Hồ sơ điệp viên Mamoru Shinozaki

Thứ Hai, 09/10/2023, 08:08

Mamoru Shinozaki (1908-1991) đã đến Singapore vào năm 1938 với tư cách là quan chức chính phủ Nhật Bản. Năm 1940, Shinozaki bị kết án và bỏ tù vì tội hoạt động gián điệp, nhưng sau đó đã được phóng thích sau khi Singapore đầu hàng quân Nhật trong Thế chiến II.

Từng được bổ nhiệm vào hàng loạt các vai trò nặng ký như cố vấn Bộ chỉ huy quốc phòng, giám đốc giáo dục và giám đốc phúc lợi trong thời kỳ Nhật chiếm đóng Singapore (1942-1945), Mamoru Shinozaki trở nên nổi tiếng với việc cấp thẻ bảo vệ cứu nhiều người thoát chết trong vụ thảm sát Túc Thanh (quân phiệt Nhật muốn loại bỏ những người Singapore gốc Hoa có tư tưởng chống đối người Nhật) cũng như sự tham gia của ông tại các khu định cư Endau và Bahau.

Sau chiến tranh, Shinozaki ra làm nhân chứng trong một số phiên tòa tội phạm chiến tranh bao gồm việc các quan chức Nhật nhúng tay vào thảm sát Túc Thanh. Mặt khác, Shinozaki cũng bị chỉ trích vì đã hạ thấp con số thương vong trong vụ thảm sát Túc Thanh, cũng như bị chỉ trích vì đã đưa ra thông tin không chính xác về việc thành lập Hiệp hội Hoa Kiều (OCA).

Bị kết án gián điệp trước chiến tranh

Mamoru Shinozaki sinh ra ở Fukuoka (Nhật Bản). Cha ông làm chủ một mỏ than đá, tuổi thơ của ông nhận được sự chăm sóc chu đáo của bà nội - người muốn cháu trai trở thành một thầy sãi. Tuy nhiên, người cha cự tuyệt ý tưởng này. Ở tuổi thiếu niên, Shinozaki bị chủ nghĩa xã hội mê hoặc, thường ngốn ngấu đọc nhiều tác phẩm của Karl Marx và Friedrich Engels, bản thân chàng trai trẻ cũng bị đuổi khỏi trường trung học ở Kyoto vì tội gia nhập một nhóm xã hội bị cấm đoán. Tuy vậy, chỉ 1 năm sau đó, Shinozaki lại tiếp tục việc đèn sách, ghi danh vào khoa Báo chí của Đại học Meiji. Sau khi tốt nghiệp vào năm 1931, Shinozaki đầu quân cho Hãng Denpo Tsushinsha (sau đó được đổi tên mới là Domei Tsushinsha), một cơ quan báo chí. Năm 1934, Shinozaki được cử công tác sang Thượng Hải (Trung Quốc) và sau đó tác nghiệp báo giới tại Nam Kinh và Hán Khẩu.

Hồ sơ điệp viên Mamoru Shinozaki -0
Người Singapore bị quân phiệt Nhật sát hại trong vụ thảm sát Túc Thanh khét tiếng. Ảnh nguồn: AsiaOne.

Tại Hán Khẩu, Shinozaki làm công tác tùy viên báo chí của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, và cuối cùng ông sang công tác ở Berlin vào năm 1936. Tới năm 1938, Shinozaki được chuyển sang làm việc tại Tổng lãnh sự quán Nhật Bản ở Singapore cũng với tư cách tùy viên báo chí. Tại Singapore, vai trò ban đầu của Shinozaki là cung cấp thông tin cập nhật cho các tờ báo Nhật Bản, nhưng sau đó ông được yêu cầu báo cáo cho chính phủ Nhật biết về tình hình địa phương cùng khả năng phòng thủ của quân đội Anh. Shinozaki đã khôn khéo giao lưu với các quân nhân Anh đồn trú ở Singapore, thường xuyên chiêu đãi tiệc tùng ngay tại tư dinh của mình trên phố Wareham. Mối quan hệ chặt chẽ của Shinozaki với các quân nhân Anh cùng mối lo ngại ngày càng tăng của người Anh về sự hiện diện của người Nhật ở Singapore tại thời điểm đó đã tạo điều kiện cho sự ra đời của Chi cục Đặc biệt (ngày nay là Cục An ninh nội chính) đã khiến Shinozaki bị đặt dưới sự giám sát từ tháng 7/1940.

Ngày 21/9/1940, Shinozaki bị Chi cục Đặc biệt bắt giữ. Shinozaki đã đưa 2 quan chức quân đội Nhật gồm Trung tá Tanikawa Kazuo, sĩ quan cấp cao của Bộ tổng tham mưu quân đội Nhật) và người trợ lý là Đại úy Kunitake Teruhito, đến một số địa điểm ở Singapore, Malacca và một số phần của Johor bao gồm Kota Tinggi và Mersing. Mục đích của chuyến đi này là khảo sát những thiết lập quân sự, đồng thời nghiên cứu các khả năng phòng thủ của quân Anh. Và người Nhật đã nhìn thấy sự phòng thủ lỏng lẻo ở phía Tây Bắc Singapore, phòng thủ mạnh mẽ ở phía Nam nhằm chống lại địch tấn công từ phía biển. Đại tá Masanobu Tsuji (giám đốc đơn vị nghiên cứu, người chịu trách nhiệm lên kế hoạch cho việc xâm lược Mã Lai) sau đó đã nhớ lại trong hồi ký của mình rằng 2 sĩ quan Tanikawa Kazuo và Kunitake Teruhito đã cung cấp “những đề xuất quan trọng” liên quan đến Mã Lai.

Shinozaki bị kết tội với 2 tội danh theo Sắc lệnh bí mật chính thức thu thập thông tin quân sự từ quân nhân Anh và nó hữu dụng cho cường quốc nước ngoài; thu thập thông tin liên quan đến bày binh bố trận có thể gây phương hại cho đế quốc Anh. Shinozaki bị kết án nghiêm khắc 3,5 năm tù cùng việc nộp số tiền phạt 1.000 bảng Anh hoặc nếu không thì ngồi tù thêm 6 tháng nữa. Shinozaki bị giam ở nhà tù Trường Thi. Mặc dù trong cuốn hồi ký mang tựa đề “Syonan, câu chuyện của tôi: Sự chiếm đóng của người Nhật ở Singapore”, Shinozaki phủ nhận mình hoạt động gián điệp, thay vào đó là ông tìm cách liên lạc với lính Anh nhằm tìm hiểu các vị trí của lực lượng phòng thủ Anh trong một cuộc phỏng vấn mang tính lịch sử được thực hiện vào năm 1973.

Singapore thất thủ và thảm sát Túc Thanh 

Sau khi Singapore đầu hàng quân Nhật vào ngày 15/2/1942, Shinozaki được phóng thích khỏi nhà tù Trường Thi và được bổ nhiệm làm cố vấn cho Bộ chỉ huy Quốc phòng Nhật Bản - một cấp bậc tương đương Trung tá. Nhiệm vụ mới của ông bao gồm khâu tập hợp lại các loại tài liệu của Lãnh sự quán Nhật Bản và cấp thẻ bảo hộ cho các nhà ngoại giao cùng những người ngoại quốc khác đến từ các nước trung lập. Ngay sau khi Shinozaki đảm nhận vị trí này, quân đội Nhật đã phát động chiến dịch Túc Thanh vào ngày 18/2/1942 nhằm nhận diện và thủ tiêu những phần tử bị nghi ngờ kháng Nhật trong các cộng đồng địa phương, mà cụ thể là nhắm vào người Hoa và người Á Âu. Trong lần mở phiên tòa xét xử vụ thảm sát Túc Thanh năm 1947, Shinozaki đã làm chứng rằng mình đã cấp từ 20.000 đến 30.000 thẻ bảo hộ, cũng như đã giải cứu thành công khoảng 2.000 người bị giam giữ trong các trại tập trung Túc Thanh.

Shinozaki cũng khai rằng ông được những người địa phương và ngoại quốc tiếp cận, chẳng hạn như Ngài Adrien Devals - giám mục Công giáo La Mã người Pháp, người đang trông cậy Shinozaki có thể giải cứu một số tù nhân bao gồm phụ nữ và trẻ em. Mặt khác, theo tài khoản của Shinozaki thì ý tưởng về việc thành lập Hiệp hội Hoa Kiều (OCA) đã được đề cập trong cuộc gặp mặt với Lim Boon Keng - một người Trung Quốc nổi tiếng ở vùng Eo Biển - tại khách sạn Toyo ngay trong thời điểm xảy ra vụ thảm sát Túc Thanh. Shinozaki lưu ý rằng OCA có vẻ ngoài là một tổ chức người Trung Quốc hỗ trợ cho quân đội Thiên Hoàng, tuy nhiên mục đích thực sự của tổ chức này là giúp đảm bảo thả những người Hoa có tầm ảnh hưởng trong vụ Túc Thanh, đồng thời bảo vệ cộng đồng Hoa kiều nói chung.

Để chắc chắn rằng OCA được kiểm soát bởi người Trung Quốc chứ không phải quân đội Nhật, Shinozaki cũng đề nghị rằng hiệp hội nên đặt tên khác với những tổ chức tương tự đang có mặt tại những vùng lãnh thổ do Nhật chiếm đóng, chẳng hạn như Ủy ban duy trì hòa bình (PMC). Cuối cùng, cái tên “Hiệp hội người Hoa hải ngoại” (OCA) đã được chọn. Khi OCA được lệnh quyên góp 50 triệu bảng Anh cho quân đội Thiên hoàng hồi tháng 3/1942, Shinozaki nói rằng mình không dính líu chuyện này. Khoảng thời gian đó, việc giám sát OCA được chuyển cho Cục Quản lý quân sự, còn bản thân Shinozaki nhận được lệnh ngừng mọi hoạt động liên quan đến hiệp hội này. Khoảng tháng 8/1942, OCA được trả về tay chính quyền Singapore, còn Shinozaki trở thành cố vấn của OCA.

Hồ sơ điệp viên Mamoru Shinozaki -0
Một góc khu định cư Endau ở Singapore được thành lập nhờ công của Mamoru Shinozaki. Ảnh nguồn: The Heartlander Tourist.

Làm việc cho Bộ Giáo dục và Bộ Phúc lợi

Tháng 3/1942, Shinozaki được làm việc trong Bộ Giáo dục. Nhiệm vụ trước mắt của ông là tái mở cửa các trường học và tái tổ chức đội ngũ giảng viên.Trong cuộc phỏng vấn vào năm 1985, Herman Marie De Souza, người từng làm việc với ông Shinozaki trong Bộ Giáo dục nhớ lại rằng Shinozaki đã giúp nới lỏng các chỉ thị của quân đội nhằm phù hợp với giáo viên. Chẳng hạn như Shinozaki đã giúp đảm bảo việc giải phóng những tòa nhà được quân đội sử dụng. Tháng 8/1942, Shinozaki được bổ nhiệm làm giám đốc phúc lợi với những công việc như xem xét đơn khiếu nại của dân sở tại, tìm việc làm cho những người thất nghiệp, thành lập văn phòng lao động.Trong cương vị của mình, Shinozaki cũng giúp thành lập Hiệp hội phúc lợi Á Âu (EWA) đại diện cho cộng đồng Á Âu trước chính quyền Nhật Bản.

Tới tháng 11/1943, OCA đã thành lập 10 cục nhằm quản lý khu định cư mới. Do nhiều yếu tố bao gồm tài chính và kinh nghiệm quản lý của OCA cũng như việc “bật đèn xanh” của Shinozaki mà khu định cư Endau phát triển nhanh chóng. Được khuyến khích bởi sự thành công của Endau cũng như triển vọng thoát khỏi sự giám sát của Hiến binh Nhật ở Singapore mà sau đó Shinozaki còn giúp thành lập thêm khu định cư mới ở Bahau, Negri Sembilan. Khu định cư Bahau dành cho người Á Âu và những người Trung Quốc theo Công giáo La Mã, với đợt người định cư đầu tiên rời đến đây vào cuối năm 1943. Tuy nhiên do thiếu nguồn lực và thẩm quyền can thiệp mà khu định cư Bahau đã không phát triển như mong muốn, đất đai kém màu mỡ và phát sinh dịch sốt xuất huyết ở người dân.

Những năm tháng hậu chiến

Sau khi người Nhật đầu hàng vào năm 1945, Shinozaki bị giam trong trại Dụ Lang Sơn cùng với khoảng 6.800 người Nhật khác. Tuy nhiên, các cộng đồng người Hoa và Công giáo đã đệ thỉnh nguyện thư lên người Anh và ông đã được thả. Khi đó Shinozaki làm việc với Cục An ninh thực địa Anh trong vai trò thông dịch viên, hỗ trợ hồi hương công dân Nhật Bản. Ông cũng dịch các báo cáo Hiến binh Nhật về những người cộng sản Mã Lai. Shinozaki là nhân chứng sống cho một số phiên tòa thời hậu chiến. Ngoài phiên tòa xử vụ thảm sát Túc Thanh năm 1947, ông còn được gọi làm nhân chứng truy tố trong phiên tòa của Paglar - người bị cáo buộc đã hợp tác với người Nhật và bị buộc tội phản quốc. Shinozaki bảo vệ cho Paglar khi chỉ ra lý do khiến Paglar đồng hợp tác với quân đội Nhật vì ông muốn bảo vệ cộng đồng dân cư Á Âu. Shinozaki cũng làm chứng rằng mình đã hạ lệnh cho Paglar làm việc với người Nhật.

Vụ án chống lại Paglar cuối cùng đã được rút lại và anh ta được trắng án. Shinozaki nhận thấy rằng lời khai của mình là lý do dẫn đến kết quả này. Năm 1947, Shinozaki được hồi hương. Bốn năm sau đó ông đã nỗ lực quay lại Singapore bằng tàu thủy. Cơ quan quản lý nhập cư thuộc địa đã từ chối thị thực của ông nhằm ngăn cản không cho ông lên bờ, tuy nhiên Shinozaki đã được một số vị khách trên tàu tiếp đón bao gồm cả Lim Boon Keng. Năm 1975, Shinozaki được cho phép đến Singapore để xúc tiến việc chuyển ngữ cuốn hồi ký của mình sang tiếng Anh, cuốn sách sau đó được cho là có mâu thuẫn với ấn bản bằng tiếng Nhật. Shinozaki vẫn còn là nhân vật gây nhiều tranh cãi giữa các học giả và cộng đồng Hoa kiều. Chẳng hạn như chuyện  Shinozaki viết về nguồn gốc ra đời OCA đã bị các học giả như Cheah Boon Keng và Tan Yeok Seong phản đối. Trong đó Cheah viết rằng Lim Boon Keng và các thành viên sáng lập của OCA đã bị tra tấn khi thành lập hiệp hội và việc họ quyên góp 50 triệu bảng Anh cho chính quyền Nhật.

Ông Tan lưu ý rằng OCA ban đầu được thành lập như là Ủy ban duy trì hòa bình (PMC) trong tháng 3/1942 nhằm quyên góp số tiền 50 triệu bảng Anh trước khi nó tái đổi tên. Cả ý định giải cứu những người bị giam trong vụ thảm sát Túc Thanh của Shinozaki cũng bị báo giới và các học giả Trung Quốc soi mói khi ông ra làm chứng trong phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh Túc Thanh rằng các sĩ quan thực hiện chiến dịch này về bản chất là tốt bụng nhưng buộc phải thực hiện hành vi tàn bạo do bởi họ không thể trái lệnh cấp trên. Shinozaki còn bị chỉ trích vì đã hạ thấp số người chết trong vụ thảm sát Túc Thanh. Shinozaki đã trích dẫn trong hồi ký ước tính chính thức của chính phủ Nhật Bản là có khoảng 6.000 người Trung Quốc bị giết trong vụ thảm sát. Con số này thấp hơn đáng kể so với những ước tính từ các nguồn Trung Quốc như Phòng thương mại Singapore hay bác sĩ y khoa Chen Su Lan, là từ 50.000 đến 60.000 người.

Tuy vậy vẫn có những lời nói tốt về Shinozaki và tấm lòng nhân ái của ông trong suốt chiến tranh. Chẳng hạn như ông Yap Pheng Geck đã viết rằng Shinozaki đã nỗ lực không ngừng để mang lại phúc lợi nhiều hơn cho dân cư. Hay bác sĩ người gốc Á Âu, John Bertram van Cuylenburg, rằng ông hết sức kinh ngạc rằng người đàn ông làm gián điệp cho quân phiệt Nhật đã làm được rất nhiều điều thiện cho người dân.

Văn Chương  (Tổng hợp)
.
.