Học thuyết và chiến lược phản gián của Al-Qaeda

Thứ Sáu, 13/05/2022, 10:15

Những nguy cơ luôn hiện hữu trong môi trường hoạt động của Al-Qaeda là động lực thúc đẩy sự gắn kết chặt chẽ của tổ chức này đối với các nguyên tắc phản gián. Nguyên tắc đơn giản nhưng hiệu quả là: chỉ hành động khi biết chắc sẽ bảo đảm an toàn.

Nói cách khác, các biện pháp phòng vệ phải luôn đi trước hành vi khủng bố để đảm bảo rằng các kế hoạch có thể được thực hiện an toàn. Bí mật và bất ngờ được xem là những tài sản quan trọng nếu nhóm khủng bố muốn có được thành công trong một cuộc chiến bất cân xứng về quyền lực.

Đặc thù trong các hoạt động của al-Qaeda

Nỗ lực toàn cầu để chống lại Al-Qaeda là chưa từng có về quy mô, sự phân bổ nguồn lực và mức độ hợp tác quốc tế. Các chiến dịch khủng bố quy mô của chúng luôn đòi hỏi một quá trình chuẩn bị hậu cần phức tạp với sự tham gia trực tiếp của một số lượng lớn thành viên, vì thế khả năng nhận thấy các dấu hiệu của một hoạt động khủng bố sắp xảy ra của Al-Qaeda lớn hơn nhiều so với những nhóm khủng bố khác. Ngoài ra, Al-Qaeda thường phải tiến hành hoạt động trong những môi trường đặc biệt thù địch, xa cách với các hậu cứ, nơi nó nắm quyền kiểm soát mạnh mẽ hoặc có được sự tôn trọng và cảm thông của phần lớn lớn dân chúng.

Những sai sót nhỏ trong việc bảo mật có thể gây ra những hậu quả thảm khốc cho tổ chức, tạo ra những đổ vỡ mang tính dây chuyền. Việc bắt giữ một đặc vụ Al-Qaeda ở một quốc gia này thường dẫn đến việc bắt giữ các đặc vụ và phá vỡ các nhóm khủng bố ở những quốc gia khác trên thế giới. Ví dụ, vụ bắt giữ Qari Saifullah Akhtar ở Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất vào tháng 8-2004 đã dẫn đến nhiều cuộc đột kích khác nhau ở Anh, và sau đó đã phát hiện ra tài liệu giám sát của Al-Qaeda đối với các mục tiêu ở Mỹ.

Tương tự, vụ bắt giữ Ahmed Khalfan Ghailani và Mohammed Naeem Noor Khan ở Pakistan cùng thời điểm dẫn đến việc bắt giữ hàng chục nghi phạm ở Anh và thông tin tình báo dẫn đến cảnh báo khủng bố ở Mỹ. Do đó, Al-Qaeda hiểu rất rõ bản chất không khoan nhượng của hoạt động khủng bố và khả năng gây ra hậu quả nghiêm trọng từ một sơ suất nhỏ về an ninh.

Học thuyết và chiến lược phản gián của Al-Qaeda -0
Hiện trường tòa Đại sứ Mỹ tại Nairobi bị al-Qaeda đánh bom ngày 7-8-1998.

Học thuyết phản gián của Al-Qaeda

Bằng cách cung cấp hiểu biết chi tiết và toàn diện nhất về môi trường hoạt động cũng như bản chất của các mối đe dọa có thể gặp phải, học thuyết phản gián mà Al-Qaeda đã xây dựng có mục đích nhằm giảm thiểu các tình huống mà một chiến dịch không được chuẩn bị tốt hoặc thiếu an toàn.

Chú ý đến chi tiết

Trong cách tiếp cận phản gián,  Al-Qaeda thừa nhận rằng hầu hết mọi hành động mà các thành viên của tổ chức này thực hiện đều ẩn chứa một số rủi ro. Mỗi cuộc điện thoại, cuộc họp, mọi cố gắng lấy tài liệu và tương tác với các cá nhân bên ngoài nhóm đều chứa đầy nguy hiểm. Do đó, để ý đến từng chi tiết đã trở thành một trong những dấu hiệu nổi bật trong chiến lược phản gián của al-Qaeda. Bản hướng dẫn bảo mật từng chi tiết, được Al-Qaeda thiết kế để hướng dẫn kỹ lưỡng các đặc vụ thông qua một loạt các tình huống, đảm bảo phản ứng có phương pháp và được tạo dựng như một phản xạ có điều kiện.

Các đặc vụ cũng được cung cấp lời khuyên về hầu hết mọi hình thức hoặc hành vi có thể thu hút sự chú ý không mong muốn. Ví dụ như các hướng dẫn tỷ mỷ về loại đồ lót nên mặc, loại đồng hồ đeo tay và loại chất chống mồ hôi nên sử dụng. Triết lý hoạt động của Al-Qaeda là nếu thiết lập được một chế độ phản gián mạnh mẽ và tỉ mỉ ngay từ khi bắt đầu và trong suốt chiến dịch, nó sẽ tạo ra một chiếc áo choàng bảo vệ khó có thể xâm nhập.

Học thuyết và chiến lược phản gián của Al-Qaeda -0
Chiến hạm "USS Cole"  của Mỹ sau khi bị al-Qaeda tấn công khủng bố vào ngày 12-10-2000.

Hiểu rõ và học hỏi kẻ thù

Học thuyết phản gián của Al-Qaeda đã mở rộng từ câu châm ngôn ''hãy hiểu kẻ thù của mình'' thành ''hãy học hỏi kẻ thù của mình''. Mô hình phản gián của Al-Qaeda quy định rằng việc nghiên cứu chi tiết về kẻ thù, bao gồm cả các phương pháp, chiến thuật của kẻ thù, là rất quan trọng đối với sự phát triển và đảm bảo an toàn cho các thành viên. Ví dụ, một diễn đàn Hồi giáo đã đăng một loạt các bức thư của một nghi phạm khủng bố đã trốn thoát khỏi nhà tù của Mỹ ở Afghanistan vào năm 2005.

Những lá thư này mô tả rất chi tiết các phương pháp bắt giữ và thẩm vấn của Mỹ, cùng với những loại thông tin mà những người thẩm vấn đang tìm kiếm. Nó cũng đề xuất các phương pháp đối đáp để đối mặt với những kỹ thuật thẩm vấn này. Năm 2006 trên một số diễn đàn Hồi giáo trên mạng Internet đã xuất hiện một tài liệu dài 150 trang, một công trình nghiên cứu kỹ lưỡng đã phân tích sâu sắc các điểm mạnh cũng như các lỗ hổng của Cộng đồng Tình báo Mỹ và khẳng định rằng tình báo Mỹ không phải là một lực lượng toàn năng và không thể bị đánh bại.

Chiến lược tình báo của AL-Qaeda

Lừa dối

Al-Qaeda đã tiếp thu và tìm cách truyền đạt cho các thành viên của mình một mức độ hiểu biết về phương Tây hoàn hảo đến mức gần như một sự “đồng cảm”. Trong nỗ lực cải tiến kỹ năng phản gián để giúp cho các đặc nhiệm của mình vượt qua những rào cản để thâm nhập sâu vào trong lòng các xã hội phương Tây, Al-Qaeda đã tạo dựng một cái nhìn sâu sắc về những gì nó coi là tư duy của phương Tây,  những hiểu biết cho phép nó khai thác các lỗ hổng thậm chí thao túng những nhận thức của Phương Tây về thực tế.

Trên máy tính của Ayman al-Zawahiri, thủ lĩnh hiện nay của Al-Qaeda, người ta tìm thấy các hướng dẫn dành cho các thành viên của tổ chức như: tránh những nơi mà người Hồi giáo thường lui tới, bao gồm cả nhà thờ Hồi giáo và các hội chợ Hồi giáo, trong hành lý nên đóng gói nước hoa và gói thuốc lá, cạo râu sạch sẽ (những thứ bị cấm trong Đạo Hồi) để chuyển hướng nghi ngờ của hải quan và an ninh sân bay…

Các phương pháp lừa dối này dựa trên nguyên tắc Taqiyya của Hồi giáo. Nguyên tắc này ủng hộ việc che giấu (mà không từ bỏ) niềm tin tôn giáo của một chiến binh thánh chiến thông qua sự lừa dối và dối trá để đạt được mục đích chiến thuật phục vụ tổ chức. Al-Qaeda đã tìm thấy ở Taqiyya một công cụ phản gián cho phép nó loại bỏ những khía cạnh đậm sắc thái Hồi giáo có thể gây nguy hiểm cho các hoạt động của nó hoặc của các đặc vụ của nó.

Học thuyết và chiến lược phản gián của Al-Qaeda -0
Hai tòa tháp của Trung tâm Thương mại Thế giới đang bốc cháy sau khi bị khủng bố  ngày 11-9-2001.

Bí mật danh tính

Al-Qaeda, giống như các tổ chức khủng bố khác, phải tham gia vào các hành vi hỗ trợ một loạt các mục tiêu như: gây quỹ, tuyên truyền, tuyển dụng và đào tạo. Nhưng các hoạt động này nếu không được che giấu tốt sẽ có khả năng làm lộ danh tính các thành viên, phương thức hoạt động, địa điểm và nguồn tài sản.

Quan trọng hơn, chúng cũng có thể cung cấp cho đối phương những chỉ báo đáng tin cậy về một chiến dịch sắp xảy ra. Vì thế, ngoài việc lừa dối, hoạt động phản gián của Al-Qaeda được thiết kế để ngăn chặn các chỉ số này bị tiết lộ bằng cách tạo ra một hàng rào che giấu hoặc ngụy trang các hoạt động của nó.

Là một tổ chức bí mật, nghĩa vụ cơ bản nhất của Al-Qaeda là phải che giấu danh tính của các thành viên và những người ủng hộ tổ chức này, từ đó cung cấp một nền tảng vững chắc để xây dựng các biện pháp an ninh trong tương lai của tổ chức này.

Do đó, kể từ thời điểm những tân binh Al-Qaeda bước vào các trại huấn luyện, cho đến khi họ tham gia vào các hoạt động thực tế, ưu tiên cao nhất là phải che giấu danh tính của họ thông qua việc sử dụng các biện pháp phản gián. Trong suốt thời gian huấn luyện cũng như tham gia hoạt động thực địa, các học viên sẽ chỉ biết nhau thông qua việc sử dụng bí danh; tên thật sẽ không bao giờ được sử dụng.

Học thuyết và chiến lược phản gián của Al-Qaeda -0
Ngày 11-3-2004, một loạt vụ nổ trên các chuyến tàu ở ngoại ô Madrit đã giết chết 173 người và làm bị thương 600 người khác. Al-Qaeda đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ này .

An toàn thông tin liên lạc

Đảm bảo bí mật thông tin liên lạc là một ưu tiên chính trong hoạt động của Al-Qaeda. Bản chất toàn cầu của các hoạt động của tổ chức khủng bố này đòi hỏi phải giao tiếp thường xuyên từ những khoảng cách xa với một tần suất lớn. Nhưng Al-Qaeda cũng ý thức rõ về những hiểm nguy trong lĩnh vực này.

Việc sử dụng rộng rãi các mật mã trong liên lạc của Al-Qaeda đã trở thành một phương thức hoạt động tiêu chuẩn của các chiến binh thánh chiến. Ngoài việc che giấu đặc điểm của các hoạt động thánh chiến, các thông điệp được mã hóa còn khiến các cơ quan thực thi pháp luật gặp khó khăn trong việc truy tố những kẻ bị bắt và buộc tội chúng về các âm mưu hành động khủng bố bởi tính mơ hồ về ý nghĩa trong các thông điệp đã mã hóa của những kẻ tội phạm này khó có thể được chọn làm chứng cứ buộc tội chúng.

Tạo vỏ bọc hoàn hảo

Yếu tố quan trọng trong giao thức phản gián của Al-Qaeda là tránh bị nghi ngờ bằng cách hành động thiếu lịch sự ở nơi công cộng và tránh các hành vi điển hình thường được ghi nhận trong hồ sơ chống khủng bố. Việc xây dựng vỏ bọc đáng tin cậy và thuyết phục sẽ cho phép các đặc vụ của Al-Qaeda hoạt động trong những môi trường thù địch một cách an toàn và tự tin.

Ví dụ: 9/11 tên không tặc (trong vụ khủng bố ngày 11-9-2001) đã mang vỏ bọc hoàn hảo là người Mỹ trước khi tìm kiếm các trường học hàng không và học lái máy bay. Việc núp dưới danh nghĩa các cơ sở kinh doanh hay từ thiện, tạo ra các tài liệu giả để hỗ trợ cho những danh tính giả, chấp nhận các hành vi hay những đặc điểm thể chất vô hại cũng là những kỹ thuật gián điệp phổ biến mà Al-Qaeda thường xuyên sử dụng.

Tóm lại, mỗi chiến lược bí mật của Al-Qaeda đều được xây dựng dựa trên học thuyết phản gián của nó, tổ chức khủng bố này tin rằng một khi các chiến lược phản gián trên kết hợp với nhau sẽ mang lại  một khả năng phục hồi và độ an toàn ở mức độ cao cho các hoạt động của chúng. 

Dương Thắng
.
.