Cuộc chiến giữa KGB và CIA
Sử dụng các phương tiện kỹ thuật khác nhau để theo dõi hoạt động của các nhà ngoại giao nước ngoài làm việc tại các đại sứ quán là chuyện thường ngày ở các cơ quan tình báo trên thế giới nói chung, Liên Xô nói riêng. Để tìm hiểu cụ thể hơn vấn đề này, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài trả lời phỏng vấn của ông Vasily Kartuzov, cựu trưởng phòng 19 thuộc Tổng cục II của Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô.
- Thưa ông Vasily Ivanovich, nhiệm vụ của phòng 19 là theo dõi đại sứ quán các nước tư bản. Việc các đại sứ quán nước ngoài trở thành đối tượng theo dõi có phải là hoạt động bình thường không?
- Hoàn toàn bình thường. Bởi chỉ những người rất ngây thơ mới cho rằng làm việc trong các đại sứ quán chỉ là các nhà ngoại giao. Từ xa xưa, các đại sứ quán là vỏ bọc của các nhân viên tình báo, những người đến nước khác với mục đích rõ ràng - tìm kiếm bí mật của nước đó. Và nhiệm vụ của cơ quan phản gián là ngăn chặn điều này bằng tất cả các phương tiện sẵn có, kể cả quan sát. Bởi vì cuối cùng, người ta mới vỡ lẽ ra rằng ngay cả một chuyến đi dã ngoại vô hại của các cán bộ Đại sứ quán Mỹ ở quận Yaroslavskoye của Moskva thực ra cũng là một phần của hoạt động tình báo.
- Việc theo dõi bao gồm không chỉ quan sát bên ngoài mà còn sử dụng các phương tiện kỹ thuật khác nhau, phải không?
- Tất nhiên, 100 năm trước, bạn có thể đứng quan sát ở một góc phố, nhưng bây giờ là thời đại kỹ thuật. Mặc dù, cũng không thể chỉ dựa vào kỹ thuật, vì luôn luôn tìm thấy một thiết bị khác chống lại thiết bị gián điệp. Tôi xin kể một câu chuyện như sau.
Tại một đại sứ quán nọ, nơi cơ quan chúng tôi tiến hành theo dõi rất chặt chẽ, các nhân viên sứ quán dường như cảm thấy chúng tôi đang theo dõi nơi làm việc của họ. Sau đó, họ ngừng nói những chuyện quan trọng trong tòa nhà đại sứ quán và dựng một vọng lâu ở giữa sân để tiến hành các cuộc trò chuyện. Nhân viên của chúng tôi đã đặt một thiết bị nghe lén ở đó. Tuy nhiên, công việc này không thu được kết quả - thì ra, tại vọng lâu người ta đã lắp đặt các phương tiện kỹ thuật chống nghe lén rất tốt. Vì vậy, tỷ lệ thắng thua trong trò chơi của chúng tôi với tình báo nước ngoài là 50/50.
- Báo chí Mỹ viết rằng ở Moscow, có những chiếc ô tô gắn thiết bị chặn tin nhắn thường xuyên chạy quanh tòa nhà đại sứ quán của họ, còn ở ngôi nhà đối diện có một căn hộ bí mật của KGB chứa đầy kỹ thuật nghe lén. Có phải vậy không?
- Tôi xin nói thế này. Về mặt kỹ thuật, chúng tôi đã sử dụng tất cả các điều kiện sẵn có và tùy theo nhu cầu công việc, các nhân viên của Cục có thể xóa thông tin cả từ trên xe của KGB lẫn từ những ngôi nhà nằm đối diện tòa nhà Đại sứ quán Mỹ. Bạn hiểu đấy, vấn đề này không thể nói kỹ hơn được, vì ở đây chúng ta đề cập tới những bí mật cụ thể của công tác phản gián.
- Những phương pháp này được cả thế giới biết đến phần nào vào tháng 12/1991, khi người đứng đầu cơ quan tình báo Nga lúc bấy giờ, Vadim Bakatin, “như một thiện chí” đã trao cho người Mỹ sơ đồ các thiết bị nghe lén giấu trong tòa nhà mới của đại sứ quán Mỹ. Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn không hiểu vì sao lại như vậy?
- Có thể gọi hành động đó là phản bội lợi ích quốc gia! Bakatin đã trao cho CIA và Bộ Ngoại giao Mỹ những bí mật mà người Mỹ có nằm mơ cũng không thể nghĩ tới. Việc cài "rệp” nghe lén vào tòa nhà Đại sứ quán Mỹ trong quá trình xây dựng có thể được coi là một trong những hoạt động xuất sắc nhất, nếu không muốn nói là hoạt động xuất sắc nhất của Tổng cục II thuộc KGB của Liên Xô. Tất cả các thiết bị được giấu trong những viên gạch, vì thế, các nhân viên bảo vệ của đại sứ quán, thậm chí với sự trợ giúp của các thiết bị đặc biệt, cũng không thể phát hiện ra "rệp". Thế mà Bakatin đã công khai chuyển sơ đồ lắp đặt những con "rệp" này cho các nhân viên CIA.
- Nếu nói về sự phản bội thì ông có ý kiến như thế nào về sự biến mất của thiếu tá KGB Yuri Nosenko vào tháng 2/1964 ở Geneva? Một số người khẳng định rằng ông ta đào tẩu sang Mỹ, số khác cho rằng ông ta bị bắt cóc. Theo ông, giả thuyết nào chính xác hơn?
- Đúng là Nosenko đã bị các nhân viên CIA ở Geneva bắt cóc. Và họ bắt cóc ông ta chỉ vì một mục đích. Vào thời điểm đó, Cục Tình báo Trung ương Mỹ rất muốn trình bày trước Quốc hội và Nhà Trắng giả thuyết về việc KGB tham gia vào vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy. Như chúng ta biết, Kennedy bị Lee Harvey Oswald bắn chết. Nhưng ít người biết rằng rằng Oswald đã sống ở Liên Xô một thời gian: năm 1959, ông ta đến Moscow, tuyên bố rằng bỏ quốc tịch Mỹ và muốn ở lại đây. Nhận thấy đây là một hiện tượng bất thường, KGB quyết định tìm hiểu danh tính của kẻ đào tẩu. Lúc bấy giờ, chính Nosenko đã thẩm vấn Oswald. Sau vụ ám sát Kennedy, người Mỹ cho rằng Oswald là điệp viên KGB. Vì vậy họ bắt cóc Nosenko, vì tin chắc rằng ông ta là người thực hiện việc tuyển mộ.
Hoàn cảnh xảy ra vụ ám sát Kennedy vẫn còn là một bí ẩn, nhưng về phần Nosenko, tôi nghĩ ông ta không nói gì với người Mỹ. Sự thật là ông ta đến Thụy Sĩ với hai nhiệm vụ - tuyển mộ một nhân viên của Đại sứ quán Mỹ, và chuẩn bị cho chuyến thăm châu Âu của thiếu tướng Gribanov, Phó tổng cục trưởng Tổng cục II dưới vỏ bọc nhà ngoại giao. Hãy tưởng tượng người Mỹ có thể gây ra một vụ bê bối như thế nào nếu với sự giúp đỡ của chính quyền Thụy Sĩ trục xuất Gribanov ra khỏi đất nước hoặc tạm giữ ông ta vì mục đích tuyển mộ. Vì vậy trong câu chuyện liên quan tới Nosenko, mọi việc không hề đơn giản.
- Nghĩa là, cựu Chủ tịch KGB của Liên Xô Vladimir Kryuchkov có lý khi nói rằng nhiều nhân viên CIA, giống như Edward Lee Howard, hợp tác với tình báo Liên Xô không phải vì lòng tham, mà vì không đồng ý với các phương pháp tuyển mộ của tình báo Mỹ?
- Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của Vladimir Kryuchkov, vì khác với hoạt động của tình báo và phản gián Liên Xô, hoạt động của CIA và FBI mang tính chất tấn công rất rõ, nó bao gồm các hành động khiêu khích được thực hiện cả trên lãnh thổ của Mỹ và lãnh thổ nước ngoài. Đồng thời, trong công tác tuyển mộ, người Mỹ chủ động dựa vào tặng thưởng vật chất cho các điệp viên của mình. Họ hành động một cách trắng trợn và trực tiếp. Ví dụ, khi một nhà ngoại giao hoặc đại diện của một phái đoàn thương mại đồng ý tham gia hoạt động tình báo, anh ta được thưởng một khoản ngoại tệ rất lớn.
Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng điệp viên xuất sắc nhất là người làm việc không phải vì tiền, mà vì niềm tin. Bởi kẻ làm việc vì tiền luôn luôn có thể bị cơ quan phản gián mua với số tiền lớn hơn.
- Theo dõi và cài "rệp" nghe lén không phải là cách thu thập thông tin duy nhất. Đã nhiều lần người ta nghe nói rằng KGB sử dụng phụ nữ để dụ dỗ người nước ngoài và tuyển mộ họ sau đó. Có đúng thế không?
- Đúng vậy. Các cơ quan tình báo trên khắp thế giới luôn sử dụng phụ nữ làm mồi nhử, tất nhiên, phương pháp tương tự cũng được sử dụng ở KGB. Đơn giản vì mỹ nhân là con đường gần nhất dẫn tới các nguồn bí mật. Ví dụ, xuất dương sau Cách mạng tháng Mười năm 1917, đến giữa những năm 1930, nữ diễn viên Olga Chekhova đã trở thành ngôi sao điện ảnh Đức. Nhận nhiệm vụ của Artuzov, người đứng đầu bộ phận đối ngoại của cơ quan phản gián thuộc Bộ An ninh Quốc gia Liên Xô, Chekhova trở thành tình nhân của Hermann Goering, và thường xuyên gặp gỡ các nhân vật chóp bu của Đức Quốc xã. Do đó bà nhận được rất nhiều thông tin có giá trị và ngay lập tức chuyển về Moscow. Trong chiến tranh, Chekhova thực hiện các nhiệm vụ của Pavel Sudoplatov, Cục trưởng Cục đặc nhiệm thuộc Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô. Thậm chí cơ quan phản gián mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ, Gestapo, cũng không thể phát hiện được bà là nhân viên tình báo của Liên Xô.
Nói chung, phụ nữ là một đề tài rất hứa hẹn cho công tác tình báo. Không phải vô cớ mà các mối tình và các cuộc hôn nhân của đàn ông và phụ nữ Liên Xô với người nước ngoài luôn luôn được chú ý.
- Có một thời FBI dọa người Mỹ: không nên đến Liên Xô, vì ở đấy khách du lịch thường xuyên bị theo dõi và tuyển mộ. Theo ông, điều đó có đúng không?
- Tất nhiên, không phải tất cả mọi người đều bị theo dõi, đơn giản là không có điều kiện. Và không phải tất cả mọi người đều được tuyển mộ, mà chỉ những người cần thiết. Tôi xin nói thế này: đôi khi việc tuyển mộ một nhà triệu phú nào đó có thể giá trị hơn nhiều so với tuyển mộ một nhân viên CIA chuyên nghiệp. Vâng, một người như vậy không biết bí mật nào, nhưng nhờ các mối quan hệ của mình, anh ta trở thành tác nhân gây ảnh hưởng. Chúng tôi đã từng có một điệp viên như vậy. Một lần, khi đến Mỹ, đoàn đại biểu Liên Xô gặp rắc rối ở hải quan, ngay lập tức chúng tôi liên lạc với anh ta và các vấn đề đã được giải quyết. Điều này rất quan trọng vì trong thành phần của đoàn có nhân viên tình báo.
Đó là chưa nói đến việc đôi khi những điệp viên như vậy có thể giúp tiếp cận với một chính khách, nhà khoa học hoặc sĩ quan quân đội nào đó quan tâm đến hoạt động tình báo.
- Năm 1978, cuộc hôn nhân của Sergey Kauzov, làm việc tại Công ty Logistics “Sovfrakht” của Liên Xô, với Christina Onassis, con gái của nhà tỉ phú Hy Lạp Aristotle Onassis khiến cả thế giới kinh ngạc! Không phải vô cớ mà lúc bấy giờ có giả thuyết cho rằng cuộc hôn nhân này do KGB sắp đặt.
- Về cuộc hôn nhân của Kauzov và Onassis, tôi chỉ có thể nói một điều: Liên Xô đã thu được những lợi ích chưa từng có từ đám cưới này. Đừng quên rằng các con tàu của Aristotle Onassis đi khắp thế giới, ghé vào các bến cảng và có thể vận chuyển bất kỳ hàng hóa nào. Nhưng điều quan trọng ở chỗ khác - một người có thế lực và có mối quan hệ khắp thế giới như Onassis, từ Mỹ đến Trung Đông, là một vật báu thực sự đối với Liên Xô. Rốt cuộc, ông ta có ảnh hưởng đến các phe phái chính trị khác nhau, kể cả ở những nước mà chúng ta quan tâm và Moscow sẵn sàng giúp đỡ.