Đức Quốc xã đã từng sở hữu khí độc thần kinh

Thứ Bảy, 28/05/2022, 09:55

Các nhà khoa học của nền Đệ Tam đế chế đã phát minh ra những loại vũ khí hóa học có sức tàn phá khủng khiếp, song may sao Đức Quốc xã (ĐQX) đã không triển khai chúng chống lại phe Đồng Minh trong suốt Thế chiến II.

Ở rìa phía Tây của Berlin là Thành cổ Spandau hùng vỹ có từ thế kỷ 16. Đông đảo du khách kéo tới tham quan nơi này (ngày nay nơi đây thường xuyên tổ chức các buổi hòa nhạc, nhà hát, tiệc cưới, hội chợ theo mùa, và một khu bảo tồn loài dơi) không hề hay biết rằng trong suốt nền Đệ Tam đế chế khu thành cổ này từng là nơi ở của các nhà khoa học chuyên phát triển vũ khí hóa học một cách bí mật.

Câu chuyện của Tabun và Sarin

Gerhard Schrader, một nhà hóa học Đức khi đó tròn 33 tuổi làm việc cho tập đoàn hóa chất IG Farben. Ông được giao nhiệm vụ phát triển ra những loại thuốc diệt côn trùng mới. Các chiến lược gia của nền Đệ Tam đế chế yêu cầu là giảm sự phụ thuộc của Đức vào lương thực nhập khẩu.

Để làm được việc đó, Đức cần phải ngăn chặn côn trùng gây hại làm cạn kiệt nguồn cung lương thực. Sau vài lần thất bại khi ông Schrader không thể tạo ra thuốc diệt côn trùng bằng flo và lưu huỳnh, nhà hóa học bắt đầu thử nghiệm với các phân tử kết hợp với phốt pho và xyanua. Việc phơi nhiễm một lượng nhỏ đã khiến ông Schrader phải nhập viện vài tuần. Đến ngày 23 tháng 12 năm 1936, ông Schrader đã nghiên cứu ra một hợp chất gọi là Dự bị 9/91.

Đó là một chất độc kịch tính: dung dịch pha loãng đã diệt sạch côn trùng, cũng như gây ra nôn mửa, khó thở, giãn đồng tử, chảy nước dãi, đổ mồ hôi, tiêu chảy, thậm chí có thể khiến loài vượn và các loài động vật khác lăn ra chết. Theo ý đồ của các chủ nhân IG Farben thì rõ ràng công tác nghiên cứu của Schrader đã thất bại: thuốc trừ sâu phải diệt sâu bọ một cách có chọn lọc chứ không phải diệt nhiều loài cùng lúc. Tuy nhiên, do độc tính của phân tử đối với con người, nên IG Farben đã phát cảnh báo với quân đội Đức về hợp chất độc mới.

Lần đầu tiên khi các nhà khoa học quân sự Đức tại Thành cổ Spandau tiến hành phân tích về Dự bị 9/91 của Gerhard Schrader, họ bị ấn tượng bởi độc tính của nó và đặt tên cho thứ độc chất này là Tabun (tiếng Đức có nghĩa là cấm kỵ). Các loại vũ khí hiện có lúc đấy như khí mù tạt và phosgene mất hàng giờ mỗi ngày để giết chết các nạn nhân, nhưng Tabun chỉ mất 20 phút! Quân đội Đức trao cho Schrader và các đồng nghiệp khoản ngân sách trị giá 50.000 Mark (tương đương 20.000 USD khi đó) cho khám phá mới này.

Liền ngay đó, các nhà nghiên cứu quân sự Đức bắt đầu vũ khí hóa Tabun, tìm ra các cách thức để cấy nó vào đạn và có thể bảo quản an toàn mà không sợ bị rò rỉ. Những nhà khoa học khác đã thử nghiệm Tabun trên động vật và phát triển những quy trình sản xuất thuốc độc, nghiên cứu thuốc giải, và cố gắng tạo ra chất tương tự. Năm 1938, Gerhard Schrader lại tổng hợp được một tác nhân thần kinh mới độc gấp 2 lần Tabun khi thử nghiệm trên khỉ.

Đức Quốc xã đã từng sở hữu khí độc thần kinh -0
Hitler họp với các tướng lĩnh quân đội. Ảnh nguồn: Federal Archives of Germany, Bild 146-1971-070-61.

Vào tháng 6 năm 1939, Schrader đã mang hợp chất mới mà ông gọi là Substance 146 đến Thành cổ Spandau, nơi đó các nhà hóa học quân sự bắt đầu chế ra những phương pháp sản xuất mới, cũng như nghiên cứu tác dụng sinh lý của nó. Substance 146 được đổi tên thành Sarin, đó là một từ viết tắt từ tên của các nhà khoa học đã phát triển ra nó gồm Schrader, Otto Ambros, Gerhard Ritter, và Hans-Jürgen von der Linde.

Vũ khí hóa và dự trữ tác nhân thần kinh

Khi Thế chiến 2 bùng nổ, ĐQX đã cho xây dựng một nhà máy thí điểm sản xuất khoảng 400kg Tabun tại một cánh rừng có tên là Raubkammer nằm gần thành phố Münster. Tại đó họ đã thử nghiệm những quả bom trên không có chứa Tabun và khám phá ra rằng cách nguy hiểm nhất để triển khai tác nhân không bay hơi là kích hoạt một vụ nổ nhỏ nhằm phát tán nó dưới dạng sương mù. Một nhà máy Tabun cỡ lớn đã được xây dựng gần Dyhernfurth, một thành phố nhỏ nằm cách địa danh ngày nay là Wroclaw (Ba Lan) khoảng 40km, và đã sản xuất ra 350m3 Tabun/ tháng (tương đương 350.000kg). Lúc cuối chiến tranh, nhà máy này đã tăng công suất lên 12.000m3 Tabun và nạp nó vào bom trên không và đạn pháo.

Dyhernfurth là một nhà máy lao động cưỡng bức: hàng trăm tù nhân đã chết vì phơi nhiễm chất độc trong suốt cuộc chiến, do làm việc quá sức, bệnh tật và suy dinh dưỡng, họ trông như “những xác sống” trong mắt thị dân gần đó. Cho đến giữa cuộc chiến, các nhà nghiên cứu quân sự ĐQX bắt đầu nhận ra rằng Sarin là loại vũ khí hóa học tốt hơn: nó dễ bay hơi và độc hơn Tabun, mặc dù Sarin khó sản xuất hơn.

Cuối năm 1943, quân đội Đức đã phê chuẩn xây dựng một nhà máy Sarin mới toanh ở Falkenhagen, một địa danh cách Berlin khoảng 70 km. Năm 1943, Văn phòng đạn dược quân sự Đức (GAOO) đã tuyển dụng Richard Kuhn để nghiên cứu khí thần kinh. Kuhn là một nhà hóa học phi thường, ông đã đoạt giải Nobel Hóa học năm 1938 về nỗ lực hiểu biết đối với cấu trúc và chức năng của vitamin B và các hợp chất carotene. Kuhn và các đồng nghiệp được giao nhiệm vụ tìm ra cơ chế mà tác nhân thần kinh gây ra tổn thương.

Họ khám phá ra rằng tác nhân thần kinh ngăn chặn một loại enzyme gọi là Cholinesterase, nó chịu trách nhiệm về việc phá vỡ Acetylcholine: một chất dẫn truyền thần kinh được giải phóng vào các khớp thần kinh kết nối các tế bào thần kinh lẫn nhau, hoặc tế bào cơ trong quá trình báo hiệu điện. Khi Cholinesterase bị mắc kẹt, các tế bào thần kinh trong não và cơ sẽ bị kẹt ở trạng thái bị kích thích quá mức dẫn đến hàng loạt triệu chứng bao gồm đổ mồ hôi và tiết nước bọt nhiều, đồng tử nhão, nôn mửa, co giật và ngạt thở. Là một phần của cuộc nghiên cứu, ông Kuhn và các đồng nghiệp đã tổng hợp một tác nhân thần kinh rất mới được gọi tên là Soman, độc gấp đôi Sarin.

Đức Quốc xã đã từng sở hữu khí độc thần kinh -0
Thành cổ Spandau (Berlin) ngày nay. Tabun và Sarin được quân sự hóa ở đây trong nền Đệ tam đế chế.

Vì sao Hitler không cho sử dụng chất độc thần kinh trên chiến trường?

Ngay từ đầu Thế chiến II, một số người trong quân đội Đức đã ráo riết điều động vũ khí thần kinh của họ “trên quy mô lớn nhằm chống lại kẻ thù nằm vùng bằng các cuộc không kích” theo lưu ý của Hermann Ochsner (đại tá Đức) vào năm 1939. Thời điểm đó Ochsner đã phát biểu: “Không còn nghi ngờ gì nữa, một thành phố như London sẽ rơi vào tình trạng hỗn độn chưa từng có nếu triển khai tác nhân thần kinh, và đồng thời gây sức ép cho chính phủ đối phương”.

Nhưng Hitler đã từ chối, ngay cả sau khi Đức đại bại ở Stalingrad vào mùa Đông năm 1942–1943, nhiều người tin rằng nó đã tạo ra bước ngoặt của cuộc chiến. Nhưng tại sao Hitler lại phủ quyết? Một số sử gia chỉ ra rằng Hitler từng là nạn nhân của vũ khí hóa học, có lẽ là khí mù tạc trong suốt Thế chiến II.

Từ trải nghiệm cá nhân đó, Hitler tin rằng việc dùng khí độc trên chiến trường là vô đạo đức, nhưng điều này lại tỏ ra khá mâu thuẫn với chỉ thị của ông ta dùng Zyklon B và các loại khí độc khác để giết hàng triệu tù nhân ở các trại tập trung. Quân đội Đức đã thành công vang dội với chiến lược Blitzkrieg: tấn công chớp nhoáng và dữ dội bằng xe tăng và oanh tạc cơ theo sau đó là lính bộ binh.

Vì vậy việc dùng oanh tạc cơ rải tác nhân thần kinh cũng có thể sẽ làm nhiễm độc luôn khu vực mà quân đội Đức chiếm đóng. Phe Đồng Minh không hề hay biết rằng quân đội Đức đã khám phá và dữ trữ một lượng lớn vũ khí hóa học cực độc, song chí ít họ có nghe phong thanh về chúng. Tháng 5 năm 1943, sau khi quân Đức thua trận (kéo dài 6 tháng) ở Tunisia, các lực lượng Đồng Minh đã bắt giữ 230.000 lính phe Trục phát xít làm tù binh.

Trong số những tù chiến tranh đó có một người Đức, người này đã khai với các nhà thẩm vấn Anh rằng mình là một nhà hóa học từng làm việc cho một viện vũ khí hóa học tuyệt mật (Thành cổ Spandau ở Berlin) và có liên quan đến một “chất độc lạ thường”. Người này mô tả thứ độc đó không màu, gần như không mùi, có thể giết người chỉ 20 phút sau khi cho họ tiếp xúc. Tuy nhiên các quan chức tình báo Anh không cho tin đó là thật: báo cáo dày 10 trang do các thẩm vấn viên đệ trình đã bị bỏ qua.

Vào những tháng cuối cùng của cuộc chiến, Hitler trở nên bi quan khi nói với chỉ huy thứ 2 của mình là Albert Speer rằng: “Nếu cuộc chiến này mà thất bại thì nước Đức cũng bị diệt vong”. Vào tháng 3 năm 1945, Hitler ban hành chính sách thiêu hủy gọi là Sắc lệnh phá hủy lãnh thổ đế chế (DRTD) bằng cách hạ lệnh hủy cơ sở hạ tầng Đức nhằm không cho nó rơi vào tay phe Đồng Minh.

Đức Quốc xã đã từng sở hữu khí độc thần kinh -0
Bức không ảnh về nhà máy Tabun ở Dyhernfurth năm 1941 được chụp bởi máy bay gián điệp Anh. Ảnh : National Collection of Aerial Photography, NCAP-000-000-036-543 

Lo sợ tương lai hậu chiến của nước Đức, Albert Speer đã không tuân theo một số phần của DRTD. Trong một cuốn hồi ký hậu chiến, Speer viết rằng bản thân từng lên ý định ám sát quốc trưởng bằng Tabun hoặc một trong các loại vũ khí được sử dụng trong Thế chiến II. Speer tự thú rằng mình bắt đầu tìm cách đưa chất độc vào hầm trú ẩn của Hitler ở Berlin. Tuy nhiên trước khi kế hoạch ám sát Hitler được triển khai thì theo tuyên bố của Speer, Hitler đã hạ lệnh tăng cường an ninh quanh căn hầm và chặn lỗ thông khí bằng một ống khói cao 3m do nhà độc tài sợ rằng Hồng quân Liên Xô có thể bơm chất độc vào ống thông khí để hại mình.

Nhiều người cho rằng câu chuyện của Speer là bịa đặt. Sau Thế chiến II, nhiều cựu binh ĐQX đã tìm cách cải thiện hình ảnh của mình nhằm che đậy quá khứ và tránh bị truy tố. Ví dụ như, từ lâu Speer quả quyết rằng mình không biết chút gì về nạn tàn sát người Do Thái, nhưng các tài liệu tìm thấy sau khi ông ta qua đời cho thấy người này đã có dính líu tới những thứ ghê tởm xảy ra ở trại tập trung Auschwitz.

Đầu năm 1945 khi quân Đồng Minh tiếp tục tiến sâu hơn trên lãnh thổ Đức, ĐQX làm mọi cách để che giấu các loại đạn chứa Tabun và Sarin. Nhưng việc vận chuyển số đạn dược này đến những nơi an toàn hơn quả thật nan giải, bởi hệ thống đường ray đã hỏng do bị đánh bom, cũng như nước Đức thường xuyên bị quân Đồng Minh dội bom. Và vì không hay biết nên các phi công Mỹ đã ném bom xuống những chiếc xe chở hàng (chứa đạn tabun) gần Lossa (Đức) khiến 4 cư dân chết chỉ trong vài phút khi xui xẻo hít trúng khói độc. Cuối cùng hàng ngàn quả bom chứa Tabun đã được chở bằng sà lan dọc theo 2 con sông Danube và Elbe.

Khi Hồng quân áp sát nhà máy Tabun ở Dyhernfurth, lính Đức đã cưỡng bức hàng ngàn lao động rời khỏi khu nhà trong tiết trời lạnh giá. Nhiều người sống sót đã bị mật vụ Đức thủ tiêu nhằm không cho bất kỳ ai hé môi rằng họ đã tham gia vào việc sản xuất khí thần kinh.

Tuy nhiên người Liên Xô đã khám phá ra các nhà máy sản xuất Tabun và Sarin khi tìm thấy các tác nhân thần kinh, và gỡ nhà máy sau đó tái lắp ráp ở Stalingrad. Lính Mỹ lần đầu tiên chạm mặt với vũ khí hóa học khi họ bắn một sà lan chở chúng đang xuôi dòng Danube ở Bavaria. Trong khi đó quân đội Anh đã khám phá một kho tài liệu về vũ khí hóa học của Thành cổ Spandau được giấu bí mật ở Raubkammer, địa điểm thử nghiệm Tabun đầu tiên.

Khi các nhà khoa học Đồng Minh phát giác ĐQX có một loại đạn chứa tác nhân thần kinh độc hơn so với bất gì họ có, họ đã tranh nhau chiếm lấy nó. Các lực lượng Anh, Mỹ tóm được Gerhard Schrader tại tư gia, ông ta đã dâng nộp sạch sẽ mọi công thức và chi tiết về các tác nhân thần kinh. Khi tình báo Anh, Mỹ khám phá việc người Nga đã tái xây dựng các nhà máy Tabun và Sarin của Dyhernfurth trên lãnh thổ Liên Xô thì một cuộc chạy đua vũ khí hóa học đã bắt đầu.

Phan Bình (Tổng hợp)
.
.