Hitler sử dụng tù nhân để sản xuất vũ khí bí mật
Trong Thế chiến hai, tại các nhà máy quân sự bí mật, tù nhân các trại tập trung và công nhân bị cưỡng bức đã tham gia sản xuất vũ khí cho Đức Quốc xã. Trại tập trung Rebstock là một trong những địa điểm như vậy.
Rebstock - trại vệ tinh của Buchenwald
Marienthal là một địa điểm thơ mộng bên cạnh làng Dernau ở phía tây nước Đức, trong thung lũng Ahr. Khu vực này nằm giữa những sườn núi phủ đầy nho. Trước năm 2021, khi chưa bị một trận lụt tàn phá, đây là điểm đến hấp dẫn của rất nhiều du khách, chủ yếu để thưởng thức các loại rượu vang địa phương.
Những sự kiện bi thảm đã xảy ra ở đây 80 năm trước, vào những năm cuối Thế chiến hai, trước đây thường bị lảng tránh. Nhưng hiện nay, chúng được nhắc đến nhờ một nhà tưởng niệm khánh thành vào tháng 11/2017, với sự tham gia của cộng đồng người Do Thái.

"Địa điểm này có tên là Lager Rebstock" - Wolfgang Guckelhorn, cựu quân nhân Đức, tác giả một số cuốn sách về lịch sử quân sự, chia sẻ với phóng viên báo DW. Ông đã viết một cuốn sách về trại tập trung Rebstock và là một trong những người khởi xướng việc xây dựng nhà tưởng niệm này. "Chúng tôi xây dựng nhà tưởng niệm để số phận của hơn 1.500 con người đã phải chịu đựng đau khổ tột cùng tại đây không bị lãng quên", ông Wolfgang Guckelhorn vừa nói vừa chỉ tay vào các bia tưởng niệm và bảng thông tin đặt gần đó.
Trong những năm 1943-1944, đây là một trong những trại vệ tinh của trại tập trung Buchenwald, nơi tù nhân bị cưỡng bức lao động tại các cơ sở sản xuất vũ khí phục vụ chiến tranh. Trại này có mật danh “Rebstock” (tiếng Đức nghĩa là “cành nho”). Tại đây, người ta chế tạo cái gọi là “vũ khí trả thù” (Vergeltungswaffe) - thuật ngữ do bộ máy tuyên truyền Đức Quốc xã đặt ra để chỉ các loại vũ khí, bao gồm cả tên lửa, mà Hitler dự định sử dụng để hủy diệt London và nhiều thành phố khác ở châu Âu.

Sản xuất vũ khí cho quân đội Hitler
Cuối năm 1941, Hoa Kỳ tuyên chiến với Đức Quốc xã và các đồng minh của Hitler là Ý và Nhật Bản. Không quân các nước đồng minh phương Tây bắt đầu tiến hành những đợt không kích quy mô lớn vào lãnh thổ Đức Quốc xã nhằm làm suy yếu nước này. “Đến năm 1943, bầu trời Trung Âu thuộc về lực lượng không quân Anh và Mỹ. Từ trên không, họ không chỉ phá hủy các tuyến đường vận tải quan trọng cho hậu cần quân sự của Đế chế thứ ba mà còn cả ngành công nghiệp quốc phòng và các cơ sở năng lượng của Đức”, Wolfgang Guckelhorn nói.
Hitler đã có kế hoạch chế tạo loại "vũ khí kỳ diệu", theo cách gọi của tuyên truyền Đức Quốc xã, nhằm tấn công các mục tiêu ở Anh. “Hãng Fieseler ở Kassel đã giới thiệu một phát minh của mình, được gọi là Fieseler 103, sau này đổi thành V1”, Wolfgang Guckelhorn nói. V1 ("Fau 1") là viết tắt của từ Vergeltungswaffe 1 - “vũ khí trả thù 1”, theo ngôn ngữ của bộ máy tuyên truyền Đức Quốc xã. Đây là một loại tên lửa hành trình có tầm bắn lên tới 500 km và mang theo 1.000 kg thuốc nổ. Nó sẽ được sản xuất tại các nhà máy quân sự gần Hannover, sử dụng lao động của các tù nhân trại tập trung. Ngày 13 tháng 6 năm 1944, London hứng chịu đợt tấn công đầu tiên của tên lửa V1.
Tuy nhiên, ngoài V1, từ những năm 30 của thế kỷ trước, các kỹ sư Đức đã bắt đầu phát triển loại tên lửa đạn đạo tầm trung đầu tiên mang tên A4, sau này được đổi thành V2 ("Fau 2"). Tên lửa này được thử nghiệm tại bãi thử ở Peenemunde. Về sau, quân đội Đức Quốc xã đã sử dụng V2 để tấn công London, cũng như Antwerp và Paris - những thành phố đã được quân đồng minh giải phóng vào thời điểm đó.
Sau khi bãi thử Peenemunde bị không quân đồng minh ném bom vào tháng 8/1943, Đức Quốc xã quyết định tiến hành sản xuất tên lửa V2 tại các nhà máy ngầm nhằm tránh các cuộc không kích. Thung lũng Ahr được coi là địa điểm lý tưởng cho mục đích này. “Từ đầu tháng 10/1943, công ty “Gollnow and Sohn” đã bắt đầu sản xuất tên lửa A4 trong các đường hầm Kuxberg và Trotzenberg ở Marienthal. Tổng cộng có khoảng 1.500 người, gồm tù nhân trại Buchenwald và công nhân bị cưỡng bức, tham gia vào quá trình sản xuất này”, Wolfgang Guckelhorn nói.

Nhà máy quân sự trong các đường hầm trồng nấm mỡ
Vào cuối Thế chiến thứ nhất, giữa các thị trấn Arweiler và Rech ở thung lũng Ahr, có 5 đường sắt ngầm được xây dựng nhưng chưa bao giờ sử dụng đúng mục đích: Silberberg, Kuksberg, Trotzenberg, Sonderberg và Herrensberg. Chúng là một phần của cơ sở hạ tầng đường sắt chiến lược quan trọng. Các đường sắt này nối Liblar (ở phía tây nam của Cologne) với Rech ở thung lũng Ahr. Tất cả được xây dựng với một mục đích duy nhất: mở rộng mạng lưới đường sắt dẫn từ tỉnh Ruhr đến Pháp - nhằm đảm bảo cung cấp vũ khí cho Mặt trận phía Tây trong Thế chiến thứ nhất. Tuy nhiên, năm 1918, sau khi chiến tranh kết thúc, công trình này đã ngừng hoạt động.
"Từ năm 1936 đến năm 1943, các đường hầm này được sử dụng để trồng nấm mỡ. Mùa hè năm 1943, khi Thế chiến thứ hai đang diễn ra gay gắt, Đức Quốc xã quyết định chuyển đổi các đường hầm này thành một cơ sở sản xuất quân sự ngầm. Để làm điều đó, cần phải chuẩn bị rất nhiều công việc. Đầu tiên, phải dọn sạch nấm khỏi 3 kilomet đường hầm. Sau đó là tiến hành các công việc xây dựng, lắp đặt hệ thống điện và các công việc khác…", Wolfgang Guckelhorn nói.

Tù nhân và công nhân bị cưỡng bức ở trại Rebstock
Ban đầu, công việc này được giao cho cư dân địa phương, kể cả những người Đức phải thực hiện nghĩa vụ lao động theo yêu cầu của Đế chế thứ ba. Đến tháng 10/1943, Đức Quốc xã bổ sung thêm 500 tù nhân Ý (theo lệnh của Hitler, những người này bị tước bỏ tư cách tù binh chiến tranh tại Đức Quốc xã) và 120 công nhân Hà Lan bị cưỡng bức. Những người này bị lính SS trục xuất sang Đức vì từ chối tham gia xây dựng các công sự phòng thủ của Đức Quốc xã như Bức tường Tây và Bức tường Đại Tây Dương. Theo Wolfgang Guckelhorn, chính họ đã xây dựng 11 lán trại ở Mariental dành cho các nhân viên và tù nhân của trại tập trung Rebstock trong tương lai.
"Tháng 8/1944, hơn 200 tù nhân từ trại tập trung Buchenwald - gồm người Ba Lan, Pháp, Nga, và Séc - được đưa đến đây như một lực lượng lao động để hỗ trợ sản xuất vũ khí. Theo Wolfgang Guckelhorn, đến cuối tháng 9/1943, hơn 250.000 công nhân Hà Lan bị cưỡng bức đã được sử dụng trong ngành công nghiệp quân sự của Đức Quốc xã, chưa kể những người từ các quốc gia khác bị Đức Quốc xã chiếm đóng".
Sau Thế chiến thứ hai, ngay trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, một "boong-ke chính phủ" đã được xây dựng tại đây nhằm bảo vệ các lãnh đạo cấp cao của Tây Đức trong trường hợp xảy ra mối đe dọa hạt nhân. Với khả năng chứa được 3.000 người, thành phố ngầm này có thể duy trì hoạt động độc lập trong khoảng một tháng. Đây là cơ sở hoàn toàn bí mật. Năm 1997, hầm trú ẩn, hay còn gọi là "Công trình Mariental" này đã bị đóng cửa, vì người ta cho rằng nó không còn cần thiết nữa.

Trại “Stephan” và sản xuất tên lửa V1
Mùa hè năm 1944, Đức Quốc xã quyết định đặt một cơ sở sản xuất tên lửa V1 trong ba đường hầm khác tại thung lũng Ahr. Để thực hiện điều này, các đường hầm cần được chuẩn bị, đồng thời phải xây dựng bên cạnh một lán trại cho công nhân. 367 công nhân cưỡng bức được đưa từ Hà Lan đến đây để làm việc. Họ xây dựng các lán trại và các công trình khác gần đường hầm ở Dernau để thiết lập một trại vệ tinh thứ hai của trại tập trung Buchenwald, được đặt tên là Lager Stephan.
Ngày 1/9/1944, 300 người Do Thái có trình độ kỹ thuật được đưa từ Hungary đến Dernau. Họ được lính SS chọn trong số tù nhân ở trại Auschwitz và đưa đến miền bắc nước Pháp, sau đó tới thung lũng Ahr ở miền tây nước Đức để tham gia sản xuất tên lửa V1.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, quân đồng minh phương Tây đã chiếm được Aachen. Quân đội của Hitler đã rút lui. Việc sản xuất tên lửa tại trại Stephan ở Dernau, thung lũng Ahr, cuối cùng, phải dừng lại. 300 tù nhân Do Thái gốc Hungary sau đó bị đưa đến trại tập trung Mittelbau-Dora, nơi Đức Quốc xã tiến hành sản xuất tên lửa V1 và V2. Trại tập trung Rebstock cũng bị dời đến vùng Thuringen. Số phận của phần lớn tù nhân từng làm việc tại Rebstock rất bi thảm.
Hồi ức của những người sống sót trong số 300 tù nhân Auschwitz đã được ông Wolfgang Guckelhorn công bố trong cuốn sách của mình. Một trong số họ, Gyorgy Stein, thợ cơ khí người Hungary, sau khi thoát khỏi trại tập trung của phát xít, đã chuyển đến Úc. Ông kể lại rằng vào đầu tháng 6 năm 1944, họ bị đưa từ trại tập trung Auschwitz đến Fallersleben, Đức (nay là Wolfsburg), tháng 7 họ bị chuyển đến Pháp. Và tháng 9 năm đó, đến Dernau. “Khi chúng tôi đi qua một ngôi làng ở Dernau, táo, lê rụng đầy đường, chúng tôi đói cồn cào, nhưng dân làng đã dùng chổi quét sạch trái cây ngay dưới chân chúng tôi. Trại có 9 lán. Lính SS ở trong một lán riêng. Toàn trại được bao quanh bằng hàng rào thép gai cao. Chúng tôi ở trong đường hầm Sonderberg, cách trại khoảng 200 mét. Chúng tôi chờ đợi suốt ba tuần nhưng những bộ phận (dùng để lắp tên lửa V1) vẫn không được mang tới. Sau đó, một chuyến tàu đến, chỉ có 4 toa, chúng tôi bị nhồi lên đó và đưa tới Dora”.
Hitler đặt nhiều hy vọng vào loại "vũ khí kỳ diệu" này, nhưng cả V1 lẫn V2 đều không thể thay đổi cục diện chiến tranh. Chúng không chính xác, nhiều quả tên lửa không đến được mục tiêu. Tổng cộng, khoảng 22.000 quả V1 và 3.000 quả V2 được phóng vào các thành phố của Anh, Bỉ và Pháp. London là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất. Tại bãi thử Peenemunde và các nhà máy khác thuộc chương trình này, hơn 20.000 tù nhân trại tập trung và công nhân bị cưỡng bức đã thiệt mạng dưới chế độ độc tài Đức Quốc xã.