Bí mật ở Fort Irwin
Nằm sâu trong sa mạc Mojave, bang California, trung tâm huấn luyện quốc gia Fort Irwin dành cho quân đội Mỹ với diện tích hơn 3.000 km2, chia thành nhiều khu: Trung Đông, châu Phi, châu Á, Mỹ Latin… với nhà cửa, công trình kiến trúc cùng các mục tiêu quân sự kích thước y như thật.
Theo Chuẩn tướng Curt Taylor, chỉ huy trưởng, những bài học tác chiến ở đây sẽ giúp lính Mỹ “đặt chân xuống đất là đánh ngay, hoàn toàn không bỡ ngỡ về địa hình, địa vật…”.
1. Trong một chuyến thăm viếng hiếm hoi dành cho thân nhân của những người lính đang huấn luyện ở Trung tâm Fort Irwin cùng 2 nhà báo là Pal Medow thuộc trang tin Inside Politics (Bên trong những nền chính trị) và Rick Dickinson của tờ Stars and Stripes (Sao và Sọc), cơ quan ngôn luận chính thức của quân đội Mỹ, Medow đã viết về những gì mắt thấy tai nghe: “Đầu tiên chúng tôi được cho vào khu Trung Đông. Trên nền cát sa mạc nổi lên vài nhà thờ Hồi giáo với mái vòm dát vàng, xung quanh là những ngôi nhà hình hộp, cao thấp to nhỏ khác nhau tạo thành một mạng lưới bao bọc các con phố và những đường hẻm nhỏ. Ở một tháp canh, tôi thấy hai người trong trang phục Arab, đứng cạnh khẩu súng máy 12,7mm…”.
Thế rồi đột nhiên 6 trực thăng Apache xuất hiện. Một chiếc bay thấp đến nỗi tưởng như cánh quạt của nó sẽ chém vào ngọn tháp. Khẩu minigun 6 nòng trên trực thăng bắn như bò rống vào 2 người trên tháp canh. Giây lát, tiếng súng nổ vang khắp nơi. Một xe tăng Abrams chĩa nòng đại bác vào một căn nhà rồi khai hỏa. Bụi khói bốc lên mù mịt, vài tay súng của phía bên kia trúng đạn, nằm lăn ra đất, máu chảy đầm đìa, nhưng dĩ nhiên máu giả, trong lúc lính Mỹ tụt xuống từ trực thăng bằng thang dây.
Medow viết tiếp: “Những người lính lần lượt thanh toán các ổ đề kháng nằm trong những căn nhà. Mục tiêu cuối cùng của họ là một khu phức hợp mà tin tình báo cho biết có 3 cơ sở chuyên sản xuất áo bom và thiết bị nổ ngẫu hứng (IED)”.
Sau gần 2 tiếng, buổi huấn luyện kết thúc với kết quả 60 phiến quân bị tiêu diệt, tất cả các cơ sở của họ bị phá hủy hoàn toàn dựa trên khối lượng bom đạn, chất nổ mà bên tấn công đã sử dụng. Lính Mỹ 2 chết, 7 bị thương căn cứ vào những vết đạn sơn màu đỏ in trên quần áo họ. Sở dĩ có thể nêu ra con số chính xác là nhờ Fort Irwin đã đưa vào hoạt động hệ thống tương tác laser tích hợp để mọi viên đạn giả bắn ra và mọi thương vong giả đều được ghi lại rồi truyền về mạng máy tính đặt trong tòa nhà Star Wars, nơi theo dõi chuyển động của mọi phương tiện, vũ khí và binh lính nhằm phân tích chuyên sâu sau mỗi trận đánh.
Chuẩn tướng Taylor nói: “Chúng tôi đưa tất cả lên màn hình và lắm khi tranh cãi rất gay gắt về những gì lẽ ra có thể làm tốt hơn. Và mặc dù chỉ là giả định nhưng nó đã chứng tỏ khả năng tác chiến của lính Mỹ. Những bài học dựa trên địa hình thực tế mang lại hiệu quả gấp nhiều lần so với thực tập trên sa bàn…”.
2. Được thành lập vào năm 1981, Trung tâm huấn luyện quốc gia Fort Irwin hình thành từ mối lo ngại ngày càng tăng bởi tiềm lực quân sự của Liên Xô. Khi ấy những nhà lãnh đạo quân đội Mỹ nhận ra rằng Mỹ không còn có thể chỉ dựa vào hỏa lực vượt trội của mình. Trong cuốn cẩm nang dã chiến xuất bản năm 1976 bởi Bộ Quốc phòng Mỹ có đoạn: “Quân đội sẽ phải học cách chiến đấu ít hơn nhưng thắng lợi nhiều hơn”. Chuẩn tướng Taylor nói: “Những bài học rút ra từ Việt Nam và cuộc chiến tranh Arab-Israel năm 1973 đã khiến chúng tôi nhận ra rằng có thể sẽ mất cả tiểu đoàn chỉ trong một buổi chiều nếu chúng tôi chưa sẵn sàng. Vì thế chúng tôi tạo ra môi trường thực tế nhất để những người lính hiểu rằng cuộc chiến tiếp theo sẽ diễn ra ở đâu, với ai và như thế nào...”.
Tuy nhiên, kể từ lúc thành lập đến đầu thập niên 1990, việc huấn luyện tác chiến ở Fort Irwin chủ yếu vẫn nhắm vào Liên Xô và một số quốc gia Đông Âu nằm trong Liên bang Xô Viết. Chỉ đến khi Liên Xô sụp đổ và cuộc chiến Afghanistan, Iraq bắt đầu vào những năm 2000, Chính phủ Mỹ mới quyết định đổ một số tiền khổng lồ, biến Fort Irwin thành trung tâm của loại hình tác chiến đô thị. Thị trấn đầu tiên ở Ford Irwin được xây dựng là Medina Wasl, Iraq, mô phỏng theo hình ảnh chụp thủ đô Baghdad từ vệ tinh, có diện tích gần đúng như thực tế với những container xếp chồng lên nhau, mặt ngoài phủ bằng những tấm nhựa giả đá ốp lát hoặc giả vách đất với tổng số lên đến 785 toà nhà. Chúng được liên kết bởi một mạng lưới đường hầm dưới lòng đất, qua đó những người lính đóng giả quân nổi dậy có thể chạy trốn mà không bị phát hiện. Mô hình này sau đó được thực hiện với nguyên mẫu là khu định cư Ertebat Shar ở Afghanistan.
Tại khu châu Phi, những người xây dựng trung tâm huấn luyệt Fort Irwin đã bỏ ra không ít công sức, tiền bạc để biến 3km vuông sa mạc thành một khu rừng nhiệt đới với một con sông dài 1,5 km, nước sông được bơm từ 9 giếng khoan cách đó 21km. Dọc theo bờ sông là những căn chòi lợp bằng lá cây, nơi ẩn náu của một nhóm Hồi giáo cực đoạn, tất cả đều do lính Mỹ da đen đóng giả còn bên ngoài cánh rừng là một thị trấn, đa số dân cư đều ngả theo phiến quân nhưng cả phóng viên Medow lẫn Dickinson đều không được phép chụp hình, có lẽ vì lý do bảo mật. Chuẩn tướng Taylor nói: “Năm 1993, trong trận Mogadishu diễn ra ở Somalia, 18 lính Mỹ thiệt mạng cùng hàng trăm người Somalia, 2 trực thăng Black Hawk bị bắn rơi đã cho thấy quân đội Mỹ đơn giản là chưa chuẩn bị cho những cuộc giao tranh trong môi trường đô thị”.
Trong cuốn cẩm nang dã chiến xuất bản bởi Bộ Quốc phòng Mỹ cũng nhấn mạnh: “Những người lính Mỹ không biết cách dự đoán hành vi của đối phương, họ rất khó khăn trong việc phân biệt giữa quân nổi dậy với những người có cảm tình với Mỹ và dân thường. Vì thế, công tác huấn luyện đã phải thay đổi với trọng tâm là sự hiểu biết về văn hóa, tập quán sinh hoạt, quan điểm chính trị của dân bản xứ bởi lẽ cuộc chiến chống các tổ chức nổi dậy, khủng bố, cực đoan hiện nay không còn là việc những đội quân ngang tài ngang sức, tấn công nhau trên những chiến trường rộng lớn mà là những loạt tên lửa không thể đoán trước, bắn đi từ các khu chung cư, những thiết bị nổ ngẫu hứng được kích nổ trong những mê cung rối rắm của những con phố chật hẹp, là những kẻ bộ dạng rất hiền lành, vô hại nhưng bên trong người hắn là chiếc áo bom hoặc những chiếc xe dân sự nhìn rất hiền lành ào ào lao tới rối phát nổ. Trong những tình huống ấy, bản chất của kẻ thù không phải lúc nào cũng hiện rõ …”.
Ở khu Mỹ Latin, phóng viên Pal Medow viết: “Tại một thị trấn mô phỏng nằm giữa biên giới Colombia, Venezuela dưới quyền kiểm soát của phiến quân ELN, nếu bước vào một tòa nhà được ngụy trang thành một cửa hàng tiện lợi, bạn sẽ thấy phía sau những quầy, kệ, là những mê cung phức tạp. Có những lối thông nhau được khoét giữa các phòng ở các độ cao khác nhau, các cửa sập đặt trên sàn nhà và trần nhà có thể giúp phiến quân tiến hành các cuộc tấn công bất ngờ bất cứ lúc nào. Chiến tranh ở đây không chỉ xảy ra trên đường phố mà còn ở trong nhà….”. Chuẩn tướng Taylor giải thích: “Bạn có thể mất một lữ đoàn ở đây rất dễ dàng. Một trăm quân địch có thể bảo vệ thị trấn trong thời gian dài vì họ có đủ điều kiện cần thiết như hậu cần, sự ủng hộ của dân chúng”.
Thời điểm phóng viên Medow và phóng viên Dickinson được phép đến thăm Trung tâm huấn luyện Fort Iewin thì cũng là lúc 5.000 lính Mỹ và 2.000 lính thuộc Trung đoàn kỵ binh thiết giáp số 11 Blackhorse, mang theo những khí tài đặc trưng cho nhiệm vụ của họ, chuẩn bị cho cuộc tập trận kéo dài một năm, chia thành nhiều đợt với nhiều mục tiêu khác nhau. Medow viết: “Những người lính phải đối mặt với kẻ thù giả định hàng ngày bằng nhiều hình thức khác nhau. Đó có thể là mìn bẫy, là thiết bị nổ ngẫu hứng, là máy bay không người lái mang đạn RPG hoặc vài kilogam chất nổ, là tên lửa phóng loạt…, nhưng qua huấn luyện thực chiến, họ sẽ trở thành những người phản ứng linh hoạt nhất thế giới về chiến tranh cơ động trên mặt đất vì họ nắm rõ địa hình địa vật trong lòng bàn tay”.
Chưa hết, lính Mỹ còn phải tiến hành các bài tập mô phỏng trận chiến công nghệ thông tin, chẳng hạn như gây nhiễu radar, định vị GPS, phá sóng điều khiển máy bay không người lái, phân biệt và vô hiệu hóa thông tin giả. Chuẩn tướng Taylor nói: “Trong cuộc tập trận gần đây, kịch bản của chúng tôi là kẻ thù biết rằng họ sắp mất một thị trấn vào tay quân Mỹ nên họ đã tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa nhắm vào dân thường trong thị trấn nhưng họ lại quay phim theo cách khiến nó trông như thể người Mỹ là thủ phạm. Tiếp theo họ tung đoạn phim này lên mạng xã hội nhằm tạo hiệu ứng chống Mỹ với số đông…”.
Vẫn theo Chuẩn tướng Taylor, sĩ quan phụ trách trinh sát đường không xử lý việc này rất tốt. Bằng cách trích xuất dữ liệu radar, họ đã chứng minh tên lửa được bắn đi từ khu vực do phiến quân kiểm soát bởi lẽ trong chiến tranh hiện đại: “Bạn phải là người đầu tiên nói ra sự thật”. Chưa hết, cuộc xung đột ở Ukraine đã chứng kiến sự quay lại của chiến tranh chiến hào nên Trung tâm huấn luyện Irwin đã có phản ứng tương ứng. Nói với Medow, Chuẩn tướng Taylor cho biết: “Chúng tôi đào hố khắp nơi. Bây giờ chúng tôi có một hệ thống đường hào khá phức tạp, nằm gần một thị trấn trong khu vực Đông Âu. Nó sâu 2,5m và dài hơn 200 m. Cậu có thể bị lạc ở dưới đó”. Ông cũng cho biết Trung đoàn Blackhorse đã sao chép các đội hình quân sự của Nga cùng các phương tiện tác chiến của họ mà nhìn vào, ai cũng nghĩ đó là người Nga!
Theo tìm hiểu của Insie Politic, Trung tâm huấn luyện Fort Irwin hiện có sự hợp tác của 256 công ty, nhà thầu quân sự trên khắp nước Mỹ, hoạt động với kinh phí hơn 250 triệu USD mỗi năm. Chỉ riêng hệ thống điện mặt trời, nó đã tạo ra 500MW với 1 tỉ Kw/giờ mỗi năm. Những người đóng thế các vai dân thường, phiến quân, khủng bố, du kích viên chức làng xã, chủ tiệm bánh, nhà buôn, giáo sĩ Hồi giáo…, là những người tị nạn từ Iraq, Afghanistan, Syria, Somali, Rwanda…, đã chạy trốn khỏi những cuộc xung đột trong thế giới thật để bước vào những cuộc xung đột mô phỏng. Medow viết: “Một số người cho biết họ làm việc 12 giờ một ngày, 2 tuần một lần nên không ít người quên mất rằng mình đang “diễn”. Họ vào vai y như thật”.
Hiện tại, quân số thường trực tại Trung tâm huấn luyện Fort Irwin là từ 10.000 đến 15.000 người tùy vào các chiến dịch diễn tập. Trong một lần đến thăm trung tâm và sau khi trực tiếp theo dõi môt trận đánh mô phỏng giữa lính Mỹ và lính Iraq - lúc ấy nằm dưới sự lãnh đạo của Saddam Hussein, Tổng thống Mỹ George Bush đã khen ngợi sự thành công rồi ngay hôm sau, ông ra lệnh cho quân đội Mỹ hành động khi Iraq đưa quân xâm lược Kuwait…