Aleister Crowley - điệp viên kép

Thứ Năm, 13/04/2023, 10:43

Gián điệp và thế giới huyền bí dường như không có bất kỳ mối liên hệ nào. Thứ nhất là nỗ lực nghiêm túc của chính phủ họ nhằm thu thập thông tin quan trọng về kẻ thù của họ, và về những mối hiểm họa chống lại nước họ. Thứ hai chỉ hoàn toàn thiên về huyền bí học. Nhưng có một quý ông tuyên bố đã nối kết 2 thế giới này và đã đạt được một số thành tích kỳ lạ. Thực hư thế nào?

Âm mưu lật đổ các hoàng gia châu Âu

Edward Alexander Crowley (người được biết đến nhiều hơn với cái tên Aleister Crowley) đã được một số người chửi bóng gió “kẻ độc ác nhất thế giới”, nhưng Edward lại thích tự gọi mình là “Quái nhân 666”. Một số người cho rằng ông là kẻ lường gạt và giả tạo. Song cũng không ít người cho rằng ông là bậc thầy tâm linh hay một thiên tài bị hiểu lầm.

19-2.jpg -0
Tàu biển RMS Lusitania của Anh đã bị Edward Crowley tư vấn cho người Đức đánh chìm với nguồn tin tình báo là tàu này chở vật tư chiến tranh cho Anh. Ảnh nguồn: NPR.

Bất chấp những lời đàm tiếu, không nghi ngờ gì nữa, Aleister Crowley là nhà huyền bí học có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Edward còn có một nhân cách khác: điệp viên. Nói rõ hơn, Edward là một điệp viên khiêu khích - người lấy được lòng tin của địch và khiến họ thực hiện những hành động sai lầm dẫn đến tự chuốc lấy thất bại cay đắng.

Edward Crowley đã đan xen giữa các xã hội bí ẩn, chủ nghĩa huyền bí và gián điệp rất tài tình theo một cách mà chưa ai từng làm được trước đó. Đó là một sự tương tác dường như đủ để rõ ràng. Nhưng mối liên kết với các cơ quan tình báo có vẻ khó hình dung hơn một chút. Về cơ bản thì các cơ quan gián điệp là những xã hội mật ít người biết tường tận. Mục tiêu của họ là mua bằng được bí mật của đối phương, nhưng cố công che đậy bí mật của chính mình.

Khâu tuyển dụng nhân sự của họ khá chặt chẽ, chỉ tuyển chọn những người giỏi nhất, và ràng buộc các thành viên bằng lời thề im lặng. Họ thích hoạt động bên ngoài sự giám sát và nhận thức của công chúng. Mặt khác, việc đeo đuổi khám phá thế giới huyền bí cũng giống nhau. Edward Crowley từng phát biểu: “Việc điều tra thuyết tâm linh vốn là nền tảng căn bản cho hoạt động mật vụ; rất nhanh người ta sẽ lãnh hội đủ các mánh khóe.

Không phải ngẫu nhiên mà các chuyên gia tình báo bị đặt cho biệt danh là “Ma quỷ”. Hoạt động gián điệp có những quy tắc đạo đức riêng. Vào thời điểm anh ta được tuyển dụng, một điệp viên người Anh nhớ lại mình từng được nhắc nhở rằng “anh chớ sợ việc giả mạo, cũng đừng ghê sợ việc giết người”. Phương châm hành động của Edward Crowley khá là phù hợp: “Hãy làm những gì bạn muốn”.

Trong khi người ta luôn cho rằng huyền bí gắn kết với siêu nhiên hoặc tà quái, song thật sự nó chỉ có nghĩa là “che giấu”. Một nhà huyền bí học tìm cách che giấu thứ gì đó, và thường xuyên làm việc đó. Có một quy tắc căn bản trong các hội kín là kiến thức mà các tổ chức đó có sẽ không dành cho mọi người, hay nói cách khác nó chỉ dành cho người được lựa chọn, và những người được đặc quyền đó sẽ giữ nó cho riêng họ.

Vậy nhưng Edward Crowley thực sự là ai? Nói chính xác thì nhân vật này là một người theo đạo Satan, mặc dù thực hư còn đang gây nhiều tranh cãi. Mặc dù thi thoảng tuyên bố có tổ tiên là người Ireland, nhưng Edward thuần túy là người Anh. Ông xuất thân từ một gia đình Cơ Đốc giáo khá giả theo trào lưu chính thống giáo, điều đó thôi thúc ông muốn sáng lập một tôn giáo mới. Edward đã đúc kết những kinh nghiệm thần bí và sở thích yêu thú cưng của mình vào một thứ mà ông gọi là “Thelema”’ hoặc “Chúc Thư”.

Những người khác gọi đó là “Crowley - bất đồng”. Edward mơ sẽ gạt Thiên chúa giáo sang một bên và mở ra một thời đại khai sáng mới. Ông cũng là một nhà leo núi và kỳ thủ cờ vua đẳng cấp thế giới. Sự nghiệp huyền bí học của Edward Crowley được bắt đầu khi ông gia nhập vào Hội ẩn dật Bình minh vàng (gọi chung là Hội) vào năm 1898.

Sau thập niên 1880, Hội này nằm trong số các hội bí truyền mọc lên như nấm. Những thành viên nổi tiếng của Hội bao gồm nhà thơ William Butler Yeats, và học giả Huyền học Arthur Waite. Xét vẻ bề ngoài thì Hội giống như một nhóm thời kỳ cuối Victoria bao gồm những phần tử lập dị giàu có cùng các nhà họa sĩ phiêu lưu. Tuy nhiên, một số thành viên của Hội đã nuôi dưỡng một chương trình nghị sự chính trị gọi là Legitimism (Chủ nghĩa hợp pháp). Nhóm chính trị này nuôi mưu đồ loạt bỏ những người như Nữ hoàng Queen (một hậu duệ gốc Đức) ra khỏi ngai vàng Anh, và phục hồi dòng dõi Stuart hợp pháp.

Nhóm chính trị hứa sẽ đưa nước Anh trở lại Giáo hội công giáo La Mã, đồng thời khôi phục quyền tự trị cho Scotland và Ireland. Do đó không mấy ngạc nhiên khi Hội có nhiều thành viên Ireland như nhà thơ William Butler Yeats. Một số người có quan hệ với hội Huynh đệ Cộng hòa Ireland (IRB) - một hội kín chiến đấu cho nền độc lập của người Ireland.

Một trong các lãnh đạo của Hội (người đã giới thiệu Aleister Crowley) là một nhà huyền bí người Anh và cũng đồng thời là một người theo Chủ nghĩa hợp pháp tên là Samuel MacGregor Mathers. Hóa ra ông Mathers là bạn thân của một người Anh đặc biệt - lãnh chúa Bertram Ashburnham.

Ông Ashburnham cũng là một chiến binh Chủ nghĩa hợp pháp, người đang chỉ huy một trại huấn luyện vũ trang ngay trên lãnh địa của mình. Trên thực tế, Mathers, Ashburnham và những thành viên khác trong Hội đang âm mưu trang bị vũ khí và tài chính để tiến hành một cuộc cách mạng ở Tây Ban Nha. Nếu thành công, họ mong đợi sẽ có một vị tân vương, có thể là Don Carlos.

19-1.jpg -0
Aleister (Edward) Crowley, nhà huyền bí học hoạt động ngầm cho tình báo Anh. Ảnh nguồn: Jules Jacot. Guillarmod/Public domain.

Edward Crowley – thủ phạm của vụ đánh chìm tàu Lusitania?

Không khó để hiểu tại sao các quan chức Anh rất muốn biết những gì đang diễn ra trong các cuộc họp trong lãnh địa của Lãnh chúa Bertram Ashburnham. Người mà người Anh muốn biệt phái đến dò la động tĩnh chính là Aleister Crowley. Với sự hậu thuẫn của Mathers, Edward Crowley đã bí mật len lỏi vào âm mưu Tây Ban Nha (bao gồm cả việc buôn lậu một lượng lớn vũ khí). Ai đó (có lẽ là Edward Crowley) đã phản bội âm mưu này. Việc ông ta gia nhập vào Hội chẳng khác nào tống lựu đạn vào phòng.

Chưa hết, Edward còn cao tay hơn khi cố tình đưa tình dục vào Hội nhằm quấy động một số nghi lễ của Hội. Kết quả là mối thù trong nội bộ dường như đã hủy hoại Hội. Mà đau nhất là những người chủ của Edward Crowley. Một thành phần quan trọng trong hệ thống tín ngưỡng của Hội là một nhóm người được gọi là “Các thủ lĩnh mật”. Họ được cho là những vị tâm linh tiến bộ khi đã hướng dẫn các đồng tu vào thế giới siêu nhiên. 

Điều thú vị là Edward Crowley lại so sánh “các trưởng lão của Hội” là những “thủ lĩnh gián điệp” vì sử dụng nhân viên trong bóng tối. Các trưởng lão phụng sự trong hội kín của họ kiểu như Đại Bạch Ốc. Theo đó Đại Bạch Ốc chống lại một thế lực xảo quyệt hơn có tên gọi là Hắc Ốc và Hắc Huynh Đệ. Sự khác biệt chung là ma thuật chính, tà. Bất chấp là một pháp sư da đen, Edward Crowley khẳng định mình phụng sự cho Đại Bạch Ốc.

Một chuyện khác. Khoảng 15 năm ngày Hội ra đời, một người Ireland theo chủ nghĩa dân tộc khá quan trọng, người được biết đến dưới cái tên Ngài Roger Casement đã thăm thú đô thành New York nhằm thương thảo một hợp đồng mật để người Đức yểm trợ cho cuộc khởi nghĩa ở Ireland. Tình báo Anh nắm được tin này và tiến hành một cách thận trọng. Mỹ là một nước trung lập, còn Ireland nhận được sự ủng hộ rộng rãi ở Mỹ. Song người Anh lại còn biết một bí mật: Roger Casement là một đồng tính nam và nghĩ cách tạo ra một mưu mẹo để khiến cá cắn câu.

Edward Crowley là một người lưỡng tính. Khả năng thâm nhập vào thế giới ngầm của người đồng tính nam khiến ông trở thành một phương tiện lý tưởng nhằm đào xới thông tin của Roger Casement. Nếu Edward Crowley bị lộ, bàn tay của London vẫn sạch, nó được gọi là chối phắt. Khi Edward Crowley khởi hành từ Anh, người Anh tin rằng Roger Casement vẫn còn ở  New York, nhưng ông ta đã lẻn đi. Vì thế mà khi Edward đặt chân đến Manhattan thì chưng hửng. Nhưng ông ta liền tìm thấy những cách hữu ích hơn.

Ngày 3 tháng 7 năm 1915, khi những tia nắng bình minh đầu tiên phản chiếu trên sông Hudson, 10 người đã tụ tập trên bến tàu đường 50, dẫn đầu trong số họ là Edward Crowley tự xưng là “lãnh đạo cho niềm hy vọng Ireland” và là đại diện cho “Ủy ban cách mạng bí mật và an toàn công cộng cho chính phủ lâm thời Ireland”. Lẽ dĩ nhiên đó là một tổ chức tồn tại trong trí tưởng tượng của Edward Crowley.

Hai người theo sau là những người theo Chủ nghĩa dân tộc chân chính, nhưng 4 người khác là những tay say xỉn bình thường. Người thứ tám là bạn gái hiện tại của Edward tên là Leila Waddell, cô ta giúp giải trí cho đám người. Cũng có một ký giả của báo The New York Times trong nhóm người. Edward muốn rằng sự kiện này được nhiều người biết đến.

Sau khi đi xuồng tới đảo Tự do, Edward lên đường cao tốc, tuyên thệ với cách mạng, và phô trương xé hộ chiếu Anh của mình. Edward “tuyên chiến với Anh”, thề chiến đấu đến giọt máu cuối cùng vì tự do cho Ireland. Nó chỉ thuần là một vở kịch. Sau này chính Edward thừa nhận rằng “tôi chả biết chút gì về Ireland cả” hoặc “chả biết đấu tranh độc lập là cái gì?”. Hộ chiếu thật quay trở lại phòng của Edward. Anh ta xé phong bì. Thực sự Edward không cố gắng gây ấn tượng với các nhà cách mạng Ireland ở New York. Đức mới chính là mục tiêu của anh ta.

Lôi kéo Mỹ vào Thế chiến I

Nhà tuyên truyền chính của Đức ở New York (một quý ông tên là George Sylvester Viereck) đã thuê Edward Crowley viết các bài báo chống Anh cho tạp chí của ông ta là “Tổ quốc” (The Fatherland). Viereck là một nhà huyền bí đầy tham vọng và cũng là một thành viên hội kín thích cực khoái với ma túy và phóng túng. Thông qua Viereck, Edward Crowley đã nghe lén được cái gọi là “Nội các Tuyên truyền”, đó là một nhóm bí mật bao gồm các nhà báo và học giả người Mỹ gốc Đức, cũng như các quan chức Đức như tùy viên quân sự của vua Đức ở Washington là Franz von Papen.

18 năm sau đó, Franz von Papen đã trở thành một trong những người đưa Adolf Hitler lên làm thủ tướng Đức. Người Anh muốn đẩy Mỹ vào chiến tranh bao nhiêu thì người Đức cố gắng ngăn cản điều đó bấy nhiêu. Tại sao lại như vậy? Trong cuộc họp nội các vào tháng 3 năm 1915, Edward Crowley phát biểu rằng “tôi dần tin rằng người Đức nghĩ rằng chính sách tốt nhất là kiêu ngạo và bạo lực”.

Theo cách giải thích của Edward thì người Mỹ như trẻ con: dễ dàng sợ hãi và đáp lại kiên quyết. Edward Crowley đã đánh lừa người Đức rằng nghiên cứu của ông đã cho thấy cái nhìn sáng suốt về tâm lý đám đông của người Mỹ và người Anh. Chủ đề thảo luận trọng tâm ngày hôm đó là con tàu biển The Lusitania: niềm tự hào của đội tàu biển Anh. Người Đức biết con tàu này dùng để vận chuyển vật tư chiến tranh từ New York đến Liverpool. Đó chính xác là một mục tiêu quân sự, nhưng thế khó là có hàng trăm hành khách vô tội trên tàu.

Lợi ích tuyên truyền từ việc đánh đắm tàu Lusitania có bị luồng dư luận tiêu cực không? Edward lập luận rằng không. Nội các tuyên truyền đã chuyển ý kiến của Edward tới Berlin. Vào đến ngày 7 tháng 5 năm 1915, một chiếc tàu ngầm Đức đã phóng ngư lôi trúng Lusitania ở ngoài khơi Ireland, hơn 1.000 người trên tàu đã thiệt mạng. Dù mãi 2 năm sau đó Mỹ mới tham chiến, nhưng danh tiếng Đức giờ đây đã bị bôi đen hoàn toàn trong mắt của phần lớn dân Mỹ.

Liên quan đến tình báo Đức

Một số người tuyên bố rằng Edward Crowley đã phóng đại ảnh hưởng của mình. Điều này có thể đúng nhưng sẽ là không công bằng khi cho rằng ông không có bất kỳ ảnh hưởng nào. Chìa khóa quan trọng khiến Edward Crowley giành được sự tin tưởng của người Đức không phải là nhờ Viereck mà là một người “máu mặt” trong mật vụ Đức tên là Theodor Reuss.

Trước Thế chiến I, Theodor Reuss là nhà báo hoạt động ở London. Reuss là người khởi xướng hội kín và cũng là một điệp viên. Reuss đã khởi xướng nên Ordo Templi Orientis (OTO, tổ chức hội kín siêu huyền bí). Bắt đầu thành lập ở Đức khoảng năm 1903, OTO khao khát thống nhất các hội kín bí truyền khác dưới ngọn cờ của nó. Những chi nhánh của OTO bao gồm Illuminati, Knights Templar (Hiệp sĩ đền thánh), Nghi thức Tam điểm và  Rosicrucian. Nhưng quan trọng hơn hết thảy thì OTO đóng vai trò là vỏ bọc cho tình báo Đức.

Năm 1912, Reuss tiến cử Edward Crowley vào OTO tại Berlin. Khi đó Edward trở thành thủ lĩnh các chiến dịch mật tại những nước nói tiếng Anh. Ông sử dụng một cái tên bí ẩn là Baphomet - một dạng thần tượng được các Hiệp sĩ đền thánh tôn thờ. Liệu Reuss có đưa Edward Crowley vào tình báo Đức hay không (hay chính Edward tự thực hiện) lại là một câu hỏi khác.

Bất chấp điều đó, Reuss và Edward vẫn duy trì liên lạc mật trong suốt Thế chiến I, trong khi Edward vẫn bí mật hoạt động cho tình báo Anh tại Mỹ, còn Reuss làm điệp viên cho Kaiser (vua Đức) ở Hà Lan và Thụy Sỹ. Sau khi Reuss qua đời, Edward Crowley nắm quyền thống lĩnh OTO  (hoặc một nhánh của nó). Cho đến ngày nay OTO được cho là vẫn còn tồn tại với những cáo buộc nó lấn sâu vào hoạt động tình báo.

Phan Bình (Tổng hợp)
.
.