Siêu điệp viên Liên Xô từng là Đại sứ Costa Rica

Thứ Ba, 07/06/2022, 12:54

Vào ngày 25-4-1953, Tổng thống Nam Tư Josip Broz Tito có cuộc trò chuyện ngắn với tân Đại sứ Costa Rica tại Phủ Tổng thống ở thủ đô Belgrade, sau lễ trình quốc thư. Điều mà Tổng thống Tito không ngờ rằng, người đứng cạnh mình là một trong những điệp viên có giá trị nhất của tình báo Liên Xô, đồng thời còn là một nhà văn, nhà sử học nổi tiếng sau này.

Săn lùng Trotsky, chống lại Đức quốc xã

Ông Iosif Grigolevich được coi là một trong những điệp viên tài năng của tình báo Liên Xô, đồng thời là một nhà văn và học giả quan tâm tới lĩnh vực lịch sử. Ngoài ra, ông còn được đánh giá là nhà ngoại giao, viện sĩ nổi bật và sát thủ tàn nhẫn. Đây là những đặc điểm hiếm khi cùng hội tụ trong một con người.

Grigolevitch sinh năm 1913 trong một gia đình Karaite (nhánh của Do Thái giáo) ở Litva, khi đó là một phần lãnh thổ của Liên Xô. Thời trẻ, Grigolevitch là người tin tưởng vào những tư tưởng cấp tiến của chủ nghĩa cộng sản quốc tế và cách mạng thế giới.

Vì thế năm 18 tuổi, Grigolevitch tích cực tham gia vào phong trào cộng sản bí mật của Ba Lan-Litva với tư cách là một nhà hoạt động. Ông từng bị bắt bỏ tù trước khi bị trục xuất đến Paris (Pháp) đầu những năm 1930... Tại đây, Grigolevitch đăng ký học chuyên ngành khoa học xã hội tại trường Đại học Sorbonne, đồng thời tham gia vào các hoạt động của Quốc tế Cộng sản (Comintern).

Theo yêu cầu của Comintern, nhà hoạt động trẻ người Ba Lan đã chuyển đến Argentina vào năm 1934 để vận động cộng đồng người nhập cư Do Thái và Ba Lan tại địa phương ủng hộ phong trào cộng sản quốc tế. Năm 1936, Grigolevitch đến Tây Ban Nha để tham gia lực lượng cộng hòa do Liên Xô hậu thuẫn trong cuộc chiến chống phát xít Đức. Chính ở Tây Ban Nha, Liên Xô đã tuyển dụng Grigolevitch làm việc như một điệp viên tuyệt mật. Theo rbth.com, một năm sau khi đến Tây Ban Nha, Grigolevitch được tuyển dụng bởi Alexander Orlov - người đứng đầu Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô (NKVD).

Năm 1940, theo lệnh của Stalin, Grigolevitch rời Tây Ban Nha đến Mexico để tham gia kế hoạch ám sát Leon Trotsky, vốn là nhà lãnh đạo cách mạng Nga hoạt động cùng Vladimir Lenin. Theo Sputnik, ông Trotsky là người chỉ trích nền chính trị do nhà lãnh đạo Joseph Stalin thực hiện như đàn áp các đối thủ chính trị, đối xử tàn bạo với người dân Liên Xô. Vì vậy, Stalin coi Trotsky là kẻ thù không đội trời chung. Stalin đã cử hai nhóm đặc vụ độc lập tới Mexico để thực hiện kế hoạch ám sát Trotsky.

Siêu điệp viên Liên Xô từng là Đại sứ Costa Rica -0
Iossif Grigolevitch và vợ ở Brasil năm 1946. Ảnh: rbth.com.

Đêm 24-5-1940, một nhóm 20 người, trong đó có Grigolevitch, mặc đồng phục của quân đội và cảnh sát Mexico mang theo vũ khí bao vây một ngôi nhà ở khu Coyoacan của Thành phố Mexico, nơi Leon Trotsky đang sống lưu vong ở đó. Nhóm người này đột nhập vào nhà, xác định vị trí căn phòng nơi Trotsky đang ngủ, và bắn hàng loạt phát đạn xuyên qua một trong những bức tường của ngôi nhà.

Bất chấp những bức tường thủng lỗ chỗ do đạn bắn, Trotsky vẫn sống sót bằng cách trốn dưới gầm giường. Nhóm sát thủ được đào tạo sử dụng vũ khí thuần thục nhưng lại thiếu kinh nghiệm xử lý tình huống. Ngay sau khi xả súng vào nhà, các sát thủ vội vã rời khỏi hiện trường trước khi cảnh sát xuất hiện mà không kiểm chứng xem liệu Trotsky đã chết hay chưa.

Thoát chết trong gang tấc, nhưng Trotsky tiếp tục bị các sát thủ truy lùng. Tháng 8-1940, đặc vụ của Stalin là Ramón Mercader đã đột nhập vào nhà của Trotsky và dùng một chiếc rìu chém ông này. Điều kỳ lạ là Leon Trotsky không chết ngay tức khắc. Thay vào đó, ông đứng dậy và giằng co với sát thủ cho đến khi những nhân viên bảo vệ đến. Tuy nhiên, đến ngày hôm sau, Leon Trotsky qua đời tại bệnh viện.

Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik năm 2017, cháu trai của Trotsky- Esteban Volkov – người chứng kiến cái chết của ông mình, kể lại rằng: “Sau lần thoát chết hồi tháng 5-1940, Trotsky đã nhận thức được rằng, trong tương lai gần sẽ có những vụ ám sát mới. Một ngày tháng 8-1940, điệp viên Ramon Mercader, đội lốt dưới tên Jacques Mornard, đã lọt vào hàng ngũ vệ sĩ của Trotsky. Mercader không có vẻ nổi bật và tỏ ra chẳng quan tâm đến chính trị.

Một ngày, Mercader nhờ Trotsky đọc giúp một bài luận ngắn của anh ta và Trotsky không từ chối. Trong cuộc gặp đầu tiên này, không có điều gì xảy ra, đây chỉ cái cớ để Mercader đến thăm dò tình hình. Tuy nhiên, trong lần nhờ sửa bài luận thứ hai, khi Trotsky đang đọc bài, sát thủ dùng một chiếc rìu ra sức đánh vào sọ ông.

Sau này, con gái của Grigolevitch, cô Nadezhda Grigolevitch cho biết, các tài liệu liên quan đến vụ ám sát Trotsky chưa được giải mật. “Tôi đoán chiến dịch này là thất bại thảm hại nhất trong cuộc đời của cha tôi. Nhưng may mắn kế hoạch sát hại Trotsky của cha tôi đã không thành công”, cô Nadezhda nói.

Mặc dù thất bại trong việc ám sát Trotsky nhưng đáng ngạc nhiên trong khi cánh tay phải của Stalin là Beria rất tức tối thì nhà lãnh đạo Liên Xô quyết định tha mạng cho các đặc vụ. Thậm chí, Grigolevitch còn được trao tặng Huân chương Sao Đỏ và được yêu cầu quay trở lại Argentina, nơi ông ở đó thêm 8 năm nữa.

Ở thời điểm đó, Argentina không phải là đồng minh chính thức của Đức Quốc xã nhưng vẫn gửi hàng tiếp tế cho đế chế Đức. Liên Xô muốn ngăn chặn điều này bằng mọi giá, do đó yêu cầu Grigolevitch tập hợp lực lượng khoảng 200 người phá hoại các con tàu. Ước tính, khoảng 150 con tàu của Argentina bị phá hoại khi đang trên đường đến Đức. Điều này buộc chính phủ Argentina phải dừng hoạt động thương mại với phát xít Đức.

Từ điệp viên trở thành… Đại sứ

Thế nhưng, làm thế nào một điệp viên trở thành Đại sứ Costa Rica tại Italy? Giáo sư Andrei Znamenski tại Đại học Memphis (Mỹ) cho biết ông Grigolevich được nhập quốc tịch Liên Xô và nhận nhiệm vụ mới ở Italy vào cuối năm 1949.

Còn theo nhà sử học người Nga Vladimir Chikov, Grigolevitch có thể nói và đọc được 10 ngôn ngữ, bao gồm từ tiếng Litva, Ba Lan đến tiếng Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... Ông đặc biệt xuất sắc trong việc hòa nhập với các công dân Mỹ Latin nhờ vào ngoại hình của mình. Ngoài ra, sự thân thiện của ông luôn tạo cảm giác thoải mái cho người đối thoại.

Ở Italy, Grigolevitch đóng vai là con ngoài giá thú của một quý tộc đã qua đời. Ông mang quốc tịch Costa Rica với tên gọi mới là Teodoro B. Castro và bắt đầu hòa nhập vào cộng đồng người Costa Rica ở đất nước hình chiếc ủng. Bất ngờ hơn, ông còn được bổ nhiệm làm Đại sứ Costa Rica ở Italy, Vatican và sau đó là Nam Tư.

“Đó là một phần nhờ vào mối quan hệ thân thiết với cựu Tổng thống Costa Rica José Figueres, người luôn nghĩ ông Grigolevitch là đồng hương. Sau khi giúp cộng đồng doanh nghiệp Costa Rica mở rộng kinh doanh ở Italy, Grigolevich (tên gọi khác là Teodoro B. Castro) được bổ nhiệm làm đại sứ tại Italy, cũng như tại Vatican vào năm 1952 và sau đó là Nam Tư”, nhà sử học người Nga, ông Vladimir Chikov cho hay.

Siêu điệp viên Liên Xô từng là Đại sứ Costa Rica -0
Tổng thống Italy Luigi Einaudi (bên trái) và Đại sứ Costa Rica Teodoro Castro (hay điệp viên Grigolevitch). Ảnh: rbth.com.

Ngày 25-4-1953, Tổng thống Nam Tư Josip Broz Tito đã có cuộc trò chuyện ngắn với Đại sứ Costa Rica Teodoro B. Castro tại Nhà Trắng (phủ Tổng thống) ở Belgrade, sau lễ trình quốc thư. Điều mà Tổng thống Tito không ngờ rằng, người đứng cạnh mình từng là một điệp viên, sát thủ của Liên Xô. Teodoro B. Castro sẵn sàng kết liễu cuộc đời Tổng thống Tito ngay khi Moscow ra lệnh. May mắn là cái chết của Stalin đã chấm dứt kế hoạch trên.

Năm 1959, Phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra đặc biệt căng thẳng trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh leo thang, có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát. Khi đó, Đại sứ Teodoro B. Castro đã có bài phát biểu chỉ trích Liên Xô - quốc gia đã đe dọa can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Mỹ. Bài phát biểu của Castro rất hùng hồn và được các đại biểu thân phương Tây hoan nghênh nhiệt liệt.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Andrei Vyshinsky gọi Castro là “cơ quan giám sát của chủ nghĩa đế quốc”, thậm chí coi ông là “kẻ thù của Liên Xô” và là “kẻ phản động”. Tuy nhiên, Vyshinsky không ngờ rằng Castro thực sự là một công dân Liên Xô làm việc dưới vỏ bọc hoàn hảo. Trong vài năm sau đó, Grigolevitch đã cung cấp cho Điện Kremlin những thông tin tình báo vô giá có được nhờ vị trí đại sứ nước ngoài độc nhất vô nhị của mình. Ngoài ra, ông còn tuyển dụng khoảng 200 công dân nước ngoài tham gia vào mạng lưới tình báo của Liên Xô.

Thật không may cho tình báo Liên Xô, công việc của Đại sứ Castro ở Italy không kéo dài. Sau sự sụp đổ của Stalin vào năm 1953 và do cuộc tranh giành quyền lực tiếp theo, nhiều đặc vụ Liên Xô cùng thời với Grigolevitch được triệu hồi về nước. Chính quyền mới đã trục xuất Grigolevitch khỏi cơ quan tình báo sau khi biết ông có quan hệ mật thiết với Stalin. Sự nghiệp lẫy lừng “có một không hai” của siêu điệp viên Grigolevitch đã đột ngột kết thúc.

Siêu điệp viên Liên Xô từng là Đại sứ Costa Rica -0
Tổng thống Nam Tư Josip Tito và Đại sứ Costa Rica Teodoro Castro (hay điệp viên Grigolevitch). Ảnh: rbth.com.

Cuộc sống mới

Trở lại cuộc sống đời thường, Grigolevitch bắt đầu với cuộc sống mới. Trong vài năm sau đó, Grigolevitch bảo vệ luận án về chính sách và tài chính của Vatican và xuất bản nhiều cuốn sách và nghiên cứu về Giáo hội Công giáo, Giáo hoàng, Tòa án dị giáo, cũng như tiểu sử của nhiều nhà cách mạng Mỹ Latin khác.

Năm 1960, Grigolevitch trở thành nhà văn và học giả và trở thành nhà nghiên cứu tại Viện Nhân học (hiện nay là Viện Nhân học và Dân tộc học). Grigolevitch đã viết những cuốn sách mới rất tích cực và với tốc độ nhanh chóng mặt. Ông là tác giả của 30 cuốn sách về châu Mỹ Latinh cũng như lịch sử Cơ đốc giáo. Không ai trong số những đồng nghiệp mới của ông nghi ngờ quá khứ của ông. Mọi người tôn trọng những thành tựu khoa học của ông.

Grigolevitch có một cuộc sống bình lặng và qua đời vào năm 1988 tại Moscow, ngay trước khi Liên Xô tan rã. Tuy nhiên, cuộc đời của siêu điệp viên với trăm nghề, trăm danh tính này đến nay vẫn là một ẩn số. Trong thời gian là điệp viên, ông đã tiếp cận những nhân vật quan trọng nhất thời đại, thậm chí ông còn chụp ảnh chung với Giáo hoàng Pius XII.

Không chỉ là tác giả của nhiều cuốn sách, Grigolevitch còn là nhân vật trong nhiều tác phẩm. Nhà văn Chile José Miguel Varas trong một tác phẩm đã “vẽ” chân dung Grigolevitch bằng một số lời miêu tả sau: “Đó là người đàn ông có cái đầu to hình tứ giác, trong đó phần trán rộng chiếm ưu thế; đôi mắt to tròn, tinh nghịch và thường nhắm hờ; chiếc mũi to bất thường và cái miệng móm mém, nước da màu ôliu tái nhợt và bộ ria mép mỏng hình tam giác chạy dọc từ sống mũi đến môi trên. Đó là những đường nét trên khuôn mặt của người phương Đông. Trên một con phố ở Santiago, không ai có thể nghĩ Grigolevitch đến từ Liên Xô. Người ta tin rằng ông là một giáo viên trung học hoặc một vị tướng hơn là một siêu điệp viên”.

Yên Bình
.
.