Vụ khủng hoảng y tế tại Lục địa đen
- Saudi Arabia vẫy vùng trong khủng hoảng
- Cử tri Mỹ đang đắn đo trước khủng hoảng kép?
- Nga tìm cách thoát khủng hoảng kép
Tại hầu hết các bệnh viện ở châu Âu và Bắc Mỹ, oxy được chuyển giao bằng tàu chở dầu và được bơm trực tiếp tới tận gường của bệnh nhân. Nhưng ở nhiều quốc gia châu Phi, bệnh viện chỉ đơn giản là dùng xi-lanh để bơm oxy cho bệnh nhân.
Cay đắng hơn, ngay cả nguồn oxy quý báu cũng chỉ được trang bị tại các bệnh viện lớn ở những thành phố tên tuổi. Ở Ouagadougou (quốc gia Burkina Faso) có một thực trạng đau lòng là các bác sĩ buộc phải đưa ra quyết định ai sẽ nhận được oxy, ai không, khiến cho nhiều người đã ra đi.
Quyết định sinh tử
Grace Anya chứng kiến người cha Obiefula qua đời. Trước đó, ông được chẩn đoán mắc bệnh viêm phổi và được đưa đi xét nghiệm virus corona chủng mới tại bệnh viện đa khoa Gbagada ở Lagos (thành phố đông dân nhất ở Nigeria) vào ngày 12 tháng 5 năm 2020. Dù người nhà nói rằng Obiefula bị nôn mửa và đi ngoài ra máu, bệnh viện vẫn cho con bệnh ít thuốc và trả về nhà.
Ông Obiefela, cha ruột của Grace Anya đã qua đời tại nhà riêng do mắc COVID-19. Trước đó, 9 bệnh viện đã từ chối điều trị cho bệnh nhân. |
2 ngày sau, Obiefula yếu đến nỗi không thể nói được. Gia đình đưa bệnh nhân đi lần lượt 9 bệnh viện nhưng hết thảy đều phản hồi họ không có oxy, cũng có nơi nói rằng vì bệnh nhân không có kết quả dương tính với COVID-19 nên từ chối điều trị. Obiefula thở đứt quãng và tử vong tại nhà. Anya chua xót nói rằng cha cô vẫn sống nếu có bình dưỡng khí.
Oxy "mua" thêm thời gian để hệ miễn dịch của bệnh nhân loại bỏ virus. Trong khi phần lớn bệnh nhân COVID-19 có các triệu chứng nhẹ, thì vẫn có 14% người cần oxy trong bệnh viện và 5% cần thở máy trong chăm sóc đặc biệt.
Tuy vậy một loạt các bệnh viện ở Nigeria, Kenya, Burkina Faso, Guinea, Nam Phi, Nam Sudan, Cameroon, Ethiopia và Tanzania đã báo cáo thiếu hụt oxy. Ở các nước có mức thu nhập cao, oxy lỏng được vận chuyển và chứa trong các bể lớn trong khuôn viên các bệnh viện, sau đó chúng biến thành khí và được bơm đến giường bệnh nhân, cách này hiệu quả hơn so với dùng xi-lanh khí nén, kết quả là oxy tại các nước vùng cận Sahara Phi châu đắt gấp 5 lần so với Châu Âu và Bắc Mỹ.
Giá 1 xi lanh 6,8m3 oxy đủ để điều trị một bệnh nhân trưởng thành trong 1 ngày có giá rẻ nhất 23 USD ở Kenya thì lên đến 112 USD ở Guine (gồm phí vận chuyển).
Vì một số bệnh viện lớn cần đến 80 xi lanh/ngày nên giá cả leo thang chóng mặt. 2 tập đoàn Air Liquide và Linde Group (các công ty Âu Châu có các chi nhánh ở Phi châu bao gồm Afrox và Công ty oxy Anh (BOC), hoạt động trên khắp mọi quốc gia ở lục địa đen. Hai tập đoàn này cũng cung cấp cái gọi là “oxy công nghiệp” cho các hoạt động khai thác mỏ, hóa chất, hàn và thực phẩm.
Trên toàn cầu, chỉ riêng trong năm 2019, Linde Group thu về 28 tỷ USD doanh thu, còn Air Liquide thu về 24,5 tỷ USD. Air Liquide đã tính phí cao hơn cho oxy hóa chất dù chúng đến cùng các nhà máy; BOC/Afrox “chém” gấp 7 lần cho oxy y học. Giải thích về ô xy dùng cho y học, phát ngôn viên của hãng Air Liquide cho biết: “Nó (oxy y học) không được sản xuất và phân phối theo kiểu thủ công. Nó cần phải được truy xuất đầy đủ và có chất lượng cao nhất”.
Giá cả nhảy múa
Tác động của COVID-19 mới chỉ là triệu chứng mới nhất của cuộc khủng hoảng thiếu hụt oxy trên khắp Phi Châu. Trên toàn thế giới, viêm phổi là chứng nhiễm trùng lớn nhất gây ra tử vong ở trẻ em. Chỉ riêng trong năm 2018, khoảng nửa triệu trẻ em đã chết do khuẩn viêm phổi tại vùng cận Sahara Phi châu. Trevor Duke, giám đốc Trung tâm sức khỏe trẻ em quốc tế (CICH) tại Đại học Melbourne, đã phát hiện ra rằng việc tiếp cận oxy có thể làm giảm 35% tỷ lệ tử vong sớm ở trẻ em.
Bé Beatrice, 1 tuổi khám tổng quát tại Yola (Nigeria), nơi hàng ngàn trẻ em chết mỗi năm do bệnh viêm phổi. Ảnh nguồn: Modola/Unicef. |
Bác sĩ Hamish Graham, một bác sĩ tư vấn nhi khoa – người nghiên cứu về cách thức cải thiện bệnh do tiếp cận oxy, cho hay: “Với trẻ em mắc viêm phổi ở Nigeria, khí y tế chiếm ½ viện phí”. Bà Leith Greenslade, một nhà hoạt động từ Liên minh đếm mỗi hơi thở (EBCC) phân trần: “Tiền chi cho khí y tế đã vượt khỏi tầm với của phần lớn bệnh viện công trên khắp vùng cận Sahara”.
Thỉnh thoảng các bệnh nhân thật sự cần khí y tế đã tự xuất viện do chi phí quá đắt đỏ. Về chuyện này, ông Trevor Duke nói: “Có nhiều quốc gia đang độc quyền về khí y tế. Ở một số quốc gia khác, hóa đơn mua khí còn là đơn thuốc nhiều tiền nhất được mua bởi các Bộ y tế”.
Mặc dù ô xy rất cần thiết (khi không chỉ trị viêm phổi mà còn dùng trong mổ con và chấn thương) nhưng suốt nhiều năm nó chỉ được xem là thuốc gây mê trong Danh sách các loại thuốc thiết yếu của WHO phục vụ cho “nhu cầu thuốc tối thiểu cho hệ thống chăm sóc sức khỏe căn bản”.
Air Liquide và BOC đã có lịch sử về việc định giá khí y tế và vấp phải sự chỉ trích. Từ năm 2001 đến 2011, Air Liquide và Praxair (sau này hãng này đã sát nhập với Linde Group) đã bị điều tra trong một loạt các vụ chỉ định giá khí y tế ở Mỹ Latinh. Chi nhánh Afrox của Linde Group hiện đang bị Ủy ban cạnh tranh Nam Phi (SACC) điều tra do nhiều lo ngại liên quan đến việc cố định giá đối với các chương trình cho thuê xi lanh khí lỏng.
Đấu tranh chống độc quyền
Suốt nhiều năm, các công ty nhỏ đang cố gắng cung cấp oxy giá rẻ. Tuy nhiên, người trong cuộc nói rằng các tập đoàn đa quốc gia đang đấu nhau để giữ vững thị phần. Vụ điều tra báo chí Anh (BI) đã tìm thấy bằng chứng về việc Linde Group đang làm giảm sự cạnh tranh.
Trước năm 2013 chi nhánh BOC Kenya của Linde Group đã giữ sự độc quyền khi tính giá 58 USD/1 xi lanh J (tiền cả chi phí vận chuyển đến một nhà máy ở Nairobi (Kenya). 2 bác sĩ Steve Adudans và Bernard Olayo (Trung tâm sức khỏe và phát triển cộng đồng của Kenya) đã mua được tài trợ và xây dựng nhà máy sản xuất oxy của riêng họ mang tên Hewatele.
Họ đã thiết lập một hệ thống chia tách oxy và vận chuyển các xi lanh từ các bệnh viện và phòng khám và lần đầu tiên đã cung cấp miễn phí. Ngày hôm nay công ty Hewatele tính giá 25 USD/xi lanh J; BOC Kenya cũng nhanh chóng phải giảm giá để cạnh tranh.
Chuyển sang dùng Hewatele đồng nghĩa rằng nguồn cung sẽ rẻ hơn và ổn định hơn. Ông Bernard Olayo thừa nhận: “Nhiều bệnh viện cho rằng họ khó chuyển đổi. Vì đồng hồ lo lưu lượng khí, cũng như van điều chỉnh đều chỉ phù hợp với thiết kế các xi lanh của BOC Kenya”. Một chuyên gia trong cuộc đề nghị giấu tên khẳng định với Vụ điều tra báo chí Anh (BI): “Thiết kế của BOC Kenya là “hoàn toàn có mục đích”. Khi tôi còn là một công nhân trẻ đã bị bắt buộc làm điều đó. Cấp trên muốn tạo ra những rào cản này nhằm mục đích gây khó khăn cho công tác chuyển đổi.
Chưa hết, BOC Kenya cũng thiết lập các bồn chứa khí và đường ống khi các bệnh viện lựa chọn oxy lỏng, và cơ cấu này cũng gây khó cho các bệnh viện khi muốn tìm nhà cung cấp mới”. CEO của AirBank (đơn vị đang cung cấp oxy y tế khẩn cấp miễn phí cho các bệnh viện ở Nigeria), Temie Giwa-Tobusun quả quyết: “Bằng cách gây áp lực cho các bệnh viện vào hệ thống này, họ đang thực sự đẩy rủi ro cho các bệnh nhân”.
Một số bệnh viện còn phàn nàn rằng một số công ty oxy thỉnh thoảng còn giới hạn nguồn cung oxy trị bệnh. Trung bình, mỗi ngày có 35 xi lanh oxy được giao cho Bệnh viện đại học Yalgado Ouedraogo (Burkina Faso). Đến tháng 3-2020, hãng Air Liquide ra tuyên bố rằng các bệnh viện có thể mua thêm xi lanh nếu họ trả đủ 60% các xi lanh cũ đã qua sử dụng. Nhưng ngay cả những xi lanh cũ vẫn đang được sử dụng.
Giờ đây chỉ 10 xi lanh được giao mỗi ngày, và các bệnh viện lâm vào thế kẹt khi gần chạm đến ngưỡng cạn kiệt nguồn cung oxy. Trả lời câu hỏi của giới truyền thông, hãng Air Liquide giải thích: “Nhu cầu thì tăng không ngừng hàng ngày, trong khi các xi lanh rỗng được giữ ở các bệnh viện sẽ làm thiếu hụt ở những nơi khác, tạo ra nỗi thống khổ không thể chấp nhận được cho các bệnh nhân. Chúng tôi không để cho bệnh viện nào lâm vào cảnh thiếu oxy”.
Công nghệ tạo đột phá
Khi khủng hoảng COVID-19 ngày một trầm trọng, WHO, Ngân hàng thế giới (WB) và Unicef đang hối hả chở hàng ngàn máy tạo ô xy đến 120 quốc gia. Những cỗ máy có kích cỡ dạng va li, có thể xách tay, đã chuyển đổi không khí xung quanh thành oxy và sử dụng ngay giường bệnh nhân thay cho dùng xi lanh.
Trẻ em Nam Sudan tiếp cận oxy từ máy tạo oxy duy nhất của bệnh viện. Ảnh nguồn: Naftalin/Unicef. |
Nhưng Liên đoàn y tế Kenya (KHF), một cơ quan do BOC đứng sau chỉ đạo, lại ra đòn khó khi cho rằng chỉ nên dùng lượng oxy đậm đặc 99,95% mới được chấp thuận. Nồng độ đó chỉ có được khi oxy được đông lạnh (không khí được đóng băng để oxy và nitơ tách ra và hình thành oxy lỏng, đây cũng là phương pháp được sử dụng trong các nhà máy của BOC ở châu Phi). Còn có 2 phương pháp tạo ra oxy khác là máy cô đặc không khí, và các nhà máy hấp phụ xoay áp suất (PSA) có thể tạo ra oxy đậm đặc từ 93% đến 99%.
WHO định nghĩa rằng oxy dùng trong y tế phải có độ đậm đặc trên 82%. TS Hamish Graham, người đã dẫn đầu các dự án về khả năng tiếp cận oxy, phát biểu: “Đang có những ngộ nhận cho rằng độ đậm đặc của oxy phải là 99% mới tốt nhất, cũng như WHO chưa từng đưa ra bất kỳ khuyến nghị vào về độ tinh sạch của oxy."
Tiến sĩ Hans Lang, một bác sĩ nhi khoa làm việc cho Alima (tổ chức phi chính phủ chăm sóc y tế toàn cầu) khẳng định: “Cung cấp máy tạo oxy giúp các bệnh viện độc lập nguồn cung. Việc sản xuất oxy cần phải được phân cấp: sản xuất gần bệnh nhân hơn thay vì tại các nhà máy khí”.
WHO và Unicef đã mua hơn 3 vạn máy tạo oxy để gửi tới các quốc gia có nhu cầu, dù rằng hiện tại WHO đã phát đi cảnh báo về sự thiếu hụt. Thực ra máy tạo oxy không phải là một giải pháp hoàn hảo vì không phải lúc nào cũng có điện, và các câu chuyện về bệnh nhân hấp hối trong lúc mất điện diễn ra thường xuyên. Loại máy này cũng nhanh hỏng trước các điều kiện thời tiết nóng, bụi bặm hay ẩm ướt.