Heinz Felfe: Sĩ quan SS trở thành điệp viên Liên Xô

Thứ Hai, 08/01/2024, 13:13

Trong cả thập kỷ, nhờ Heinz Felfe, tình báo Liên Xô đã không gặp tổn thất lớn nào ở CHLB Đức (cũ). Bởi vì người được tình báo CHLB Đức giao phụ trách phản giản chống Liên Xô hóa ra lại là điệp viên Liên Xô.

“Tôi tin rằng Hitler cuối cùng đã trao cho người dân Đức những gì họ cần trong thời kỳ khó khăn: một mục đích rõ ràng, trật tự và kỷ luật nghiêm ngặt… Tôi coi Phong trào Xã hội Chủ nghĩa Quốc gia là một lực lượng có thể dẫn dắt nước Đức hướng tới một nền kinh tế mới và nở hoa chính trị”, Heinz Felfe, sĩ quan SS của Đức Quốc xã, khi còn trẻ, đã lý luận như vậy. (Schutzstaffel (SS) là tổ chức bán quân sự trực thuộc đảng Quốc xã dưới trướng Adolf Hitler, hoạt động tại Đức cũng như trên khắp các vùng lãnh thổ châu Âu bị Đức chiếm đóng trong Chiến tranh thế giới thứ hai).

Khi đó, Felfe không thể ngờ sau này, trong một khoảng thời gian ngắn, ông ta đã biến đổi từ một tên Quốc xã hăng hái thành một người cộng sản kiên định và có một cái nhìn hoàn toàn khác về người dân Liên Xô, những người mà ông ta từng coi là “hạ đẳng”, theo bài của RBTH.

Heinz Felfe: Sĩ quan SS trở thành điệp viên Liên Xô -0
Heinz Felfe trên đường đến tòa án vào ngày 8/7/1963 (Fritz Fischer/picture Alliance/Getty Images).

Giai đoạn phục vụ Hitler

Felfe gia nhập Đức Quốc xã vào năm 1931 khi vẫn còn là một thiếu niên. Sau vài năm tham gia tổ chức Thanh niên Quốc xã Hitler, anh ta vào lực lượng SS.

“Chúng tôi, những nhân viên SS, cảm thấy mình là những người ưu tú của quốc gia và do đó, có trách nhiệm hoàn thành sứ mệnh vĩ đại là biến nước Đức trở thành quốc gia lãnh đạo thế giới,” Heinz lập luận.

Chăm chỉ, kiên trì, kỹ năng tổ chức xuất sắc, bằng cấp cao về luật, những thứ ấy giúp Felfe có một sự nghiệp rực rỡ tại Văn phòng VI (tình báo nước ngoài) của Văn phòng chính An ninh đế chế. Năm 1943, khi mới 25 tuổi, Felfe được bổ nhiệm làm trưởng phòng chịu trách nhiệm về Thụy Sĩ và Liechtenstein. Cấp dưới của ông còn có cả những người có quân hàm cao hơn ông ta.

Ngay trước khi Đức Quốc xã sụp đổ, Felfe đã cố gắng rời khỏi hàng ngũ SS, vốn đã gắn liền với các tội ác chiến tranh, nhưng không thành công. Tháng 5/1945, Felfe bị người Anh bắt, ngồi tù một năm rưỡi.

Heinz Felfe: Sĩ quan SS trở thành điệp viên Liên Xô -0
Felfe trong Thế chiến 2.

Phục vụ Liên Xô

Năm 1946, Heinz Felfe được trả tự do sau khi người ta không thể xác định được sự liên quan của ông với các tội ác chiến tranh. Sau đó, ông cộng tác một thời gian với MI.6, cơ quan tình báo của Anh.

Trong những năm đầu sau chiến tranh, Felfe đã tích cực xem xét lại các sự kiện trong quá khứ và vai trò của ông trong đó, đồng thời suy nghĩ rất nhiều về con đường mà mình nên đi trong tương lai. Sống ở CHLB Đức, ông thường xuyên đến thăm khu vực có quân Liên Xô đồn trú, bao gồm cả quê hương Dresden của ông, nơi mẹ ông vẫn sống.

Heinz viết trong hồi ký: “Đứng trước đống đổ nát của thành phố quê hương, tôi coi việc máy bay ném bom Anh - Mỹ tàn phá Dresden một cách vô nghĩa là hình ảnh mang tính biểu tượng, trong khi sau ngày 8/5/1945, những người lính Liên Xô đã tiếp tế và phân phát thực phẩm cho người dân Berlin. “Tôi thấy rõ ràng rằng một nước Đức mới - nói cách khác, hòa bình và dân chủ - chỉ có thể được xây dựng bằng sự hợp tác trung thành và thân thiện với Liên Xô, rằng tương lai của nước Đức chỉ nằm ở phía Đông và tôi muốn đóng góp cho điều này”.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi vào năm 1951, khi các cơ quan mật vụ của Liên Xô liên lạc với Felfe, ông sẵn sàng hợp tác với họ. Heinz Felfe nhớ lại: “Tôi rất ngạc nhiên trước mức độ tin cậy cao mà phía Liên Xô đặt vào tôi. “Xét cho cùng, tôi đã từng là lính SS và làm việc cho tình báo phát xít. Rất lâu sau này, khi tôi hỏi về điều này, tôi được trả lời: “Tại sao điều đó làm bạn ngạc nhiên? Chúng tôi đã biết về kiếp trước của bạn. Và chúng tôi nhận ra rằng bạn và chúng tôi sẽ có thể nhìn thẳng vào mắt nhau”.

Siêu điệp viên

Felfe sau đó tham gia các nhiệm vụ liên quan đến người tị nạn với tư cách là nhân viên của Bộ Liên bang về các vấn đề toàn nước Đức. Theo chỉ thị của Moscow, ông gia nhập Tổ chức Gehlen, một cơ quan tình báo mới được thành lập ở CHLB Đức. Được đặt theo tên của người đứng đầu Reinhard Gehlen, một cựu trung tướng Wehrmacht (quân đội Đức Quốc xã), tổ chức này nằm dưới sự kiểm soát của tình báo Mỹ CIA và tích cực tuyển dụng các cựu điệp viên của Đức Quốc xã vào hàng ngũ. Felfe tường thuật: “Những người “lính cũ” lại được trưng dụng”.

Trong cơ quan Gehlen, vào năm 1956 được tổ chức lại thành Cục Tình báo Liên bang (BND), Felfe đã thăng tiến nhanh chóng để trở thành trưởng phòng phản gián chống lại Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Ông được giao tiến hành các hoạt động chống lại những người mà ông đang thực sự phục vụ.

Heinz nhớ lại: “Nhờ công việc phản gián của tôi trong BND, tôi có thể cung cấp cho tình báo Liên Xô thông tin về ý đồ của cơ quan này. Chúng tôi đã xác định đúng thời điểm các hành động nguy hiểm của BND và, với chức vụ của mình, tôi đã giúp đảm bảo các biện pháp tích cực để chống lại chúng”.

Đây là cách giúp Moscow biết được rằng thiết bị nghe lén đã được cài đặt trong phái bộ thương mại của Liên Xô ở Cologne cũng như những nỗ lực tuyển dụng, mua chuộc nhân viên của phái bộ. Felfe đã gửi cảnh báo về kế hoạch bắt giữ các đặc vụ tình báo Liên Xô ở CHLB Đức để họ kịp thời lẩn trốn.

Hơn nữa, Felfe cũng nhận được thông tin các hoạt động của chính phủ CHLB Đức và chính sách của nhà nước đối với các vấn đề đối ngoại và quan hệ với NATO. “Các tài liệu mà BND sẽ gửi cho Konrad Adenauer (Thủ tướng CHLB Đức giai đoạn 1949-1963) thường đã ở Moscow trước khi chúng được đặt trên bàn của ông ta,” RBTH dẫn lời Vitaly Korotkov, đặc vụ Liên Xô.

Bại lộ

Nhờ công của Heinz Felfe và các điệp viên của ông, từ năm 1951 đến 1961, Liên Xô đã có trong tay hơn 15.000 bản sao tài liệu bí mật và xác định danh tính 94 điệp viên CHLB Đức hoạt động tại các nước thuộc khối Xã hội chủ nghĩa.

Trong suốt khoảng thời gian 10 năm này, tình báo Liên Xô ở CHLB Đức không gặp phải một thất bại lớn nào và điều này không khỏi làm dấy lên sự nghi ngờ từ các lãnh đạo BND. Gehlen ra lệnh thành lập một nhóm đặc biệt bên trong tổ chức để săn lùng “con chuột chũi”.

Ngày 6/11/1961, Heinz Felfe bị bắt. Ông từ chối hợp tác và bị kết án 14 năm tù. Theo bản án, “ông ta gây ra mức độ nguy hiểm cao hơn tất cả nhờ vào vị trí chính thức quan trọng, năng lực trí tuệ cao và hoàn toàn không có lương tâm”.

Ngày 17/2/1969, Felfe được trao đổi để lấy 21 tù nhân bị CHDC Đức (Cộng hòa dân chủ Đức) giam giữ với cáo buộc làm gián điệp. Sau một thời gian làm việc trong KGB (Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô) ở Moscow, Felfe định cư ở Berlin, nơi ông tham gia lĩnh vực tội phạm học và viết hồi ký.

Liên Xô đã nhiều lần vinh danh Heinz. Ngày 18/3/2008, không lâu trước khi qua đời, cựu điệp viên này nhận được lời chúc mừng sinh nhật lần thứ 90 từ Cơ quan An ninh Liên bang Nga.

Heinz Felfe: Sĩ quan SS trở thành điệp viên Liên Xô -0
Thành phố Dresden bị tàn phá bởi bom của quân Anh - Mỹ (Fred Ramage/Keystone Features/Getty Images).

Hồ sơ CIA liên quan đến Heinz Felfe tiết lộ điều gì?

Theo bài trên trang web của Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ (FAS), năm 2006, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã công bố tài liệu quan trọng về Felfe,  trong đó có bản đánh giá thiệt hại của CIA, hoàn thành năm 1963. Đây là lần đầu tiên CIA phát hành các tài liệu chính thức liên quan đến vụ án Felfe, 45 năm sau khi ông ta bị bắt.

Theo CIA, Heinz Felfe sinh năm 1918 tại Dresden. Trong chiến tranh, Felfe làm cảnh sát hình sự ở miền đông nước Đức và vào năm 1943, ông gia nhập chi nhánh Tình báo nước ngoài của SS, hoạt động ở Thụy Sĩ và đến cuối chiến tranh là ở Hà Lan. Cấp trên nói rằng ông có năng lực tốt, làm việc nghiêm túc.

Từ năm 1947-1950, Felfe làm việc cho tình báo Anh, báo cáo về các hoạt động của đảng cộng sản ở khu vực Cologne. Người Anh đã bỏ rơi Felfe vì nghi ngờ có cơ sở rằng ông ta cũng đang làm việc cho Liên Xô. Một số người Liên Xô đào tẩu và các đồng nghiệp của Felfe nói rằng Liên Xô sau chiến tranh đã tuyển mộ các cựu sĩ quan SS một cách có hệ thống cho mục đích tình báo.

Báo cáo năm 1969 của CIA cho rằng, việc Liên Xô phát hiện ra những người như Heinz Felfe không phải là ngẫu nhiên mà là kết quả của một chiến dịch tuyển mộ được lên kế hoạch tốt, có mục tiêu rõ ràng nhằm vào các cựu cảnh sát và sĩ quan tình báo của Đức Quốc xã. Luận điểm rất đơn giản: Phía Liên Xô cho rằng những đối tượng này có thể dễ bị ảnh hưởng bởi cách tiếp cận của Liên Xô vì những thiện cảm chung của họ. Những người khác, chẳng hạn như cựu thành viên SS và mật vụ an ninh (SD), nhiều người trong số họ là tội phạm chiến tranh, cố gắng tìm cách che giấu quá khứ đã từng đưa họ vào hàng ngũ tinh hoa, dễ bị khống chế hơn.

Felfe và các cựu đồng nghiệp SS khác đến từ Dresden dường như dễ dàng được tuyển mộ một phần nhờ vào sự bất mãn của họ đối với quân Đồng minh vì vụ đánh bom thành phố vào tháng 2/1945. Một trong những đồng nghiệp của Felfe ở Dresden, Hans Clemens, bắt đầu làm việc cho Liên Xô vào năm 1949. Felfe đã chuyển cho Clemens các báo cáo từ phương Tây khi vẫn làm việc cho người Anh, nhưng dường như không trở thành một điệp viên Liên Xô toàn diện cho đến tháng 9/1951 khi ông ta nhận được mật danh là “Paul”.

Tháng 11 cùng năm, Felfe được nhận vào phòng phản gián của Tổ chức Gehlen - cơ quan Tình báo CHLB Đức dưới sự chỉ huy của Reinhard Gehlen, từng là tướng quân đội Đức Quốc xã. Ban đầu Cơ quan tình báo CHLB Đức nhận được tài trợ từ Quân đội Mỹ và sau đó là CIA. Felfe nhanh chóng thăng tiến trong Tổ chức Gehlen, phụ trách công tác phản gián chống lại Liên Xô từ năm 1955. Cấp trên của Felfe trong Tổ chức Gehlen, nhiều người từng làm việc cho các tổ chức tội phạm của Đức Quốc xã như Gestapo và Cảnh sát dã chiến bí mật, lại là đặc vụ Liên Xô, do đó giúp Felfe thăng tiến dễ dàng hơn trong tổ chức này.

Điệp viên hai mang

Felfe là điệp viên của Liên Xô từ năm 1951 cho đến khi bị chính quyền CHLB Đức bắt giữ vào năm 1961. Lực lượng Phản gián Quân đội Mỹ (CIC) đã lưu ý (dựa trên các nguồn từ bên trong Tổ chức Gehlen) vai trò đáng ngờ của Felfe với tư cách là thủ lĩnh của một “bè lũ SD” trong Tổ chức Gehlen ngay từ năm 1953. Năm 1954, CIC biết được rằng rất có khả năng Felfe đã tiết lộ thông tin cho Liên Xô. Năm 1955, CIC lưu ý "khả năng Heinz Felfe và phe SD ...  là “kẻ thù” đang ngày càng rõ ràng”. Năm 1957, CIA bắt đầu coi Felfe là một “rủi ro an ninh”.

Ngoài manh mối từ những người đào thoát khỏi Liên Xô và thông tin thu thập muộn màng từ CIC, CIA lưu ý rằng Felfe được hưởng mức sống cao hơn hầu hết những người cùng mức lương với ông ta và Felfe thường bày tỏ sự bất mãn với những đầu mối liên hệ ở Mỹ về mức độ tàn phá đối với thành phố Dresden. Các nguồn tin của CIA trong tình báo Tây Đức cũng nghi ngờ về lòng trung thành của Felfe, nhưng Felfe là một trong những người được chỉ huy Gehlen yêu thích. Một báo cáo nói “trong nhiều năm, Felfe “đã có vinh dự” được đích thân báo cáo tóm tắt cho Gehlen về những vấn đề đặc biệt thú vị và nhạy cảm của Liên Xô”.

Nhờ sự hợp tác giữa Tổ chức Gehlen và CIA, Felfe trở thành quan chức Tây Đức am hiểu nhất về các hoạt động của CIA ở Đông Âu.

CIA ước tính rằng khoảng 15.000 tài liệu đã bị Felfe sao chép hoặc tác động. Ngoài ra, từ vị trí của mình trong BND, Felfe có thể phá hoại hầu hết các hoạt động phản gián của CHLB Đức chống lại các điệp viên Liên Xô ở Tây Đức, bao gồm các hoạt động bắt giữ các điệp viên Liên Xô và việc giám sát các vị trí của Liên Xô ở phương Tây.

Nguyễn Xuân Thủy
.
.