Haiti - khi những băng nhóm tội phạm kiểm soát đất nước

Thứ Sáu, 28/10/2022, 17:26

Sau vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise xảy ra tháng 7/2021, dẫn đến sự tan rã của quân đội Haiti, hàng chục nghìn thành viên vũ trang của hơn 200 băng nhóm tội phạm tràn vào phía Bắc thủ đô Port-au-Prince, Haiti rồi giành quyền kiểm soát khu vực này. Đến cuối tháng 7, hầu như toàn bộ Port-au-Prince đã lọt vào tay chúng…

Chìm trong hỗn loạn

Trong số những băng nhóm tội phạm tràn vào thủ đô Port-au-Prince, phải kể đến nhóm 400 Mawozo là nhóm lớn nhất, kế tiếp là nhóm G-9, nhóm G-Pep, nhóm 5-Second…, mỗi nhóm đều có vài nghìn tay súng, Nếu như nhóm 5-Second hiện được cho là đã kiểm soát trụ sở tòa án tối cao thì G-9 và G-Pep thống trị Cite Soleil, khu ổ chuột ở Port-au-Prince, nổi tiếng với tên gọi “kinh đô bạo lực”.

Haiti - khi những băng nhóm tội phạm kiểm soát đất nước -0
Băng nhóm G-Pep đốt xe, cướp từ cái lò nướng đến cây dù che nắng.

Tại đó, G-9 và G-Pep tuyển mộ những thành viên trẻ tuổi nghèo đói, thất học rồi trang bị vũ khí cho họ. Một báo cáo của Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc nói rằng, chỉ trong 10 ngày (8-17/7/2022) đã có 209 người thiệt mạng và 139 người bị thương ở Cite Soleil. Cũng theo báo cáo, ngoài việc tuyển quân, trả thù cá nhân, cướp bóc, thành viên G-9 và G-Pep còn “hãm hiếp bất cứ phụ nữ nào mà chúng nhìn thấy vừa mắt”.

Là quốc gia nằm ở vùng biển Caribean, Nam Mỹ, Haiti có diện tích 27.650km vuông với dân số gần 16 triệu người. Từ đầu thế kỷ 20 đến nay, nước này luôn rơi vào bất ổn chính trị. Nếu như năm 1957,  Francoise Duvalier sau khi đắc cử tổng thống, xóa bỏ tất cả các đảng phái đối lập, sửa đổi hiến pháp để có thể giữ nghế đến trọn đời thì  khi ông ta chết năm 1967, con trai là Jean Claude Duvalier lên thay; nhưng năm 1986, cánh quân sự ở Haiti đã lật đổ Jean Claude Duvalier.

Năm 1990, Haiti tổng tuyển cử tự do, Jean Bertrand Aristide đắc cử tổng thống nhưng chỉ được 1 năm, ông này cũng bị cánh quân sự lật đổ. Với danh nghĩa gìn giữ hòa bình, Mỹ đổ quân vào Haiti, đưa Aristide trở lại nắm quyền, nhưng đầu năm 2004, một lần nữa Aristide lại bị… lật đổ. Trải qua nhiều biến động, năm 2016, ông Jovenel Moise trở thành tổng thống rồi bị ám sát ngày 7/7/2021. Từ đó đến nay, quốc gia này không thể tổ chức bầu lại tổng thống, chính quyền hiện tại vẫn do thủ tướng lâm thời Ariel Henry điều hành. Những rối loạn chính trị ấy đã là vườn ươm màu mỡ cho những băng nhóm tội phạm phát triển trong bối cảnh quân đội quốc gia tái thiết Haiti hiện mới chỉ có khoảng 5.000 người.

Bạo lực lan rộng đã khiến nền kinh tế của Haiti sụp đổ cùng với đó là giáo dục, y tế… Theo số liệu của chính phủ, kể từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 9/2022, chỉ riêng ở Port-au-Prince, nửa triệu trẻ em đã không còn được đi học, 1.700 trường học phải đóng cửa, hơn 500 trường biến thành nơi đóng quân của các băng nhóm. Nhiều trường khác là nơi ẩn náu của các gia đình mất nhà. Không ít học sinh gia nhập hoặc bị ép phải gia nhập hàng ngũ băng nhóm dù có người chỉ mới 13 tuổi.

Steve, 15 tuổi, cho biết mơ ước trở thành giáo viên của cậu bị đảo lộn khi các thành viên G-9 chiếm lĩnh ngôi trường mà cậu đang theo học. “Tôi trở thành G-9 hồi tháng 2/2021, khi một tay súng nhìn thấy tôi lang thang trên đường phố. Anh ta nói với tôi, “chỗ của mày bây giờ không phải là ngồi trong lớp, mà là với bọn tao”. Sau đó anh ta giao cho tôi nhiệm vụ theo dõi các hoạt động của cảnh sát và của các băng nhóm khác. Mỗi ngày tôi được trả công 1.500 goud (đơn vị tiền tệ Haiti, tương đương 15USD) nhưng nếu tôi không hoàn thành công việc, tôi sẽ bị giết”.

Ông Bruno Maes, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Haiti nói: “Việc giao vũ khí cho những người như Steve để chiến đấu hoặc sử dụng trong việc theo dõi, chỉ điểm là vi phạm quyền trẻ em; nhưng ở Haiti, nó vẫn diễn ra hàng ngày mà không bị lên án”. Các tổ chức nhân quyền cho biết, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, đã có hơn 1.200 vụ bắt cóc trẻ em, thực hiện bởi các băng nhóm, gấp đôi con số được báo cáo vào năm 2021 và gấp 5 lần so với năm 2020. Các vụ giết người đã tăng ít nhất 17% cũng trong thời gian này nhưng do thiếu số liệu, con số thật còn cao hơn nhiều.

Haiti - khi những băng nhóm tội phạm kiểm soát đất nước -0
Bar Grill, thủ lĩnh G-9 đứng trên đống rác kêu gọi người dân tham gia băng nhóm để “thoát nghèo”.

Vẫn theo ông Bruno Maes, các cuộc đấu súng giữa các băng nhóm để giành quyền kiểm soát lãnh địa hoặc chống lại lực lượng cảnh sát Haiti ở các quận phía Bắc và Đông Bắc Port-au-Prince đã chia cắt thủ đô với phần còn lại của đất nước. Ngày 10/6/2022, thành viên băng nhóm 5-Second chiếm giữ trụ sở Tòa án tối cao Port-au-Prince, làm dấy lên tin đồn rằng họ còn có thể tìm cách chiếm các cơ quan công quyền khác, bao gồm cả quốc hội Haiti.

Với sự hậu thuẫn của quốc tế, Ariel Henry đã giữ chức thủ tướng tạm quyền kể từ tháng 7-2021 nhưng nhiều người ở Haiti xem ông là gương mặt tiếp nối cho một hệ thống tham nhũng chính trị. Các nhân viên thực thi pháp luật Haiti đã tiết lộ một báo cáo, cáo buộc Henry cản trở cuộc điều tra về cái chết của Tổng thống Moise, thậm chí còn cho rằng ông có liên hệ trực tiếp với kẻ chủ mưu của vụ giết người.

Băng đảng lên ngôi

Giữa khoảng trống quyền lực, các băng nhóm có thể tự do giết chóc, bắt cóc, hãm hiếp và tống tiền mà không sợ bị luật pháp trừng phạt. Nhiều nguồn tin độc lập cho biết, những kẻ cầm đầu băng nhóm đang củng cố quyền kiểm soát các khu dân cư trước khi cuộc bầu cử tổng thống được ấn định nhằm giúp họ ép buộc người dân bỏ phiếu cho một số ứng cử viên để họ có công cụ đàm phán với các chính trị gia. Nổi bật nhất trong số này là nhóm 400 Mawozo do Mawozo là thủ lĩnh, nhóm G-9 do cựu cảnh sát Jimmy “Bar Grill” Chérizier cầm đầu, nhóm G-Pep do Gabriel Jean chỉ huy, nhóm Nam Brooklyn do Ti Gabriel lãnh đạo…

Tháng 6/2022, 9 băng nhóm lớn nhất hoạt động ở thủ đô Port-au-Prince đã thành lập một liên minh với mục đích thống nhất đường lối hoạt động vũ trang; còn các băng nhóm nhỏ lẻ khác, nếu không đồng ý gia nhập thì sẽ bị tiêu diệt. Đến thời điểm này, liên minh băng nhóm ngoài việc kiểm soát thủ đô Port-au-Prince và vùng phụ cận, họ cũng đã tạo dựng được chỗ đứng ở các thành phố như Cap Haitien, Gonaives, Les Cayes, Jeremie và Jacmel cùng các cảng biển kết nối với các trục đường chính. Ảnh hưởng của bạo lực ngày càng tàn khốc, sự tắc nghẽn của tuyến đường số 2 nối cảng Port-au-Prince với miền Nam đã khiến các tổ chức nhân đạo không thể tiếp cận nạn nhân đang cần lương thực, thuốc men và nhu yếu phẩm.

Trước đó, cuối tháng 5/2020, băng nhóm mạnh nhất Port-au-Prince là 400 Mawozo vẫn đứng bên lề nhưng hiện tại, nó đã tham gia trận chiến giành quyền lực. Sau khi xây dựng căn cứ xung quanh Croix-de-Bouquets, là vùng ngoại ô Đông Bắc thủ đô, 400 Mawozo đột ngột trở nên nổi tiếng khi bắt cóc 17 nhà truyền giáo Cơ đốc người  Mỹ và Canada hồi tháng 6/2021. Chưa hết, 400 Mawozo còn liên kết với G-Pep để hình thành một lực lượng không thể áp đảo trong bối cảnh các chính trị gia và giới thượng lưu ở Haiti từ xưa đến nay đều dựa vào các băng nhóm để có được sức mạnh ngầm.

Haiti - khi những băng nhóm tội phạm kiểm soát đất nước -0
Khu ổ chuột Cite Soleil, “vườn ươm” màu mỡ của các băng nhóm tội phạm.

Ngay cả một số quan chức chính phủ cũng không ngần ngại sử dụng các băng nhóm để đối phó với các cuộc biểu tình lớn, nổ ra vào tháng 7/2018 sau khi chính phủ tuyên bố tăng giá nhiên liệu, kéo dài trong 2 năm.  Được bảo kê bởi những thế lực giấu mặt, thành viên băng nhóm đã giết chết ít nhất 240 người biểu tình ở La Saline, Bel-Air và Cité Soleil, 3 khu dân cư nghèo nhất Port-au-Prince.

Về phía Cảnh sát quốc gia Haiti, cơ quan nhà nước duy nhất được giao nhiệm vụ giải quyết bạo lực tội phạm với 12 đơn vị chuyên trách. Ra đời năm 1995 vào thời điểm Tổng thống Aristide giải tán các nhóm vũ trang, từ 2004 đến 2017, lực lượng này cùng đội quân gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (MINUSTAH) đã thực sự kéo giảm tội phạm bạo lực tại các điểm nóng xung quanh thủ đô Port-au-Prince. Tuy nhiên họ lại  không thành công trong việc triệt phá các băng nhóm mặc dù suốt 25 năm qua, họ đã được hỗ trợ hàng chục triệu USD.

Một sĩ quan giấu tên nói với trang tin Latin America Today: “Ngoài tiền lương ít ỏi, quân số của chúng tôi chỉ xấp xỉ 16.000 người, tỉ lệ cảnh sát trên dân số thấp hơn so với những gì mà Phái bộ Liên hợp quốc đã khuyến nghị. Vì thế chúng tôi không đủ nhân lực để thực hiện những chiến dịch quy mô lớn trong lúc các băng nhóm thì có thừa tiền, vũ khí và con người, chưa kể nhiều thành viên trong lực lượng còn có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với các băng nhóm.

Sau khi Tổng thống Moise bị ám sát, chúng tôi đã bắt giữ hơn 40 nghi phạm nhưng không ai trong số đó bị đưa ra xét xử. Điều đó chứng tỏ rằng có những thứ còn mạnh hơn công lý”. Hồi tháng 5, Giám đốc Cảnh sát quốc gia Haiti thừa nhận hơn 1.000 sĩ quan cảnh sát đã bỏ việc vì đời sống bấp bênh. Rất nhiều những chuyện tàn khốc diễn ra trong sự thờ ơ của xã hội vì người ta đã quá quen với bạo lực. “Điều quan trọng và cần thiết là đất nước chúng tôi phải đạt được những thỏa thuận khẩn cấp về một chiến lược nhằm phá vỡ mối liên hệ giữa các tổ chức chính trị và các băng nhóm, dẫn đến các cuộc bầu cử tự do và công bằng. Còn nếu điều đó không xảy ra, các băng nhóm sẽ tiếp tục mạnh hơn và người Haiti sẽ phải đối mặt với tương lai nghiệt ngã…”, một sĩ quan cảnh sát nói.

Hiện tại, Haiti đã cạn kiệt về lương thực và xăng dầu bởi sự phong tỏa cảng Varreux ở thủ đô Port-au-Prince do liên minh các băng nhóm thực hiện. Chính phủ của Thủ tướng lâm thời Ariel Henry kêu gọi các lực lượng quốc tế đưa quân vào Haiti để giúp giải tỏa cảng này trong lúc người đứng đầu Liên hợp quốc là ông Antonio Guterres cảnh báo rằng cư dân thủ đô Port-au-Prince đang phải đối mặt với một tình huống hoàn toàn đáng sợ: “Tôi tin rằng chúng ta không chỉ cần tăng cường cảnh sát Haiti và củng cố lực lượng này bằng huấn luyện, trang bị mà ở hoàn cảnh hiện tại, thế giới cần một hành động để giải phóng cảng và một hành lang nhân đạo phải được thiết lập…”.

Tuy nhiên nhiều người Haiti tỏ ra hoài nghi về biện pháp này bởi những chuyện xảy ra trong quá khứ đã chứng minh rằng, các lực lượng nước ngoài “mang lại nhiều vấn đề hơn là giải pháp”, còn những nỗ lực quốc tế kéo dài nhiều năm nhằm củng cố thể chế dân chủ và thực thi luật pháp thì phần lớn cũng chẳng thay đổi được gì…

Vũ Cao (Theo Latin America Today)
.
.