KGB và vụ không tặc Yak-40

Thứ Sáu, 22/07/2022, 10:22

Năm 1973, một nhóm sinh viên đang học tại Liên Xô (cũ) đã tổ chức cướp chiếc máy bay Yak-40 để chạy trốn sang phương Tây. Có 31 người đã bị bắt làm con tin. Cuộc chiến này là hoạt động đầu tiên trong lịch sử của Liên Xô để giải cứu hành khách và các thành viên phi hành đoàn do đích thân Chủ tịch KGB Yuri Andropov chỉ huy.

Ngày 2-11-1973, các chuyến bay từ sân bay Bykovo vẫn đúng lịch trình, việc lên máy bay chỉ mất vài phút. Vào thời kỳ đó, ở Liên Xô chưa có nhà ga hàng không, các sân bay chưa được trang bị máy dò kim loại và máy soi hành lý. Biện pháp an ninh duy nhất là cảnh sát vũ trang mặc trang phục dân sự có mặt trên máy bay đường dài.

2. những người tham gia giải cứu máy bay.jpg -0
Những người tham gia giải cứu máy bay.

Hôm đó, chiếc máy bay Yak-40 dưới sự điều khiển của phi công Ivan Kashin có 28 hành khách và ba thành viên phi hành đoàn. Thời gian bay là 50 phút và chuyến bay diễn ra gần như suôn sẻ. Chỉ còn 10 phút trước khi hạ cánh, đột nhiên có ba thanh niên đứng dậy khỏi ghế: Victor Romanov, 21 tuổi, Vladimir Zhalnin, 18 tuổi và Pyotr Bondarev, 16 tuổi. Đồng phạm thứ tư là Alexandr Bikiforov vẫn ngồi ở vị trí. Một ngày họ đọc trên báo về một vụ cướp máy bay ở Praha và lập tức nảy ra ý tưởng trở thành không tặc.

Trước đó, Romanov đã thông báo với đồng bọn rằng cần vũ khí để gây án. Hắn thuyết phục bạn bè rằng họ sẽ không bắn mà chỉ đe dọa hành khách và phi hành đoàn. Romanov đã mua một khẩu súng ngắn, Bondarev đã lấy trộm thêm hai khẩu súng săn có vỏ đạn của cha mình. Cả bọn đã chọn chuyến bay Moscow-Bryansk vì chỉ đủ tiền để mua vé giá rẻ nhất.

Vụ cướp máy bay táo tợn

Sáng sớm ngày 2-11-1973, cả bọn mang vũ khí lên máy bay một cách dễ dàng: Romanov giấu súng ngắn sau thắt lưng, đồng bọn bọc súng vào giấy báo và để trên giá hành lý. Ngay sau khi Romanov ra lệnh, Bondarev và Zhalnin lấy vũ khí ra và cuộc khủng bố bắt đầu. Chĩa súng vào những hành khách đang hoảng sợ, bọn chúng ra lệnh cho họ ngồi yên. Bondarev bắt đầu đi dọc cabin, Romanov và Zhalnin di chuyển đến buồng lái.

Nghe thấy tiếng gõ và tiếng kính vỡ, kỹ sư bay Nicolai Nikitin mở cửa và chết lặng khi nhìn thấy nòng súng ngắn của Romanov đang chĩa vào đầu mình. Hét lên với các phi công “Tấn công!”, Nikitin nhảy ra khỏi buồng lái và dùng tay rút khẩu súng ra khỏi tay Romanov. Anh đóng cửa buồng lái và đánh nhau với hắn. Zhalnin quan sát họ với khẩu súng trên tay, hắn chĩa súng vào Nikitin nhưng hồi lâu không dám bóp cò.

Chỉ khi Romanov hét lên “Bắn!” đến hai lần, Zhalnin mới nổ súng: một viên đạn găm vào bụng Nikitin làm tổn thương gan. Xử lý xong thợ bay, bọn khủng bố tiến vào buồng lái, nhưng chỉ huy Kashin và phi công Stanislav Tolpekin đã chặn được cửa bằng chiếc rìu nhỏ. Một trong những hành khách của chiếc Yak-40 là Vladimir Gaponenco đang bay cùng vợ và con gái 3 tuổi.

Chờ thời điểm, anh lao vào bọn cướp và bị Romanov bắn trúng vai rồi đạn xuyên vào vỏ máy bay. Dù bị thương, Gaponenco vẫn lao vào Bondarev nhưng bị mất thăng bằng và bị bọn cướp đánh gục. Bondarev dí súng vào anh và bóp cò nhưng trong lúc bối rối, hắn đã quên nạp đạn. Tên Zhalnin nạp đạn, bóp cò hai lần nhưng súng đã bị kẹt và bỏ mặc Gaponenco bị thương. Người vợ đã băng bó vết thương cho anh và kỹ sư Nikitin.

1. bốn kẻ không tặc.jpg -0
Bốn tên không tặc gồm V.Romanov,  V.Zhalnin,  P.Bondarev và A.Nikiforov.

Trong khi chiếc Yak-40 đang chuẩn bị hạ cánh xuống Bryansk, chỉ huy Kashin sử dụng một nút bí mật báo hiệu về vụ cướp máy bay. Điều phối viên lúc đầu thậm chí còn không tin chuyện gì đang xảy ra nhưng sau đó liền chuẩn bị đường băng. Song các phi công không có thời gian để hạ cánh: bọn không tặc bắn qua cửa vào buồng lái và đột nhập vào đó. Chĩa vũ khí vào các phi công, chúng yêu cầu tăng độ cao và bay trở lại Moscow. Ngay sau khi máy bay tăng độ cao, một số máy bay chiến đấu đã cất cánh từ sân bay Orel, sẵn sàng bắn hạ chiếc Yak-40 bất cứ lúc nào, nếu cần.

Bọn khủng bố bắt đầu mất bình tĩnh và các phi công đã cố gắng nói chuyện với chúng, đề nghị chúng lập một danh sách các yêu cầu rồi chuyển xuống mặt đất. Danh sách này hóa ra rất “khiêm tốn”: 3 triệu USD và một chuyến bay không bị cản trở đến Thụy Điển. Đổi lại, bọn cướp hứa sẽ thả con tin và chia sẻ thông tin về vụ cướp máy bay TY-154 sắp xảy ra. Kashin đã báo tình hình cho nhân viên điều phối sân bay Vnukovo.

Phó chủ tịch KGB, Semyon Tsvigun tình cờ có mặt tại sân bay Vnukovo-2 vào thời điểm đó sau khi đi gặp Bí thư Ban chấp hành TƯ Đảng Cộng sản Bulgari Todor Zhivkov. Tsvigun nhận được thông tin về vụ cướp Yak-40 chỉ vài phút sau khi Zhivkov được đưa vào xe chính phủ. Nhân viên an ninh đã liên lạc với chỉ huy máy bay, biết được những yêu cầu của bọn cướp và đích thân báo lại với Chủ tịch KGB Yrui Andropop. Ngay sau đó, Tsvigun đã nhận được lệnh từ lãnh đạo cho chiếc Yak-40 hạ cánh xuống Vnukovo-1.

Phương án này hợp với bọn khủng bố, chúng tin rằng chính phủ Liên Xô đã sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của chúng. Nhưng thực tế lại khác: Vnukovo bắt đầu tích cực chuẩn bị cho một chiến dịch đặc biệt nhằm giải cứu máy bay. Vào thời điểm đó - khoảng 6 tháng trước khi lực lượng Alpha nổi tiếng được thành lập nên chưa có lực lượng đặc biệt nào được huấn luyện cho trường hợp như vậy. Do đó, họ quyết định lập một nhóm truy bắt từ các nhân viên của Bộ Nội vụ và KGB. Theo kế hoạch của Tsvigun, ngay sau khi hạ cánh, chiếc Yak-40 sẽ được điều khiển tới một bãi đậu bẫy và sẽ bị chặn ở đó.

4. phi công chỉ huy ivan kashin.jpg -0
Phi công chỉ huy máy bay Yak-40, Ivan Kashin.

Những sự cố bất ngờ

Nhưng việc hạ cánh đã vô cùng khó khăn do sương mù, phi công gần như phải mò mẫm hạ cánh dưới sự hướng dẫn của điều phối viên. Cuối cùng, vào khoảng 13 giờ, chiếc Yak-40 đã hạ cánh thành công xuống. Được biết trước về cái bẫy, Kashin đã cho máy bay đuổi theo xe dẫn đường. Thế nhưng, bọn khủng bố cảm thấy có gì đó không ổn và yêu cầu dừng lại ngay lập tức. Kashin đã thuyết phục được chúng rằng hệ thống phanh đã bị hỏng do súng bắn và không thể dừng lại. Nhờ thủ thuật này, chiếc Yak-40 vẫn được đưa đến bãi đậu.

Các nhà chức trách bắt đầu đàm phán với bọn khủng bố, yêu cầu đầu tiên của bọn chúng là đổ nguyên liệu đầy bình máy bay. Các nhân viên đặc vụ quyết định dùng mưu -  chặn phía trước máy bay bằng một tàu chở dầu và không đặt máy bơm, vờ như đang cung cấp nhiên liệu. Và để trinh thám, một đặc nhiệm mặc trang phục dân sự trên xe chở dầu tiến gần máy bay. Nhưng bọn cướp đã nhận ra kế hoạch và yêu cầu người này rời khỏi xe, đe dọa nếu không sẽ bắn các con tin và sau đó cho nổ tung máy bay.

Chúng cũng yêu cầu tiếp nhiên liệu ngay lập tức. Sau khi nghe tối hậu thư của chúng, bộ phận an ninh đề nghị, ngay lập tức thả những người bị thương, nếu không sẽ không tiếp nhiên liệu. Sau một hồi thương lượng, cuối cùng bọn khủng bố đã thả hai người bị thương và chiếc Yak-40 bắt đầu được tiếp nhiên liệu. Những con tin được thả đã được đưa lên xe cấp cứu -kỹ sư Nikitin đã bất tỉnh, còn hành khách Gaponenko đã báo cáo về số lượng bọn cướp và vũ khí của chúng.

Biết được bọn cướp không có thuốc nổ, Tsvigun quyết định cho tấn công máy bay. Một kế hoạch đưa nhóm bắt giữ từ đuôi của chiếc Yak-40 lên và báo cho bọn cướp sẽ sẵn sàng chuyển tiền cho chúng. Sau đó, các đặc nhiệm phải ném chiếc móc chặn đặc biệt lên cánh cửa đang mở của máy bay để bọn khủng bố không thể đóng lại và sau đó tiếp tục cuộc tấn công.

3. chiếc máy bay yak-40 sau vụ tấn công.jpg -0
Chiếc máy bay Yak-40 sau vụ tấn công ở Vunkovo.

Mặc dù kế hoạch giải cứu chiếc máy bay đã được Yuri Andropov phê duyệt ngay lập tức, song vì không tìm được chiếc móc chặn nên họ phải phá hàng rào ở gần đường băng. Khi đã có chiếc móc thì việc giao đô-la giả đã bị trì hoãn. Trong khi đó, bọn cướp mỗi lúc càng nôn nóng và liên tục đe dọa, chúng yêu cầu giao tiền gấp khi nghi ngờ mình đang bị lừa. Mỗi phút chúng càng trở nên táo tợn hơn, những tối hậu thư lần lượt được đưa ra. Chúng dọa nếu không đưa tiền trong vòng 5 phút, chúng sẽ bắn một số hành khách.

Để câu giờ, các đặc vụ thuyết phục rằng họ không thể thu được ngay toàn bộ số tiền ở Moscow và chỉ có 1,5 triệu USD được đưa tới sân bay. Để đổi lấy 1,5 triệu USD, họ yêu cầu thả tất cả hành khách. Nhưng bọn cướp chỉ đồng ý thả một nửa số con tin là phụ nữ và trẻ em để được tiếp nhiên liệu và một nửa số tiền còn lại.

Trong khi đó, 170 chiến sĩ của Bộ Nội vụ Liên Xô đã đến Vnukovo. Tsvigun yêu cầu thành lập một nhóm bắt giữ gồm 12 người, họ đội mũ bảo hiểm, áo chống đạn và liên lạc vô tuyến lặng lẽ đi qua dưới thân máy bay và chờ lệnh. Có thêm một nhóm khác từ KGB tới tiếp viện.

Sau 15h, tiền đã được đưa đến nhưng chỉ là 1.000 USD. Tsvigun phải gấp rút tìm một chiếc cặp đựng đầy giấy báo cũ, đặt tiền thật lên trên. Đến 16h30, mọi thứ đã sẵn sàng để hành động. Nhưng ngay trước mũi chiếc Yak-40, hai cảnh sát bất ngờ xuất hiện đã đặt mọi thứ vào tình thế nguy hiểm. Khi nhìn thấy họ, bọn khủng bố đã lo lắng và yêu cầu đưa họ ra ngay.

Sau đó, một xe bọc thép đến gần máy bay, một cảnh sát cải trang thành nhân viên của công ty hàng không bước ra tay cầm chiếc cặp đựng tiền. Ngay khi tên Nikiforov mở cửa phụ, trung úy A.Popryadukhin liền lao tới. Bọn khủng bố liền nổ súng, bị nhiều viên đạn găm vào ngực nhưng chiếc áo giáp đã cứu mạng trung úy. Lực lượng an ninh ngay lập tức bắn trả chiếc máy bay, để lại khoảng 90 lỗ đạn trên thân máy bay.

Trong khi hai bên khai hỏa, một đặc nhiệm đã ném được chiếc móc chặn lên cửa máy bay, 5 chiến sĩ bắt đầu ném lựu đạn hơi cay vào cabin, bọn cướp chỉ ném lại quả đầu tiên và bị nhận thêm nhiều quả khác. Lớp bọc ghế cháy bùng lên, nội thất của chiếc Yak-40 ngập trong khói. Nhân cơ hội đó, hành khách chạy nhanh tới lối ra và nhảy khỏi máy bay

 Bọn khủng bố bắt đầu hoảng loạn, chúng nhận ra đã bị lừa, tên Romanov ra lệnh bắn vào hành khách nhưng không kịp bởi họ đã lao tới lối ra. Hành khách không ai bị thương nặng, hai người bị thương nhẹ và một trẻ em bị bỏng chân. Trong lúc giao tranh, các phi công đã ở trong  buồng lái, chỉ huy Kashin thoát được làn đạn vì lúc đọ súng, anh đã vô tình nghiêng người về phía cửa sổ.

Tên đầu sỏ Romanov bị thương nặng. Sau đó, hắn đã tự sát khi nhận thấy kế hoạch trốn khỏi Liên Xô thất bại và phía trước hắn sẽ là nhà tù. Nikiforov bị thương nặng trong một vụ xả súng và chết sau đó ít lâu trong bệnh viện. Chỉ còn lại hai tên Zhalnin và Bondarev. Gia đình Bondarev đã nỗ lực giúp hắn không phải hầu tòa. Hắn được tuyên bố mất trí, ở lại bệnh viện tâm thần trong 6 tháng, được trả tự do và sống phần đời còn lại tại Moscow. Zhalnin kém may mắn hơn khi bị kết án 10 năm tù và thường xuyên bị các tù nhân đánh đập vì “phản bội Tổ quốc”. Hắn thụ án đủ thời hạn nhưng qua đời ngay sau khi được thả.

Bích Nguyễn (Tổng hợp)
.
.