Tình báo Nga chặn âm mưu phá hoại bầu cử
- Nga lập ủy ban chặn âm mưu chống phá từ nước ngoài
- Nhóm chiến binh mạng mới nổi chuyên ngăn chặn âm mưu của IS
Bức tường ngăn chặn tình báo nước ngoài
Trong bài phát biểu với Cục An ninh Liên bang (FSB), cơ quan tình báo nội địa Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã cho biết, tình báo Nga đã chặn được hơn 400 điệp viên nước ngoài và phá được hàng chục âm mưu khủng bố ngay trước thềm cuộc bầu cử. Phát biểu trước các điệp viên của FSB, ông Putin còn kêu gọi tăng cường hoạt động ngăn chặn các nỗ lực của nước ngoài nhằm thu thập thông tin chính trị, kinh tế và quân sự Nga.
Tổng thống Nga cũng bày tỏ sự cần thiết phải đẩy mạnh phòng vệ không gian mạng và tăng cường an ninh cho các hệ thống liên lạc bí mật mà các quan chức Nga sử dụng.
Ông Putin cho biết, nước Nga đang giống như pháo đài bị bao vây bởi các thế lực thù địch bên ngoài. “Trong những năm gần đây, hoạt động của cơ quan tình báo nước ngoài ngày càng tăng lên. “Họ đang làm việc chăm chỉ nhắm vào nước Nga, sử dụng các kỹ xảo gián điệp, phương thức hiện đại nhất và các cách thức gián điệp công nghệ. Chỉ tính riêng năm ngoái, chúng ta đã chặn đứng được hoạt động của 72 sĩ quan tình báo chuyên nghiệp và 397 điệp viên của các cơ quan mật vụ nước ngoài”, ông Putin nói với các điệp viên FSB.
Ông Putin nói thêm rằng tình báo Nga trong năm 2017 cũng đã ngăn chặn thành công 25 âm mưu khủng bố và 68 tên tội phạm khủng bố. Cũng tại buổi gặp mặt lực lượng FSB lần này, ông Putin đã gửi lời cảm ơn cơ quan tình báo Nga đã làm công tác phản gián thành công để giữ bí mật cho các dự án vũ khí.
Tổng thống Nga nói rằng vì mối đe dọa khủng bố nên nước Nga đã phải để mở hợp tác với các cơ quan tình báo nước ngoài, thậm chí với các nước mà Moscow vẫn đang có bất đồng. Điều này làm tăng độ khó cho công việc của FSB, nhưng theo ông Putin, điệp viên Nga vẫn đang làm rất tốt chức trách của mình.
Tổng thống Putin cũng kêu gọi các cơ quan an ninh hãy lập một bức tường an toàn, chống lại những tổ chức tình báo nước ngoài nhằm bảo vệ vấn đề xã hội và chính trị ở Nga trước cuộc bầu cử năm 2018.
"Danh sách Kremlin" và "Danh sách Muller"
Nhắc tới sự can thiệp của tình báo Mỹ trong tiến trình chuẩn bị bầu cử ở Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov buộc tội khi công bố "Danh sách Kremlin" và "Danh sách Muller".
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga, hành động trên của Mỹ nhằm gây mất ổn định cho Liên bang Nga. Bộ Ngoại giao Nga đã thông báo về những nỗ lực của Washington nhằm gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử ở Liên bang Nga.
Tại cuộc họp của Ủy ban lâm thời thuộc Hội đồng Liên bang về chống can thiệp vào công việc của Liên bang Nga, ông Ryabkov cho biết "những nỗ lực tích cực một cách đặc biệt nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của Nga trong những năm gần đây được ghi nhận trong quá trình chuẩn bị và tổ chức bầu cử Tổng thống Nga", đồng thời nhắc lại rằng chính sách của Washington "nhằm thực hiện các nhiệm vụ địa chính trị dưới chiêu bài dân chủ hóa" đã dẫn tới chiến tranh và sự hỗn loạn ở một loạt quốc gia.
Ông kết luận: rõ ràng người Mỹ luôn muốn can thiệp vào Nga, coi Nga là mối đe dọa chính đối với sự thống trị toàn cầu của Mỹ. Điều này còn được nêu công khai trong Học thuyết an ninh quốc gia-quốc phòng và hạt nhân mới của Mỹ được sửa đổi cách đây không lâu.
Theo ông Ryabkov, việc công bố hai bản “danh sách” và những hình thái khác của chính sách trừng phạt của Washington đối với Moskva là nhằm mục đích "gây bất ổn sâu sắc tình hình nước Nga".
Một đơn vị tình báo hành động của Nga đang luyện tập. Ảnh: Al-Masdar News. |
Đại diện Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhận định: "Tất nhiên, tất cả những điều này thật ngớ ngẩn và kỳ lạ, nhưng cần phải phân tích những gì ẩn sau các hành động này và làm thế nào những hành động này có thể ảnh hưởng thực sự đến tình hình, đến mối quan hệ song phương, và nhìn chung mục đích cuối cùng của các hành động này là gì".
Thứ trưởng Ngoại giao Ryabkov tuyên bố Nga "sẽ đáp trả nhưng không chạy theo tình hình để đưa ra các biện pháp tương xứng và gây thiệt hại cho chính nước Nga... Thời điểm đó sẽ đến khi Tổng thống đánh giá kết hợp nhiều yếu tố và đưa ra kết luận cuối cùng".
Nhiều chính trị gia Nga đã coi 2 bản “danh sách” như là một nỗ lực của Washington nhằm tác động tới tiến trình bầu cử Tổng thống Nga. Trong danh sách đó có ứng cử viên tổng thống Boris Titov.
Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matviyenko bày tỏ phẫn nộ: "Việc đưa ra một danh sách có cả lãnh đạo đất nước, bao gồm cả thủ tướng, thì không thể không coi đó là sự can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền".
Bộ ngoại giao Nga và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu Washington cung cấp những tài liệu chính thức chứng minh "sự can thiệp của Moskva" vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh: "Những bằng chứng đó phải đi qua tất cả các kênh chính thức chứ không phải thông qua báo chí hay những tiếng la hét trong Quốc hội Mỹ".
"Danh sách Muller": Văn phòng của luật sư Robert Muller, Công tố viên đặc biệt điều tra nghi vấn Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ, đã cáo buộc 13 công dân Nga cũng như 3 công ty của nước này "can thiệp" vào tiến trình chính trị ở Mỹ và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Theo các điều tra viên, từ tháng 6-2016, các cá nhân trong danh sách trên đã tổ chức các cuộc biểu tình ở Mỹ và nỗ lực phát tán "thông tin bôi nhọ" các ứng cử viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton, Marco Rubio và Ted Cruz. “Danh sách Kremlin”: Bộ Ngân khố Mỹ ngày 30-1 công bố “danh sách Kremlin”, liệt kê 114 nhân vật chính trị cấp cao của Nga và 96 doanh nhân “trùm kinh tế”, những người có liên quan với Tổng thống V.Putin. Báo cáo này là một phần trong số các động thái trả đũa theo quyết định của lưỡng viện Mỹ, được Tổng thống Donald Trump thông qua hồi tháng 8-2017, liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016. |