Điệp viên trong vai “kẻ phản bội”

Thứ Ba, 06/02/2024, 07:47

Trong các tài liệu của Canada từng nhắc một cách tự hào rằng họ đã tuyển dụng được một “mỏ vàng” - là người đại diện thương mại Liên Xô. Điệp viên “Akvarius” (sao Bảo Bình) đã tiết lộ cho người Canada thông tin về các điệp viên Liên Xô và những mặt trái về ngành công nghiệp của các nước đồng minh. Tại xứ sở lá phong, người Canada không hề biết rằng suốt thời gian đó, họ đã được cung cấp những thông tin sai lệch.

Người đã cung cấp thông tin cho tình báo Canada là điệp viên KGB Anatoly Maksimov. Hoạt động mà ông thực hiện đã trở thành một trong những thành công lớn của tình báo Nga Lubyanka. Điệp viên Maksimov đã làm cách nào để có được những bí mật khoa học của các nước phương Tây và việc ông đóng vai “kẻ phản bội” đã dẫn đến vụ bê bối ở Canada và gây ra thiệt hại cho tình báo nước này ra sao?

Điệp viên công nghiệp

Tên tuổi của Anatoly Borisovich Maksimov không được biết đến rộng rãi bởi phương châm của tình báo là bí mật “Không được nhận vinh quang - vì vinh quang của quốc gia” đã phản ánh đầy đủ cuộc đời ông. Anatoly Maksimov sinh năm 1934, tốt nghiệp Viện kỹ thuật Hải quân ở Leningrad và Trường cao cấp KGB.

Điệp viên trong vai “kẻ phản bội” -0
Điệp viên Anatoly Maksimov.

Năm 1959, kỹ sư hóa học Maksimov được phân công vào bộ phận tình báo khoa học kỹ thuật. Vai trò của tình báo khoa học kỹ thuật (còn gọi là điệp viên công nghiệp) đã tăng lên đáng kể trong những năm 1950. Cũng như đối với nước Nga ngày nay, ở thời kỳ đỉnh điểm Chiến tranh Lạnh, Mỹ cùng các nước vệ tinh đã áp đặt những biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Liên Xô.

Dưới sự lãnh đạo của Mỹ, Ủy ban điều phối Kiểm soát Xuất khẩu (COCOM) được thành lập vào năm 1949. Tổ chức này theo dõi nghiêm ngặt sao cho các hàng hóa chiến lược và công nghệ của các nước phương Tây không rơi vào tay Liên Xô và khối Đông Âu. Trước hết là việc hạn chế những lĩnh vực có liên quan đến công nghiệp quốc phòng.

Đơn vị này từng để xảy ra vụ bê bối với công ty “Toshiba” của Nhật Bản vào năm 1987. Tập đoàn này đã vi phạm những điều cấm của COCOM khi cung cấp máy móc cùng các tổ hợp tính toán hiện đại cho Liên Xô. Thiết bị này đã giúp tàu ngầm Liên Xô giảm tiếng ồn và khả năng bị phát hiện. Vào những năm 1960, tình báo khoa học và kỹ thuật Liên Xô đặc biệt quan tâm đến công nghiệp hóa chất bởi thời kỳ đó lĩnh vực này có tốc độ phát triển chóng mặt. Thị trường công nghiệp hóa chất ước tính có trị giá hàng tỷ đôla. Những phương án mới về nhựa, chế biến cao su và lọc dầu đã tạo cơ sở quan trọng cho các nước phương Tây trong cuộc đối đầu về công nghệ với Liên Xô.

Một trong số những trung tâm của ngành hóa chất thế giới là Nhật Bản, nước có mối liên hệ công việc chặt chẽ với Mỹ. Chính vì vậy, vào năm 1963, Anatoly Maksimov đã được phái đến nước Nhật. Dưới vỏ bọc là “nhà nhập khẩu công nghệ hóa chất”, nhờ tài năng kinh doanh và những bước đi độc đáo mà điệp viên này đã thu thập được nhiều bí mật quý giá cho tổ quốc mình.

Một ngày nọ, Maksimov đã có được bản vẽ hệ thống điều hòa không khí của chiếc máy bay Boeing-707. Những tài liệu này rất hữu ích trong việc tạo ra một hệ thống tương tự cho các máy bay ném bom và tàu ngầm của Liên Xô. Trong tay ông có được các bản vẽ là nhờ đổi một chiếc khay bạc và đôi sừng Gruzia làm bằng kim loại quý.

Maksimov cũng đã tìm hiểu thành phần của dầu bôi trơn molypden được sử dụng trong con quay hồi chuyển của tên lửa NATO. Sau đó, ông đã tìm cách liên hệ với một nhà hóa học sẵn sàng bán tài liệu về phương pháp lọc dầu mới với giá 2.000 USD. Người cung cấp thông tin chỉ muốn có một thỏa thuận duy nhất này, nhưng Maksimov đã thuyết phục được ông ta tiếp tục hợp tác khi hứa sẽ trả 4.000 đôla cho mỗi bí mật mới. Sáng kiến của Maksimov về thương mại đối ngoại đã tiết kiệm cho ngân sách Liên Xô hàng triệu ruble.

Nhưng công việc của Maksimov ở đất nước Mặt trời mọc đã buộc phải kết thúc. Do có sự mâu thuẫn với một nhân viên của KGB địa phương nên nhà tình báo công nghiệp thông thái Maksimov đã bị triệu hồi khỏi Nhật Bản.

Điệp viên trong vai “kẻ phản bội” -0
Maksimov và vợ Nina (bên trái).

Chiến dịch “Tournament”

Từ năm 1967, Maksimov làm việc tại phái đoàn thương mại Liên Xô ở Canada. Tại triển lãm EXPO 67 ở Montreal, ông gặp nhà hóa học người Canada Jeffrey William - người đã kiên trì đề nghị Maksimov cùng hợp tác kinh doanh và hứa sẽ chia sẻ lợi nhuận và tham gia dễ dàng. Đây rõ ràng là một cách kiểm tra của cơ quan tình báo Canada. Tại Canada, tất cả các công dân Liên Xô đều bị theo dõi chặt chẽ nên việc Maksimov bị chú ý như vậy là điều dễ hiểu. Song đến năm 1971, Lubyanka quyết định đưa hoạt động lên một mức độ mới. Phó giám đốc điều hành của KGB, tướng Boris Ivanov đã đề nghị Maksimov thực thi một nhiệm vụ khó khăn - đóng vai “kẻ phản bội Tổ quốc”.

Nhận thức được mối nguy cơ đối với bản thân và gia đình, Maksimov yêu cầu có sự tin tưởng tối đa và được tự do hành động. Ivanov đã đồng ý, chiến dịch “Tournament” (Giải đấu) được bắt đầu như vậy. Sự thành công của chiến dịch sẽ giúp Liên Xô tìm hiểu các lĩnh vực hoạt động mà người Canada quan tâm, đều đặn cung cấp thông tin sai lệch cho đối thủ và gây ảnh hưởng đến cơ quan tình báo của nước sở tại.

Tại nước ngoài, Maksimov phải đóng vai một nhân viên rất cẩn trọng của Cơ quan Thương mại có ham muốn làm giàu. Căn hộ của ông ở Montreal liên tục bị cài đặt thiết bị nghe lén. Biết được điều này, Anatoly và vợ là Nina thường cố ý thảo luận về nhu cầu tiêu dùng của gia đình và tỏ ý tiếc là không đủ tiền mua sắm đồ đạc.

Maksimov còn phải đối phó với những thử thách của người Canada. Chẳng hạn, vào năm 1972, trên một chuyến tàu tới Ottawa, có một người lạ ngồi cạnh và trực tiếp đề nghị ông chuyển hẳn đến Canada và đã bị ông kiên quyết từ chối. Một lần khác, một thành viên của phái đoàn Canada từ Moscow đã cố gắng gọi cho Maksimov và dĩ nhiên ông đã không nghe máy.

Sau này, Maksimov kể lại rằng ông không quá tin tưởng vào sự thành công của Chiến dịch “Giải đấu”. Song những sự tính toán của tình báo Liên Xô đã tỏ ra hiệu quả. Người Canada tin chắc rằng họ đang nắm bắt cơ hội với một “kẻ phản bội” máu lạnh và có tầm nhìn xa trông rộng. Điều đó đã được khẳng định bởi các yêu cầu nghiêm túc và sự đảm bảo sự an toàn đối với một điệp viên tiềm năng. Năm 1974, Maksimov đã yêu cầu những người tuyển dụng cho phép ông tị nạn trong trường hợp thất bại, có bảo hiểm y tế và hai tài khoản ở nước ngoài trị giá 10.000 và 60.000 đôla. Ngoài ra, một lá thư bảo lãnh do đích thân Thủ tướng Trudeau (cha) ký đảm bảo cho “kẻ đào tẩu” mọi quyền lợi của một công dân Canada tại bất cứ nơi nào trên thế giới. Dù có khó khăn nhưng người Canada vẫn đồng ý cấp cho điệp viên này mọi thứ cần thiết. Vì vậy mà Maksimov trở thành Michael Dziuba, còn trong các tài liệu của Bộ thì ông vẫn là đặc vụ “Bảo Bình”.

Maksimov được KGB cho phép ký bất cứ tài liệu thỏa hiệp nào của Canada đối với ông. Chiến dịch “Giải đấu” đang có những bước ngoặt. KGB đã chuẩn bị cẩn thận những thông tin sai lệch để không gây hại cho chính mình. Từ đó, phía Canada đã nhận được danh sách dự đoán các điệp viên của tình báo Liên Xô. Trên thực tế thì danh sách này, theo thông tin của Lubyanka, bao gồm những người đã trong diện bị nghi ngờ. Những tin tức sai lệch của “Bảo Bình” về các vấn đề kinh tế cũng được tạo ra một cách khéo léo.

Điệp viên trong vai “kẻ phản bội” -0
Canada, năm 1970.

Tung chiêu và rút êm

Tuy nhiên, vào năm 1978, chiến dịch “Giải đấu” đầy hứa hẹn đã phải dừng lại do một vụ bê bối quốc tế ồn ào. Ottawa tuyên bố 13 nhà ngoại giao Liên Xô là những người không được chào đón. Đại sứ Ykovlev đã cố gắng thuyết phục phía Canada không trục xuất các công dân Liên Xô, nhưng họ vẫn giữ vững lập trường.

Khi đó, Moscow đã ra đòn chí mạng. Vào tháng 3/1978, nhà văn Arkady Sakhnin cùng với Maksimov (sau khi thay đổi tên) đã tung ra một quả bom thông tin thực sự trên các trang của “Báo Văn học”, tờ báo được coi là một trong những ấn phẩm của Liên Xô được biết đến nhiều nhất ở phương Tây. Các tài liệu của tờ báo này thường được cơ quan tình báo và các nhà báo nước ngoài nghiên cứu.

Việc cơ quan tình báo Canada giám sát công dân của họ mà không có lệnh của tòa án, làm giả tài liệu, gặp gỡ các đặc vụ của nước ngoài là sự vi phạm pháp luật nghiêm trọng đã được mô tả chi tiết trong một bài báo. Các tác giả đã đưa ra những bằng chứng xác đáng: mã số tài liệu, các tài khoản ngân hàng và thậm chí có cả thư bảo lãnh đối với nhà tình báo. Sự đáp trả của phía Liên Xô trước việc trục xuất các nhà ngoại giao của mình đã thực sự có sức công phá. Bài viết từ “Báo Văn học” được tất cả báo chí thế giới trích dẫn.

Vụ scandal có sức ảnh hưởng đến mức đội cảnh sát Hoàng gia Canada, nơi từng thực hiện việc tuyển dụng buộc phải tái tổ chức. Chức năng của tình báo đối ngoại đã được chuyển giao cho một Bộ khác vào năm 1980. 6 nhân viên hàng đầu của cơ quan đặc vụ đã bị sa thải, cơ quan phản gián của đất nước lá phong phải mất một thời gian dài để hồi phục bởi cú đòn từ Moscow. Hơn thế, trong bối cảnh của vụ bê bối, đảng Tự do cầm quyền, đứng đầu là ông Pierre Trudeau đã phải chịu thất bại trong cuộc bầu cử.

Và chuyện gì đã xảy ra với điệp viên “Bảo Bình”? Người Canada tin rằng từ lâu ông ta đã biến mất trong “ngục tối của KGB”. Nhưng chính tại nơi đây, Anatoly Maksimov đã vượt mặt các đối thủ nước ngoài. Nhân viên danh dự của cơ quan an ninh nhà nước đã sống 86 năm, trở thành tác giả của 14 cuốn sách.

Tổng giám đốc VIAM (Viện nghiên cứu vật liệu hàng không liên bang), Viện sĩ Hàn lâm Khoa học Nga Evgeny Kablov cho biết, “Anatoly Maksimov đã giải quyết được những vấn đề thực sự mang tầm quốc gia. “Nhờ có kinh nghiệm chuyên môn sâu rộng và kiến thức cụ thể về công việc tình báo và phản gián, những cuốn sách của ông đã truyền tải mọi sắc thái hoạt động của cơ quan tình báo”.

Về phía Anatoly Maksimov, ông nhấn mạnh: “Để trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực của mình, đặc biệt là trong ngành tình báo, cần phải yêu thích công việc đó, cống hiến hết sức lực cho nó và điều quan trọng nhất - phải là một người yêu nước thực sự”.

Nhà tình báo vĩ đại đã qua đời vào ngày 14/1/2021. Mọi người có thể không biết nhiều về ông, nhưng có một điều chắc chắn rằng, công việc quên mình thầm lặng của Anatoly Maximov đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước.

Bích Nguyễn (Tổng hợp)
.
.