“Bà đầm thép” Margaret Thatcher - phong cách và di sản

Chủ Nhật, 07/05/2023, 20:15

Một chiếc túi xách gọn gàng hình chữ nhật cổ điển của thương hiệu Aspray London là người bạn đồng hành thường xuyên của cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher. Bà vô cùng yêu thích món phụ kiện này, hoàn toàn không phải vì nó khiến các nam chính khách xung quanh phải hoảng sợ. Phụ kiện bất ly thân phù hợp với chủ nhân của nó luôn mang lại chiến thắng cho bà trước đối thủ trong mọi cuộc tranh chấp.

Nó là thuộc tính bất biến cả trong các cuộc đàm phán về Chiến tranh Lạnh và tại các cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, sau đó là Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachov và các nhà lãnh đạo thế giới khác.

Margaret Thatcher nổi tiếng với phong cách làm việc độc đoán, vì vậy bà được đặt biệt danh “Bà đầm thép”. Bà cứng rắn và nguyên tắc trong những vấn đề quan trọng, bà tranh cãi đến cùng, đặt ra những điều kiện khó khăn và gây áp lực mạnh mẽ. Và các chính trị gia-đối thủ, cũng như các bộ trưởng-đồng nghiệp, phần lớn rất sợ Margaret, bởi các cuộc tranh luận, tranh chấp với bà thường dẫn đến thất bại.

“Bà đầm thép” Margaret Thatcher- phong cách và di sản -0
Phong cách thời trang lịch lãm của “Bà đầm Thép”.

Những nhà báo thích hài hước khi viết về tính cách của bà Thủ tướng đã chỉ ra rằng, chỉ có những chiếc nơ trên áo và chiếc túi xách trên tay của bà mới nhắc nhở một cách giễu cợt rằng con người cứng rắn này chỉ là một phụ nữ mong manh. Hãy tưởng tượng xem các nam chính trị gia cảm thấy “phẫn nộ” thế nào khi họ nhận ra rằng họ sợ một người phụ nữ nào đó… Có lần, nhà thơ kiêm nhà báo Philip Larkin đã nói về Margaret: “Công lao to lớn của bà ấy là ở chỗ, bà ấy không ngại nói rằng 2 nhân 2 là 4. Mà điều này chưa bao giờ được phổ biến”.

Phong cách thời trang

“Bà đầm thép”, người đã đi vào lịch sử như một người mạnh mẽ, khôn ngoan, không thể lay chuyển  và một phụ nữ huyền thoại. Dù bà đã qua đời cách đây 10 năm, vào ngày 8/4/2013, nhưng điều đáng ngạc nhiên là đã một thập kỷ đã trôi qua mà ảnh hưởng của bà vẫn còn được cảm nhận, không chỉ trên chính trường mà còn trong các lĩnh vực về kinh doanh thời trang. Sự nữ tính và tính bảo thủ đã hình thành trên nền tảng cơ bản cho phong cách của bà là điều mà Thatcher không thay đổi cho đến cuối đời. Thật ngạc nhiên, nhưng hình ảnh của “Bà đầm thép” cho đến ngày nay vẫn là hình mẫu về phong cách của một người phụ nữ nắm giữ vị trí cao trong lĩnh vực chính trị.

Bà Thatcher là ví dụ về hình ảnh của một người phụ nữ cầm quyền. Vì vậy, trong nhóm của những người đàn ông mặc bộ vest trơn và kẻ sọc sẫm màu thì trang phục của bà rất hấp dẫn: thiết kế hoàn hảo với những sắc thái táo bạo nhất, đôi khi có in những họa tiết gây ảo giác; chiếc khăn thắt nơ to và phụ kiện tinh tế, thật khó để không chú ý đến bà Thủ tướng.

Chiếc túi xách đặc biệt: Trong các bài báo của mình, các nhà báo đã gọi món phụ kiện yêu thích của Thủ tướng một cách ngắn gọn là “chiếc túi khủng khiếp của Thatcher”. Và các trang báo không hiếm khi vẽ những bức tranh biếm họa, trong đó Margot (Margaret) đã đánh cật lực đồng nghiệp của bà. Vào thời điểm đó, thậm chí từ “túi xách” còn trở thành mốt. Độc giả vô cùng thích thú khi xem những bức tranh vui nhộn, còn các chính trị gia, cảm thấy kinh hãi khi nói với nhau về thứ phụ kiện quái ác này như một quả bom hẹn giờ. Dĩ nhiên, đó chỉ là một kiểu ẩn dụ-Margaret không ném túi xách và chắc chắn không đánh ai. Vì thế, nếu bà có “đánh bại” ai đó thì chỉ bằng cách gián tiếp. Và bà đã làm điều đó với tư cách là một quý bà đích thực - có mục tiêu và duyên dáng hơn nhiều so với những gì mà các họa sĩ hoạt hình đã miêu tả. Còn xung quanh Margaret thì thứ phụ kiện này được người ta gọi là một “vũ khí bí mật”.

Trên thực tế thì không phải là bản thân chiếc túi huyền thoại của Thủ tướng đã khiến cấp dưới và đối thủ khiếp sợ, mà chính là những thứ bên trong của nó. Trong đó, bà Thatcher lưu giữ những tài liệu quan trọng, các ghi chép, nhiều loại giấy tờ về chứng cớ vụ việc trong trường hợp có tranh cãi, cũng như những phản bác mà nếu cần, bà sẽ lấy ra khỏi túi của mình như một con át chủ bài, giúp bà hầu như luôn là người chiến thắng. Do đó, một khi Margaret đặt chiếc túi màu đen của mình lên bàn bằng một động tác dứt khoát thì hiệu ứng sẽ giống như một phát súng vậy.

“Khi Maggie phản đối, bà ấy đặt chiếc túi xách của mình lên bàn trong văn phòng và lấy ra một tờ giấy nhàu nát. Khi điều này xảy ra, thư ký văn phòng mặt tái nhợt, còn bộ trưởng thì ngước mắt nhìn lên trần nhà. Nhiều người nguyền rủa nội lực của chiếc túi xách khốn khổ này” - chính trị gia người Anh Kenneth Baker nhớ lại. Một sự kiện cũng đáng chú ý rằng Margaret từng là bộ trưởng duy nhất được phép đặt túi xách của mình lên bàn trong các cuộc họp quốc hội. Bởi vậy không phải vô cớ mà ai đó đã nghĩ ra câu nói: túi xách của phụ nữ là thứ ẩn chứa những điều bí mật…

“Bà đầm thép” Margaret Thatcher- phong cách và di sản -0
Những chiếc trâm cài áo hình con báo và bông hoa lan của M.Thatcher.

“Bà đầm thép” không cần thêm lời để khiến mọi người lắng nghe mình, bà chỉ cần xuất hiện trước khán giả trong chiếc áo khoác độn vai giả và đặt chiếc túi Asprey lên bàn. Bằng toàn bộ vẻ ngoài của mình, Thatcher luôn thể hiện rằng quần áo không phải là thứ chính yếu đối với bà.Điều được coi là chủ đạo ở bản thân bà là tài năng của một chính trị gia, điều mà bà đã học được một cách hoàn hảo để đóng khung với bộ đồ Aquascutum.“Toàn bộ hình ảnh của Thatcher - lần nào cũng là những chiếc áo khoác, túi xách, áo sơ mi giống nhau - được tạo nên để thể hiện ra suy nghĩ “tôi nói - các bạn lắng nghe”.

Cựu Thủ tướng giữ cẩn thận chiếc túi hình chữ nhật của thương hiệu Asprey London có lẽ giống như mọi thứ trong tủ quần áo của bà. “Tiết kiệm và tiết kiệm hơn nữa” là phương châm của “Bà đầm thép”. Năm 2011, chiếc túi xách huyền thoại Asprey của Margaret Thatcher được bán đấu giá tại Christies ở London với giá hơn 40.000 USD. Chủ sở hữu đã ra lệnh chuyển số tiền thu được cho một quỹ từ thiện hỗ trợ cho quân đội.

Đáng chú ý là dù được sử dụng hàng ngày nhưng thực tế chiếc túi vẫn trong tình trạng hoàn hảo. Tất nhiên, giá trị của nó không được định bởi thiết kế và thương hiệu, mà ở chỗ phụ kiện từng thuộc về ai. Nên nhớ rằng, vào những năm 80, chiếc túi này từng chứa các tài liệu có tầm quan trọng quốc gia, bởi bà Thatcher thường mang nó bên mình trong các cuộc gặp chính thức, trong số đó có các cuộc đàm phán với Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachov. Chiếc túi này chứa đựng những bí mật của Margaret Thatcher, có lẽ là thứ phổ biến thứ hai, chỉ sau những phụ kiện mà Nữ hoàng Anh mang theo.

Bạn đồng hành lâu năm khác của “Bà đầm thép” là những chiếc trâm cài áo được bà cài chặt vào áo khoác. Và nếu như không thể nhận ra tâm trạng của Thủ tướng qua chiếc túi xách, thì ngôn ngữ của chiếc trâm cài áo của Thatcher còn hùng hồn hơn nhiều. Chẳng hạn, chiếc trâm hình con báo trên áo nói rằng lúc này người ta không nên mong đợi sự khoan nhượng của Margot. Còn hình bông hoa lan thì cho phép hy vọng vào sự mềm mỏng và thấu hiểu của Thủ tướng. Về đồ trang sức được yêu thích thì hầu như Bà đầm Thép luôn đeo ngọc trai, đôi khi đi kèm với nhẫn, vòng tay và chiếc đồng hồ đeo tay loại lớn.

“Bà đầm thép” Margaret Thatcher- phong cách và di sản -0
M.Thatcher  và “Chiếc túi khủng khiếp” - phụ kiện yêu thích của bà.

Di sản chính trị

Vào năm 2007, khi Margaret Thatcher còn sống, một bức tượng bà bằng đồng có kích thước như người thật đã được tạo dựng và được đặt ở sảnh của Hạ viện. Bức tượng thể hiện vị Thủ tướng trong tư thế năng động đang tham gia tranh luận. Có một bức tượng khác của Bà đầm Thép đã được thị trưởng London đề xuất xây dựng ngay sau khi bà qua đời vào năm 2013. Kinh phí cho tượng đài được huy động thông qua các khoản đóng góp tư nhân. Và cuối cùng đã quyên góp được khoảng 300.000 bảng Anh.

Bức tượng cao 3 mét được thực hiện bởi nhà điêu khắc Douglas Jennings vào cuối năm 2015. Tuy nhiên, ngay sau khi công việc hoàn thành, con gái của cựu Thủ tướng Anh là Carol Thatcher đã chỉ trích gay gắt tác phẩm điêu khắc bằng đồng về mẹ cô thông qua một bức thư gửi cho chính phủ. Cô chỉ ra một điểm thiếu sót nghiêm trọng, theo ý kiến của cô, cụ thể là bức tượng thiếu chiếc túi xách của bà. Cô cho rằng chiếc túi xách là thuộc tính chủ đạo của Margaret. Carol nói rằng mẹ cô chưa bao giờ xuất hiện trước công chúng mà không có phụ kiện chính của bà là chiếc túi xách nhỏ.

Kế hoạch ban đầu là bức tượng sẽ được đặt trên quảng trường Quốc hội tại London, nơi đã có những tác phẩm điêu khắc của các nhân vật nổi tiếng như Winston Churchill và Lloyd George. Nhưng chính quyền địa phương đã từ bỏ ý tưởng đầu tiên, do nguy cơ về “sự phá hoại tiềm tàng và tình trạng bất ổn dân sự”, bởi vấn đề là bức tượng Thatcher, cũng như chính bản thân “Bà đầm thép”, thậm chí nhiều năm sau khi cầm quyền, vẫn còn tạo nên hai thái độ đối lập nhất trong dân chúng Anh.

Nghị quyết chỉ rõ “Bản chất gây tranh cãi trong sự nghiệp và di sản chính trị của Margaret Thatcher có nghĩa là bức tượng có thể trở thành nạn nhân của hành vi phá hoại”. Chính vì thế nên người ta quyết định dựng một bức tượng cao 3 mét ở quê hương của bà Thatcher trên đồi Thánh Peter ở thành phố Grantham, nơi bà đã lớn lên. Hơn nữa, tác phẩm nghệ thuật được dựng trên một bệ đá granit cao 4m để những kẻ gây rối tiềm tàng khó tiếp cận được. Tuy vậy, tượng đài đã hơn một lần bị hất sơn và ném trứng.

“Bà đầm thép” Margaret Thatcher- phong cách và di sản -0
Những bức tượng bà M.Thatcher.

Ngoài ra, bức tượng đầu tiên của cựu Thủ tướng làm bằng đá cẩm thạch của nhà điêu khắc nổi tiếng Neil Simmons được lắp đặt trong tòa nhà Bảo tàng London, đã bị một khách tham quan vô danh chặt đứt đầu vào năm 2022 rồi mang đi. Các cơ quan thực thi pháp luật trên khắp nước Anh đã được tăng cường để tìm kiếm chiếc đầu tượng. Thủ phạm không được tìm thấy, nhưng chiếc đầu tượng của “Bà đầm thép” đã được nhà điêu khắc làm lại.

Bích Nguyễn (Tổng hợp)
.
.