Cuộc gặp gỡ bí mật ở công viên Regent London
Tuyển mộ điệp viên là yếu tố quan trọng tạo nên hiệu quả công việc của bất kỳ cơ quan tình báo nào trên thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà tình báo Liên Xô luôn coi trọng vấn đề này. Lịch sử các cơ quan tình báo Liên Xô ghi nhận rất nhiều nhà tuyển mộ tài năng. Arnold Deutsch là một trong số đó. Nhờ khả năng hiếm hoi và kỹ năng điêu luyện của ông, tình báo Liên Xô đã chiêu mộ được cả một đội ngũ điệp viên xuất sắc, đóng góp lớn lao cho nền an ninh của đất nước.
Nhà tuyển mộ độc nhất vô nhị
Arnold Deutsch sinh ngày 21/5/1904 tại Slovakia, bấy giờ nằm trong thành phần của đế quốc Áo - Hung. Năm 1924, ông vào học khoa Triết Đại học Vienna. Ngoài triết học, Deutsch còn thích hóa học và tâm lý học, đã bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ. Ông nói thành thạo 5 thứ tiếng châu Âu, và ít lâu sau, khi làm việc cho tình báo Liên Xô, ông học thêm tiếng Nga.
Hồi còn học tại Đại học Vienna, Deutsch say mê chủ nghĩa Mác và gia nhập đảng Cộng sản. Vì vậy, việc Deutsch phục vụ cho tình báo Liên Xô là một giai đoạn hoàn toàn tự nhiên trong tiểu sử của ông. Sau vài năm hoạt động bí mật ở Pháp, Bỉ, Áo, Đức và Hà Lan, Deutsch chuyển đến London theo chỉ thị của Trung tâm, thuê một căn hộ ở quận Hampstead và vào học khoa Tâm lý của Đại học London để làm vỏ bọc.
Deutsch có khả năng giao tiếp tuyệt vời, dễ hòa đồng với mọi người. Căn hộ của ông ở Hampstead trở thành nơi tập trung của giới thượng lưu Anh lúc bấy giờ: các chính trị gia, nhà khoa học, nhà văn hóa nổi tiếng. Không một vị khách nào có thể nghĩ rằng chủ nhân của căn hộ, một chàng trai trẻ dễ mến, làm việc cho tình báo Liên Xô và mang mật danh "Otto".
Chính Deutsch là người đầu tiên hiểu ra rằng cần xây dựng một mạng lưới điệp viên trong giới quý tộc Anh, và đặc biệt chú ý đến những sinh viên tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng. Hơn nữa, nhiều đại diện của giới thượng lưu Anh lúc bấy giờ có thiện cảm rõ ràng với Liên Xô. Không có gì ngạc nhiên là chính Deutsch đã trở thành người thành lập “Cambridge Five” (Ngũ quái Cambridge) và là người phụ trách đầu tiên của nó.
Trên ghế đá công viên Regent
Quá trình tuyển mộ thành viên đầu tiên của "Cambridge Five" - Kim Philby - như sau. Không lâu trước cuộc gặp gỡ mang tính lịch sử ở công viên Regent (The Regent's Park), Kim, một sinh viên trẻ tốt nghiệp Đại học Cambridge kết hôn với Litzi Friedman. Litzi Friedman lại chơi thân với nữ nhiếp ảnh gia Edith Tudor-Hart. Vào thời điểm đó, Edith đã phục vụ tình báo Liên Xô được vài năm và chuyên tìm kiếm các điệp viên trẻ đầy triển vọng. Bà được mệnh danh là "thợ săn tài năng".
Một lần, Litzi kể với Edith rằng Kim, chồng bà, say mê tư tưởng xã hội chủ nghĩa và thậm chí còn định gia nhập đảng Cộng sản Anh. Thông tin này khiến Edith rất quan tâm. Sau đó, bà đã gặp Kim vài lần, và trong một cuộc trò chuyện thoải mái bên tách trà, bà thử tìm hiểu quan điểm và năng lực tiềm tàng của anh. Tin chắc rằng chàng quý tộc trẻ tuổi có thể cực kỳ hữu ích đối với tình báo Liên Xô, Edith kể về người bạn mới của mình Arnold Deutsch, lúc bấy giờ phụ trách bộ phận tình báo mật của Liên Xô ở Anh.
Sau đó, bà sắp xếp cho họ gặp nhau tại The Regent's Park. Việc tuyển mộ diễn ra khá chóng vánh: từ lâu Kim đã sẵn sàng làm việc cho tình báo Liên Xô. Edith và Kim đi loanh quanh khắp London, thử xem có bị theo dõi không. Và sau nhiều giờ lang thang trên đường phố, cuối cùng họ cũng đến đúng nơi cần thiết. Deutsch đang đợi ở đấy.
Nhiệm vụ đầu tiên của Kim Philby là lập danh sách những người quen biết của ông ở Cambridge có thể hữu ích cho tình báo Liên Xô. Philby đã lên một danh sách gồm 7 người. Trong số đó có Donald Maclean và Guy Burgess. Về sau, với sự giúp đỡ của Burgess, họ đã mời được Anthony Blunt và John Cairncross hợp tác. Đây là những thành viên của nhóm "Cambridge Five" nổi tiếng thế giới.
Nhưng ta hãy trở lại với Arnold Deutsch và Edith Tudor-Hart - những người mà thiếu họ sẽ không bao giờ có "Ngũ quái Cambrige".
Số phận của Deutsch thật bi thảm. Mùa thu năm 1942, ông được cử sang làm việc ở Argentina với tư cách điệp viên mật. Vì lúc bấy giờ ở Thái Bình dương đang diễn ra các hoạt động quân sự ác liệt giữa Mỹ và Nhật Bản, Deutsch quyết định đến Nam Mỹ qua Bắc Đại Tây Dương trên chiếc tàu chở dầu “Donbass”. Tuy nhiên, Arnold Deutsch đã không bao giờ đến đích. Ngày 7/11/1942, tại biển Na Uy, “Donbass” bị một khu trục hạm Đức bắn chìm. Rất ít người sống sót...
Về phần Edith Tudor-Hart, nhiều năm liền, bà thường xuyên tuyển mộ các điệp viên có giá trị cho tình báo Liên Xô. Để ngụy trang, Edith đã thành lập một studio ảnh nổi tiếng chuyên chụp chân dung trẻ em.
Đầu những năm 1940, Edith là liên lạc viên của Guy Burgess và Anthony Blunt. Còn sau chiến tranh, khi Burgess và MacLaine, sợ bị bắt, trốn sang Liên Xô, Edith suýt phải ra vành móng ngựa, bà bị cơ quan phản gián Anh phát hiện, và nhiều lần bị thẩm vấn. Tuy nhiên, Edith đã đứng vững và chứng minh cho các điều tra viên thấy rằng bà không tham gia các hoạt động của “Cambridge Five”.
Cuối đời, “Thợ săn tài năng” sống ở xứ Wales và mất ở tuổi 73.
Ai cũng có thể trở thành điệp viên
Kinh nghiệm của Deutsch, Tudor-Hart và các nhà tuyển mộ lỗi lạc khác của Liên Xô về sau đã được nghiên cứu rất kỹ và áp dụng thành công trong thời Chiến tranh Lạnh. Vào những năm 1970-1980, trong cơ cấu của Tổng cục I của KGB của Liên Xô (Tình báo Đối ngoại) có một cục đặc biệt - Phản gián nước ngoài. Các nhân viên của cục này chỉ tham gia vào việc tìm kiếm và tuyển mộ các điệp viên có triển vọng.
Tuy nhiên, không nên nghĩ rằng sự quan tâm của các nhà tuyển mộ Liên Xô chỉ dừng lại ở đó. Các nhân viên phản gián tuyển mộ tất cả những người có thể: từ sĩ quan cảnh sát giao thông cho đến những kẻ buôn bán bình thường. Tất cả các điệp viên được tuyển dụng đều có việc làm.
Không có gì bí mật trong các hoạt động hằng ngày của bất kỳ tổ chức tình báo nào, có nhiều khía cạnh kỹ thuật thuần túy không liên quan đến việc thu thập thông tin. Ví dụ: chuyển cái gì cho ai, tạo nơi cất giấu, lắp đặt thiết bị đúng chỗ hoặc đơn giản là kiểm tra xem ai sống trong một căn hộ nào đó. Vì vậy, bất kỳ cơ quan tình báo nào của Liên Xô ở nước ngoài cũng luôn luôn có khá nhiều trợ lý thực hiện một số nhiệm vụ nhất định, mà không nắm được tính chất công việc. Đương nhiên, không ai nói với họ các chi tiết cụ thể, đơn giản là giao nhiệm vụ cho họ và trả tiền.
Ví dụ, các nhân viên cảnh sát giao thông có thể lặng lẽ quan sát xe của một người nào đó, theo dõi lộ trình của anh ta, nếu cần có thể dừng lại và thậm chí tiến hành kiểm tra. Nhìn bề ngoài, tưởng như viên cảnh sát đang thi hành nhiệm vụ chính của mình, nhưng thực ra, anh ta đang thu thập thông tin cần thiết cho tình báo Liên Xô...
FBI phục vụ KGB
Có một thời, trong số các nhân viên FBI phục vụ phái bộ Liên Xô tại Liên hợp quốc thậm chí có cả các nhân viên KGB. Như chúng ta biết, FBI theo dõi chặt chẽ tất cả các cán bộ của Liên Xô ở Mỹ.
Việc theo dõi được thực hiện suốt ngày đêm, kể cả những ngôi nhà, nơi gia đình các nhà ngoại giao sinh sống. Kết quả là các cơ quan tình báo Liên Xô đã tuyển mộ được một số nhân viên FBI thường xuyên cung cấp những thông tin thú vị, thứ nhất là về kế hoạch của người Mỹ liên quan đến một số nhà ngoại giao Liên Xô, và thứ hai, về tư cách đạo đức của chính các nhà ngoại giao và gia đình họ. Ví dụ, Arkady Shevchenko, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc, đã rơi vào tầm ngắm của các cơ quan tình báo Liên Xô như vậy. Người đầu tiên gióng lên hồi chuông cảnh báo là nhân viên tình báo Liên Xô ở New York Yury Drozdov. Rõ ràng, thông tin về hành vi đáng ngờ của nhà ngoại giao Liên Xô do các điệp viên FBI được tuyển mộ cung cấp. Sau khi so sánh một số hiện tượng, Drozdov đi đến kết luận rằng Shevchenko có liên hệ với CIA, và ngay lập tức báo cáo những hoài nghi của mình cho Moscow. Tuy nhiên, ở đấy người ta không tin rằng một nhà ngoại giao tầm cỡ như vậy lại có thể chơi trò nước đôi.
Thật uổng công! Ít lâu sau, Arkady Shevchenko chạy sang Mỹ. Theo một số nguồn tin, có những người rất thế lực trong giới lãnh đạo cao cấp của Liên Xô đã nhanh chóng thông báo cho Shevchenko rằng ông ta bị cơ quan phản gián Liên Xô nghi ngờ. Và Shevchenko đã khẩn trương xin tị nạn chính trị ở Mỹ. Chuyện xảy ra vào đêm 8 tháng 4 năm 1978.
Hoạt động bất hợp pháp
Hoạt động của các nhân viên tình báo Liên Xô, kể cả những người tuyển mộ, ở nước ngoài, gặp nhiều khó khăn hơn so với các nhân viên tình báo nước ngoài ở Liên Xô. Họ phải sử dụng một số ít cơ quan Nhà nước có tổ chức đại diện ở nước ngoài. Ví dụ, các đại sứ quán và lãnh sự quán, các cơ quan truyền thông lớn, các phái đoàn thương mại, một số tổ chức xã hội như Ủy ban Hòa bình Liên Xô... Tất cả các tổ chức này đều bị tình báo phương Tây giám sát chặt chẽ. Vì vậy, cơ hội của các nhân viên tình báo Liên Xô rất hạn chế.
Chẳng hạn, dưới thời Xôviết, giới lãnh đạo KGB có thể cài cắm khoảng 1.000 nhân viên tình báo của mình, cải trang thành nhà báo hoặc nhà ngoại giao. Con số này, rõ ràng, là không đủ. Do đó, một số lượng đáng kể các nhân viên tình báo Liên Xô ở nước ngoài buộc phải hoạt động bất hợp pháp (không có vỏ bọc hợp pháp). Trong cơ cấu của KGB Liên Xô, thậm chí còn có một đơn vị đặc biệt - Cục "S" (tình báo bất hợp pháp). Dưới thời Tổng Bí thư Yury Andropov, đơn vị này do Thiếu tướng Yury Drozdov phụ trách.