Cuộc giải cứu đầu tiên bằng máy bay trực thăng

Thứ Bảy, 27/08/2022, 10:55

Bộ Tư lệnh các chiến dịch đặc biệt của lực lượng không quân Mỹ (AFSOC) ngày nay đã bắt đầu hình thành từ Thế chiến 2 trong các cánh rừng già của Miến Điện. Ở đó, Nhóm không biệt kích số 1 (ACG-1) mới nổi đã tiến hành một cuộc chiến tranh phi thường chống lại quân Nhật, thường là hoạt động sau phòng tuyến địch. ACG-1 là một kiểu lính bất cần đời, ngỗ ngược, không quan tâm đến việc đánh bóng đời sống quân ngũ, nhưng lại chiến đấu hết sức dũng cảm.

Sikorsky, trường đào tạo phi công trực thăng đầu tiên của Hoa Kỳ 

Năm 1943, khi Trung úy phi công Carter Harman và vài người khác nhận một nhiệm vụ bất thường cho nhà máy Sikorsky ở Stratford (tiểu bang Connecticut), chiếc máy bay mới toanh đó được gọi là “chim quay” hoặc “máy đánh trứng”.

87-1.jpg -0
Trung úy Carter Harman nhận nhiệm vụ làm việc cho nhà máy Sikorsky ở Connecticut. Nhưng sau đó ông học lái R-4 và bay nửa vòng trái đất đến Miến Điện để thực hiện vụ giải cứu. Ảnh nguồn: Robert F. Dorr Collection 

Carter Harman đã học lái một trong những cỗ máy mới gọi là YR-4B và sau đó đưa nó đi nửa vòng trái đất đến Miến Điện. Cơ hội của Không biệt kích là thử nghiệm một cỗ máy mới khi Trung sĩ kỹ thuật Ed Hladovcak (một phi công gan dạ được gọi bằng cái tên Murphy) đã bị rơi trong một chiếc máy bay liên lạc L-1 Vigilant cùng với 3 binh sĩ người Anh. Hladovcak và bộ ba binh sĩ Anh đã bay nhiều dặm ở xa phòng tuyến Nhật. Một chiếc máy bay liên lạc khác là chiếc L-5 Sentinel đã không thể hạ cánh trong địa hình cây rừng đan xen chằng chịt với ruộng nương. Carter Harman và cơ trưởng của anh là Trung sĩ Jim Phelan, đang cách Ấn Độ 500 dặm khi họ nhận được bức điện: “Gửi máy đánh trứng vào”.

Chiếc R-4 sẽ mang thêm vũ khí và chỉ chở duy nhất 1 người tại một thời điểm. Loại công việc này được chỉ huy bởi một viên đại tá có toàn quyền trình bày với Washington: Philip “Flip” Cochran.

Chuẩn bị cho chặng bay đến Miến Điện

“Murphy” và 3 đồng đội người Anh lăn lê bò trườn cho đến khi họ đã chui sâu vào cánh rừng già đại ngàn cách chiếc máy bay bị rơi nửa dặm đường. Suốt hàng tiếng, Murphy và những người lính Anh dõi mắt quan sát đám lính Nhật đang lùng sục xác chiếc L-1, canh gác vị trí rơi và rút lui. Vào giữa buổi chiều hôm đó, một chiếc máy bay liên lạc L-5 Sentinel của Không biệt kích đang bay quần thảo trên đầu và thả xuống một mảnh giấy, nội dung ngắn gọn “Di chuyển lên núi. Người Nhật gần đây”. Trong hầm hàng của chiếc L-1 bị rơi là 3 thanh kiếm gỗ Nhật (dùng cho nghi lễ) mà Murphy đã lấy nó từ chiến trường để làm kỷ niệm. Nếu người Nhật tìm thấy những thanh kiếm này trước và sau khi bắt giữ Hladovcak, sẽ có một địa ngục phải trả. Không giống với các lính Không biệt kích quanh mình, Carter Harman không phải là người dễ dàng ứng biến trước tình hình.

Cuộc giải cứu đầu tiên bằng máy bay trực thăng -0
Trung úy Carter Harman nhận nhiệm vụ làm việc cho nhà máy Sikorsky ở Connecticut. Nhưng sau đó ông học lái R-4 và bay nửa vòng trái đất đến Miến Điện để thực hiện vụ giải cứu. Ảnh nguồn: Robert F. Dorr Collection 

Sau chiến tranh, ông Harman nhớ lại: “Trước chiến tranh, tôi là một nhà báo. Tôi chuyên đưa bài về cho Thời báo New York. Khi chiến tranh khơi mào, tôi đã lái vài loại máy bay. Không thiết tha với bộ binh nên tôi đã gia nhập Lực lượng phòng không lục quân (AAC) và tới Texas. Tôi đang học bay hạng 43-C và sau khi có được những đôi cánh bạc, tôi trở thành hướng đạo sinh trong việc hướng dẫn lái máy bay 2 cánh”. Ông Harman về làm việc ở Stratford (Connecticut) gần nhà mình. Ông đến nhà máy Sikorsky ở Stratford để học lái trực thăng R-4. Thời điểm đó Không biệt kích yêu cầu lấy 3 chiếc trực thăng YR-4B chở nửa vòng trái đất trên các máy bay vận tải C-46 đến Miến Điện. Ông Harman kể: “Để chuẩn bị cho chặng bay dài ngày, các thợ máy của chúng tôi đã lắp ráp trực thăng dưới thời tiết nắng nóng và kiểm duyệt gắt gao ở Lalaghat (Ấn Độ)”.

Thật bi thảm, chuyến bay trực thăng đầu tiên ở Ấn Độ - YR-4B – diễn ra vào ngày 21-3-1944 đã bị rơi khiến 1 trong số 4 phi công bị thiệt mạng, cũng là người đầu tiên lái trực thăng Mỹ tử trận trong vùng chiến sự. Một trong số các phi công (vốn khan hiếm khi đó) đã bị thương trong lúc đang lái máy bay thông thường... Ngày 21-4-1944, ông chủ của Không biệt kích, Philip “Flip” Cochran, đã phát đi những chỉ thị vô tuyến cho Carter Harman để đưa một trực thăng đến Taro (Bắc Miến Điện). Taro cách Lalaghat 600 dặm, tức vượt xa 100 dặm trong phạm vi thông thường của trực thăng YR-4B.

Lên phương án giải cứu 

Cartel Harman nhớ lại: “Tôi đã chuẩn bị mọi thứ cho chuyến bay đầu tiên đến Taro, đồng nghĩa chuẩn bị tinh thần để vượt qua những đỉnh núi cao 1.524m, mà theo lý thuyết mà mức trần của YR-4B và điều hướng trực quan đến Dimapur. Tôi hạ cánh an toàn ở Dimapur và đổ đầy bình chứa nhiên liệu trước khi bắt đầu chặng bay thứ hai trực chỉ Jorhat, đó là căn cứ oanh tạc cơ nơi các đồng nghiệp của tôi đang lái những chiếc B-24 Liberators”. Harman nói rằng mình cảm thấy thoải mái khi lái một mình. Mất 24 tiếng đồng hồ mới tới được Taro. Harman kể: “Tới nơi là nghỉ xả hơi. Tôi nói với một trong những người lính ở đó là mình cần đi tắm suối, giặt đồ. Tôi vẫn đang mặc nguyên cái quần dài sau khi đã bay nửa vòng trái đất. Tại Taro, các thợ máy đã lắp một thùng nhiên liệu phụ mượn từ bụng chiếc trực thăng của tôi. Ở Aberdeen, đã xác định chính xác vị trí của trung sĩ kỹ thuật Ed Hladovcak. Không biệt kích có kế hoạch sử dụng YR-4B và chờ đón tôi”.

Một bức thông điệp điện tín của căn cứ ACG-1 ở Miến Điện (gọi tên là Aberdeen), đó là một đường băng tạm thời nằm sâu bên trong lãnh thổ Nhật Bản chiếm đóng. Căn cứ này là ngôi nhà của các máy bay liên lạc L-1 Vigilant và L-5 Sentinel được lái bởi các trung sĩ phi công như Ed “Murphy” Hladovcak dùng cho những mục đích cứu hộ hàng không. Thông qua L-1 hoặc L-5, những người sống sót được chở thẳng tới Aberdeen, tại đó họ lên một máy bay lớn hơn để sơ tán tới Ấn Độ. Tất cả đều được thực hiện bởi bàn tay của người Nhật. Thông điệp vỏn vẹn 4 chữ “Gửi máy đánh trứng ngay lập tức”. Điều đó có nghĩa là nhiệm vụ được thực thi từ Taro đến Aberdeen ở cách đó 125 dặm về hướng Nam, bỏ xa phạm vi bay tối thiểu của trực thăng YR-4B. Trên mặt đất, tâm trí Murphy đang hối hả chạy đua với suy nghĩ về việc có thể bị quân Nhật bắt giữ: “Ngày 24-4, những âm thanh kỳ lạ phát ra trên trời. Phải chăng có một vụ chạm súng? Bọn Nhật sẽ phản ứng ra sao với một lính Mỹ đói khát, mệt lử và 3 lính Anh bị thương đầy mình?”.

Cuộc giải cứu đầu tiên bằng máy bay trực thăng -0
Trực thăng Sikorsky YR-4B 43-28225 trong đường hầm gió NACA (Ủy ban cố vấn quốc gia về hàng không Mỹ) tại Langley Field (tiểu bang Virginia) năm 1944. Ảnh nguồn: NASA

Nhưng người Nhật không xuất hiện. Ngày hôm sau, tình hình 3 người lính Anh thêm xấu đi. Các vết thương bị nhiễm trùng. Trời nắng chang chang. Côn trùng khắp nơi nhất là muỗi mang theo một chủng gây sốt rét độc hại. Carter Harman hạ cánh trực thăng YR-4B tại căn cứ Không biệt kích ở Aberdeen vào buổi sáng ngày 25-4-1944. Ông biết được rằng 4 người lính do Murphy chỉ huy vẫn bình an vô sự. Những chiếc trực thăng L-5 Sentinel đang thả đồ tiếp tế và thông điệp cho Murphy khi nhắm vào một chiếc dù trắng mà người phi công thả xuống đồng lúa. Tuy nhiên chiếc dù đó có lẽ sẽ khiến Murphy bị lính Nhật phát giác. Một chiếc L-5 đã thả thông điệp cho Murphy nói về một địa điểm có máy bay liên lạc có thể cứu cả 4 người lính: một bãi cát trên con sông gần đó. Các biệt kích Anh đã bảo vệ một khu vực nhỏ bờ sông để tạo điều kiện cho những người bị thương rút êm. Tại Aberdeen, họ biết rằng không ai trong số 4 phi công có thể rút êm bằng sức riêng của mình. Tuy vậy họ tin rằng Harman có thể thu hẹp khoảng cách. Đó là một giải pháp đặc biệt, một kiểu ứng biến mà Không biệt kích và cả AFSOC luôn hoàn thành xuất sắc.

Cuộc giải cứu trực thăng đầu tiên

Carter Harman nhớ lại: “Tôi lo rằng động cơ 200 mã lực Warner thường sẽ không đủ mạnh để khởi động trực thăng YR-4B. Tôi cũng lo ngại không biết mình có đến được bãi đất trống đó không. Chiếc YR-4B của tôi sẽ chở họ đến bờ sông, nơi có những máy bay liên lạc chờ sẵn có thể rước họ đi. Kể từ khi đó tôi chỉ có thể chở 1 người/ lần bay mà thôi, do đó phải đi làm 4 chuyến. Mấy cái trực thăng hãy còn mới và chúng tôi biết là chúng không thích hợp thời tiết nắng nóng. YR-4B đặc biệt dễ bị tổn thương bởi bất kỳ loại súng nào. Tôi bay từ Aberdeen đến bãi cát ven bờ sông, nơi tôi gặp một chiếc L-5 Sentinel. Kế đó, chiếc L-5 dẫn tôi đến bãi đất trống nơi Murphy và 3 người lính Anh đang vật lộn sinh tồn. Tôi không thấy bất kỳ tên lính Nhật nào cả, nhưng biết rằng bọn chúng đang lảng vảng quanh đó. Rồi may sao tôi cũng đến đó trước, Murphy Hladovcak leo lên trực thăng. Lúc đó quân đội tràn ngập ngay bên dưới chúng tôi. Cuối cùng chiếc YR-4B phát huy hết công suất bay đi”.

Sau đó, Harman được kể lại là Murphy Hladovcak “phát điên” khi nhìn thấy “máy đánh trứng” bay tới vì anh ta chưa từng nhìn thấy trực thăng từ trước đó. Murphy dìu người lính Anh bị thương nặng nhất lên máy bay. Harman có thể đến bãi cát trống nơi có một máy bay liên lạc chở người lính Anh tới nơi an toàn. Các phi công liên lạc cảnh báo với Harman rằng có những trục trặc về thời tiết vào ngày hôm sau. Lúc tảng sáng, động cơ máy bay vang lên giòn giã và Harman đã có thể chở người lính Anh thứ 3 đưa đến nơi an toàn. Edward “Murphy” Hladovcak giờ đang đơn độc trong bãi đất trống trong rừng, ông ráng cầm cự, và Harman phải quay trở lại. Khi chiếc YR-4B áp sát Murphy Hladovcak, lính Nhật túa ra ở khoảng cách 304m, một số giơ cao súng trường. “Quá muộn rồi!”, Harman nghĩ thoáng qua. “Sau tất cả mọi thứ, trễ quá rồi”, Murphy Hladovcak hét lớn về phía bọn Nhật đang bắn mình.

Harman căng thẳng nhớ lại: “Tôi lao đến trước tiên. Murphy Hladovcak leo lên máy bay. Giờ đây rất đông người bên dưới chúng tôi, chiếc YR-4B căng mình vật lộn. Nó lại mất hút trong khu rừng. YR-4B lao vọt lên một cách thần tốc”. Harman chở Murphy đến Aberdeen. Ở đó họ được kể rằng đám binh lính bên dưới máy bay là Nhóm thâm nhập tầm xa (Chindit, các đơn vị hoạt động đặc biệt của Anh và Ấn Độ trong giai đoạn 1943-1944) đang có ý định giải cứu Murphy. Cuộc giải cứu trực thăng đầu tiên đã mở đầu cho ngành hàng không cánh quay. Carter Harman đã dành vài tuần với ACG-1 và tìm được một số người cần được giải cứu. Chiếc trực thăng R-4 cuối cùng bị hỏng không thể sửa chữa. Nhưng đầu năm 1945, một chiếc trực thăng khác đã thế vào. Nó thực hiện một hoạt động cứu hộ khác và đôi khi bị trích dẫn sai lầm là vụ giải cứu trực thăng đầu tiên trong lịch sử.

Ngày 16-1-1945, đại úy Frank Peterson đã lái một chiếc R-4 để sơ tán một nhà quan sát thời tiết bị thương là binh nhất Howard Ross từ một sườn núi cao 1.432m ở rặng Naga (Miến Điện). Đại úy Peterson bay cùng phi công Trung tá 1 Irvin Steiner. Đó là cuộc cứu hộ trực thăng thành công từ rất sớm, nhưng là nó diễn ra 8 tháng sau khi Carter Harman thực hiện chuyến bay cứu hộ đầu tiên, dọn đường cho các sứ mạng hoạt động trực thăng đặc biệt ngày hôm nay.

Nguyễn Thanh Hải (Tổng hợp)
.
.