Tình báo phát xít Nhật ở Chile trong Thế chiến II

Thứ Ba, 26/04/2022, 22:10

Thế chiến  II đã trở thành bối cảnh cho nhiều hoạt động gián điệp của Nhật Bản ở Châu Mỹ Latin, nó giúp trì hoãn hoàn toàn việc trục xuất các sĩ quan và doanh nghiệp Nhật ra khỏi khu vực này cũng như kiện toàn các cộng đồng kiều dân gốc Nhật. Nghiên cứu này đã bao quát những tháng trước khi xảy ra cuộc tấn công Trân Châu Cảng, và những ngày cuối cùng của quân đoàn Nhật ở Chile trong tháng Giêng năm 1943.

FBI đánh giá vai trò trung lập của Chile và Argentina

Suốt chiều dài lịch sử của đế quốc Nhật Bản, nhu cầu thêm không gian và nguồn tài nguyên phục vụ cho đà tăng dân số và kinh tế của quốc đảo đã góp phần hợp pháp hóa nhiều hình thức bành trướng, bao gồm di dân và đầu tư trực tiếp ở Mỹ Latin trong những thập niên đầu tiên của thế kỷ 20. Sự hiện diện của các cộng đồng Nhật ở Brazil, Peru và Argentina, cùng chỗ đứng vững chắc trong lĩnh vực khai thác tại một số quốc gia Châu Mỹ, đã bị đe dọa nghiêm trọng bởi sự bùng nổ Chiến tranh Thái Bình Dương (1941–1945).

Cuối năm 1941, vấn đề cấp bách nhất của chính phủ Nhật là tránh bị trục xuất toàn bộ khỏi các nước Mỹ Latin. Sau sự kiện Trân Châu Cảng vào tháng 12 năm 1941, Mỹ và các đồng minh thân cận đã đoàn kết để nhằm trục xuất các thể chế ngoại giao của phe Trục Phát xít khỏi Nam Mỹ, và đặt các cộng đồng của Phe Trục trong cơ chế giám sát nghiêm ngặt (cụ thể là người Nhật).

Hội nghị Các Bộ trưởng ngoại giao được tổ chức ở Rio de Janeiro (gọi tắt Rio Protocol) vào ngày 29 tháng Giêng năm 1942 là một đỉnh cao trong phong trào lục địa ủng hộ Mỹ, nó cũng là bàn đạp cho cấu hình của một chủ nghĩa Liên Mỹ vững chắc. Tại Hội nghị Rio, tất cả các quốc gia thân Mỹ đều nhất trí kiểm soát mọi hoạt động lật đổ từ Phe Trục, ưu tiên thương mại cho các nước Đồng Minh, coi Mỹ là một quốc gia không hiếu chiến…

Mặt khác, trong khi nhiều quốc gia Mỹ Latin tuyên bố kháng Nhật, Đức, Ý, chỉ có Chile và Argentina vẫn nhất mực duy trì thái độ trung lập: các nước Phe Trục vẫn hoạt động, giữ chỗ đứng tình báo và các hoạt động khác ở Châu Mỹ.  FBI rối bời bởi tình huống này (ám chỉ Buenos Aires) theo các cách hiểu sau: 1. Sự trung lập của Argentina đã được các nước Phe Trục ca ngợi hết lời;

2. Rất nhiều khoản viện trợ tài chính cho hoạt động gián điệp, phá hoại và lật đổ của Phe Trục ở Argentina đã gây thiệt hại cho toàn bộ Tây Bán Cầu. 

3. Phía Tây dãy Andes, phái bộ Nhật Bản ở Santiago (được dẫn đầu bởi Yamagata Kiyoshi), trong bối cảnh lịch sử năm 1942, là một liên kết quan trọng trong dịch vụ thông tin bí mật toàn cầu của Nhật Bản, cơ quan này hỗ trợ các lợi ích của Nhật Bản trên phần còn lại của lục địa Mỹ. Mặt khác, lập trường chính trị của Chile trong cuộc chiến bị ảnh hưởng bởi các chiến lược toàn cầu của Nhật Bản.

4. Phần lớn chủ nghĩa đế quốc Nhật được đóng khung ở Đông Á và Tây Thái Bình Dương, bỏ qua việc triển khai xuyên Thái Bình Dương theo hướng Bắc – Nam. Thực tế các nghiên cứu cho thấy 2 nước Chile và Argentina không liên quan đến lợi ích của Phe Trục, do đó nó bình yên vô sự trong cuộc chiến toàn cầu.

5) Các hoạt động tình báo của Nhật Bản ở lục địa Mỹ được tổ chức kém, được lập kế hoạch bởi các quân đoàn Nhật tại mỗi quốc gia, phụ thuộc mạnh vào các mạng lưới hậu thuẫn và lãnh đạo của Đức. Các tài liệu viết bằng tiếng Tây Ban Nha tại thời điểm đó đã mô tả về một hệ thống bán cầu do Mỹ lãnh đạo. 

Đối với các hoạt động tình báo của Nhật Bản ở Nam Nón (khu vực cực Nam của Nam Mỹ) được tiết lộ bởi Bản tóm tắt MAGIC (MAGIC là tên mã cho các hoạt động đánh chặn liên lạc toàn cầu của Hải quân và lục quân Mỹ được Bộ Ngoại giao Nhật Bản thu thập bắt đầu từ đầu thập niên 1940).

Tình báo phát xít Nhật ở Chile trong Thế chiến II -0
Hội nghị các bộ trưởng ngoại giao được tổ chức ở Rio de Janeiro (gọi tắt Rio Protocol) vào ngày 29 tháng Giêng năm 1942. Ảnh nguồn: Wikipedia .

Nhật ngầm mở rộng quân sự ở Nam Mỹ 

Vào những tháng trước sự kiện Trân Châu Cảng, người Nhật đã tăng cường hiện diện tại Nam Mỹ, huy động các nguồn lực khổng lồ nhằm thách thức quyền bá chủ của Mỹ ở lục địa này. Hơn thế nữa Nhật Bản đã giữ vai trò hàng đầu trong Phe Trục ở Nam Mỹ khi cung cấp ngân sách và điều phối các chiến lược nhằm đảm bảo duy trì lập trường trung lập của Chile trong Thế chiến II.

Suốt thập niên 1930, Nhật đã tăng cường hiện diện kinh tế và ngoại giao ở Chile, đến năm 1940, Nhật Bản chiếm 5% ngoại thương của Chile, tức cao hơn việc người Chile buôn bán với 2 nước Argentina và Brazil gộp lại. Đế quốc Nhật Bản đã tăng cường các quân đoàn ngoại giao của mình tại Mỹ Latin trong suốt các thập niên đầu tiên của thế kỷ 20. Nhà ngoại giao Hayashiya Eikichi cho biết Nhật Bản đã mở văn phòng ở Mexico (năm 1891), Brazil (năm 1897), Chile (năm 1902), Peru (năm 1909) và Argentina (năm 1918); các văn phòng ngoại giao Nhật ở Chile nằm ở những địa điểm chiến lược ở Santiago. 

Trong những năm trước đại chiến, Takenaka Tokeshi (nhân viên của hãng Mitsubishi làm việc ở thành phố cảng Valparaiso) đã tiến hành thu thập tình báo có giá trị cho quân đoàn Nhật Bản, cũng như giả cách làm nhà môi giới chi tiền cho thủy thủ Mỹ nhằm moi thông tin từ hải quân Mỹ. Trong bối cảnh gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Nhật Bản trước sự kiện Trân Châu Cảng, một số quan chức ngoại giao Chile đã lo ngại ảnh hưởng của phái bộ Nhật ở Chile.

Từ California, cố vấn Chile, Miguel Padilla, đã cảnh báo cho Ngoại trưởng Chile về các hoạt động gián điệp Nhật ở Nam Mỹ. Đối với ông Padilla: người Nhật đang nung nấu ý đồ mở rộng quân sự. Ông Labra Carvajal (Bộ trưởng Chile tại Tokyo) đặc biệt lưu ý tới số lượng thị thực ngoại giao được cấp bởi cơ quan ông trong năm 1941. Ngay cả đại sứ Mỹ, Claude Bowers, cũng lo lắng về ảnh hưởng đang lên của người Nhật ở Chile và cảnh báo Tổng thống Roosevelt hết sức để ý nó. Tuy nhiên những cảnh báo của 2 ông Miguel Padilla và Labra Carvajal đã rơi vào hư không.

Hoạt động tình báo của Nhật ở Chile

Để đảm bảo duy trì sự trung lập của Chile cũng như tránh việc bị trục xuất, Nhật đã tăng cường thu thập tình báo và xây dựng mạng lưới những người Chile cung cấp tin tức. Nhà ngoại giao lão làng Yamagata Kiyoshi đã duy trì hoạt động thu thập tình báo chuyên sâu, đảm bảo sự ủng hộ của các nhà lập chính sách chủ chốt của Chile đối với sự nghiệp của Nhật Bản. Nhật dường như là thành viên Phe Trục tích cực nhất ở Nam Nón.

Về việc này, Thượng tướng Mỹ, Carter W. Clarke đã chỉ rõ: 1) Người Nhật đang đảm nhận vai trò lãnh đạo của phe Trục trong việc khởi xướng và xây dựng các chính sách chung; 2) Tương tác trực tiếp của Yamagata Kiyoshi với Tổng thống và Ngoại trưởng Chile liên quan đến vấn đề trung lập của nước này; 3) Trong một số trường hợp, các dân biểu và quan chức Chile đã nhận lương hàng tháng của người Nhật; 4) Hoạt động gián điệp do các cá nhân Nhật hoặc người Chile làm tay sai cho Nhật.

Tổng thống Juan Antonio Ríos đã đứng về phía điệp viên Yamagata Kiyoshi. Các nguồn tin tình báo chỉ ra rằng việc Ríos ngả về phía Nhật cho thấy sự chênh lệch sức mạnh giữa 2 nước: Chile có bờ biển dài và gần như không có khả năng phòng thủ, trong khi Nhật là một cường quốc hải quân hùng hậu, có khả năng tấn công vào Đông Nam Thái Bình Dương (như Bộ Ngoại giao Nhật đã vài lần khẳng định). Tổng thống Ríos cho rằng mình có cá tính mạnh mẽ và ngay cả Tổng thống Mỹ cũng không thể ép ông từ bỏ sự trung lập của Chile.

Yamagata Kiyoshi đã thiết lập một mạng lưới chỉ điểm và ủng hộ với các cấp độ khác nhau, bao gồm vài nhân vật chính trị trong những tháng đầu tiên. Những nỗ lực trung lập của Yamagata còn đi xa đến mức đã thành lập một phong trào chính trị gọi là “Những người ủng hộ hòa bình và trung lập” gồm các viên chức hưu trí và những thành phần khác. Đế quốc Nhật Bản cũng chi tiền mua chuộc những chính trị gia ảnh hưởng nhất ở Chile khi đó, đáng chú ý là thượng nghị sỹ Maximiliano Errázuriz Valdés (đảng Bảo thủ) và Florencio Durán Bernales (đảng Cấp tiến).

Yamagata đã bí mật chuyển khoảng 1 triệu peso (tương đương 32.000 USD tại thời điểm đó) cho Florencio Durán nhằm giành quyền kiểm soát tờ báo La Nación. Dù âm mưu này bị thất bại, nhưng Durán vẫn tiếp tục nhận “đút lót” từ Yamagata để tiếp tục các hoạt động lén lút của người Nhật. Là chủ tịch Thượng viện Chile và thân cận với Tổng thống Ríos (cũng là một thành viên của Đảng cấp tiến), Durán nhiều lần thuyết phục ông Ríos tiếp tục giữ tình trạng trung lập với Phe Trục, hoặc nếu cắt đứt quan hệ sẽ khiến thanh danh ngài Tổng thống bị mất. 

Tình báo Mỹ cũng báo cáo thông tin kinh tế của tình báo Nhật. Sau sự kiện Trân Châu Cảng, dòng tài chính từ Nhật chuyển sang các phái bộ ngoại giao ở Nam Mỹ đã sụt giảm, nhưng các phái bộ này vẫn duy trì hoạt động của họ thông qua các quỹ dự phòng ở nhiều dạng tiền tệ khác nhau được giữ trong các nhà băng. Khi một số cơ quan phái bộ Nhật bị đóng cửa do các nước chủ nhà cắt đứt quan hệ ngoại giao thì các nhà ngoại giao cùng quỹ của họ cũng chuyển đến những địa điểm mới.

Khi nhận được mật tin rằng tài sản của Phe Trục sẽ bị đóng băng ở Nam Mỹ trước khi Hội nghị các ngân hàng trung ương Mỹ (Hội nghị tài chính Liên Mỹ) ra quyết định cuối cùng, Yamagata liền nhanh chân tiếp cận Ủy ban kiểm soát hối đoái Chile (CECC), một nhân tố khá thân thiện với người Nhật, và đã giữ lại một lượng lớn quỹ. Yamagata có quyền tiếp cận vào các cuốn sách mã của Chile, vì vậy có thể thường xuyên nắm được các bản tóm tắt liên lạc giữa Văn phòng ngoại giao Chile cùng các nhà ngoại giao của họ trên khắp thế giới.

Tình hình năm 1942 cho thấy đế quốc Nhật dường như có những dấu hiệu suy yếu trên chiến trường, được xác nhận bởi chiến thắng của quân Đồng Minh trong trận Biển san hô (tháng 5 năm 1942), trận Midway (tháng 6 năm 1942) hoặc chiến dịch Guadalcanal (từ tháng 8 năm 1942 đến đầu năm 1943). Thứ trưởng Mỹ, Sumner Welles, từng có một bài phát biểu tố cáo Chile cho phép tình báo Phe Trục (ám chỉ tình báo Đức) hoạt động trong nước, và đổ lỗi cho quốc gia Nam Mỹ vào việc đánh chìm tàu của quân Đồng Minh. Người Mỹ cung cấp bằng chứng về một hoạt động vô tuyến bí mật giữa Chile-Đức vào ngày 30 tháng 6 năm 1942, nhưng nó không được Bộ Ngoại giao Chile để tâm.

Tình báo phát xít Nhật ở Chile trong Thế chiến II -0
Thượng tướng Mỹ, Carter W. Clarke. Ảnh nguồn: Warfare History Network .

Tuyển người Chile hoạt động gián điệp

Yamagata nhận mật lệnh của cấp trên giao phó thu thập tình báo về lĩnh vực khai mỏ của Chile. Chẳng hạn như Yamagata được yêu cầu cung cấp bản phác thảo các nhà máy điện đặt ở Tocopilla, Chanaral và San Antonio (gồm cả việc đo khoảng cách từ các nhà máy đến biển, số lượng các nhân viên). Yamagata cũng được yêu cầu thông tin về hải cảng ở Antofagasta, Iquique và Arica (phía Bắc Chile), bao gồm một báo cáo về các căn cứ không quân ven biển cùng số lượng xấp xỉ các máy bay. 

Việc qua lại biên giới Chile và Argentina cũng trở nên thường xuyên hơn đối với quân đoàn Nhật Bản ở Santiago. Vì không có quân đoàn chính thức ở các lục địa, nên Nhật Bản dựa chủ yếu vào 2 phái bộ ngoại giao ở Chile và Argentina để thu thập tình báo. Yamagata chiêu mộ các điệp viên Chile để thu thập tình báo ở Brazil và Mỹ. Tình báo Mỹ đã nắm thông tin về một điệp viên Chile do Yamagata trả tiền, người này có tên mã là G.A (tên thật là Luis Garretón, một nhà xuất bản báo chí người Chile, được Yamagata phái đi Mỹ để hoạt động tình báo). Tin tức về nhân vật này không tìm thấy trong các kho lưu trữ Mỹ.

Rafael Moreno Echevarría (tên mã M.O),  một thành viên của Hạ viện Chile được Yamagata trả tiền để hoạt động gián điệp ở Brazil. Moreno Echevarría báo cáo cho Yamagata về thực lực quân đội Mỹ ở Brazil. Sau đó chính quyền Tokyo yêu cầu Moreno Echevarría đến Mỹ để thu thập tình báo về hoạt động đóng tàu, bao gồm số lượng các bến tàu, tàu, nhân sự, giờ làm việc và điều kiện lao động nói chung. Yamaga trả 5.000 peso cho dịch vụ này.

Để lọt vào Mỹ, Moreno Echevarria giả cách là thành viên nghiên cứu của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cũng như xin được thư giới thiệu của Đại sứ Mỹ ở Chile, Claude Bowers. Nhưng lần này các quan chức tình báo Mỹ đã phát giác và giám sát Moreno Echevarria khi vừa đến Panama. Dường như Yamagata cũng mất luôn liên lạc với ông ta.

Trong những ngày cuối cùng của phái bộ ngoại giao Nhật ở Chile, người Nhật quyết định chi thêm 5.000 peso để thuê Enrique Gallardo (nguyên Bộ trưởng Chile ở Paraguay, sau đó là Bộ trưởng Chile ở Trung Quốc và Nhật Bản) do thám tình hình Mỹ. Trước sự ủng hộ của dư luận đối với Mỹ, tháng Giêng năm 1943, cuối cùng Chile cũng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Phe trục, Santiago hết đất cho tình báo Nhật Bản hoạt động.

Phan Bình (Tổng hợp)
.
.