Trường đào tạo tình báo quân sự Mỹ ở Minnesota

Chủ Nhật, 13/09/2020, 11:23
Trong suốt thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ hai (ĐCTGII), cuộc chiến tại mặt trận Thái Bình Dương đòi hỏi rất nhiều công sức của các nhà ngôn ngữ học Nhật Bản cho các mục đích dịch thuật, phiên dịch và chiến đấu.

Người Mỹ đã tuyển mộ binh lính Nisei (người Mỹ gốc Nhật thế hệ thứ 2) để hình thành nên Trường ngôn ngữ dịch vụ tình báo quân sự (MISLS), cũng là cơ sở đầu tiên ở Presidio (San Francisco) và sau đó là tại 2 địa điểm Camp Savage và Fort Snelling (cùng ở tiểu bang Minnesota). MISLS đặc biệt quan trọng khi đã “đẻ” ra nhiều nhà ngôn ngữ học có chuyên môn cao, những người này rất hữu dụng trong ĐCTGII và sau đó là chiếm đóng Nhật Bản.

Mục tiêu thiết yếu

Vào cái đêm nổ ra ĐCTGII, bầu không khí cực kỳ căng thẳng khi các cuộc đàm phán ngoại giao giữa Nhật Bản và Mỹ dần xấu đi. Khi nguy cơ xảy ra chiến tranh với Nhật Bản ngày càng gia tăng trong suốt mùa hè năm 1941, giới chức trong Bộ chiến tranh Mỹ bỗng ngộ ra những khiếm khuyết đáng kể trong các khả năng tình báo của nước mình khi so sánh tương quan với Nhật Bản. Có rất ít quân nhân người da trắng thành thạo tiếng Nhật, cũng như không có đủ thời giờ để đào tạo ra một đội ngũ dịch giả bổ sung chiến tranh đang tới rất sát.

Chưa hết khó khăn khi mà thậm chí ngay trong số lượng nhỏ những người Mỹ gốc Nhật trong quân đội thì vẫn không có mấy người rành rẽ các kỹ năng biên phiên dịch và đàm phán bằng tiếng Nhật, từ đó chứng minh một sự thật đội ngũ này cực kỳ khan hiếm. 

Trong cuộc khảo sát ban đầu với sự tham gia của 3.700 Nisei, các quan chức MISLS chắc mẩm chỉ có 3% những người hiện diện là những nhà ngôn ngữ học thật sự. Sau một khóa huấn luyện cẩn thận, giới chức MISLS đã xem xét thêm 4% khác và cho là quá thành thạo tiếng Nhật, và tìm thấy thêm 3% nữa là có thể hữu dụng. 

Phần đông các Nisei nhìn giống Mỹ hơn giống Nhật, và ít lưu loát tiếng Nhật hơn từng nghĩ. Đến đây giới chức quân sự Mỹ quả quyết cần phải có một trường đào tạo đặc biệt được lập ra để biến đổi các Nisei thành những nhà ngôn ngữ Nhật có năng lực thực sự.

Các quân nhân tại Trường ngôn ngữ dịch vụ tình báo quân sự (MISLS) thuộc lớp học C-1 vào năm 1944 ở Camp Savage (tiểu bang Minnesota, Mỹ). Ảnh nguồn: Densho, the Akira Nakamura Family Collection.

Nhận thức tầm quan trọng của khám phá/hoặc phát triển ra đội ngũ biên phiên dịch tiếng Nhật chất lượng cao, một nhóm các sĩ quan quân đội đã thúc đẩy công tác xây dựng một đơn vị tình báo nhằm đối ứng cuộc chiến tranh với Nhật Bản. Trong số các viên chức quân sự có thể kể đến là Thiếu tá Carlisle C. Dusenbury – nguyên sinh viên tiếng Nhật đang làm nhiệm vụ trong Phòng tình báo; và Trung tá Wallace Moore, thành viên của một gia đình truyền giáo từng phụng sự ở Nhật Bản. 

Đại tá Rufus S. Bratton (nguyên là sinh viên tiếng Nhật và tùy viên quân sự ở Tokyo) giữ chức vụ giám đốc Chi nhánh Viễn Đông thuộc Phòng tình báo, sau đó ông phê chuẩn kế hoạch của Dusenbury và Moore. Phòng công tác và đào tạo (G-3), đơn vị chịu trách nhiệm giám sát MISLS, cũng thực hiện việc hỗ trợ. 

Cuối năm 1941, giới chức Bộ Chiến tranh Mỹ tỏ ra miễn cưỡng chi khoản ngân sách 2.000 USD để khởi động Trường ngôn ngữ tiếng Nhật quân sự (AJLS) đầu tiên dưới sự ủy quyền của Trung tá (sau này là Thiếu tướng) John Weckerling. Sau khi chu cấp ngân sách ít ỏi cho AJLS, giới chức bắt đầu lùng kiếm những ứng viên đủ tiêu chuẩn  để có thể ghi danh tham gia vào khóa đào tạo ngoại ngữ chuyên sâu. 

Các quân nhân Nisei nhập ngũ thông qua Cục tuyển chọn nhằm sàng lọc và đóng quân tại nhiều đơn vị quân sự khác nhau dọc trên bờ biển Thái Bình Dương. Mỗi người lính này được phỏng vấn và kiểm tra kỹ lưỡng trước khi được cho phép gia nhập vào các hàng ngũ quân đội trở thành một trong những đơn vị quân sự được tinh chọn cao nhất. 

Các lớp tiếng Nhật đầu tiên

Ngày 1 tháng 11 năm 1941 (tức chỉ 1 tháng trước khi ĐCTGII bùng nổ), lớp học đầu tiên với 60 học viên tham gia dưới sự giảng dạy của 4 giáo viên Nisei, họ học ngay trong một nhà chứa máy bay nhỏ bị bỏ hoang ở Crissy Field (Presidio, San Francisco). 

Khu nhà chứa máy bay này được chia thành các khu riêng gồm văn phòng, phòng giảng viên, các lớp học và một số doanh trại. Ban đầu người ta sử dụng những cái thùng và hộp màu cam làm bàn, ghế, và một nguồn cung ngắn các loại sách giáo khoa, học viên học trên các tờ giấy được biên soạn sẵn. Trong số 60 học viên có 58 người là Nisei và 2 người lính da trắng là E. David Swift và John Alfred Burden. 

Các giảng viên gồm cả người da trắng và người Nhật, đã đốc thúc các học viên mọi kỹ năng cần thiết để trở thành những nhà ngôn ngữ lành nghề trong một khoảng thời gian ngắn chưa từng có. Bản thân Burden mới sau 5 tháng “học vỡ lòng” từ vựng quân sự tiếng Nhật, anh đã ra nước ngoài cùng với 2 người đồng đội Takashi và Takeo Kubo, cùng 10 người khác của Quân đoàn tình báo phản gián. 

Cuối cùng chỉ có 45 học viên đủ điều kiện tham dự lễ tốt nghiệp vào tháng 5 năm 1942, một phần tư sĩ số học viên của lớp học đã thất bại do sự nghiêm ngặt của chương trình, cùng những yêu cầu khắt khe của một người lính. Cường độ đào tạo tại trường ngôn ngữ cùng tính cấp bách của chiến tranh đã gia tăng áp lực lên cả giảng viên lẫn học viên. Các lớp học thường bắt đầu từ lúc 8 giờ sáng và hoạt động liên tục 10 tiếng mỗi ngày, và nhiều học viên dùi mài đến tận lúc “tắt đèn” 11 giờ đêm. 

Khung cảnh ở MISLS năm 1944, Camp Savage (Minnesota). Ảnh nguồn: Densho, the Akira Nakamura Family Collection.

Bất chấp quy định tắt đèn này, một số học viên đã nghĩ ra cách dùng đèn pin chiếu trong chăn (mền) của họ để tiếp tục học. Số khác tiếp tục học bài trong nhà xí (vệ sinh) cũng là nơi duy nhất được chiếu sáng lúc khuya khoắt. 

Truyền thống tắt điện được áp dụng ở cả cơ sở ngôn ngữ thứ hai, và nó trở nên cần thiết khi các sĩ quan ở Camp Savage (Minnesota) đi tuần tra khu vực trường nhằm đề phòng học viên học ngoài giờ sau khi khu vực được tắt đèn. Những học viên thành thạo ngôn ngữ sẽ lại dạy kèm cho những bạn học chưa giỏi, và nhiều người trải qua nhiều giờ dạy và học tiếng Nhật. Sự chuyên cần của các học viên không chỉ thể hiện cho quyết tâm thành công của họ, mà còn ở cả sự khó khăn của chương trình học.

Chương trình giảng dạy

Chương trình căn bản của trường ngôn ngữ bao gồm học đọc, viết, đàm thoại, và có mở rộng sang học luật, xã hội và văn hóa Nhật. Bên cạnh đó, các học viên còn tham gia vào việc học biệt ngữ quân đội Nhật, mật khẩu quân sự cùng các chiến thuật. Thêm vào đó, họ cũng học cách xử lý thành thạo kỹ năng đánh chặn thông tin liên lạc, thẩm vấn và phiên dịch đòi hỏi kiến thức nền tốt về sôrôbun (Hầu Văn) – một loại chữ viết cá nhân có nguồn gốc hình thành từ thời Giang Hộ ở Nhật Bản (1600–1868). 

Các binh sĩ bình thường hoặc các sĩ quan không phận sự trong quân đội Nhật Bản cũng đều dùng Hầu Văn, do đó buộc các nhà ngôn ngữ học phải hiểu biết về loại ngôn ngữ này. Nhằm phân tích các tài liệu thu giữ được, những người lính cần phải đọc được sôsho (thư pháp chữ thảo được sáng tác bởi thư pháp gia người Trung Quốc, Đường Húc) đây là một lối chữ viết rất khó để viết trôi chảy ngay cả với người đã nhiều năm học tiếng Nhật. 

Vào thời điểm lớp tân binh đầu tiên hoàn thành chương trình, đội ngũ đào tạo đã tăng lên thành 8 giảng viên dân sự, họ là những học viên mới tốt nghiệp. Xuất phát từ nhu cầu cần phải có cơ sở vật chất lớn hơn, cũng như việc loại trừ hàng loạt người Mỹ gốc Nhật khỏi bờ Tây mà ngôi trường tình báo quân sự thứ 4 đã dọn tới Camp Savage (Minnesota), nơi đây nó thuộc thẩm quyền trực tiếp của Bộ Chiến tranh Mỹ. 

Lớp học chính thức đầu tiên của MISLS bắt đầu ở Minnesota vào ngày 1 tháng 6 năm 1942 với 200 học viên và 18 giảng viên tham gia đào tạo trong các cabin vốn là những ngôi nhà dành cho những người già bần cùng. Đại tá Kai E. Rasmussen được chỉ định làm sĩ quan chỉ huy của trường.

Cống hiến của các nhà ngôn ngữ MISLS

Mối quan hệ huynh đệ gắn bó thân thiết trong số những người lính học tại trường ngôn ngữ và nó vẫn vẹn nguyên như thế ngay cả khi họ rời trường đến chiến đấu ở những mặt trận khác nhau. Khi dịch vụ của họ trong việc truy tố các bằng chứng chiến tranh chống lại người Nhật được thừa nhận trong quân đội Mỹ, thì các chỉ huy chiến trường bắt đầu đề nghị có thêm các nhà ngôn ngữ MISLS bổ sung. Mong muốn các thành viên MISLS không chỉ đến từ mọi nhánh trong các lực lượng Mỹ, mà còn đến từ phe Đồng Minh hoạt động trên khắp Thái Bình Dương và Đông Nam Á. 

Nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng các nhà ngôn ngữ học, MISLS đã chiêu mộ hàng trăm tình nguyện viên đến từ các trại tập trung ngay trong lãnh thổ Mỹ và cả ở Hawaii. Ngoài ra, 200 thành viên của Tiểu đoàn bộ binh 100 đã tham gia đào tạo ở Fort McCoy (tiểu bang Wisconsin) nhằm gia nhập vào đội ngũ MISLS ngay trong tháng 12 năm 1942.

Đến năm 1943, các học viên MISLS cũng được chiêu mộ bởi Đội chiến đấu trung đoàn 442 đồn trú tại Camp Shelby (Mississippi). Tháng 8 năm 1944, trường ngôn ngữ ở Camp Savage đã trở nên đông đúc và buộc phải tái chuyển đến những cơ sở lớn hơn ở Fort Snelling (Minnesota). So với các đối tượng học viên trước đó, lớp học viên mới này đều trẻ hơn với độ tuổi trung bình là 23. 

Nhiều người trong số đội ngũ Nisei là các lính quân dịch hoặc tình nguyện viên đến từ các trại giam, hay đến từ “các khu vực tự do” bên ngoài những trại này. MISLS cũng mở thêm một lớp tiếng Trung và 1 lớp tiếng Hàn vào năm 1945. Sở dĩ nhu cầu nhân sự MISLS tăng cao là do sau khi Đức bị đánh bại ở Châu Âu vào tháng 5 năm 1945, khi đó cuộc chiến chống Nhật trở thành trọng tâm chính của các nỗ lực quân sự Hoa Kỳ. 

Khi Nhật Bản đầu hàng vào ngày 15 tháng 8 năm 1945, giới chức quân đội Mỹ đã sửa đổi chương trình dạy học tại trường ngôn ngữ và nó chú trọng vào các vấn đề dân sự hơn học về quân sự và xoay quay các môn học mà các nhà ngôn ngữ cần khi người Mỹ chiếm đóng Nhật Bản. Lúc đỉnh cao của đầu năm 1946, MISLS có 160 giảng viên / hướng đạo viên và 3.000 học viên học tại hơn 125 phòng học khác nhau. 

Lễ khai giảng lần thứ 21 và cũng lễ phát bằng lần cuối cùng tại Fort Snelling đã diễn ra vào tháng 6 năm 1946 với sự tham dự của 307 học viên, nâng tổng số lượng học viên qua đào tạo tại MISLS là hơn 6.000 người. Khởi đầu là một chương trình đào tạo ngôn ngữ tình báo quân sự với ngân sách ít ỏi chỉ 2000 USD, đến cuối cùng chương trình này đã thiết lập nên Viện Ngôn ngữ của Bộ Quốc phòng Mỹ, nơi tập trung hàng ngàn nhà ngôn ngữ học phục vụ cho các lợi ích của Mỹ trên khắp thế giới.

Bảo tồn di sản

Hiện tại đang có nhiều nỗ lực được tiến hành nhằm bảo tồn các cấu trúc còn lại của trường ngôn ngữ và tưởng niệm những nỗ lực của nhiều quân nhân ở MIS LS. Năm 1991, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường ngôn ngữ, tòa nhà 640 (địa điểm từng là nơi tọa lạc MISLS) đã thu hút sự chú ý của Hội Sử học Mỹ Nhật quốc gia (NJAHS). Kể từ thời điểm đó, NJAHS đã hỗ trợ cho công tác trùng tu các tòa nhà và lịch sử của người Mỹ gốc Nhật tại Presidio (San Francisco) bằng cách nâng cấp nó thành Trung tâm học thuật dịch vụ tình báo quân sự (MISHLC). 

Tại Minnesota, còn rất ít những gì của di tích Camp Savage ngoại trừ một tòa nhà hiện đang được sử dụng bởi Sở giao thông đường cao tốc Minnesota.

Thửa đất đối diện tòa nhà ở Camp Savage hiện đã trao trả lại cho chính quyền thành phố, và giờ đây được dùng làm cơ sở đào tạo cho đơn vị K-19 thuộc Sở cảnh sát Savage. Một cột mốc lịch sử được dựng lên vào năm 1993 để đánh dấu di tích cũ. Hiện tại, Fort Snelling đã được cải tạo thành một công viên lịch sử mặc dù bằng chứng của MISLS hiện vẫn chưa rõ ràng.

Văn Chương (tổng hợp)
.
.