Giải mật hoạt động gián điệp của phương Tây chống Liên Xô ở Đức

Thứ Năm, 04/07/2024, 09:28

Khi chiến tranh lạnh bắt đầu, các cơ quan tình báo phương Tây tiến hành hoạt động gián điệp rất tích cực trên phần lãnh thổ Đức do Liên Xô kiểm soát,  họ ra sức thu thập thông tin về các đơn vị quân đội liên xô, cũng như tìm cách phao những tin đồn mang tính chất khiêu khích - điều này được kể lại trong các tài liệu lưu trữ đã giải mật do Cục An ninh Liên bang (FSB) vừa công bố.

Cơ quan Quân chính của Liên Xô ở Đức

Sau chiến thắng phát xít Đức tháng 5/1945, ngày 6/6/1945, Cơ quan Quân chính của Liên Xô tại Đức (SVAG) được thành lập để trực tiếp quản lý vùng chiếm đóng của Liên Xô ở Đức (SZOG). Tổ chức này thay thế các cơ quan quản lý nhà nước ở vùng chiếm đóng của Liên Xô ở Đức.

SVAG được tách khỏi quyền chỉ huy tác chiến quân đội trên lãnh thổ này và trực thuộc Hội đồng Dân ủy. Trụ sở chính của SVAG đặt tại quận Karlshorst của Berlin. Cơ quan này thực hiện quản lý trực tiếp vùng chiếm đóng của Liên Xô ở Đức từ năm 1945 cho đến khi thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Đức vào năm 1949.

Giải mật hoạt động gián điệp của phương Tây chống Liên Xô ở Đức -0
Thủ tướng Anh Winston Churchill.

Theo Nghị quyết của Hội đồng Dân ủy Liên Xô “Về việc tổ chức Cơ quan Quân chính của Liên Xô để quản lý vùng chiếm đóng của Liên Xô ở Đức”,  Nguyên soái G. K. Zhukov được cử làm người đứng đầu Cơ quan Quân chính của Liên Xô tại Đức. Các cấp phó của ông gồm: Đại tướng V.D. Sokolovsky, Đại tướng I. A. Serov, Thượng tướng V.V. Kurasov, Thiếu tướng S.I. Shabalin.

Toàn bộ lãnh thổ của SVAG được chia thành một số khu vực tác chiến của các cơ quan an ninh quốc gia và nội vụ Liên Xô. Nhân viên các khu vực tác chiến tham gia đấu tranh chống hoạt động bí mật của Đức Quốc xã, truy lùng và bắt giữ bọn tội phạm chiến tranh, hoạt động phản gián, tham gia thành lập các cơ quan tự quản của Đức và giải quyết các nhiệm vụ đặc biệt khác.

Các chức năng của khu vực tác chiến Berlin gồm: giám sát tình hình và hành vi của quân đội Đồng minh tại các vùng chiếm đóng của Mỹ, Anh và Pháp ở Berlin. Khu vực tác chiến thu thập được các bằng chứng thực tế cho thấy quân đội Đồng minh đang ra sức khủng bố những người dân địa phương vô tội.

Giải mật hoạt động gián điệp của phương Tây chống Liên Xô ở Đức -0
Nguyên soái G.K. Zhukov, người đầu tiên phụ trách SVAG.

Ráo riết hoạt động gián điệp

Bài diễn văn của cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill đọc tại Trường Cao đẳng Westminster ở Fulton, Missouri, Hoa Kỳ, vào ngày 5/3/1946, thực sự mở đầu cuộc Chiến tranh Lạnh giữa các nước phương Tây và Liên Xô. Hơn hai tháng sau, cơ quan phản gián Liên Xô ghi nhận sự gia tăng hoạt động chống phá Liên Xô của các cơ quan tình báo Mỹ, Anh và Pháp.

“Thời gian gần đây, các khu vực tác chiến của Bộ Nội vụ ở Đức nhận thấy các cơ quan tình báo quân sự của các nước Đồng minh ráo riết tung gián điệp vào vùng chiếm đóng của Liên Xô ở Đức”, - ông Ivan Serov, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Liên Xô, người được ủy quyền của Bộ Nội vụ tại SVAG cho biết  trong một tài liệu được đóng dấu “tuyệt mật” ngày 8/5/1946 do Bộ trưởng Nội vụ Liên Xô Sergey Kruglov ký.

“Nhờ hoạt động của các khu vực tác chiến của Bộ Nội vụ, tính đến ngày 1/5/1946, 203 điệp viên đã bị phát hiện và bắt giữ”, - ông Serov viết. Trong số này có 108 điệp viên Anh, 80 điệp viên Mỹ và 15 điệp viên Pháp.

Theo ông Serov, kết quả điều tra cho thấy Anh và Mỹ chủ yếu tuyển mộ các tù nhân chiến tranh được thả ra khỏi các trại, có gia đình sống ở vùng chiếm đóng của Liên Xô ở Đức, cũng như những thanh niên trong số các cựu thành viên của tổ chức "Hitlerjugend"   của Đức Quốc xã, làm gián điệp để tung vào vùng chiếm đóng của Liên Xô.

Thông thường, Anh và Mỹ giao nhiệm vụ cho các điệp viên của mình thu thập thông tin về vị trí đồn trú của các đơn vị quân đội Liên Xô, quân số và trang bị của họ, về các công sự được xây dựng trên các đường phân giới, về tâm trạng của người dân Đức và thái độ của họ đối với Hồng quân, về các hoạt động do SVAG thực hiện. Ngoài ra, chúng phải tung  những tin đồn thất thiệt, mang tính khiêu khích nhằm chống lại SVAG và quân đội Liên Xô.

Giải mật hoạt động gián điệp của phương Tây chống Liên Xô ở Đức -0
Đại tướng Ivan Serov, Thứ trưởng Quốc phòng Liên Xô.

Đồng đội cũ của Otto Skorzeny

Cụ thể, Thứ trưởng Serov báo cáo rằng khu vực tác chiến Berlin đã bắt giữ tên Oscar Mezek sống ở Berlin và làm việc tại cơ quan cảnh sát hình sự.

“Trong quá trình điều tra sơ bộ, Mezek khai rằng ngay từ những ngày đầu tiên của chiến tranh, y đã phục vụ trong quân đội Đức, còn năm 1944, y được điều động đến lữ đoàn của tên phát xít khét tiếng, trung tá của Lực lượng Vũ trang SS Otto Skorzeny và tham gia trận Ardennes, một trận chiến quan trọng vào giai đoạn cuối của Thế chiến thứ hai nhằm bao vây quân Mỹ”. Vào tháng 5, Mezek bị quân Mỹ bắt và tháng 7/1945, sau khi được trả tự do, y đến Berlin.

“Tại Berlin, trung úy quân đội Mỹ Charles Bronsway đã đến gặp Mezek  và nói rằng chính quyền Mỹ biết y tham gia lữ đoàn của Skorzeny, nhưng nếu muốn chuộc lỗi và tích cực giúp đỡ cơ quan tình báo Mỹ, thì y sẽ không bị đàn áp”, - Thứ trưởng Serov nhận xét. Mezek đã nhận lời và bắt đầu hợp tác với Bronsway.

Đầu năm 1946, Bronsway mời Mezek vào làm việc tại cơ quan cảnh sát hình sự Berlin để nhận những thông tin cần thiết liên quan đến công việc của phía Liên Xô ở thủ đô nước Đức.

“Theo lời khai của Mezek, thời gian gần đây, Bronsway đã giao cho y nhiệm vụ chính là thu thập thông tin tình báo về những thay đổi trong việc bố trí của các đơn vị riêng lẻ của Hồng quân, về các kho nhiên liệu, về các sân bay và trường quân sự nằm ở vùng lân cận Berlin. Mezek đã thu thập các thông tin này và lập cáo riêng về từng vấn đề”, - Serov nhận xét.

Trong quá trình điều tra, Mezek đã nêu tên một số nhân viên tình báo Anh làm việc tại Berlin, cũng như người đại diện của tình báo Anh tại thành phố Neubrandenburg, nằm trong vùng chiếm đóng của Liên Xô - Ilse Roemer.

“Ngoài ra, Mezek còn khai rằng trên lãnh thổ các tỉnh Thuringia, Saxony và Mecklenburg, nơi quân đội Anh-Mỹ đồn trú trước đây, các cơ quan tình báo Đồng minh đã để lại các nhóm tình báo chung để chỉ huy hoạt động tình báo. Các nhóm này tập hợp các tổ chức tình báo Anh và Mỹ còn lại trong vùng chiếm đóng của Liên Xô và đại diện cho tình báo Anh-Mỹ. Chúng tôi đã tổ chức kiểm tra các thông tin này”, - Thứ trưởng Serov viết.

Cuối năm 1944, người đứng đầu Cơ quan Tình báo và biệt kích của Tổng cục An ninh Hoàng gia, Trung tá Lực lượng vũ trang SS Otto Skorzeny,  được Hitler giao nhiệm vụ đặc biệt. Trong trận Ardennes, y chỉ huy một biệt đội mặc quân phục của Anh và Mỹ, đi xe tăng chiếm được của Anh và Mỹ, gây bất ổn và hoảng loạn ở hậu phương của quân đội Anh - Mỹ, bất ngờ chiếm giữ những cây cầu chính bắc qua sông Maas để kẻ thù không thể cho nổ tung trước khi quân chủ lực Đức tiến đến. Nhưng chiến dịch đặc biệt mang mật danh “Grif” này của đơn vị Skorzeny,  cuối cùng đã thất bại.

Giải mật hoạt động gián điệp của phương Tây chống Liên Xô ở Đức -0
Tướng Tình báo Đức Reinhard Gehlen.

Thông tin về tình báo Mỹ

Thứ trưởng Ivan Serov nói rằng các nhân viên tình báo chính thức của phương Tây cũng được tung vào khu vực của Liên Xô. Ông báo cáo về việc khu vực tác chiến của Bộ Nội vụ ở tỉnh Saxony bắt giữ Willy Klein, người Đức, mang giấy thông hành giả với cái tên Willy Schultz, do quân cảnh Mỹ cấp để đi lại trong các vùng của Đức. Theo Ivan Serov, lúc đầu Klein đưa ra những lời khai giả mạo, nhưng sau đó y thú nhận là nhân viên phòng 2 của Sở chỉ huy quân đội Mỹ ở Wiesbaden.

“Cuối tháng 11/1945, Klein, với tư cách là nhân viên chính thức của tình báo Mỹ, được cử đến vùng Liên Xô chiếm đóng ở Đức với nhiệm vụ tìm hiểu thái độ của người Đức đối với lực lượng chiếm đóng của Nga, thu thập thông tin về sự hiện diện của các đơn vị xe tăng và nơi đóng quân của chúng, cách cung cấp lương thực cho người dân Đức, có hay không các công sự dã chiến, loại gì và ở đâu”, - Serov nhận xét. Klein cũng phải xác định Đảng Cộng sản Đức (KPD) chịu sự lãnh đạo của Moscow  như thế nào, và KPD thực hiện công việc gì trong vùng của Mỹ.

“Trong các cuộc thẩm vấn, Klein kể về địa điểm và cơ cấu của cơ quan tình báo số 2 của Mỹ ở thành phố Wiesbaden, đồng thời nêu tên các cán bộ lãnh đạo của cơ quan này và các chi nhánh của nó”, - Serov viết. Sau chiến tranh Cơ quan Quân chính Liên Xô ở Đức đã trở thành mục tiêu ưu tiên của các cơ quan tình báo phương Tây. Trước hết, họ tìm cách xác định năng lực  tác chiến của quân đội Liên Xô đóng ở phía đông đất nước.

Theo nhận xét của các nhà nghiên cứu lịch sử tình báo, “Bài diễn văn Fulton” của Churchill ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến các nhiệm vụ, chiến lược và quy mô của cuộc đối đầu tình báo giữa phương Tây và Liên Xô. Nhưng  đầu tháng 7/1945, một đoàn cán bộ của cơ quan tình báo đối ngoại của Hoa Kỳ - Cục Tình báo Chiến lược (OSS, tiền thân của CIA), do Allen Dulles đứng đầu, đã đến Berlin.

Ngay sau đó, nhân việc OSS bị giải thể, mùa thu năm 1945,  nhóm tác chiến Berlin của tổ chức này được sáp nhập vào Cục Quân báo của Bộ Chiến tranh Hoa Kỳ và chính thức gọi là Cơ sở Tác chiến Berlin (BOB). Tháng 10/1947, sau khi CIA thành lập, BOB được chuyển sang cơ quan tình báo mới.

Ngay từ mùa thu năm 1945, BOB bắt đầu tập hợp được những người cung cấp thông tin thường xuyên trong số người Đức lẫn công dân các nước khác, đồng thời tìm cách tiếp xúc với các sĩ quan SVAG, cũng như các chỉ huy và sĩ quan của Chiến dịch lớn đầu tiên của BOB năm 1946 mang tên “Chén Thánh” nhằm thu thập thông tin tình báo về các đơn vị quân đội Liên Xô ở Đức, với sự tham gia của hơn 250 điệp viên Đức. Nhưng chiến dịch này đã thất bại: tất cả các điệp viên đều bị các cơ quan an ninh quốc gia Liên Xô ở Đức bắt giữ.

Còn một cơ quan tình báo độc lập khác trên lãnh thổ Đức bị Đồng minh phương Tây chiếm đóng là “Tổ chức Gehlen”, được thành lập với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ. Trong chiến tranh, Trung tướng tình báo Đức Reinhard Gehlen đứng đầu Tổng cục 12 của Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Đức, chịu trách nhiệm về công tác quân báo ở mặt trận phía đông (Nga).

Tháng 5/1945, Gehlen đầu hàng quân đội Mỹ và xin sẵn sàng giúp đỡ họ xây dựng một tổ chức tình báo tại vùng chiếm đóng của Liên Xô ở Đức và ở Liên Xô. Một năm sau, tại Đức, trên cơ sở cơ quan tình báo của Đức Quốc xã, bắt đầu hình thành một tổ chức tình báo riêng, có trụ sở chính tại Pullach, ngoại ô Munich. Mục đích hoạt động của “Tổ chức Gehlen” là  hỗ trợ tình báo cho Hoa Kỳ. Cơ quan Tình báo Liên bang Đức BND (Bundesnachrichtendienst) về sau trưởng thành từ tổ chức tình báo này.

Anh Duy
.
.