Từ nghiên cứu sinh trở thành … “gián điệp”

Thứ Tư, 02/01/2019, 14:40
Một vụ “bắt nhầm”, buộc tội, tuyên án rồi trả tự do đối với sinh viên người Anh tên Matthew Hedges của chính quyền Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đang trở thành câu chuyện gián điệp kỳ lạ làm ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa hai nước Anh - UAE.

Câu chuyện bắt đầu vào tháng 5-2018, khi đó nghiên cứu sinh người Anh Matthew Hedges, 31 tuổi, cùng vợ là Daniela Tejada đến UAE để du lịch kết hợp nghiên cứu. Ngày 5-5, khi hai người chuẩn bị lên máy bay tại sân bay quốc tế Abu Dhabi để trở về Anh thì Lực lượng An ninh UAE ập đến bắt giữ cả hai. Tejada sau đó được thả để quay về Anh, còn Hedges bị tạm giữ để điều tra. 

Theo hồ sơ, Hedges bị bắt vì một người đàn ông UAE đã trình báo với Cơ quan An ninh UAE rằng anh là một “gián điệp làm việc cho người nước ngoài” vì anh đã hỏi ông ta “những câu hỏi nhạy cảm về các cơ quan nhạy cảm” và “tìm cách thu thập thông tin bí mật về UAE”. Từ lời tố cáo đó, Hedges bị cáo buộc tội “làm gián điệp cho nước ngoài”.

Hedges hoàn toàn không hiểu vì sao mình bị bắt, và tội trạng đó từ đâu được gán cho mình. Gia đình Hedges ở Anh lên tiếng minh oan cho anh, kêu gọi chính quyền UAE trả tự do cho anh. Daniela, vợ Hedges, đi khắp nơi để vận động các cơ quan báo chí và Bộ Ngoại giao Anh tạo áp lực đòi UAE thả chồng mình. Các thông tin từ gia đình và trường đại học nơi Hedges đang làm nghiên cứu sinh đều khẳng định anh đang làm luận án tiến sĩ và đang tìm kiếm thông tin để nghiên cứu về chiến lược an ninh đối nội và đối ngoại của UAE, trong đó có cuộc chiến tại Yemen. 

Có lẽ đây là điều khiến cho người đàn ông UAE nọ nghĩ rằng anh đang “tìm cách thu thập thông tin nhạy cảm về các cơ quan nhạy cảm” của UAE chăng? Điều quan trọng là Hedges nhập cảnh vào UAE bằng giấy tờ thật, tên thật chứ không phải giấy tờ giả mạo như giới điệp viên hay làm.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp UAE Hamad al-Shamsi thì không chấp nhận lời biện minh này. Trong một tuyên bố trên Hãng tin WAM của UAE, ông al-Shamsi cho rằng Hedges đã “khai nhận” các cáo buộc đối với anh. 

Thực ra, câu chuyện không hẳn thế. Sau khi trở về Anh vào cuối tháng 11-2018, Hedges kể trên báo chí rằng, khi bị giam và tra khảo khoảng vài ngày, anh liên tục được Cơ quan An ninh điều tra UAE “gạ gẫm” nhận tội để đổi lấy sự khoan dung của Chính phủ UAE. Hedges còn kể rằng những người thẩm vấn đã gạ gẫm anh “làm gián điệp” cho UAE, đề nghị anh thu thập thông tin về Bộ Ngoại giao Anh để cung cấp cho họ. Hedges nói: “Tôi có muốn cũng không thể làm được. Vì tôi không làm việc trong Bộ Ngoại giao”.

Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt.

Tháng 10-2018, Hedges được đưa ra tòa án ở Abu Dhabi xét xử hai lần, với cùng tội danh như cáo buộc ban đầu: “làm gián điệp cho nước ngoài, phá hoại an ninh kinh tế, chính trị và quân sự của nhà nước UAE”. Trong cả hai phiên tòa, Hedges đều bác bỏ cáo buộc nhắm vào mình. Bộ trưởng Tư pháp al-Shamsi tuyên bố tòa án chưa ra phán quyết cuối cùng và Hedges còn cơ hội kháng cáo. Đến phiên tòa thứ ba vào tháng 11, Hedges được phép có đại diện pháp lý trước tòa, nhưng cáo buộc thì như cũ. Hedges tiếp tục bác bỏ cáo buộc, khẳng định mình đến UAE để nghiên cứu tác động của phong trào “Mùa xuân Arab” đối với chính sách đối ngoại của UAE mà thôi. Tuy nhiên, tòa bác bỏ lời biện hộ của Hedges và vẫn tuyên án anh tù chung thân cho tội trạng đã nêu.

Mức án quá nghiêm khắc của UAE đối với một người “vô tội” như Hedges khiến nước Anh bị sốc thật sự. Daniela đến gặp Bộ trưởng Ngoại giao Jeremy Hunt vào ngày 21-11 để thảo luận về vụ việc của Hedges. Vấn đề được trình lên Thủ tướng Theresa May. Trong phát biểu tại Nghị viện Anh ngày 21-11, bà May đã thể hiện “sự thất vọng và quan ngại sâu sắc” trước vụ việc của Hedges và tuyên bố sẽ đặt vấn đề này với chính quyền UAE.

Phản ứng giận dữ của bà May đặt ông Hunt, vốn ít kinh nghiệm ngoại giao quốc tế, trước sự đối đầu ngoại giao với hai trong các quốc gia hùng mạnh trong vùng Trung Đông là Saudi Arabia và UAE. Không chỉ là khách hàng mua vũ khí lớn của Anh, UAE còn là quốc gia mua sắm các khí tài khác lớn thứ nhì trong khu vực, đồng thời là một đối tác lâu đời về an ninh và tình báo. Nhưng Hunt đã áp dụng cách xử lý khéo léo vấn đề, tránh gây ồn ào trước công chúng nhưng vẫn tạo được áp lực ngoại giao, chính trị đối với chính quyền Hoàng gia UAE. UAE đã trở thành vấn đề ưu tiên hàng đầu trong các hoạt động đối ngoại thời gian này.

Mọi chuyện tưởng chừng bế tắc, bỗng có chuyển biến bất ngờ. Sau chuyến thăm của Hoàng thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia vào ngày 24-11, UAE đã có những quyết định thay đổi trong vấn đề Hedges. Một sự trùng hợp (hay có chủ ý) là trong tuần lễ cuối tháng 11 UAE rộn rịp chuẩn bị đón ngày Quốc khánh, và đây là dịp để ân xá tội nhân. Ngày 26-11, Quốc vương UAE đã ban lệnh ân xá cho 800 người đang thụ án tù, trong đó có Hedges.

Một số nhà phân tích cho rằng việc Hedges bị bắt và tuyên án tù với cáo buộc “gián điệp” có thể là một vụ “bắt nhầm”. Nhưng càng về sau, diễn biến vụ việc lại theo chiều hướng khác, có sự toan tính chính trị bên trong. UAE và Saudi Arabia là hai đồng minh cật ruột ở Trung Đông. 

Hoàng thái tử UAE Mohammed bin Zayed có thể được xem là một “đồ đệ” trung thành của Hoàng thái tử bin Salman của Saudi Arabia. UAE là cánh tay đắc lực của Saudi Arabia trong nhiều vấn đề trong khu vực, như vụ bao vây cô lập Qatar, nhất là cuộc chiến tại Yemen, UAE đã đồng thanh cùng Saudi Arabia phản đối các yêu cầu của Mỹ và quốc tế chấm dứt cuộc chiến.

Và cũng dễ thấy rằng vụ bắt giữ Hedges có liên quan đến vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi. Giới phân tích nhận định, việc tuyên án và mức án dành cho Hedges phần nào là lời cảnh báo đối với việc Ngoại trưởng Hunt giữ quan điểm cho rằng Hoàng thái tử bin Salman đã ra lệnh giết Khashoggi. 

Tuy nhiên, khi vụ việc đi quá xa, gây nên khủng hoảng ngoại giao, làm hoen ố hình ảnh và uy tín của một đối tác đáng tin cậy trong khu vực, thì đến lúc UAE cần tìm một “lối thoát danh dự”. Đó chính là lý do Hedges “bỗng dưng được thả” nhân dịp Quốc khánh UAE.

An Tôn (tổng hợp)
.
.