Hai thất bại lớn của tổ chức tình báo Đức Quốc xã "Zeppelin"

Thứ Năm, 09/11/2023, 15:15

Tháng 3/1942, khi hy vọng về một cuộc chiến tranh chớp nhoáng của Hitler đã hoàn toàn tan vỡ, Đức Quốc xã quyết định thành lập tổ chức  "Zeppelin" nằm trong thành phần của Cục 6 Tổng cục An ninh quốc gia. Nhiệm vụ của tổ chức này là tình báo chính trị, phá hoại, đồng thời ủng hộ việc thành lập các tổ chức dân tộc ly khai ở hậu phương Liên Xô.

Thất bại của cuộc đổ bộ ở thị trấn Pechora năm 1943

Hoạt động quan trọng đầu tiên của “Zeppelin” là cuộc đổ bộ ở thị trấn Pechora thuộc Cộng hòa Komi, Liên Xô, vào tháng 6/1943. Mục đích của chiến dịch này là phá hoại chiếc cầu đường sắt trên tuyến đường nối mỏ than Vorkuta với các khu vực còn lại của Liên Xô. Bắt đầu xây dựng vào năm 1937, con đường chiến lược quan trọng này bảo đảm việc cung cấp than đá, dầu khí và gỗ cho ngành công nghiệp Liên Xô và Hạm đội Phương Bắc.

Hiểu rõ vai trò của tuyến đường này, Bộ tư lệnh Đức đã yêu cầu “Zeppelin” chuẩn bị một chiến dịch nhằm vô hiệu hóa tuyến đường này. Đồng thời, vị trí xung yếu nhất của tuyến đường là chiếc cầu bắc qua sông Pechora. Để thực hiện chiến dịch, phát xít Đức đã tập hợp một nhóm tù nhân trong các trại tù binh Liên Xô đồng ý hợp tác với chúng. Những tên biệt kích tương lai được huấn luyện tại trường đào tạo biệt kích của Abwehr (tình báo quân sự Đức) ở Latvia. Nhóm này gồm các chiến sĩ và sĩ quan Hồng quân, do Lev Nikolaev, cựu sĩ quan quân đội của Kolchak, chỉ huy.

Hai thất bại lớn của tổ chức tình báo Đức Quốc xã
Cầu đường sắt bắc qua sông Pechora.

Ngay trong quá trình huấn luyện, một thành viên của nhóm, cựu trung đội trưởng Aleksandr Doronin, bắt đầu bí mật trao đổi với một số tù binh khác về việc đầu hàng chính quyền ngay sau khi nhảy dù xuống lãnh thổ Liên Xô. Kết quả là ông đã thuyết phục được tất cả các thành viên của nhóm đổ bộ, trừ Akhnami Rasulev, người được chỉ định làm trợ lý của Nikolaev. Nhóm không cho anh ta biết kế hoạch của mình vì sợ bị tố giác.

Đức Quốc xã biết rằng ở các khu vực phía bắc Liên Xô, cụ thể là xung quanh Vorkuta, có nhiều trại Gulag, nơi giam giữ các kẻ thù của chính quyền Xô Viết. Vì vậy, Ivan Bessonov, cựu chỉ huy sư đoàn Hồng quân chạy sang hàng ngũ địch đã đề nghị quân Đức kích động một cuộc bạo loạn của các tù nhân để gây rối tại hậu phương Liên Xô.

Vào đêm 6/6/1943, hai chiếc máy bay “Condor” chở 12 lính dù mặc đồng phục Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô xâm phạm không phận Komi. Nhóm biệt kích cùng với nhiều trang, thiết bị đã nhảy dù xuống gần làng Kedrovy Shor. Ngoài vũ khí và 300 kg thuốc nổ cùng ngòi nổ và dây cầu chì, nhóm đổ bộ còn sở hữu máy bộ đàm, súng bắn pháo sáng, ống nhòm, xẻng đặc công, rìu, áo khoác da cừu và nhiều thứ khác.

Thậm chí, chúng còn được trang bị màn chống muỗi. Nguồn lương thực, thực phẩm được dự trữ trong vòng một tháng. Tất nhiên, có cả bản đồ kèm các thông tin về những chiếc cầu và điểm cắm trại.                                                                                                       

Nhóm của L. Nikolaev, A. Odintsov và A. Doronin tiếp đất đầu tiên. Nhóm thứ hai, do M. Godov chỉ huy, chỉ hợp nhất với nhóm thứ nhất vào ngày hôm sau. Sau khi cả hai nhóm tập hợp đầy đủ, Doronin và Odintsov quyết định thực hiện kế hoạch của mình. Chỉ huy nhóm Nikolaev bị trợ lý của mình Rusulev bắn chết khi đang ngồi bên đống lửa.

Sau đó, Doronin và Odintsov đi tìm địa điểm dân cư để báo cáo về cuộc đổ bộ. Họ đến nông trường quốc doanh “Razvilki” và thông báo về cuộc đổ bộ của mình. Một phân đội gồm các tay súng của đội bảo vệ bán quân sự do chính trị viên V.P. Lazarev chỉ huy đã được cử đi bắt nhóm biệt kích. Odintsov bị giữ lại làm con tin tại nông trường. Còn Doronin đi cùng phân đội để dẫn đường.

Khi phân đội của Lazarev tiến gần địa điểm đổ bộ, A. Kulikov, người lính dù làm nhiệm vụ tuần tra đã bắn một loạt đạn lên trời để cảnh báo. Do hiểu nhầm, một tay súng của đội bảo vệ bán quân sự đã bắn chết Kulikov. Sau cuộc đấu súng ngẫu nhiên đó, cả nhóm lính dù đã hạ vũ khí.

Cuộc đổ bộ ở thị trấn Pechora đã hoàn toàn thất bại.

Hai thất bại lớn của tổ chức tình báo Đức Quốc xã
Tên biệt kích số 1 của Phát xít Đức Otto Skorzeny.

Âm mưu ám sát lãnh tụ Stalin

Chiến dịch nổi tiếng nhất của “Zeppelin” là âm mưu ám sát lãnh tụ Stalin được thực hiện năm 1944. Việc chuẩn bị ám sát nhà lãnh đạo Liên Xô bắt đầu vào năm 1943. Trong số những kẻ điều phối chiến dịch có Otto Skorzeny, trung tá của Lực lượng Vũ trang SS, kẻ đứng đầu lực lượng biệt kích phát xít Đức. Trước đó, y trở nên nổi tiếng nhờ vụ giải cứu táo bạo nhà độc tài Ý Mussolini khỏi nhà tù, sau đó y gần như trở thành anh hùng dân tộc của Đức Quốc xã và được quốc trưởng hết sức yêu mến.​

Pyotr Tavrin, cựu sĩ quan Hồng quân đào ngũ, là kẻ được Đức Quốc xã lựa chọn thực hiện chiến dịch này. Trước năm 1939, Tavrin sống dưới cái tên Shilo. Năm 1932, y bị bắt vì tội tham ô, nhưng đã trốn thoát. Sau đó, y bị bắt và trốn thoát nhiều lần. Năm 1939, Shilo sử dụng hộ chiếu giả dưới cái tên Tavrin và trở thành đội trưởng đội thăm dò địa chất. Từ đây, y nhập ngũ và ra mặt trận khi chiến tranh nổ ra. Rồi y gia nhập Đảng Cộng sản Nga (Bolshevik) và được thăng chức đại đội trưởng. Nhưng bất ngờ Tavrin bị phát hiện bởi một nhân viên an ninh trước đây biết y là Shilo.

Phản bội

Ngày 30/5/1942, Tavrin tình nguyện chạy sang phía quân Đức và đồng ý làm việc cho tình báo Đức. Sau đó y tham gia một khóa huấn luyện trong các trại đặc biệt ở Silesia, ngoại ô Riga và Pskov. Sau khi vượt qua kỳ thi ở Berlin, Tavrin được tuyển chọn vào đội 23 tù binh Liên Xô thực hiện các hoạt động gián điệp và biệt kích ở hậu tuyến.

Hai thất bại lớn của tổ chức tình báo Đức Quốc xã
Kẻ đào tẩu và phản bội Pyotr Tavrin.

Ở Berlin, Tavrin được Otto Skorzeny, kẻ đứng đầu lực lượng biệt kích phát xít đến thăm. Otto Skorzeny đã trò chuyện rất lâu với Tavrin, chia sẻ kinh nghiệm và khuyên bảo. Nữ nhân viên điện đài 20 tuổi Lydia Adamchik (Shilova), được giao nhiệm vụ giúp đỡ Tavrin. Sau khi tham gia một khóa đào tạo, Admchik đã đồng ý trở thành điệp viên của tình báo Đức. Trên  danh nghĩa vợ chồng, họ được bố trí tại một căn hộ bí mật ở Riga.

Quá trình chuẩn bị chiến dịch quan trọng này diễn ra tại “Zeppelin” hết sức cẩn thận. Các chuyên gia của Cơ quan Tình báo đối ngoại Đức Quốc xã (SD) đã chuẩn bị các loại giấy chứng nhận, chứng chỉ cho Tavrin và nữ trợ lý của y, cũng như tiền mặt, vé đi nghỉ, giấy phép lái xe, v.v. Tavrin trở thành thiếu tá phản gián của Tổng cục Phản gián SMERSH và là “Anh hùng” Liên Xô. Shilova biến thành “thiếu úy” của SMERSH.

Đặc biệt, Tavrin được cung cấp một vũ khí đặc biệt có tên Panzerknacke, nạp tới 9 viên đạn. Thực chất, đây là súng phóng lựu loại nhỏ, nòng ngắn, dễ dàng giấu dưới ống tay áo rộng, có thể bắn giáp dày hơn 30 mm ở khoảng cách 300m. Hai kịch bản ám sát đã được chuẩn bị. Tavrin phải bắn súng phóng lựu vào xe của Stalin khi lãnh tụ rời Điện Kremlin, hoặc sau khi vào Điện Kremlin để dự một phiên họp trọng thể nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười.

Một chiếc máy bay “Ara-do-332” đã được chuẩn bị để tung hai tên biệt kích vào hậu phương Liên Xô - đây là loại máy bay đơn bốn động cơ độc đáo - tốc độ cao, được trang bị các thiết bị dẫn đường mới nhất, nhờ đó nó có thể hoạt động trong mọi tình huống, kể cả ban đêm. Bộ giảm thanh được lắp trên động cơ và màu tối mờ của thân máy bay khiến nó không bị chú ý vào ban đêm. Càng máy bay đặc biệt được làm từ 12 cặp bánh xe bọc cao su đảm bảo máy bay có thể hạ cánh ngay cả trên cánh đồng. Máy bay mang theo một chiếc mô tô để sau khi hạ cánh, hai tên biệt kích độc lập di chuyển theo lộ trình đã định.​

Hai thất bại lớn của tổ chức tình báo Đức Quốc xã
Nhân viên điện đài Lidya Adamchik (Shilova).

Thất bại của Tavrin

Tuy nhiên, bất chấp mọi nỗ lực của “Zeppelin”, một chiến dịch được chuẩn bị bài bản như vậy ngay từ đầu đã không tránh khỏi thất bại. Vấn đề ở chỗ, trong một lần đột nhập vào một trong những trường đào tạo biệt kích của Đức Quốc xã, các chiến sĩ du kích đã thu được các tài liệu của “Zeppelin”, qua đó lực lượng phản gián của SMERSH hiểu rằng một tên biệt kích nào đó đang chuẩn bị được tung vào hậu phương Liên Xô để thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt nào đó. Ít lâu sau, một thợ may ở Riga là điệp viên của Liên Xô thông báo về một khách hàng đáng ngờ đã đặt may một áo bành tô da cùng kiểu mẫu mà các sĩ quan Hồng quân và Bộ Dân ủy Nội vụ mặc. Khách hàng muốn may túi áo bành tô dài và đựng được nhiều, còn tay áo bên phải rộng hơn.

Cuối cùng, vào đêm 6/9/1944, cơ quan giám sát hàng không báo cáo rằng có một chiếc máy bay lạ bay qua ranh giới mặt trận, bị bắn và phải hạ cánh khẩn cấp. Ba ngày sau, hai tên phi công bị bắt, nhưng những tên biệt kích đã biến mất. Tuy nhiên, chẳng bao lâu xe máy của chúng bị một trưởng phòng Dân ủy Nội vụ chặn lại. Khi được hỏi giấy tờ, Tavrin đã xuất trình giấy chứng nhận thiếu tá SMERSH của mình. Tuy nhiên, y vẫn bị giải đến phòng cảnh sát khu vực.

Chiến dịch “sương mù”

Những lời khai của hai tên biệt kích khiến các sĩ quan phản gián cảnh giác: nhiệm vụ của chúng quá hoang đường. Tổng cục Phản gián SMERSH của Liên Xô đã quyết định tham gia trò chơi radio đấu trí với “Zeppelin”. Nhiệm vụ này được giao cho tướng Grigory Grigorenko phụ trách, ngoài ra còn có tướng G. Utekhin, tướng V. Baryshnikov, và đại tá V. Abakumov cùng tham dự. Tavrin và Shilova ngay lập tức đồng ý tham gia. Chiến dịch này có mật danh là "Sương mù".

Hai thất bại lớn của tổ chức tình báo Đức Quốc xã
Trung tướng Grigory Grigorenko.

Ngày 27/9/1944, phiên liên lạc đầu tiên đã diễn ra. Bị giam giữ trong nhà tù nội bộ Lubyanka với hy vọng được khoan hồng, hai tên biệt kích đã tiết lộ toàn bộ mật mã và tín hiệu bí mật của mình, nên tất cả các buổi phát sóng sóng đều được kiểm soát 100%. Trong chiến dịch “Sương mù”,  SMERSH và “Zeppelin” đã trao đổi hơn 200 thông tin. Tình báo Đức tin rằng Tavrin và Shilova sắp hoàn thành nhiệm vụ, và điều này khiến mọi người yên tâm: có nghĩa là quân Đức không có ý định gửi thêm những tên biệt kích mới.

Việc trao đổi thông tin kéo dài cho đến tháng 1/1945. Nhiệm vụ chính mà các nhân viên an ninh đặt ra cho mình - ngăn chặn việc đổ bộ của các nhóm biệt kích mới - đã hoàn thành.

Vài năm sau khi chiến tranh kết thúc, Bộ Dân ủy Nội vụ chờ xem liệu có điệp viên Đức hoặc đại diện nào của các cơ quan tình báo khác liên lạc với Tavrin hay không. Nhưng điều đó không xảy ra và chiến dịch “Sương mù” đã kết thúc.

Năm 1952, Tavrin và Shilova bị kết án và xử bắn như những kẻ phản bội tổ quốc.

Anh Duy (Tổng hợp)
.
.