Hồ sơ điệp viên Getrude Sanford Legendre

Thứ Ba, 05/09/2023, 09:40

“Bọn Đức Quốc xã kìm kẹp giới thượng lưu New York” - 73 năm trước, tính từ tháng 9/2017, đồng loạt các tiêu đề báo chí trên khắp thế giới loan tin về số phận của Gertrude Sanford Legendre - người nổi tiếng với mệnh danh là “lữ khách quốc tế” đã bị mắc kẹt trong chiến tuyến địch suốt Thế chiến II.

Và, có thể Chính phủ Mỹ đã ngần ngại hành động chỉ bởi vì Getrude Sanford không phải tay vừa. Thú vị thay có lẽ chính đời sống quý tộc đã khiến bà trở thành điệp viên và cũng nhờ những kinh nghiệm đó đã giúp bà tồn tại. 

Chào đời năm 1902 tại Aiken, xứ sở của những chú ngựa ở Nam Carolina (gia đình của Getrude Sanford làm chủ những tàu ngựa nổi tiếng ở đây), cha bà Gertrude Sanford là ông John, người thừa kế hãng sản xuất thảm Bigelow Sanford ở New York và cũng đồng thời là thành viên của Hạ viện Mỹ. Trong khi đó người mẹ là bà Ethel vốn là con gái của ông Henry (một người anh em họ của gia tộc Sanford), ông không chỉ là nhà ngoại giao quốc tế và cộng sự của Tổng thống Abraham Lincoln mà còn là sáng lập viên của thành phố Sanford (tiểu bang Florida).

Là con út trong gia đình có 3 người con (người chị cả Sarah Jane đã lấy một quý tộc Ý có quan hệ với Mussolini, còn người anh trai Stephen (tên thường gọi là “Laddie”) lại trở thành một trong những cầu thủ mã cầu trứ danh đất Mỹ), cô gái “Gertie” (tên thường gọi của bà Getrude Sanford) được nuôi dưỡng trong sự vương giả ở Amsterdam, New York, Manhattan và được giáo dục ở Foxcroft (Middleburg, tiểu bang Virginia) - một ngôi trường nội trú cho giới tinh hoa, nơi nổi tiếng với cung cách giáo dục tính độc lập và khả năng phục hồi cho những học sinh giàu có.

Hồ sơ điệp viên Getrude Sanford Legendre -0
Getrude Stanford Legendre, người xử lý các hồ sơ tình báo của Cục Tình báo chiến lược Mỹ (OSS). Ảnh: today.cofc.edu

Getrude Sanford xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1920 tại trường Foxcroft. Một người bạn thân của gia đình Sanford là nhà biên kịch người Philadelphia, Philip Barry (người có vở kịch “Holiday” mà sau đó được dựng thành phim được công chiếu năm 1938 có sự tham gia diễn xuất của hai siêu sao Katherine Hepburn và Cary Grant) được đồn đại là dựa trên con người thật của Gertie cùng các anh chị bà. Thường xuất hiện trong các chuyên mục xã hội và được chụp ảnh bởi Man Ray ở Paris, Gertie đã từng tận hưởng cuộc sống xa hoa ở French Riviera cùng với những ngoại kiều trẻ tuổi quyến rũ khác như F. Scott và Zelda Fitzgerald cũng như văn hào Ernest Hemingway. Khác với nữ giới thời đó, Gertie thường có thú vui săn lùng trang phục, nhìn chăm chăm vào nòng súng trường cũng như khoái đi giày cao gót. Với niềm đam mê phiêu lưu và phấn khích, Gertie đã đi khắp thế giới, đôi khi mang dáng vẻ bụi bặm trong những chuyến đi săn, một thói quen đã theo bà cả đời. Gertie chi tiền tài trợ cho các chuyến thám hiểm đến Phi châu, Đông Dương, Ba Tư và Abyssinia (đế quốc Ethiopia) để tìm kiếm những con mồi kỳ lạ.

Một số chuyến đi của bà Gertie đã được chính bà hoặc những người khác viết lại và đăng lên các ấn phẩm báo chí nổi tiếng như National Geographic (Địa lý quốc gia). Nhiều mãnh thú mà Gertie săn vẫn đang được trưng bày trang trọng tại bảo tàng lịch sử Mỹ tại thành phố New York (tiểu bang New York). Trong lần đi săn ở Ethiopia vào năm 1928, Gertie đã lọt vào mắt xanh của quý ông điển trai Sidney Legendre (thuộc dòng dõi New Orleans giàu có ở Princeton). Chính sự thông minh, sắc bén, sự tự tin và niềm say mê cuộc sống của Gertie đã khiến Sidney khâm phục. Họ nên duyên chồng vợ vào tháng 9/1929. Sidney và Gertie cùng mua một trong những ngôi nhà lâu đời ở Lowcountry (Nam Carolina), nằm cách Charleston 30 dặm. Với khung cảnh sông, rừng và đầm lầy, cặp đôi đã biến ngôi nhà thành nơi nghỉ dưỡng, đón tiếp hàng tá quan khách và bạn bè, chiêu đãi họ bằng những chuyến đi săn buổi sáng, tiệc tùng tối, cùng các hoạt động nhàn nhã khác cùng với hai cô công chúa rượu Landine và Bokara.

Hợp tác với Cục Tình báo chiến lược (OSS)

Cuộc sống bình dị của nhà Geritie bỗng dừng lại sau Giáng sinh năm 1941. Trong hồi ký mang tựa đề “Cát ngừng chảy” (NXB William-Frederick, năm 1941), bà Getrude Stanford viết: “Sidney và tôi biết mọi thứ đã khác, những đám mây dông bão đang chồng chất lên chân trời thế giới... cuộc sống dễ chịu và vô tư mà chúng tôi đang tận hưởng sẽ sớm tan rã bởi sức nặng của các thế lực bên ngoài”. Ông Sidney gia nhập hải quân Mỹ và được thăng quân hàm trung úy. Chẳng mấy chốc sau, gia đình họ rời Medway đến Washington, D.C. và cũng ngay năm đó, ông Sidney chuyển đến Hawaii. Bà Getrude vất vả suốt nhiều tháng để tìm việc làm ở các tổ chức hỗ trợ như Hội chữ thập đỏ. Rồi bà nuôi tham vọng cao hơn, cuối cùng là đầu quân cho một tổ chức bí mật có tên gọi Cục Tình báo chiến lược (OSS - tiền thân của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) do tướng William J. “Wild Bill” Donovan quản lý).

Cũng là một công dân Princeton thuộc tầng lớp quý tộc, ông Donovan từng phục vụ ở biên giới Mexico theo yêu cầu của Tổng thống Franklin D. Roosevelt nhằm thành lập một cơ quan thu thập tình báo trước khi đại chiến bùng nổ. Đầu tiên, ông Donovan chiêu mộ những người trong quỹ đạo xã hội của mình, những người mà ông có thể hoàn toàn tin tưởng. Donovan cũng nghiên cứu về gián điệp thời Nội chiến và tình cờ biết đến câu chuyện về ông nội của bà Getrude, người từng phụ trách hệ thống gián điệp dưới thời Tổng thống Lincoln. Chỉ có vài trăm phụ nữ được chọn vào nhân lực hơn 2 vạn người của OSS. họ nói nhiều thứ tiếng khác nhau và đã từng sống ở hải ngoại. Nhờ đi lại nhiều và nói trôi chảy tiếng Pháp nên bà Getrude được giao việc lần đầu tiên trong đời. Người phụ nữ 39 tuổi đã nhanh chóng thăng tiến từ vai trò thư ký tài liệu đến khi làm trưởng bộ phận cáp, nơi bà dán tem lên các loại thông tin qua tay mình như “Hạn chế”, “Mật”, “Kín” hoặc “Tối mật”.

Trong hồi ký của mình, bà Getrude giải thích: “Những năm tháng đó, các cáp thông tin nhạy cảm và tối mật được chuyển qua bàn làm việc của tôi - những mảnh giấy tương ứng với các nhân vật trong lĩnh vực này mà cuộc sống của họ lệ thuộc vào thông tin chính xác”. Với sự chuyển giao thông qua đại tá David Bruce (người đầu tiên lãnh đạo nhánh tình báo mật của OSS) bà Getrude đã hạ cánh xuống Phòng cáp trung tâm ở London vào tháng 8/1943. Những chiếc két thép ở đó chứa đựng đủ thứ thông điệp từ khắp nơi trên thế giới. London bị bao vây, không chỉ những két được làm bằng thép mà thần kinh của Getrude cũng vậy. Theo hồi ký của mình, bà Getrude cảm nhận được tiếng bom để dự cảm có nên dùng bữa tối hay không.

Hồ sơ điệp viên Getrude Sanford Legendre -0
Getrude và chồng ở Palm Beach (Florida) năm 1930. Ảnh: Facebook Getrude.

Đằng sau phòng tuyến địch

Vài tuần sau cuộc đổ bộ D-Day vào Normandy và việc quân Đồng minh tiếp quản Paris trong năm 1944, Getrude cùng các nữ quân nhân khác trong văn phòng ở London đã nhận lệnh phải nhanh chóng đến Paris. Quy định yêu cầu nữ nhân viên OSS phải mặc quân phục của Quân đoàn nữ giới (WAC), vì thế Getrude cùng nữ đồng đội Jennings lên đường vào ngày 23/9/1944 đến mặt trận Luxembourg, cách đó 40 km. Họ lái chiếc Peugot dạo quanh vùng thôn quê hiền hòa và rồi cuối cùng rời chiếc xe này để nhảy lên chiếc jeep của Thiếu tá Max Papurt cùng tài xế của ông để trực chỉ Wallendorf, ngay bên kia biên giới Đức. Lúc gần đến thị trấn Wallendorf, đạn bắt đầu bắn vào chiếc xe jeep. Papurt và người tài xế bị thương. Họ đầu hàng, giơ một chiếc khăn tay màu trắng. Getrude vẫn đủ tỉnh táo khi đốt sạch các thẻ căn cước cùng những tài liệu mật mà họ mang theo.

Họ bị lính Đức bắt giữ. Getrude bị đẩy sâu hơn vào nước Đức khi nền Đệ Tam sụp đổ xung quanh bà. Trong hồi ký, Getrude viết: “Chiếc xe đi dưới sấm chớp, vang lên không ngớt là tiếng bom nổ và đạn bắn. Lần đầu tôi bị thẩm vấn bởi một sĩ quan SS có đôi mắt giống chồn”. Người Đức phô trương thứ mà họ bắt được, từ đài phát thanh ở Berlin, họ loan tin đã bắt người phụ nữ Mỹ đầu tiên ở mặt trận phương Tây là một quý tộc New York. Trước chiến tranh, Getrude phàn nàn về sự ngược đãi giới tính ở OSS, nơi những nữ nhân viên thông minh lại hưởng lương thấp và ít được tôn trọng hơn so với cánh đồng nghiệp nam đang giám sát họ. Giờ đây Getrude liên tục giả ngu, liên tục khẳng định rằng mình chỉ là nhân viên quèn trong Đại sứ quán Mỹ và đồng hành với binh lính Mỹ trong vai trò thông dịch viên. Người Đức buộc tội bà nói dối. Nhiều năm sau đó bà Getrude hồi tưởng lại: “Thật sự tôi luôn tưởng tượng mình là thư ký của đại sứ quán. Thậm chí, tôi cũng sáng tạo ra các nữ đồng nghiệp mà mỗi người có một cá tính riêng”.

Khi Getrude được chuyển từ nhà tù này sang nhà tù khác, từ những xà lim đầy bọ chét cho đến một căn phòng khóa kín bưng trong một lâu đài cổ, và khi gần tới “sào huyệt” Gestapo, những nhà lãnh đạo OSS thốt nhiên hoảng sợ khi biết rằng nếu bị khuất phục, Gertie (Getrude) có thể tự mình làm yếu đi phong trào kháng chiến ngầm của Pháp chống quân Đức (lúc bị giam chung cùng người em gái của tướng Charles De Gaulle (nhà lãnh đạo tổ chức Pháp quốc tự do) bà Getrude thường nín thin về những hoạt động của ông). Song, rõ ràng là họ không biết gì về Getrude, những kẻ bắt giữ bà cho rằng nữ quý tộc phù phiếm này có thể sẽ được dùng làm một con bài đàm phán. Một trong những viên cai ngục Đức đã bị sức quyến rũ, sự đồng cảm và cách cư xử duyên dáng của Getrude khuất phục. Trung úy SS, William Gosewich, đã từng sống 18 năm ở New York và bị bắt ở Đức trong lần ghé thăm nhà khi chiến tranh bùng nổ. Bị đế chế bắt đi lính, William Gosewich lúc này đây là chỉ huy thứ 3 tại lâu đài ở Dietz cũng là nơi có nữ tù Gertrude.

Trong hồi ký, điệp viên Getrude nhớ lại: “Sau một thời gian ngắn, những buổi tối gặp gỡ của chúng tôi dần dà biến thành phiếm chuyện xã giao hơn là thẩm vấn nghiêm ngặt”. Thậm chí, Gosewich còn hứa sẽ giúp bà Getrude thoát khỏi nanh vuốt của Gestapo. Ngày 3/11/1944, Getrude được chuyển đến vùng ngoại ô Wansee của Berlin, nơi bà tìm ra giải pháp về kế hoạch tàn sát người Do Thái của Đức Quốc xã. Rồi Getrude được chuyển tới Kronsberg, tại đó thông qua một người trung gian mà bà đã tái liên lạc với Gosewich, người mà bà tin là vị ân nhân đã giúp mình trốn thoát. Ngày 22/3/1945, sau 6 tháng bị giam cầm, Getrude được đưa tới Frankfurt hoang tàn. Bà lên tàu đến Thụy Sĩ và trốn cho đến khi nhà ga biên giới Thụy Sĩ lù lù trong tầm mắt. Khi tàu đột ngột ngừng lại một thời gian ngắn ở biên giới, Getrude lẩn vào màn đêm và bỏ chạy.

Khi lính Đức hét to yêu cầu dừng lại, Getrude chắc mẩm mình sẽ bị bắn. “Hộ chiếu Mỹ đây”, bà hét vang về phía lính gác Thụy Sĩ trong lúc cúi xuống cánh cổng đang nhấc lên. Sau này, bà Getrude viết trong hồi ký: “Tôi vẫn phân vân không rõ vì sao anh ta (lính gác) không bắn tôi?”. Sau khi được chuyển giao cho Công sứ quán Mỹ, Getrude tiếp tục vẽ nên câu chuyện rằng mình từng làm thư ký cho Đại sứ quán Mỹ. Song, giờ đây người Mỹ tỏ vẻ nghi hoặc không biết Getrude phải chăng là gián điệp của Đức Quốc xã? Và, người Mỹ mở cuộc điều tra. Gần như ngay lập tức bà Getrude làm khách mời của Allen Dulles, một mật vụ OSS tại Thụy Sĩ, sau đó ông trở thành Giám đốc CIA dưới 2 triều đại Eisenhower và Kennedy. Sau khi trò chuyện vắn tắt, người ta tự hỏi liệu họ có nói về những người bạn chung hay không; gia đình Dulles gốc người Charleston. Allen Dulles kể rằng ông Sidney vẫn ở Hawaii, bà Getrude quay lại Paris vào 29/3/1945 để dự sinh nhật tuổi 42 của mình.

Sau chiến tranh

Chỉ vài năm sau, Getrude lại thể hiện dũng khí của mình sau khi ông xã lên cơn đau tim đột ngột và qua đời vào năm 1948. Một thời gian ngắn sau đó bà tái hôn và tài trợ cho nhiều chuyến thám hiểm hơn bao gồm đến châu Phi, nơi bà đã gặp nhà từ thiện nhân đạo Albert Schweitzer. Getrude đã giúp thành lập Kế hoạch Medway mà nhờ nó mà người Mỹ có thể gửi lương thực và thuốc men đến các nước Đồng minh đang vị vây hãm. Năm 1950, để chứng minh mình không lợi dụng lòng tốt của người khác, Getrude đã đưa trung úy Gosewich cùng gia đình ông đến thăm Nam Carolina, tìm cho ông một việc làm và một lối thoát khỏi nước Đức nghèo khổ thời hậu chiến. Bà Getrude cũng xuất bản 2 cuốn tự truyện khá nổi tiếng. 40 năm sau đó, bà vẫn là nhân vật xã hội thượng lưu có tầm ảnh hưởng nhất đến đời sống văn hóa và từ thiện ở Charleston. Bà Gertrude Sanford Legendre qua đời vào ngày 8/3/2000 tại Medway và được an táng gần ông xã Sidney, người yêu dấu của đời bà.

Phan Bình (Tổng hợp)
.
.