Các tập đoàn quốc phòng Mỹ vẫn ăn nên làm ra

Thứ Bảy, 28/08/2021, 10:05

Trước khi Afghanistan hoàn toàn rơi vào tay Taliban, một số chuyên gia phân tích thị trường chứng khoán đã đưa ra dự đoán rằng, giá trị cổ phiếu của các tập đoàn quốc phòng Mỹ sẽ giảm mạnh. Lý do mà họ đưa ra là, chiến tranh Afghanistan kết thúc dẫn đến việc các doanh nghiệp sản xuất vũ khí sẽ nhận được ít đơn hàng hơn.

Điều tương tự đã xảy ra sau khi quân đội Mỹ rút khỏi một số chiến trường nước ngoài hồi thập niên 1970 của thế kỷ trước. Nhưng thực tế giá trị cổ phiếu các tập đoàn quốc phòng Mỹ vẫn đang đi lên.

Cơ hội 10 năm có một

Chiến tranh Vùng Vịnh kéo dài chưa đầy một tháng nhưng Mỹ  đã đè bẹp Iraq. Quân đội Iraq đông 650.000 người, còn được trang bị khí tài của Liên Xô (cũ), hầu hết bỏ mạng trên sa mạc Kuwait. Chiến thắng áp đảo này khiến Washington D.C. cho rằng lợi thế về công nghệ vũ khí của quân đội Mỹ đã đến mức không quốc gia nào khác bắt kịp được. Quốc hội Mỹ vì thế bắt đầu cắt giảm ngân sách quốc phòng nhằm giảm chi tiêu công hằng năm, cân bằng lại cán cân ngân sách.

Vụ khủng bố 11-9 đã thay đổi tất cả. Mỹ nóng vội mở chiến dịch đột kích vào vùng núi Tora Bora, Afghanistan nhằm truy bắt trùm khủng bố Osama bin Laden. Cuộc đột kích thất bại buộc Mỹ phải tính đến kế hoạch B. Đó là đưa quân vào Afghanistan và lật đổ chính quyền Taliban. Để có đủ chi phí cho cuộc chiến, Quốc hội Mỹ đồng ý tăng ngân sách quốc phòng năm từ 331,91 tỷ (năm 2001) lên 378,46 tỷ USD (năm 2002). Đến năm 2007, con số này đã lên tới 589,89 ty USD.

Một phần không nhỏ ngân sách quốc phòng Mỹ rơi vào túi các tập đoàn quốc phòng. Nhu cầu vũ khí của quân đội Mỹ tăng vào thời chiến là một chuyện, nhưng Mỹ còn mua vũ khí trang bị cho quân đội Afghanistan. Theo Văn phòng Trưởng thanh tra  “Quá trình tái thiết Afghanistan” thuộc Quốc hội Mỹ thì nước này đã viện trợ cho Kabul tổng cộng 3,1 tỷ USD vũ khí các loại.

Vũ khí mà Mỹ viện trợ cho Afghanistan không chỉ gồm những loại lấy từ trong kho ra, mà có cả những thiết bị hiện đại. Chỉ tính riêng  không quân Afghanistan đã sở hữu đến ba loại trực thăng khác nhau. Đó là, UH-60 Blackhawks (45 chiếc), M-530 Cayuse Warrior (50 chiếc), và Mi-17 (56 chiếc). Ngoài ra còn có  23 chiến đấu cơ A-29 Super Tucano cùng một số lượng chưa rõ máy bay vận tải C-130 Hercules và máy bay tấn công C-208/AC-208. Cộng với tiền huấn luyện phi công và xây dựng sân bay, Mỹ đã chi 2,13 ty ãUSD để xây dựng lực lượng không quân Afghanistan.

Các công ty quốc phòng Mỹ “thắng lớn” nhờ vào những khoản mua vũ khí của chính phủ nước này. Doanh thu năm 2000 của Boeing chỉ vỏn vẹn 58,1 tỷ USD. Nhưng đến năm 2010 đã tăng lên 64,306 tỷ USD trong khi lĩnh vực sản xuất máy bay dân dụng của họ chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ Airbus. Xu hướng tương tự cũng xảy ra với Raytheon, Lockheed Martin, Northrop Grumman, Textron, v.v…

Tờ Washington Post đăng tải bản báo cáo bí mật về Afghanistan của Lầu Năm Góc hồi giữa năm 2019. Các chuyên gia quân sự Mỹ thừa nhận trong báo cáo rằng chiến tranh Afghanistan đã đi vào ngõ cụt, Mỹ và chính quyền Kabul khó có thể giành thắng lợi. Sự lựa chọn tốt nhất còn lại là dừng ngay chiến sự, mở đàm phán với Taliban. Bản báo cáo được viết dưới thời Tổng thống Obama. Nhưng sau đó Mỹ vẫn tiếp tục mở các chiến dịch quân sự và viện trợ vũ khí cho Kabul.

1a.jpg -0
Binh lính Afghanistan bên cạnh súng và mũ do Mỹ viện trợ.

Tương lai tươi sáng

Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền với tư cách “người ngoài”. Ông dễ dàng ra lệnh ngừng viện trợ cho Kabul và tuyên bố sẽ rút hết quân Mỹ khỏi Afghanistan vào năm 2021. Đây là một quyết định rất được lòng dân, buộc Tổng thống kế nhiệm Joe Biden không muốn cũng phải thực hiện. Tuy vậy chiến tranh kết thúc không có nghĩa là các công ty quốc phòng Mỹ mất đi một thị trường.

Các quốc gia láng giềng của Afghanistan gồm có Turkmenistan, Uzbekistan, Tajikistan và Pakistan một mặt tỏ ý sẵn sàng hợp tác với chính phủ mới của Taliban, nhưng mặt khác đang tăng cường sự hiện diện của quân đội ở vùng biên giới. Có khả năng chi quốc phòng của các quốc gia này sẽ tăng nhằm đối phó với việc ngăn chặn bạo lực từ  Afghanistan lan sang biên giới.

Mặt khác, Mỹ đang không muốn Iran và Taliban thành lập một liên minh, hoặc ít nhất là Tehran không quá thân thiện với Kabul. Điều này có nghĩa sẽ gây áp lực lên các nhóm vũ trang quân sự do Iran bảo trợ đang chiến đấu ở Iraq và Syria để khiến Tehran không thể tập trung vào Afghanistan. Đây là hai điều kiện báo hiệu xu hướng tăng mua sắm vũ khí của những quốc gia trong khu vực, và các tập đoàn quốc phòng Mỹ  đang ở trong vị thế tốt nhất để “đón đầu” cơ hội này.

Có lẽ vì thế mà giá cổ phiếu của các tập đoàn quốc phòng vẫn tăng. Hiện nay mức lãi trung bình của các cổ phiếu S&P 500 là 516,67% mệnh giá, hay khoảng 6,56%/năm. Hai chỉ số trên cao hơn hẳn ở nhóm cổ phiếu doanh nghiệp quốc phòng gồm có Boeing - lãi 947,97% mệnh giá, 12,67%/năm; Raytheon - lãi 331,49% mệnh giá, 7,62%/năm; Lockheed Martin - lãi 1235,6% mệnh giá, 13,9%/năm; Northrop Grumman - lãi 1196,14% mệnh giá, 13,73%/năm. Và General Dynamics - lãi 625,37% mệnh giá, 10,46%/năm.

Lê Công Vũ (Tổng hợp)
.
.