Afghanistan - Cuộc chiến chưa kết thúc

Thứ Tư, 25/08/2021, 08:07

Một cuộc chiến thực sự kết thúc vào lúc nào? 7 ngày qua, chỉ trong phạm vi sân bay Kabul đã có tới 20 người thiệt mạng. Riêng chi tiết này đã đủ là minh chứng hùng hồn để không cần phải là một chuyên gia phân tích quốc tế, bất cứ ai cũng có thể hiểu: Xung đột trên đất Afghanistan vẫn đang tiếp diễn, bất kể việc lực lượng Taliban đã một lần nữa làm chủ Kabul, sau 20 năm.

Không phải tất cả đều cúi đầu

“Tôi sẽ không bao giờ cúi đầu trước Taliban. Tôi sẽ không bao giờ phản bội linh hồn và di sản của người anh hùng Ahmad Shah Masoud - người chỉ huy, huyền thoại và người dẫn đường của tôi”. Ngày 15-8, trong khi các cánh quân Taliban kéo vào Kabul từ khắp ngả, Phó Tổng thống Afghanistan - ông Amrulla Saleh - đã viết trên Twitter của mình như vậy và làm đúng như những gì mình viết.

Afghanistan - Cuộc chiến chưa kết thúc -0

 Còn rất đông người Afghanistan muốn rời đi bằng mọi giá.

Vài giờ sau, một bức ảnh xuất hiện, cho thấy ông Saleh đang tham vấn với Ahmad Massoud, con trai của cố chỉ huy chống Taliban lừng danh Shah Masoud - người được mệnh danh là “mãnh sư Panjshir” và đã bị nhóm khủng bố Al-Qaeda ám sát 2 ngày trước khi xảy ra vụ tấn công 11-9-2001.

Tỉnh Panjshir là khu vực duy nhất còn chưa lọt vào tay Taliban. Ông Ahmad Massoud tuyên bố sẽ lãnh đạo cuộc chiến chống lại Taliban. Cùng lúc đó, như truyền thông quốc tế đưa tin, một mặt trận chống Taliban đang hình thành ở Panjshir với lực lượng lãnh đạo gồm ông Saleh, ông Ahmad Massoud và nhiều thành viên khác từ chính quyền vừa bị lật đổ. Và bởi vì Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã ra đi nên ông Armulla Saleh tuyên bố: Ông sẽ trở thành tổng thống lâm thời của đất nước Tây Nam Á ấy, để tiếp tục cuộc chiến đấu.

Afghanistan - Cuộc chiến chưa kết thúc -0

 Tổng thống Afghanistan lâm thời Amrulla Saleh.

Đến ngày 22-8, chiến sự vẫn diễn ra dữ dội quanh “chiến khu” cuối cùng, căn cứ địa của “Liên minh phương Bắc” chống Taliban ngày trước. Kênh truyền hình địa phương Tolo đưa tin: Lực lượng phản kháng đã đánh bật các tay súng Taliban khỏi 3 huyện ở tỉnh Baghlan, miền Bắc Afghanistan, song các tay súng Taliban đã chiếm lại được 1 huyện trong số này. Trong khi đó, theo một số nguồn tin không chính thức, hơn 1.000 dân quân từ tỉnh Kapisa đã tới gia nhập lực lượng quân kháng chiến Panjshir. Cũng theo những gì lực lượng này cố tình tiết lộ trên các mạng xã hội, một trực thăng Mi-8 đã hạ cánh xuống thung lũng Panjshir, chở theo những hàng hóa thiết yếu như vũ khí, đạn dược, thuốc men... Nó được cho là xuất phát từ một quốc gia Trung Á láng giềng, có thể là Tajikistan.

Nghĩa là, về mặt quân sự thuần túy, cho dù Taliban đã làm chủ dinh tổng thống ở Kabul và tuyên bố “chiến tranh đã kết thúc” thì lá cờ “Liên minh phương Bắc” hay “Mặt trận Hồi giáo thống nhất cứu quốc”, phong trào chống Taliban vẫn còn tung bay ở Panjshir, lần đầu tiên kể từ năm 2001.

Hố thẳm trong lòng người

Tuy nhiên, cuộc chiến đích thực mà Taliban vẫn chưa giành thắng lợi trọn vẹn và nhất định phải hướng đến việc chiến thắng trọn vẹn, lại không chỉ nằm ở những cuộc giao tranh tại Panjshir.

Khía cạnh nhiều thách thức nhất của cuộc chiến ấy nằm trong lòng người, khi những ký ức về thời kỳ khắc nghiệt mà Taliban nắm quyền 2 thập niên về trước vẫn còn nguyên vẹn. Không phải ngẫu nhiên, sau những động thái đầu tiên kể từ lúc tiến vào Kabul, giới quan sát quốc tế thống nhất với nhau rằng Taliban đang cố gắng thay đổi hình ảnh của chính mình.

Afghanistan - Cuộc chiến chưa kết thúc -0

 Nước Mỹ và tổng thống Joe Biden sẽ còn rất vất vả để “sửa sai”.

Ở diễn biến mới nhất, ngày 23-8, thậm chí một thủ lĩnh cấp cao của Taliban, ông Khalil ur Rahman Haqqani, tuyên bố trên truyền hình: “Chúng tôi tha thứ cho ông Ashraf Ghani cũng như (Phó Tổng thống thứ nhất) Amrullah Saleh và (Cố vấn An ninh quốc gia) Hamdullah Mohib”. Haqqani nhấn mạnh: “Chế độ hiện nay đã thay đổi” và “tất cả mọi người, theo quan điểm của chúng tôi, từ tổng thống cho đến dân thường” đều có thể trở về nước. Phát ngôn này được đưa ra khi những dòng người tị nạn vẫn dắt díu nhau cố gắng tẩu thoát khỏi biên giới Afghanistan, trong lúc hàng chục nghìn người vẫn cố thủ trong sân bay Kabul - khu vực kiểm soát quốc tế - nhằm chờ đợi một phép màu đưa họ rời mảnh đất ấy, sau những chuyến bay kinh khủng lèn chặt cứng nỗi sợ hãi. Họ sợ bị trả thù và cũng sợ cả sự tái diễn cuộc sống khắc khổ theo Luật Hồi giáo Sharia - điều mà Taliban luôn tôn thờ.

Không phải ngẫu nhiên, theo Reuters, vào ngày 19-8, biểu tình chống Taliban đã diễn ra ở nhiều thành phố của Afghanistan, mặc cho các nhà lãnh đạo của Taliban kêu gọi đoàn kết, thống nhất đất nước. Một video được đăng trên mạng xã hội cho thấy đám đông gồm cả nam lẫn nữ vẫy quốc kỳ tại thủ đô Kabul và hô vang khẩu hiệu “Cờ của chúng ta, bản sắc của chúng ta” vào đúng thời điểm Afghanistan mừng ngày độc lập. Tại Kabul, cũng đồng thời diễn ra các cuộc biểu tình với quy mô nhỏ hơn. Tại Asadabad, thủ phủ tỉnh Kunar ở miền Đông, đã có một số người thiệt mạng khi xuống đường.

Và, hơn thế, có lẽ, sự khác biệt về tư tưởng hay khuynh hướng chính trị cũng còn chưa phải là tất cả mọi lý do, để những hố ngăn cách vẫn còn rộng đến vậy. Cho đến tận ngày 23-8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết không thể vận chuyển bằng đường hàng không 500 tấn viện trợ y tế tới Afghanistan theo kế hoạch trong tuần này do các hạn chế tại sân bay quốc tế ở thủ đô Kabul. Qua email, người phát ngôn của WHO - bà Inas Hamam nêu rõ: “Hàng viện trợ đã sẵn sàng và dự kiến được vận chuyển tới Afghanistan trong tuần này. Tuy nhiên, hiện nay sân bay (tại Kabul) đóng cửa đối với các chuyến bay thương mại nên chúng tôi không thể vận chuyển chúng vào (Afghanistan).

Nghĩa là, những nhu cầu tối thiểu của người dân Afghanistan mà không ít trong số đó rất cần được hỗ trợ khẩn cấp do hệ lụy của xung đột, vẫn chưa thể được đáp ứng. Nhìn xa hơn, giới chuyên gia kinh tế thế giới nhận định: Kinh tế quốc gia Tây - Nam Á này còn phải mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc mới có thể phục hồi. Nhưng, 10 tỷ USD ngân sách của nhà nước Afghanistan gửi tại các ngân hàng nước ngoài, chính quyền mới của Taliban sẽ rất khó khăn để tiếp cận.

Afghanistan - Cuộc chiến chưa kết thúc -0

 Chiến sự vẫn diễn ra tại Panjshir.

Trước mắt, vẫn là cả một tương lai mịt mù và bất định. Vậy nên, cho dù Taliban có phái binh sĩ đến từng nhà hối thúc các nhân viên nhà nước đi làm, cho dù đã có những phụ nữ Afghanistan được mời lên truyền hình tham gia tọa đàm hay trả lời phỏng vấn (nhằm xoa dịu những nỗi lo lắng về sự kìm kẹp đối với nữ giới, theo luật Hồi giáo truyền thống), thì tâm trạng xã hội vẫn đang rối bời.

Và nỗ lực của nước Mỹ

Cuối cùng, cuộc chiến này có thực sự kết thúc hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào chính những người đã khởi đầu nó và cũng chỉ vừa tuyên bố bỏ cuộc sau 2 thập niên hiện diện ở Afghanistan: người Mỹ, cùng các đồng minh phương Tây.

Ngày 23-8,  tiếp tục cập nhật thông tin về cuộc đấu súng bên ngoài sân bay quốc tế ở thủ đô Kabul, Quân đội Mỹ đã ra tuyên bố xác nhận: Một quân nhân Afghanistan đã thiệt mạng, trong khi nhiều người bị thương. Tuyên bố nêu rõ: “Vụ việc dường như bắt đầu khi một đối tượng thù địch không rõ danh tính bắn vào lực lượng an ninh Afghanistan tham gia giám sát việc ra vào sân bay. Lực lượng Afghanistan đã tự vệ, trong khi binh sĩ Mỹ và liên quân cũng đáp trả”. Lực lượng an ninh Afghanistan ở đây, sát cánh cạnh lính Mỹ, vẫn là các đơn vị thuộc chế độ cũ. Và như thế, có nghĩa là họ vẫn còn đang “ngồi chung thuyền”, nghĩa là mọi chuyện vẫn chưa thực sự ngã ngũ.

Afghanistan - Cuộc chiến chưa kết thúc -0

 Taliban đã chiếm được phủ tổng thống nhưng liệu có giành được lòng người?

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhanh chóng nhận ra rằng: Từ bỏ hoàn toàn không phải là một việc dễ dàng. Chuyện ông phải cấp tốc ban lệnh: 5.800 binh sĩ Mỹ ở lại Afghanistan cho đến khi công dân Mỹ cuối cùng được sơ tán là một nỗ lực “sửa sai” tuyệt vọng, giữa bốn bề búa rìu dư luận. Trong nước, cách thức mà ông để Taliban chiếm trọn 11 tỉnh trong vòng 9 ngày và tiến vào Kabul không còn sức kháng cự bị phe đối lập chỉ trích dữ dội. Điều này có lẽ xuất phát từ tuyên bố trước đó của ông, rằng chính quyền Kabul “không thể sụp đổ” nhiều hơn là do quyết định rút quân. Hay nói cách khác, vấn đề không phải là rút quân, mà là rút quân như thế nào.

Lật ngược lại câu chuyện đến tháng 2-2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới là người đầu tiên chính thức thương thảo với Taliban, mặc kệ mọi lời cảnh báo về các nguy cơ địa chính trị. Quyết định này được Quốc hội Mỹ chấp thuận, vì vậy, ông Joe Biden phải tiếp nối, bởi nó phù hợp với lợi ích của nước Mỹ cũng như nguyện vọng của các công dân Mỹ. Tạp chí Forbes ước tính, 20 năm qua, Mỹ đã tiêu tốn đến 2.000 tỷ USD cho cuộc chiến này. Hiện tại, nước Mỹ đã mệt mỏi và không muốn phung phí tiền bạc nữa.

Chiến tranh trên thực địa chiến trường, với các thế lực nước ngoài ấy, đã thực sự kết thúc. Song, họ vẫn đủ khả năng khơi dậy những cuộc chiến mới, trên các lĩnh vực khác. Đơn cử, về mặt kinh tế, Taliban hoàn toàn có thể sẽ phải đối mặt với các biện pháp cô lập. Và về mặt chính trị, bất chấp những nỗ lực ngoại giao, Taliban cũng sẽ rất khó khăn để được chính thức công nhận từ các cường quốc phương Tây.

Mây Linh
.
.