Địa ngục ma túy ở Afghanistan
Kể từ khi Taliban lên nắm quyền ở Kabul, vấn nạn về người nghiện ma túy vẫn chưa giảm ở thủ đô Afghanistan. Phóng viên tờ "Telegraph" đã đến khảo sát thế giới dưới gầm cầu Pul-e-Sukhta, phóng sự và các bức ảnh được công bố sau đó về cái địa ngục ma túy này ở Afghanistan..
Một địa ngục giữa trần gian
Chui vào dưới gầm cầu, dấn thân vào trong cái bóng tối u ám này, bạn sẽ phải mất một thời gian khá dài để có thể nhận ra những gì xung quanh mình. Những người đàn ông hôi hám bẩn thỉu trông giống như những tù nhân đang bị giam trong các nhà tù thời trung cổ. Ở ven sông, những thân hình gày gò bất động nằm dài trên mặt đất gợi nhớ đến hình ảnh của một bãi chiến trường hoang tàn hoặc hiện trường một vụ tai nạn máy bay.
Gần 1.000 người nghiện ma túy trú ẩn dưới cây cầu ở quận phía Tây thủ đô Afghanistan này. Cuối cùng chúng ta cũng có thể nhận ra và phân biệt được các khuôn mặt nhờ vào ánh sáng leo lét của ngọn lửa phát ra từ một chiếc bật lửa. Những người đàn ông với đôi mắt trống rỗng và có lẽ chỉ còn rất ít thời gian để sống. Một số đứng lom khom, đôi vai gù xuống, thần sắc tàn tạ như những thây ma.
Những người ở đây túm tụm lại thành từng nhóm để hít ma túy trên những tờ giấy thiếc được nung nóng. Có một đám đông túm tụm lại xung quanh một người đàn ông làm ống thủy tinh. Một người đàn ông khác đang cúi gằm dùng kéo cắt tỉa bộ râu của mình, không để ý gì đến những núi rác khổng lồ chất đống xung quanh. Một người bán trà dạo hớn hở đi vòng quanh các nhóm người này. Trên cao , trên mặt cầu Pul-e-Sukhta giao thông và cuộc sống vẫn tiếp tục diễn ra theo nhịp độ hối hả của nó.
“Có rất nhiều người tốt ở đây”, một người đàn ông chỉ tay về phía đám đông các con nghiện ma túy và nói: “Kỹ sư, bác sĩ, những người có học. Nhưng họ có vấn đề với ma túy. Và nó ngày càng trở nên tồi tệ hơn”.
Khoảng 2 triệu người dùng ma túy thường xuyên
Cầu Pul-e-Sukhta vốn đã là nỗi ám ảnh của những người nghiện ma túy ở Kabul từ rất lâu trước khi Taliban giành lại chính quyền vào tháng 8-2021.
Trong khi cuộc chiến chống nạn buôn bán ma túy ở Afghanistan thường được giới thiệu như một biện pháp nhằm ngăn chặn heroin tràn ngập các đường phố, loại ma túy này và những loại khác vẫn đang tiếp tục tàn phá ở nơi đây. Theo một nghiên cứu vào năm 2015, cả nước Afghanistan có từ 1,9 triệu đến 2,3 triệu người sử dụng ma túy thường xuyên trên tổng số 39 triệu dân. Một tỷ lệ người sử dụng ma túy hoặc thuốc phiện được cho là cao nhất trên thế giới.
Hiện tại, sự sụp đổ nền kinh tế sau khi Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan và sự phát triển của hoạt động buôn bán methamphetamine đang làm trầm trọng thêm tình trạng này. Tất cả những người đang sống dưới gầm cầu Pul-e-Sukhta đều nghiện heroin hoặc metha. Mỗi người đều có một câu chuyện khác nhau, một lý do khác nhau để đến nơi này. Nhiều người nói rằng họ bắt đầu sử dụng ma túy sau khi làm việc ở Iran. “Lần đầu tiên, tôi cảm thấy mạnh mẽ hơn. Nhiều người khác dùng thuốc để có được thân hình cân đối hoặc để có thể làm việc lâu nhất có thể", một người đàn ông nói.
Một người khác thì nói rằng anh ta từng tham gia quân đội Afghanistan và sử dụng heroin mỗi khi thực thi các nhiệm vụ mệt mỏi và nguy hiểm ở các tỉnh phía Nam trong cuộc chiến khốc liệt với Taliban trước đây.
Syed Ramin, 32 tuổi, nghiện heroin sau khi thất vọng trong tình yêu. “Tôi chuẩn bị thi vào đại học và có cảm tình với cô gái ấy nhưng gia đình cô ấy không đồng ý. Sau đó tôi chán nản và dùng heroin để quên đi”.
Một vấn nạn dai dẳng
Khi Taliban nắm quyền vào tháng 8-2021, họ tuyên bố sẽ nhanh chóng giải quyết vấn đề ma túy ở thủ đô. Chính quyền mới vây bắt hàng nghìn người nghiện ma túy trên đường phố để cưỡng bức đưa đến trung tâm cai nghiện thuộc bệnh viện Ibn Sina ở thủ đô.
Bệnh viện có 1.000 giường, nhưng theo các nhân viên, có tới 3 bệnh nhân trên mỗi giường sau khi Taliban lên nắm quyền và tiến hành chiến dịch bắt giữ những người nghiện ma túy. Đối mặt với tình trạng quá tải, xung đột bạo lực giữa các bệnh nhân và điều kiện sống ít có triển vọng được cải thiện, các bác sĩ tại bệnh viện đã thuyết phục Taliban ngừng bắt giữ các con nghiện.
Với cái bệnh viện nằm ở Jalalabad, Kabul này, tình cảnh gặp phải hiện nay lại trở nên hoàn toàn trái ngược. Chỉ có chưa đến 300 bệnh nhân, và bệnh viện, nguyên là một trạm quân y trước đây, giờ đây gần như bỏ hoang. Abdul Nasir Munqad là giám đốc bệnh viện. Sau khi bị người Mỹ bắt giữ, thủ lĩnh Taliban này đã trải qua 3 năm trong nhà tù an ninh cao ở Bagram, phía Bắc Kabul. Giờ đây, cùng với các vệ sĩ của mình, hàng ngày ông đang giám sát công việc của các bác sĩ và y tá tại bệnh viện.
Abdul Nasir Munqad phủ nhận bất kỳ cáo buộc nào về hiện tượng gia tăng của tình trạng lạm dụng ma túy ở Afghanistan hiện nay và đổ lỗi về tình hình tồi tệ là do chính sách "mafia ma túy" của chính phủ cũ.
Taliban cũng đã ra lệnh chấm dứt hoạt động buôn bán cây thuốc phiện ở nước này, mặc dù cộng đồng quốc tế vẫn hoài nghi về thiện chí của họ. "Theo lệnh của Haibatullah, nhà lãnh đạo tối cao của chúng tôi, một quyết định đã được ban hành để giảm bớt vấn đề này. Ngày nay, vấn đề nguồn nguyên liệu ma túy đã trở nên ít nóng bỏng hơn”, Abdul Nasir Munqad nói.
Abdul Nasir Munqad giải thích rằng hiện tượng sụt giảm số lượng bệnh nhân hiện nay là do thiếu phương tiện, có nghĩa là bệnh viện không thể nuôi sống họ một cách hợp lý. Viện trợ quốc tế, nguồn tài trợ từng giúp cho bệnh viện này tồn tại thì nay đã đã cạn kiệt. Lương không được trả, và bệnh nhân chỉ được phát bánh mỳ hoặc cơm để ăn. Các phương pháp điều trị thay thế như methadone đang bắt đầu cạn kiệt.
Tôn giáo như là một phương pháp điều trị
Mỗi bệnh nhân được yêu cầu theo đuổi một chương trình cai nghiện trong 45 ngày. 15 ngày đầu tiên dành cho việc cai nghiện dưới sự giám sát y tế nhằm loại bỏ ma túy khỏi cơ thể họ. Sau đó, họ phải tuân theo một chương trình trị liệu. Theo tiến sĩ Atiq Azimi, trợ lý của giám đốc, tôn giáo đóng một vai trò quan trọng trong việc điều trị và bệnh viện đã áp dụng phương pháp này từ rất lâu trước khi Taliban xuất hiện. “Vấn đề của chúng tôi khác hoàn toàn với các nước châu Âu hoặc Mỹ, nơi mà mọi người sử dụng ma túy để mua vui. Ở đây bệnh nhân của chúng tôi hầu như không có việc làm, không có thu nhập”.
“Chúng tôi sẽ bắt đầu bằng các khóa học thần học vì tôn giáo có một vị trí quan trọng ở đất nước chúng tôi và nó đang đơm hoa kết trái. Từ kinh nghiệm, chúng tôi biết rằng chúng tôi có thể xóa bỏ chứng nghiện với sự giúp đỡ của Chúa”.
Sau khi kết thúc các đợt cai nghiện cưỡng bức, hầu hết tất cả các bệnh nhân hiện nay đều trở thành tình nguyện viên hoặc được gia đình đưa về. Tuy nhiên, họ không thể ra ngoài trong thời gian điều trị và thực tế sống như các tù nhân. Cũng đã có nhiều người nỗ lực để trốn thoát khỏi các trung tâm cai nghiện.
Trong chuyến thăm của nhóm phóng viên tờ "Telegraph", khi họ đi thăm quan các phòng, một người đàn ông vén áo cho họ xem những vết bầm tím rất lớn trên lưng và phàn nàn về việc bị đánh. Về phần mình, các bác sĩ nói rằng anh ta nói dối và bị mắc bệnh tâm thần phân liệt. Bản thân bệnh nhân cũng tự mô tả mình là “điên”. Nếu nhân viên luôn nói về các bệnh nhân với lòng trắc ẩn, họ thừa nhận rằng vẫn có những cuộc xung đột và đôi khi là bạo lực rất khó quản lý.
Bashirullah, một cựu quân nhân 26 tuổi, đã cai nghiện heroin thành công trong bệnh viện này vào năm ngoái. Anh hiện là một giám sát viên tình nguyện và đang phụ trách lắp đặt một hệ thống cáp điện để ngăn chặn việc bỏ trốn. Bashirullah cho biết anh bắt đầu sử dụng ma túy vào thời gian phục vụ tại các căn cứ quân sự xa nhà. "Trong nhiều tháng, tôi không thể về nhà và điều đó làm tôi phiền muộn và chán nản rất nhiều”. Khi chính phủ cũ sụp đổ, anh quyết định cai nghiện ma túy vì không còn tiền để chi trả cho nó.
Khó khăn kinh tế
Liên Hợp quốc tuyên bố không có số liệu cập nhật về số người nghiện ma túy ở nước này hiện nay. Theo nghiên cứu gần đây nhất, được thực hiện vào năm 2019, methamphetamine đã bắt đầu trở nên phổ biến trong giới trẻ nước này. Tình trạng nghèo đói và tuyệt vọng do sự sụp đổ kinh tế trên diện rộng ở Afghanistan có xu hướng làm gia tăng tình trạng nghiện ma túy.
Kamran Niaz thuộc Văn phòng Liên hiệp quốc về ma túy và tội phạm giải thích: “Chắc chắn rằng khi có khó khăn về kinh tế, khi xả ra hiện tượng di dời dân cư trên diện rộng thì họ sẽ đi tìm các cơ chế để bù đắp hay cân bằng lại các khó khăn đang đè nặng lên họ. Và mọi người do đó dễ bị nghiện ma túy hơn”.
Hiển nhiên rằng sự cám dỗ quay trở lại dùng ma túy cũng sẽ mạnh mẽ hơn khi ai đó rơi vào hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Nhiều người trong số những người sống dưới gầm cầu Pul-e-Sukhta trước đây đã từng trải qua chương trình cai nghiện ma túy tại các bệnh viện một số lần.
Ramin thừa nhận rằng thời gian ở bệnh viện không giúp ích được gì cho anh. “Khi tôi rời đi, tôi không tiến bộ hơn vì vẫn không có công việc. Mặc dù tôi đã cai nghiện xong nhưng rồi tôi đã lao trở lại vào với ma túy ngay sau khi tôi ra khỏi bệnh viện”.