Tiềm ẩn những cuộc chiến dưới đáy biển

Thứ Ba, 15/06/2021, 22:32
Hành tinh nơi chúng ta đang sống có 2/3 diện tích bề mặt là biển. Trải qua hàng nghìn năm, con người đã khám phá hầu hết mọi nơi trên mặt đất, nhưng với đại dương, mới chỉ 1/10 diện tích của nó được biết đến. Tiềm ẩn dưới đáy biển là những cuộc chiến tranh giữa các cường quốc về tài nguyên khoáng sản, hải sản, dầu mỏ và phòng thủ quốc gia…


1. Cuối năm 2020, các nhà khoa học ước tính 97% thông tin liên lạc toàn cầu được truyền bằng cáp đặt ngầm dưới đáy biển. Nó trị giá hàng nghìn tỷ USD và được mô tả là "không thể thiếu nhưng không an toàn". 

Nó rất dễ bị tấn công bởi tàu ngầm, thiết bị lặn không người lái điều khiển từ xa, các loại bom từ tính và bởi cả những lực lượng được trang bị những dụng cụ chuyên dùng cho những nhiệm vụ đặc biệt dưới đáy biển. 

Vì vậy, nếu chiến tranh biển xảy ra, các cơ sở hạ tầng năng lượng như cáp dẫn điện, đường ống dẫn dầu, cáp thông tin liên lạc quân sự, cáp Internet cùng mạng lưới cảm biến cảnh báo thời tiết, động đất, sóng thần… có thể bị phá hủy hoặc bị gián đoạn trong việc truyền dẫn, sẽ đưa đến những hậu quả mà tổ chức Địa lý đại dương, Anh Quốc (Ocean Geographic) gọi một cách bóng bẩy là "game over".

Trước vấn đề sinh tử, các cường quốc trên thế giới không ngừng chạy đua để dành ưu thế trong lĩnh vực tác chiến dưới đáy biển. Người Nga chẳng hạn, bộ phận tác chiến dưới đáy biển của họ được gọi là GUGI (viết tắt của cụm từ tiếng Nga Glavnoye Upravleniye Glubokovodnykh Issledovaniy) nhưng thường được biết đến dưới cái tên Đơn vị 40056. 

Đơn vị này sở hữu một số những tàu ngầm lớn nhất thế giới nhưng không phải là tàu trang bị tên lửa đạn đạo mà là tàu do thám, mang theo các thiết bị lặn đặc biệt chạy bằng năng lượng hạt nhân, gọi là AGS. 

Nó lặn sâu 1.000 mét hoặc hơn và có thể hoạt động dưới đáy biển vài ngày - đặc biệt là dưới lớp băng mà các thiết bị lặn thông thường không thể xuống được.

Chiếc AGS nổi tiếng nhất được gọi là Losharik, đặt theo tên một con ngựa hoạt hình tạo ra từ một chuỗi các quả cầu. Thông tin tình báo của một số nước phương Tây cho biết Losharik gặp phải một tai nạn nghiêm trọng vào ngày 1-7-2019 và vẫn đang trong quá trình sửa chữa nhưng chắc chắn nó sẽ quay trở lại đại dương trong một tương lai gần.

Bên cạnh thiết bị Losharik , GUGI còn có tàu ngầm Yantar, con tàu gián điệp được biết đến nhiều nhất. Theo Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế, Mỹ, Yantar mang trong bụng nó các tàu điều khiển từ xa (ROV). 

Thoạt đầu, khi mới đi vào hoạt động, phương Tây dễ dàng theo dõi Yantar vì dưới lớp vỏ là "tàu nghiên cứu", Yantar tuân thủ quy định về việc phát sóng vị trí của mình qua AIS (hệ thống thông tin tự động) nhưng kể từ năm ngoái, không ai thu được vị trí của tàu Yantar nữa. 

Vẫn theo Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế, Mỹ, khả năng và sứ mệnh của Yantar vẫn còn mơ hồ nhưng chắc chắn bên cạnh nhiệm vụ nghiên cứu khoa học hợp pháp, nó còn có thể là một sự chuẩn bị cho những cuộc chiến tranh biển nếu có xảy ra.

Về phía các thiết bị lặn không người lái điều khiển từ xa (AUV), người Nga xem ra không hề thua kém phương Tây. Công cụ chính của họ hiện nay là chiếc Klavesin 2P-PM có thể lặn ở độ sâu 2.000m, còn lặn sâu nhất đã được thực hiện bởi chiếc Vityaz-D. 

Nó xuống tới 10.028m và điều ấy có nghĩa là tất cả mọi đáy biển trên hành tinh đều nằm trong tầm với của người Nga. Chưa hết, các nhà khoa học Nga vẫn đang nghiên cứu để trang bị cho AUV cánh tay điều khiển và nếu thành công, nó sẽ là cơn ác mộng với những tuyến cáp ngầm dưới đáy biển. 

Điều đặc biệt của AUV là ngoài khả năng phóng đi từ tàu ngầm, chúng còn đủ nhỏ để phóng từ các tàu chở hàng hoặc tàu buôn mà không gây ra sự chú ý.

Tuy nhiên, không phải bất cứ nhiệm vụ nào cũng cần dùng đến những chiếc AUV đắt tiền. Tháng 4-2019, Na Uy bất ngờ phát hiện một con cá voi Beluga đã được thuần hóa, xuất hiện ở vùng biển quốc gia này. Nó khiến người ta nhớ đến những con cá heo của GUGI, triển khai tới Syria năm 2018. 

Theo các nguồn tin tình báo phương Tây, một cơ sở nuôi dạy cá voi Beluga bình thường đã chuyển đến căn cứ chính của GUGI ở Olenya Guba. 

Và mặc dù chưa xác nhận động thái này có liên quan đến những vấn đề quân sự nhưng phương Tây tin rằng nó hoàn toàn có thể xảy ra vì cá voi Beluga thường lặn sâu đến 1.000m, cũng như trên màn hình radar, không thể phân biệt đâu là cá voi tự nhiên và đâu là cá voi gián điệp!

Một UUV Manta Ray đang được NAVASEA thả xuống đáy biển.

2. Với người Mỹ, chiến tranh dưới đáy biển đang nhanh chóng trở thành một trong những lĩnh vực nghiên cứu quan trọng nhất của Hải quân Mỹ, cả về phương diện tấn công lẫn phòng thủ. 

Chịu trách nhiệm vấn đề này là Trung tâm tác chiến thuộc Bộ Tư lệnh hệ thống biển (NAVASEA) với hơn 10.000 nhân viên, bao gồm một trụ sở tại Newport, bang Rohde Island và hai bộ phận chính ở Newport, bang Rohde Island và Keyport, bang Washington với 8 lực lượng tác chiến trên mặt nước cùng 2 lực lượng tác chiến dưới đáy biển.

Về mặt phòng thủ, NAVASEA đã phát triển thành công "hệ thống hình dung không gian dưới nước Acousto". Nó cho phép người trên mặt đất có thể thấy rõ những gì đang diễn ra dưới đáy biển, kể cả với ROV hoặc AUV kích thước chỉ bằng một thùng phuy đựng xăng 200 lít! 

Và cũng như người Nga, NAVASEA đặc biệt chú trọng đến thiết bị lặn không người lái điều khiển từ xa (gọi là UUV) bởi lẽ chỉ riêng về mặt vật lý, môi trường dưới biển là một trong những môi trường khắc nghiệt nhất mà các hệ thống điện tử quân sự phải chịu đựng. Tất cả các AUV hoặc UUV phải chịu được áp suất cao liên tục tác động lên thân tàu. 

Bên cạnh đó, các chấn động có thể gây ra nứt vỡ, rung, rỉ nước hoặc phát nổ, chưa kể sự thay đổi của nhiệt độ và hiện tượng ăn mòn do tiếp xúc với nước biển dài ngày cũng khiến nhiều linh kiện điện tử bị ảnh hưởng, làm giảm đi tính chính xác.

Một trong những loại UUV điển hình của Hải quân Mỹ là chiếc Knifefish (Cá Dao). Nó được NAVASEA chấp thuận đưa vào sử dụng năm 2019. Cá Dao có thể được triển khai từ các tàu tác chiến ven bờ hoặc phóng đi từ trên bờ. Nó làm nhiệm vụ phát hiện các đường cáp chôn ngầm dưới đáy biển đồng thời phân loại khối lượng cáp. 

Cao cấp hơn là lớp UUV loại Manta Ray, có thời gian hoạt động dài hơn, lặn sâu hơn và đi xa hơn. Trong một cuộc thử nghiệm tiến hành hồi năm 2020, một chiếc Manta Ray đã xuống đến độ sâu 11.000m ở rãnh Mariana, là nơi sâu nhất thế giới nằm ở vùng biển Philippines và hoạt động tại đó trong 6 ngày. 

Manta Ray còn có khả năng độc lập tác chiến mà không cần bảo trì hoặc hỗ trợ tại chỗ. Do đó, những thông tin mà nó gửi về sẽ làm tăng năng lực tác chiến trên biển cho các phương tiện khác như máy bay trinh sát biển, tàu sân bay, tàu khu trục, tàu ngầm.

Và không chỉ UUV, NAVASEA còn đang phát triển một robot gọi là Angler. Sử dụng trí tuệ nhân tạo, Angler hoàn toàn tự động trong việc điều chỉnh hướng đi, độ sâu. 

Nó có thể khảo sát hầu như tất cả mọi vật thể dưới đáy biển mà không cần dựa vào hệ thống định vị GPS hoặc sự can thiệp của con người dù nó có ở một khoảng cách rất xa trung tâm điều khiển, chưa kể một loại UUV có kích thước gần bằng một máy bay chở khách  mà Hãng  Lockheed Martin's Orca đang chế tạo theo hợp đồng với Hải quân Mỹ, được gọi là XLUUV. 

Một lãnh đạo của Lockheed Martin's Orca  cho biết: "Nhìn chung, họ muốn có một XLUUV vì trọng tải lớn và có thể hoạt động liên tục trong 6 tháng mà không cần tàu hỗ trợ".

Vẫn theo lãnh đạo của Lockheed Martin's Orca, XLUUV cung cấp phạm vi phủ sóng ở những khu vực dưới đáy biển, nơi mà tàu ngầm hoặc máy bay không thể làm được. Ngoài ra, nó còn có khả năng phóng và thu hồi hàng chục UAV hoặc UUV cùng một lúc. Nó có đủ trang bị chuyên dùng chống tàu ngầm, thủy lôi, bom chìm và những cuộc tấn công mạng. 

Nó gần như tàng hình vì vệ tinh của đối phương không thể nhìn thấy nó, cũng như lớp vỏ bằng vật liệu đặc biệt bao phủ bên ngoài nó có cấu trúc tương tự như da cá mập, nghĩa là nó lướt đi mà chỉ để lại rất ít sóng xung kích. Điều này sẽ khiến các hệ thống Sonar săn tìm khó phân biệt được nó chỉ là con cá voi hay nó là tàu ngầm điều khiển từ xa.

Các tuyến cáp ngầm mỏng manh sẽ là mục tiêu khi chiến tranh đáy biển xảy ra.

3. Có thể nói, những cuộc chiến tranh tiềm tàng dưới đáy biển trong tương lai chẳng phải là chuyện mới, và không chỉ Nga, Mỹ chạy đua trong việc phát triển những thiết bị tối tân để phục vụ mục đích tấn công hoặc phòng thủ, mà ngay cả những quốc gia có biển như Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên… cũng không khoanh tay đứng nhìn khi sự an ninh của quốc gia họ phần lớn phụ thuộc vào hệ thống đường cáp khổng lồ đặt ngầm dưới đáy biển bởi lẽ những cuộc tấn công dưới đáy biển rất khó phát hiện một cách nhanh chóng, dễ dàng như trên đất liền trong lúc việc khắc phục, xử lý còn khó khăn hơn nữa. 

Theo NAVASEA, các nghiên cứu khoa học thường diễn ra ở độ sâu từ 1.000 đến 5.000m, các mỏ dầu sâu nhất nằm ở 3.500m còn hệ thống cáp ngầm thì từ vài chục mét đến vài trăm mét nhưng không sâu hơn 2.000m. Riêng độ sâu phục vụ cho những cuộc chiến tranh dưới đáy biển cần phải xuống tới 6.000m hoặc sâu hơn.

Để đảm bảo an ninh cho những tuyến cáp, hiện tại nhiều quốc gia mới chỉ triển khai hệ thống rơ-le báo động cùng một số thiết bị cảnh báo khác. 

Cứ mỗi 80km hoặc 100km đường cáp lại có những rơ-le trang bị hệ thống giám sát khuếch đại được lắp đặt. Nếu một rơ-le tự dưng không hoạt động, hoặc gửi về trung tâm chỉ huy những tín hiệu bất thường thì các chuyên gia có thể khoanh vùng 80 hoặc 100km nơi xảy ra sự cố truyền dẫn. 

Tuy nhiên, việc khắc phục thường phải mất nhiều ngày, thậm chí là nhiều tháng nếu sự cố xảy ra do lý do kỹ thuật. Còn nếu nó xảy ra do những cuộc tấn công có chủ đích thì câu trả lời của việc khắc phục là chưa biết đến bao giờ.

Di chuyển dưới đáy biển là một chuyện, còn do thám và tấn công đối phương dưới đáy biển lại là một chuyện khác. Trên toàn thế giới, cứ mỗi tháng lại có 5 hoặc 6 tuyến cáp ngầm cần phải sửa chữa mà nguyên nhân chính là do các hoạt động địa chất của vỏ trái đất, do lưới của các tàu đánh cá, do những hoạt động khoan thăm dò khoáng sản, dầu mỏ và đôi khi lại do loài cá mập nhưng chuyện này rất hy hữu. 

Theo Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), việc "nghe lén" các thông tin truyền dẫn trong các tuyến cáp ngầm đặt dưới đáy biển là điều khó thực hiện nhưng không phải là không làm được tuy rằng về mặt kỹ thuật, nó rất phức tạp vì tất cả đều sử dụng cáp quang, trong đó tốc độ truyền dẫn của ánh sáng trong sợi cáp quang phần lớn phụ thuộc vào môi trường xung quanh nên hiện tại, vẫn khó có thể cùng lúc vừa truyền dẫn, vừa "nghe" được.

Vì vậy, biện pháp trước mắt của các cường quốc là nâng cao năng lực, đặc biệt là hải quân trong việc giải quyết vấn đề độ sâu. Nhưng càng có nhiều thành công trong lĩnh vực này thì nhân loại lại càng tiến gần đến những cuộc chiến tranh dưới đáy biển hơn bao giờ hết.

Vũ Cao (Theo Ocean Weekly - Seabed Warfare)
.
.