng cả làng giờ chỉ còn mình ông: "Lấy hết sức, tôi đạp xe đến thị trấn Wum, nơi vợ và con trai tôi đang ở đó".

Với Ephriam, một nông dân có 4 đứa con, khoảng 8 giờ 30 tối ngày 21-8, ông ngồi trước ngôi nhà mái lợp lá cọ, vách đắp bằng bùn nằm trên sườn đồi, nhìn xuống hồ Nyos. Trước mắt ông, mặt nước lấp lánh ánh trăng thượng tuần. Đến 9 giờ, Ephriam nghe thấy một tiếng nổ trầm đục vang lên trong lòng đất rồi một cột khói trắng từ hồ Nyos vọt lên như tên lửa, càng lúc càng lớn dần.

Rất kinh ngạc nhưng vì tò mò, ông theo con đường mòn xuống hồ. Ngay lập tức, ông nhận ra sự im lặng khác thường. Tiếng côn trùng nỉ non hàng đêm giờ không còn nữa. Giây lát, ông thấy hơi chóng mặt, miệng ông có vị chua, đầu ông lùng bùng nên ông vội vã quay trở lại

Ngay lúc đó, Halima Suley, một phụ nữ chăn bò cũng nghe thấy tiếng nổ rồi gió thổi rít lên, lùa vào căn chòi trên sườn đồi mà cô dựng tạm để ngủ qua đêm. Quá sợ hãi, Suley chạy xuống dốc và ngay lập tức, cô nhìn thấy đàn bò của cô nằm la liệt. Đến gần một con, Suley quỳ xuống, nắm lấy sừng của nó rồi lắc lư nhưng nó không phản ứng- nó đã chết. Cô kể với tạp chí Natural Sciences: "Tôi khóc nức nở, tôi cào cấu lên xác con bò vì đàn bò là cả cơ nghiệp của tôi. Một lát, ông Ephriam chạy đến. Ông ấy hỏi: "Tại sao lũ bò lại thế này?".

Vài phút sau đó, Ephriam và Suley đi về làng Nyos. Tại nhà Suley, cô thấy 31 thành viên trong gia đình cô chẳng ai còn sống. Họ hàng của Ephriam cũng thế: Cha mẹ, anh chị em ruột, chú bác, cô dì nằm la liệt. Ông nói: "Ngay cả những con ruồi cũng chết. Thế giới đã đến lúc kết thúc rồi".

Cái chết đến trong giấc ngủ

Sáng hôm sau, ngày 22-8, Emmanuel Ngu Mbi, làm việc tại Trung tâm Y tế thị trấn Subum đạp xe đến làng Nyos để hỏi mượn người quen một ít bắp giống. Lúc vừa xuống khỏi đoạn đường dốc, Mbi bất ngờ nhìn thấy một con linh dương đầu bò còn non nằm chết bên lề đường, xác vẫn chưa bị phân hủy. Nghĩ là "của trời cho", Mbi dừng lại, buộc xác con linh dương lên xe rồi vừa đi, anh vừa tưởng tượng ra món thịt nướng trong bữa ăn chiều.

Một đứa bé phồng rộp da bụng, đùi vì thảm họa (ảnh của bệnh viện thị trấn Wum).

Đi thêm một đoạn, Mbi lại thấy xác 2 con chuột, 1 con chó, 2 con thỏ rừng. Tưởng rằng chúng bị sét đánh vì đêm hôm trước trời mưa rất to và Mbi còn nghe thấy một tiếng nổ. Đạp xe đến thẳng dãy nhà trước mặt, Mbi định sẽ hỏi thăm nhưng lúc vừa bước vào nhà, anh thấy gần chục xác chết nằm ngang dọc. Hốt hoảng, Mbi chạy trở ra. Ở những nhà khác, cảnh tượng cũng khủng khiếp không kém.

Mbi nói: "Tôi không hề thấy người nào còn sống. Tôi nghĩ đó là một bệnh dịch. Loại dịch nguy hiểm có thể giết người trong nháy mắt. Quá sợ hãi, tôi đạp xe vòng sang thị trấn Wum vì ai mà biết nó có lây cho tôi hay không…".

Trên đường đến Wum, Mbi nhìn thấy 4 cư dân làng Nyos đang thất thểu dìu nhau lê bước. Ai nấy đều như kiệt sức mặc dù có người rất to béo. Qua câu chuyện, họ cho biết đêm hôm trước, khi trời mưa được một lúc thì họ nghe thấy tiếng nổ rồi sau đó là một cảm giác rất khó chịu khiến họ ngạt thở và mê man, chẳng biết gì nữa. Tất cả 4 người này đều ngủ ở tầng gác hoặc những chỗ cao ráo, còn số người nằm trên giường trong nhà hoặc nằm ở ngoài sân đều chết hết. Một vài người chăn thả gia súc ở làng Subum ngủ trên sườn đồi chỉ hơi khó chịu chứ không mê.

Xác bò chết nằm la liệt sau đêm định mệnh.

Mrunga, dân chăn bò kể: "Chừng 10 phút sau khi có tiếng nổ, tôi thấy vị chua trong miệng. Đầu tôi có cảm giác nặng và hơi khó thở. Nghĩ là do nằm nghiêng về một bên lâu quá, tôi đứng dậy, đi vài vòng. Một lát, tôi thấy bình thường".

Hồ Nyos nằm ở độ cao 1.214m, gần biên giới Nigeria, hình thành khoảng 5 thế kỷ trước sau một vụ phun trào của núi lửa. Với diện tích 2,5km2, chỗ sâu nhất là 210m, nó có hình dáng tương tự như một củ lạc (đậu phụng). Với thổ ngữ  Mmen, Nyos có nghĩa là "tốt" nhưng thổ ngữ Itangikom thì Nyos lại là "đè bẹp".

Theo các tài liệu địa chất, hồ Nyos nằm trong vành đai núi lửa Oku, phía bắc của tuyến núi lửa Cameroon. Vào mùa mưa, nước hồ thoát qua một đập tràn rồi chảy xuống thung lũng, qua làng Nyos. Những người sống sót ở làng Nyos cho biết mặt hồ rất ít khi nổi sóng, kể cả những hôm gió mạnh. Cá thì chỉ có những con bé tí màu trắng nhợt nhạt, sống ở mép nước sát bờ hồ, còn ra xa khoảng từ vài mét trở đi, chẳng thấy một sinh vật nào cả.

10 giờ 40 phút sáng ngày 22-8, Mbi về đến thị trấn Wum và lập tức báo cáo sự việc cho ông Anthony Wango Wabua, trợ lý Trung tâm Y tế Dự phòng thị trấn. Không một phút cần chừ, ông Wabua điện thoại cho người phụ trách y tế vùng Menchum. 10 phút sau, thống đốc khu vực tây bắc Cameron đã nắm được thông tin về thảm họa rồi sau đó là tổng thống Cameron Paul Biya. Trong vòng vài giờ, tin tức về vụ người chết hàng loạt như một ngọn lửa, lan nhanh khắp đất nước Cameron và toàn thế giới.

Theo chỉ đạo của thống đốc khu vực tây bắc Cameron, các đội cứu hộ lập tức lên đường nhưng phải mất 2 ngày, họ mới tiếp cận được với dân cư làng Nyos, làng Cha và làng Subum vì đường đi rất khó khăn. Bác sĩ Lazare, người đứng đầu nhóm y tế cho biết: "Thật là khủng khiếp. Tất cả nạn nhân đều cư trú trong bán kính 10km tính từ tâm hồ và càng gần hồ bao nhiêu thì số người chết càng nhiều bấy nhiêu. Như làng Nyos chẳng hạn, ở cách hồ khoảng 4km, cư dân hơn 1.000 người thì chỉ 6 người còn sống".

Theo thống kê sơ bộ tại hiện trường vào thời điểm ấy, con số thiệt mạng là 1.746 người, chưa kể những người đã được thân nhân chôn cất trong những ngôi mộ tập thể. Bên cạnh đó, còn có 3.909 con bò, 3.324 con gà, 364 con cừu và 561 con dê, 174 con chó cùng rất nhiều động vật hoang dã như linh dương đầu bò, chim chóc, côn trùng, cũng chết một cách bí ẩn chỉ trong một đêm. Thảm họa gần như tiêu diệt toàn bộ dân cư làng Cha, Subum và Nyos. Những người còn sống do quá sợ hãi đã vội vã bỏ đi nơi khác.

Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy tất cả nạn nhân không ai bị chấn thương hay chảy máu, cũng không có dấu hiệu của nhiễm phóng xạ. Chỉ duy nhất là các phế nang trong phổi họ bị xẹp hoàn toàn. Điều này chứng tỏ họ chết vì thiếu không khí.

Nhiều ngày sau đó, con số tử vong chính thức được công bố: Tổng số 15.000 dân ở các làng mạc, thị trấn quanh hồ Nyos trong bán kính 10km, chỉ còn 12.125 người sống sót. Ngoại trừ 1.746 người chết đếm được xác, số còn lại bị coi là mất tích. Hầu hết những người sống sót đều phải vào bệnh viện với những triệu chứng nhức đầu dữ dội, ngạt thở, bỏng, nhiễm trùng phổi và di chứng thần kinh, trong đó khá nhiều đứa trẻ toàn thân lở loét.

Bác sĩ Gregory Tanyileke làm việc tại bệnh viện thị trấn Wum cho biết ông chưa bao giờ thấy những tổn thương theo kiểu này. Nó trông giống như bị bỏng nhưng lại không phải là bỏng nhiệt. Ông nói: "Nhìn chẳng khác gì những nạn nhân sau vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima mà tôi đã xem trên phim ảnh. Phải chăng đã xảy ra một vụ nổ hạt nhân?".

Khi tin tức về những cái chết bí ẩn ở hồ Nyos được các hãng thông tấn loan ra khắp thế giới, nhiều nhà khoa học ở Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Nhật Bản…, đã đề nghị Chính phủ Cameron cho phép họ đến nơi này nhằm góp phần tìm ra nguyên nhân. 

Tiến sĩ Von Wagner, giảng viên Khoa Địa chất, Đại học Bonn, Cộng hòa Liên bang Đức nói: "Theo lời những người sống sót thì nước hồ trước kia có màu xanh. Sau thảm họa, nó chuyển sang màu đỏ, và đục. Một số chuyên gia nêu giả thuyết rằng trong đêm xảy ra vụ việc, có thể núi lửa nằm dưới hồ Nyos đã hoạt động trở lại, phóng thích khí lưu huỳnh, giết chết nhiều người".

Vũ Cao (theo Natural Sciences magazine - Lake Nyos Disaster)
.
.