Tình báo công nghiệp và những vụ án rung chuyển thế giới

Thứ Hai, 11/02/2019, 11:37
Năm 2013, James Clapper, giám đốc cơ quan tình báo Mỹ, từng tuyên bố: "…cái mà người Mỹ chúng ta không làm, đó là việc sử dụng các mạng lưới tình báo của mình ở nước ngoài để đánh cắp các bí mật kinh tế và thương mại và trao chúng cho các xí nghiệp hay các công ty Mỹ giúp họ nâng cao tính cạnh tranh".


Nhưng với những tài liệu mà WikiLeaks đã tung ra, giờ đây chắc chắn chẳng còn ai tin vào những lời khẳng định trên của James Clapper nữa. Bởi vì nước Mỹ, cũng như rất nhiều nước khác trên thế giới đã sử dụng triệt để mạng lưới các điệp viên và bộ máy tình báo của mình để tiến hành cuộc chiến quan trọng nhất hiện nay: Cuộc chiến tranh kinh tế. 

Những phát hiện chấn động

Tháng 6 năm 2015, một phát hiện đã gây chấn động thế giới: Từ năm 2006, người Mỹ đã tiến hành các phi vụ nghe lén và do thám các thành viên chính phủ, Giám đốc Ngân hàng Trung ương cũng như ban giám đốc nhiều tập đoàn lớn của Nhật. Một chiến dịch do thám có tên gọi "Targette Tokyo" đã được triển khai, bao gồm 35 mục tiêu là các yếu nhân quan trọng hàng đầu của Nhật Bản. 

Chiến dịch này đã cho phép người Mỹ có được những "hiểu biết rất riêng tư" về các vị trí chủ chốt của Nhật Bản liên quan đến rất nhiều hồ sơ quan trọng, ví dụ như về vấn đề biến đổi khí hậu. Vụ bê bối đã dội một gáo nước lạnh vào quan hệ Mỹ - Nhật, đúng vào thời kỳ cao điểm của những cuộc đàm phán hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương.

Một tháng trước đó, trang mạng Mediapart đã công bố những tài liệu cũng do WikiLeaks thu thập, cho thấy nước Mỹ, nhờ vào NSA cũng đã tiến hành một chiến dịch tình báo công nghiệp với quy mô lớn nhằm vào nước Pháp. 

Theo như khẳng định của Edward Snowden thì "Tất cả các cuộc thương thuyết và các hợp đồng làm ăn của các công ty của Pháp có trị giá từ 200 triệu đô la trở lên" đều đã bị do thám và đánh cắp thông tin. Hành động khó có thể chấp nhận đối với một nước tự nhận là đồng minh trung thành của Pháp. Điều này giải thích tại sao các công ty Pháp liên tục bị mất đi các thị trường đã từng chìa tay ra chào đón họ.

Công nghiệp hàng không - "miếng mồi" hấp dẫn nhất

Trong cuộc chiến tranh kinh tế hiện nay, các chính phủ cũng như các công ty đều tích cực tham gia, mọi lĩnh vực kinh tế đều là đích nhắm tới, trong đó công nghiệp hàng không luôn là con mồi thu hút sự chú ý nhất. Mọi công đoạn kỹ thuật ở đây đều được bảo hộ bằng các bằng sáng chế phát minh, thị trường chiến lược này luôn thu hút một lượng lao động hàng ngàn người và mang về những hợp đồng hàng triệu đô la. Không chỉ có những chiếc máy bay quân sự, những mẫu thiết kế máy bay dân dụng cũng luôn là đối tượng bị nhòm ngó của các gián điệp công nghiệp.

Đã có những thời kỳ, những chiếc máy bay Concorde trở thành niềm tự hào của nước Pháp, chính vì thế những bí mật công nghệ trong việc chế tạo chiếc máy bay này trở thành mục tiêu đánh cắp hàng đầu của nhiều nước, trong đó có Liên Xô. Vào những năm 1970, người Nga đã thành công trong việc chế tạo ra chiếc máy bay TU-144. Không cần phải là những chuyên gia hàng không mới nhận ra sự giống nhau đến kinh ngạc giữa một chiếc TU-144 và một chiếc Concorde, giống đến mức người ta thường gọi đùa những chiếc Tupolev này là những chiếc "Concordski"…

Trên thực tế, trong gần một thập kỷ người Nga đã kiên trì tìm cách thu thập cho được những bí mật liên quan đến việc chế tạo máy bay Concorde. Năm 1965, Sergei Pavlov, trưởng đại điện hãng hàng không Aeroflot tại Paris đã bị bắt cùng với một chiếc cặp chứa đầy tài liệu bao gồm các thiết kế chi tiết về hệ thống phanh, đường băng và các khoang của máy bay Concorde. 

Năm 1977, Seigei Fabiew, một gián điệp KGB khác cũng bị bắt. Đóng vai một nhà doanh nghiệp, Fabiew đã mở một văn phòng thiết kế và tư vấn ở Paris và có đông đảo các khách hàng là những nhà thầu xây dựng ở châu Âu. Trong nhiều năm nhà doanh nghiệp "chói sáng" này đã âm thầm bỏ tiền ra bí mật mua các tài liệu kỹ thuật tối mật trong lĩnh vực chế tạo các máy bay siêu thanh.

Không phải là chuyên gia trong lĩnh vực hàng không, người ta cũng dễ dàng nhận thấy sự giống nhau đến khó tin giữa chiếc máy bay TU-144 và chiếc Concorde. Ảnh: Đ.N..

Người Mỹ cũng không khoanh tay đứng ngoài cuộc. Trong những năm 1990, hãng hàng không Saudi Arabian Airlines đã hoàn tất xong giai đoạn thương thuyết hợp đồng "khủng" với Airbus với doanh số lên tới 6 tỷ USD. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi chờ ký, hãng này bỗng quay sang chọn đối tác khác là Boeing. Thời gian sau đó, Ủy ban châu Âu đã công bố kết quả một cuộc điều tra cho thấy các cơ quan tình báo Mỹ đã tiến hành do thám và lưu lại các cuộc trao đổi của Airbus với các khách hàng tiềm năng, những thông tin ấy đã tạo ra các lợi thế giúp Boeing đưa ra những lời đề nghị hấp dẫn hơn để giành được hợp đồng béo bở này.

Ngay trong nội bộ nước Mỹ, tháng 5 năm 2006, một tòa án ở Floride, chiểu theo đơn kiện của công ty Lockheed Martin, đã tuyên phạt hãng chế tạo máy bay Boeing một khoản tiền phạt 615 triệu USD. Trong năm 1998, Không quân Mỹ đã đặt hàng Boeing chế tạo một tên lửa đẩy với một hợp đồng tổng trị giá 6 tỷ USD, Boeing bị tố cáo đã tổ chức đánh cắp 37.000 trang tài liệu tối mật của đối thủ Lockheed Martin để phục vụ cho hợp đồng này. Ngoài việc bị phạt tiền, người khổng lồ Boeing còn phải đăng lời xin lỗi công khai trên hàng loạt tờ báo lớn của Mỹ về ứng xử "không thích hợp" của hai kỹ sư và một lãnh đạo công ty Boeing trong sự việc này.

Và trong lĩnh vực chế tạo ôtô

Sau ngành chế tạo máy bay thì ngành thiết kế và chế tạo xe hơi là ngành công nghiệp bị các gián điệp kinh tế nhòm ngó nhiều nhất. Trong lĩnh vực này, không cần phải được đào tạo bài bản về các kỹ năng tình báo, một người nào đó vẫn có thể dễ dàng đóng vai trò của một điệp viên "007" trong các văn phòng công ty. 

Nhìn bên ngoài, José Ignacio Lopez chẳng có một điểm gì chung với một đại tá tình báo KGB hay một trùm điệp viên Phòng Nhì của Pháp, tuy vậy ông ta đã làm rung chuyển đến tận chân móng của người khổng lồ General Motors (GM), hãng sản xuất xe hơi hàng đầu của Mỹ.

Năm 1993, José Ignacio Lopez de Arriortua (bên trái) đã gặp gỡ ông chủ của Volkswagen, Ferdinand Piech và quyết định chuyển sang làm việc cho Volkswagen và chuyển giao cho hãng này các bí mật sản xuất của General Motors mà ông ta đã từng nắm giữ.

Đang là người đứng đầu Opel, chi nhánh của General Motors ở Đức, Lopez quyết định rời khỏi GM để gia nhập hãng Volkswagen vào năm 1993. Sự việc không có gì đáng chê trách nếu không có việc Lopez đã lôi kéo hàng loạt các kỹ sư của GM đi theo mình, mang theo một khối lượng khổng lồ các tài liệu tối mật của GM… FBI đã mở cuộc điều tra về vụ việc, theo đó José Ignacio Lopez đối mặt với nguy cơ phải ngồi tù 5 năm và chịu một khoản tiền phạt rất nặng nề. 

Được sự ủng hộ của Ferdinand Pich, ông chủ của Volkswagen, Lopez đã phủ nhận mọi cáo buộc. Tuy nhiên khi khám nhà một trong những người thân của Lopez, nhà chức trách đã tìm thấy rất nhiều thùng carton chứa các tài tiệu tối mật về các bí mật công nghệ của GM.

Ngay lập tức hình ảnh của Volkswagen đã sụp đổ hoàn toàn trong mắt công chúng - một thảm họa đối với hãng xe hơi nổi tiếng của Đức. Bộ trưởng Kinh tế Đức phải đứng ra ngỏ lời làm trung gian hòa giải với GM. Báo chí liên tục đăng tải các phóng sự điều tra đặc biệt về vụ việc. 

Cả tổng thống Mỹ Bill Clinton và thủ tướng Đức Helmut Kohl cũng phải vào cuộc. José Ignacio Lopez de Arriortua bị buộc phải từ chức vào năm 1996 và mâu thuẫn giữa Volkswagen và General Motors  được dàn xếp ở những cấp cao nhất để tránh một vụ đối đầu giữa hai bên tại tòa án. Năm 1997, Volkswagen đã phải đền bù cho General Motors 100 triệu đô la và cam kết sẽ mua 1 tỷ đô la các loại phụ tùng ô tô của hãng General Motors. Cũng trong năm 1997, tòa án Đức đã tuyên phạt cá nhân José Ignacio Lopez một số tiền khá lớn: 400.000 marks.

Ngày 10 tháng 5 năm 2007, năm nhân viên và một cộng tác viên của hãng Kia Motors (thuộc tập đoàn Hyundai) đã bị bắt giữ vì cáo buộc đã bán các bí mật công nghiệp cho các đối tác Trung Quốc. Truyền thông Hàn Quốc gọi đây là một vụ "gián điệp công nghiệp lớn nhất trong lịch sử đất nước". Kết quả điều tra cho thấy, 5 bị cáo này đã bán 57 bí mật công nghiệp để đổi lấy một món tiền 185.000 euro. Một món hời đối với nền công nghiệp ô tô Trung Quốc để có thể rút ngắn khoảng cách tụt hậu giữa họ và các nhà sản xuất ô tô khác trên thế giới.

Cú chơi đẹp của Pepsi-Cola

Về nguyên tắc, trong cuộc chiến tranh của các gián điệp kinh tế, mọi thủ đoạn "sạch hay bẩn" đều được phép sử dụng, kể cả các tập đoàn lớn có tên tuổi cũng không ngần ngại sử dụng các biện pháp thiếu lương thiện để triệt hạ đối thủ. Vì thế cách "chơi đẹp" như của hãng Pepsi-Cola vào năm 2006 quả thực là hiếm gặp.

Tìm cách bán các bí mật của CocaCola cho đối thủ cạnh tranh Pepsi-Cola, Joya Williams, cựu nhân viên của CocaCola đã bị kết án 8 năm tù giam.

Ngày 23 tháng 5 năm 2007, Joya Williams, cựu nhân viên của Coca-Cola đã bị tuyên án 8 năm tù giam sau khi đã thú nhận trước tòa việc đã cố gắng tìm cách bán cho đối thủ cạnh tranh Pepsi-Cola những bí mật kinh doanh của Coca-Cola. Là trợ lý của Giám đốc thương hiệu của Coca-Cola nên Joya có điều kiện tiếp xúc với rất nhiều tài liệu quan trọng và cô ta đã tìm cách rao bán nó cho Pepsi-Cola vào tháng 5 năm 2006.

Từ chối các phương pháp cạnh tranh "bẩn", Pepsi đã không hợp tác trong vụ mua bán tài liệu này, thay vào đó họ đã báo cho FBI để tiến hành bắt giữ Joya Williams. Không lâu sau vụ xử án Joya Williams, Coca-Cola đã gửi một lời cám ơn tới đối thủ cạnh tranh  Pepsi-Cola, được đăng công khai trên nhiều tờ báo lớn: "Cạnh tranh trên thương trường luôn là một cuộc chiến dữ dội và đôi khi rất tàn khốc, nhưng nó phải đúng đắn và tuân thủ luật pháp. Giống như trong các cuộc thi đấu thể thao, đó cũng phải là một cuộc chơi đẹp".

Dương Thắng (tổng hợp)
.
.