Các điệp viên Liên Xô đánh lừa máy phát hiện nói dối
Các điệp viên Liên Xô thường vượt qua bài kiểm tra của máy phát hiện nói dối một cách bình thản, không để lại bất kỳ sự nghi ngờ nào từ phía các nhân viên tình báo nước ngoài. Tất cả là nhờ một chương trình huấn luyện đặc biệt mà các điệp viên Liên Xô đã trải qua, giúp họ có khả năng “lách” mọi kỹ thuật phát hiện, kể cả kỹ thuật tiên tiến nhất.
Máy phát hiện nói dối - thiết bị y tế
Năm 2002, hai tác giả Viktor Obraztsov và Sapfo Bogomolova đã xuất bản cuốn sách "Tâm lý học hình sự", trong đó họ mô tả chi tiết về máy phát hiện nói dối (polygraph) và nguyên lý hoạt động của nó.
Máy phát hiện nói dối ghi lại đồng thời nhiều chỉ số sinh lý, bao gồm tần suất nhịp tim, nhịp thở, huyết áp, nhiệt độ cơ thể, hoạt động điện da, và trong những trường hợp hiếm hoi, sự co thắt không tự chủ của một số cơ. Tất cả các chỉ số này được đo qua các cảm biến gắn trên cơ thể người được kiểm tra.

Nguyên lý hoạt động rất đơn giản: khi một người nói dối, phản ứng của cơ thể sẽ vô thức tiết lộ điều đó: nhịp tim tăng nhanh, hơi thở bị rối loạn, huyết áp tăng vọt, cơ bắp căng cứng hoặc có những phản ứng điện da khác. Dựa trên các chỉ số y tế này, người vận hành máy phát hiện nói dối có thể "vạch trần" lời nói dối.
Đầu thế kỷ XX là thời điểm bước ngoặt trong sự phát triển của các phương pháp công cụ. Một trong những phương pháp phát hiện nói dối đầu tiên là phương pháp sphygmogram (mạch đồ), dựa trên việc ghi lại sự thay đổi của áp lực máu trong động mạch theo thời gian và trạng thái của hệ thống tuần hoàn nói chung.
Giai đoạn tiếp theo trong việc phát hiện nói dối là sử dụng phương pháp ghi nhận sự thay đổi nhịp thở trong quá trình thẩm vấn bị cáo do nhà tự nhiên học người Ý Benussi thực hiện. Phương pháp này bao gồm việc ghi lại tần suất và độ sâu của nhịp thở.
Năm 1921, chiếc máy phát hiện nói dối đầu tiên ra đời và được sử dụng trong quá trình thẩm vấn. Người sáng chế ra nó là John Larson, kỹ sư nổi tiếng kiêm nhân viên cảnh sát tại thành phố Berkeley, Mỹ. Máy phát hiện nói dối này có thể ghi lại 3 chỉ số và in các chỉ số đó lên băng giấy: mạch đập, huyết áp và tần suất cũng như độ sâu của nhịp thở. Đây là thiết bị đầu tiên có khả năng hỗ trợ việc phá án.

Năm 1926, nhà khoa học Mỹ Leonarde Keeler đã cải tiến máy phát hiện nói dối hiện có. Ông đã thêm một kênh phụ để ghi nhận sự thay đổi sức đề kháng của da, điều này giúp tăng hiệu quả của máy trong việc phá án. Máy phát hiện nói dối này đã trở thành công cụ không thể thiếu trong phòng thí nghiệm điều tra tội phạm do Leonarde Keeler sáng lập tại thành phố Chicago. Nhờ thiết bị này, đến năm 1935, phòng thí nghiệm Chicago đã kiểm tra hơn 2.000 đối tượng liên quan đến các tội phạm khác nhau.
Những chiếc máy phát hiện nói dối đầu tiên chỉ ghi lại tần suất nhịp thở, mạch, và huyết áp, sau đó chúng đã được cải tiến, mặc dù nguyên lý hoạt động vẫn không thay đổi.
Tình báo Mỹ sử dụng máy phát hiện nói dối
Ngay từ cuối thập niên 30 của thế kỷ XX, nhiều cơ quan tình báo bắt đầu quan tâm đến thiết bị mới. Sau cảnh sát, máy phát hiện nói dối được các cơ quan an ninh Mỹ áp dụng: CIA, FBI, ANB, Cục Hải quan, Cục Chống Ma túy, Lực lượng Thủy quân Lục chiến... Vào giữa thế kỷ XX, các đồng minh thân cận nhất của Mỹ cũng bắt đầu sử dụng máy phát hiện nói dối để phát hiện gián điệp Liên Xô.
Tuy nhiên, máy phát hiện nói dối cũng có cả người ủng hộ lẫn kẻ phản đối. Không phải tất cả các quốc gia trên thế giới đều coi những dữ liệu thu được trong quá trình kiểm tra trên máy phát hiện nói dối là bằng chứng đủ để quyết định một người có tội hay không. Ví dụ, ở Nga, các cơ quan điều tra chỉ sử dụng kết quả kiểm tra trên máy phát hiện nói dối như một biện pháp hỗ trợ các kết luận của mình, đồng thời vẫn đưa ra các bằng chứng và vật chứng khác trong vụ án.
Vào nửa sau của thế kỷ XX, tất cả các điệp viên Liên Xô đều được huấn luyện sử dụng nhiều kỹ thuật đặc biệt để đánh lừa máy phát hiện nói dối, bởi vì Mỹ và các đồng minh của họ, những quốc gia sử dụng máy phát hiện nói dối một cách tích cực, là đối thủ chiến lược của Liên Xô.

Thất bại của Rudolf Abel
Điệp viên nổi tiếng Rudolf Abel (tên thật là William Fisher) làm việc ở Mỹ từ năm 1948 đến 1957. Ông thu thập thông tin về chương trình năng lượng nguyên tử và hạt nhân của nước này. Rudolf Abel bị bắt tại New York sau khi nhân viên điện đài Rayno Heihanen (biệt danh "Vik") đào tẩu sang Mỹ và phản bội.
Bất chấp mọi nỗ lực của các nhân viên phản gián Mỹ, Rudolf Abel không thừa nhận mình làm việc vì lợi ích của Liên Xô. Tuy nhiên, các cơ quan tình báo Mỹ vẫn thu thập được những thông tin cần thiết. Và một thiết bị tương tự như máy phát hiện nói dối đã giúp họ làm điều đó. Như các tác giả V. Obraztsov và S. Bogomolova viết trong cuốn sách “Tâm lý học hình sự”, Abel bị phát hiện nhờ một thiết bị kỳ lạ, ít người biết đến.
Người ta gắn một số cảm biến vào cơ thể Rudolf Abel và bỏ ông lại một mình trong một phòng có màn hình hiển thị hình ảnh màu. Không ai hỏi ông câu nào, và chính Abel đã tự tiết lộ mình.
"Rõ ràng, Abel không hiểu tại sao lại có màn kịch này. Đầu tiên, ông được xem những địa danh của Nhật Bản, Nigeria, Israel, Liên Xô… Đúng lúc nhà tình báo nhìn thấy hình ảnh biên giới Liên Xô, huyết áp của ông tăng lên và nhịp thở trở nên gấp gáp hơn. Sau đó, trên màn hình xuất hiện hình ảnh các tiểu bang của Mỹ. Không hề hay biết, Abel đã có phản ứng và các cảm biến ghi nhận được những thay đổi. Sau thất bại của Abel, KGB đã vội vàng đưa máy phát hiện nói dối vào sử dụng", - V. Obraztsov và S. Bogomolova viết.
Tuy nhiên, một số nhà viết tiểu sử của điệp viên nổi tiếng này không tin rằng Abel dễ dàng tự lộ diện như vậy. Họ cho rằng người Mỹ có thể đã bịa ra câu chuyện này do không có lời thừa nhận nào về hoạt động gián điệp của Abel.

Klingberg 2 lần đánh lừa máy phát hiện nói dối
Một điệp viên Liên Xô nổi tiếng khác, Avraham Markus Klingberg, làm việc ở Israel từ năm 1948 đến 1983, đã 2 lần đánh lừa máy phát hiện nói dối. Câu chuyện về số phận đầy bi kịch của con người phi thường này được nhà báo Vladimir Khanelis kể lại trong bài viết "Tôi không nhận tiền của người Nga", được đăng trên cổng thông tin Peoples ngày 12/2/2003. Trong bài viết, tác giả trích dẫn cuộc trả lời phỏng vấn của Klingberg trên Kênh 2 truyền hình Israel.
Avraham Markus Klingberg trước hết là một nhà khoa học, chuyên gia về vi sinh vật học nổi tiếng thế giới. Sau khi chuyển đến Israel, ông hợp tác với Ernst David Bergmann, người sáng lập một cơ sở nghiên cứu bí mật chuyên phát triển vũ khí sinh học. Năm 1983, trước khi bị bắt, Klingberg đang giữ chức Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Sinh học ở thành phố Ness Ziona, Israel. Chính những nghiên cứu bí mật của các nhà khoa học Israel về các loại virus và vắc xin phòng ngừa chúng đã được Avraham Markus Klingberg chuyển giao cho các đồng nghiệp ở Liên Xô.
"Từ giữa những năm 60 của thế kỷ trước, Cơ quan An ninh nội địa (“Shabak”) của Israel bắt đầu nghi ngờ Klingberg hoạt động gián điệp. Ông đã trải qua hai cuộc kiểm tra nghiêm ngặt, kể cả kiểm tra bằng máy phát hiện nói dối, nhưng ông đã vượt qua tất cả với nụ cười trên môi" - Vladimir Khanelis viết.
Tuy nhiên, năm 1983, các nhân viên phản gián Israel bắt đầu điều tra kỹ lưỡng hơn về nhà khoa học này. Sau nhiều lần bị đe dọa và thẩm vấn, nhà vi sinh vật học đã thừa nhận hợp tác với KGB. Ông bị giam giữ trong tù cho đến năm 1998, sau đó bị quản thúc tại gia thêm 5 năm nữa. Những năm cuối đời, ông sống ở Paris.
Rất có thể, kiến thức sâu rộng về sinh học và sinh lý học con người đã giúp Klingberg đánh lừa máy phát hiện nói dối. Là một nhà khoa học xuất sắc, ông chắc chắn hiểu rõ cách thức hoạt động của máy này và đã qua mặt được các chuyên gia.

Phương pháp của các điệp viên Liên Xô
Bằng chứng rõ ràng nhất về thành công của các điệp viên là chúng ta không biết gì về họ. Điều này có nghĩa là các điệp viên KGB và GRU của Liên Xô đã "đánh lừa" được thiết bị mà lẽ ra phải phát hiện ra họ.
Trong cuốn sách “Phát triển trí nhớ theo phương pháp của các cơ quan tình báo”, nhà tâm lý học nổi tiếng Denis Bukin đã chỉ ra rằng có thể đánh lừa máy phát hiện nói dối, nếu bạn được huấn luyện và có kiến thức phù hợp. Máy phát hiện nói dối không hoàn hảo, bởi việc giải thích các chỉ số sinh lý phụ thuộc vào kinh nghiệm cá nhân và kỹ năng của người vận hành thiết bị. Hơn nữa, các điệp viên dày dạn kinh nghiệm có thể kiểm soát nhịp tim và các chỉ số y tế khác.
Như vậy, theo các chuyên gia, có 4 phương pháp đánh lừa máy phát hiện nói dối:
Phương pháp dược lý - việc sử dụng các chất kích thích thần kinh ngay trước khi kiểm tra có thể thay đổi các chỉ số sinh lý của người được kiểm tra, khiến anh ta trở nên bình tĩnh hoặc ngược lại, phấn khích đến mức cơ thể không để lộ ra sự nói dối.
Phương pháp cơ học - nếu cố ý tạo ra cảm giác đau đớn (chẳng hạn, ấn mạnh gót chân lên một nút giấu sẵn trong giày), cảm giác khó chịu này sẽ che lấp mọi cảm xúc liên quan đến việc nói dối.
Phương pháp hành vi - tâm trạng vui vẻ, những câu nói đùa và tán gẫu với người vận hành máy phát hiện nói dối, thường xuyên hỏi lại và làm rõ câu hỏi của anh ta có thể khiến ngay cả một chuyên gia giàu kinh nghiệm cũng bị bối rối.
Phương pháp tâm lý - thư giãn hoàn toàn thông qua các bài tập yoga và các phương pháp thực hành Đông phương, hoặc tập trung vào một nhiệm vụ trí tuệ nào đó, cũng giúp đánh lừa máy phát hiện nói dối.
Các phương pháp tâm lý cũng bao gồm sự giải thích hợp lý (rationalization) mà Denis Bukin đã mô tả trong cuốn sách của mình như sau:
"Để không tỏ lo lắng hay căng thẳng khi đối mặt với những câu hỏi quan trọng, nhà tình báo có thể tự đưa ra lời giải thích hợp lý cho hành động muốn che giấu. Ví dụ, khi chuyển giao thông tin mật cho tình báo nước ngoài, anh ta tưởng tượng là phổ biến thông tin khoa học đã không còn bí mật và phải được sử dụng vì mục đích hòa bình".
Và nhà tình báo tin rằng hành động của mình không có gì đặc biệt, nghĩa là anh ta hoàn toàn bình tĩnh khi trả lời các câu hỏi về chủ đề nhạy cảm.