Iran đã lật tẩy mạng lưới gián điệp CIA như thế nào?

Thứ Sáu, 21/10/2022, 09:30

Gholamreza Hosseini bị bắt chỉ vài phút trước khi lên máy bay đi Bangkok. Chiếc máy ATM bất ngờ thông báo thẻ của anh không hợp lệ, rồi sau đó nhân viên bảo vệ sân bay xuất hiện và mời anh Hosseini đi cùng họ.

Trong khi nằm dài trong phòng chờ của sân bay, Hosseini bí mật lấy từ trong túi ra một chiếc thẻ nhớ, nhai nát nó rồi nuốt mảnh vỡ vào bụng. Những thông tin ghi trong tấm thẻ nhớ đó có thể khiến anh bị treo cổ. Nhưng Hosseini làm vậy cũng vô ích bởi những người được giao thẩm vấn anh đã biết hết tất cả mọi chuyện.

Gholamreza Hosseini chỉ là một trong số 10 cá nhân bị Cục Phản gián Iran bắt giữ vì tội làm gián điệp cho CIA. Sự kiện này khi xảy ra 12 năm trước đã gây dư luận lớn trong và ngoài Mỹ, nhưng không ai biết làm cách nào phía Iran có thể “tóm gọn” được đường dây gián điệp nhanh như vậy. Câu trả lời chỉ được tiết lộ mới đây qua một cuộc điều tra của hãng tin Reuters…

Bí mật

Dưới thời Tổng thống Barack Obama, CIA đẩy mạnh việc tuyển mộ gián điệp ở Iran ở mức độ chưa có tiền lệ. Một trong những cá nhân bị cơ quan tình báo Iran bắt giữ và vừa mới được thả nói với phóng viên Reuters: “Vào năm 2013, tôi sang Ảrập Xêút nhằm xin hộ chiếu sang Mỹ. Trong khi tôi ngồi chờ tại Đại sứ quán Mỹ ở Abu Dhabi thì có một người đàn ông lạ mặt mời tôi cà phê. Chúng tôi trò chuyện với nhau được một lúc thì anh ta hé lộ rằng mình là nhân viên CIA và hỏi tôi có muốn làm nội gián để nhận tiền không. Tôi từ chối thẳng thừng, nhưng không biết vì sao mà khi về đến Iran thì tôi bị bắt”.

Iran đã lật tẩy mạng lưới gián điệp CIA như thế nào? -0
Bất kỳ ai làm nội gián cho CIA cũng phải chấp nhận khả năng mình sẽ bị bỏ rơi.

Kể từ năm 2009 đến nay, Tehran đã bắt giữ được không ít công dân của mình có liên hệ với CIA hay các tổ chức tình báo nước ngoài khác. Việc những người này có thật sự chuyển thông tin cho CIA không còn chưa rõ ràng, nhưng theo Reuters, hai chuyên gia phân tích an ninh đã kiểm định độc lập các dữ liệu được Bộ Tư pháp Iran công bố và kết luận giống nhau rằng khó có thể phủ nhận mối quan hệ giữa những người bị bắt và CIA.

Bản thân CIA cũng thừa nhận điều này. Trong một biên bản ghi nhớ nội bộ được website Wikileaks công bố năm 2020, ông James Olson, nguyên Giám đốc Cục Phản gián trực thuộc CIA, viết: “Chúng ta đang đếm ngược đến ngày mạng lưới nội gián ở Iran bị xóa sổ hoàn toàn… Phương án hành động tốt nhất lúc này là rút đi càng nhiều nguồn lực tình báo khỏi Tehran càng tốt, rồi chờ cơ hội xây dựng lại. Mục tiêu tối quan trọng của chúng ta vẫn là thu thập thông tin về chương trình hạt nhân của Iran”.

Ông James Olson phủ nhận tính trung thực của văn bản trên và phát biểu: “Nếu chúng ta thật sự bất cẩn và để cho đối phương xâm nhập, thì đó là lỗi của chúng ta. Nếu những người đã tin tưởng chuyển giao thông tin cho chúng ta bị trừng phạt vì chuyện đó thì đó là sự phủ nhận đạo đức nghề nghiệp của chúng ta”. Không lâu sau khi đưa ra phát biểu này, ông Olson đã nộp đơn từ chức.

Iran từ trước đến nay vẫn được CIA coi là mục tiêu khó xâm nhập nhất. Kể từ cuộc khủng hoảng con tin năm 1979, Mỹ không có sự hiện diện ngoại giao nào tại Iran. Đặc vụ CIA buộc phải tuyển mộ người bản xứ để làm nội gián. Nhưng nhiều khi người trả giá lại là những nội gián. Trong số mười cá nhân có liên quan đến vụ gián điệp chương trình hạt nhân nguyên tử của Iran, có một người bị xử tử, còn lại nhận các mức án từ 5 đến 10 năm tù. Tám người đã được thả, trong đó bốn người còn ở lại ở Iran và hai người xin tị nạn tại các nước khác. Gia đình người duy nhất còn đang bị cầm tù cho biết họ không thể liên lạc với thân nhân kể từ năm 2019 đến nay.

Quay trở lại với Gholamreza Hosseini. Khó ai nghĩ rằng một kỹ sư, doanh nhân thành công như Hosseini lại chọn làm gián điệp. Công ty do Hosseini sở hữu có uy tín trong ngành năng lượng Iran với các giải pháp tiết kiệm điện năng. Theo lời người cựu tù, mọi chuyện bắt đầu sau khi ông Mahmoud Ahmadinejad lên nắm quyền vào năm 2005: “Chính phủ đề ra chính sách khuyến khích lực lượng vệ binh cách mạng Iran thành lập doanh nghiệp. Những công ty này có quan hệ nên chiếm hết các hợp đồng nhà nước. Công ty tư nhân như của tôi chỉ có thể hi vọng làm nhà thầu phụ cho họ với mức giá rẻ mạt. Lúc đó tôi có cảm giác như mình bị cướp vậy”.

Sự bất mãn của Hosseini lớn dần đến một ngày anh mở website của CIA và viết những dòng sau cho họ: “Tôi là một kỹ sư từng làm việc tại lò phản ứng hạt nhân ở Natanz, và tôi muốn cung cấp thông tin cho các ông”. Cơ sở hạt nhân Natanz (318 km về phía Nam Tehran) từ lâu đã bị Mỹ cáo buộc là nơi Iran làm giàu uranium để phục vụ cho việc phát triển vũ khí hạt nhân.

Hosseini nhận được thư trả lời từ phía CIA hơn một tháng sau đó. Anh đáp máy bay đi Dubai. Kỹ sư gặp hai người trung gian của mình tại chợ xanh Souk Madinat Jumeirah. Một người là phụ nữ cầm theo quyển sách đen, còn người kia là đàn ông làm phiên dịch tiếng Ba Tư. Để “lấy lòng” đặc vụ CIA, Hosseini cho cô ấy xem tấm bản đồ chi tiết về hệ thống điện tại Natanz. Dựa vào tấm bản đồ và các số liệu khác do Hosseini cung cấp, CIA có thể ước tính xem ở Natanz có bao nhiêu lò phản ứng ly tâm hiện đang hoạt động.

Chỉ vài tháng trước cuộc gặp gỡ giữa Hosseini và CIA, Mỹ và Israel đã mở một cuộc tấn công mạng vào Natanz. Virus Stuxnet do Mỹ phát triển đã được gián điệp Israel cài vào hệ thống máy tính tại Natanz. Sau đó virus sẽ tự ý thay đổi tốc độ quay của máy ly tâm để máy tự rơi vào trạng thái hỏng hóc. IAEA ước tính có khoảng 1.000 máy ly tâm (chiếm 10%) ở Natanz đã bị hỏng. Với thông tin do Gholamreza Hosseini, Mỹ và Israel có thể tổ chức một cuộc tấn công còn nghiêm trọng hơn thế.

Sau khi Gholamreza Hosseini trở thành nội gián, CIA yêu cầu anh mở rộng tầm hoạt động của mình: “Họ ra lệnh cho tôi thu thập thông tin về mạng lưới điện quốc gia nhằm tìm những điểm yếu mà chỉ cần trúng tên lửa sẽ khiến Iran mất điện trên diện rộng. Tôi thu thập được gì đều cho vào thể nhớ đem sang Thái Lan và Malaysia. Ở đó tôi gặp một điệp viên đi cùng vài ba chuyên gia kỹ thuật. Mỗi cuộc gặp tại khách sạn của chúng tôi có thể kéo dài hai, ba ngày”.

Iran đã lật tẩy mạng lưới gián điệp CIA như thế nào? -0
Nguyên Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad thăm cơ sở làm giàu uranium của Iran.

Sai lầm sơ đẳng

Để tiện cho việc liên lạc với các nội gián Iran, CIA lập một trang web. Bề ngoài thì đây chỉ là một website tin tức thể thao, nhưng Hosseini chỉ cần đánh mật khẩu vào thanh tìm kiếm thì sẽ mở được một hòm thư điện tử bí mật. Đây chính là điểm yếu đã khiến Hosseini và các gián điệp khác bị sa lưới.

Tiến sỹ Bill Marczak tại trường Đại học Toronto (Canada) giải thích: “CIA đã lập nên hàng trăm website kiểu này. Chúng đều có một yếu điểm chung là bất kỳ ai cũng có thể nhấn chuột phải, chọn chức năng “Inspect” để xem những đoạn code lập trình của trang web. Chỉ cần làm vậy là bạn biết được CIA giấu những gì đằng sau lớp “vỏ ngoài” của trang web”.

Theo một chuyên gia an ninh mạng khác là ông Zach Edwards tại tổ chức nghiên cứu Victory Medium, mỗi website được phân cho một điệp viên nhất định để tránh tăng lưu lượng người xem quá mức: “Tôi đã phát hiện được 350 website sử dụng chung phần mềm hòm thư điện tử bí mật. Nội dung của các trang web này thật là “trên trời dưới biển”, từ làm đẹp đến phim ảnh đều có. Tên miền của các website trên được một số công ty bình phong mua từng chục một từ nhà cung cấp máy chủ, nên chúng có địa chỉ IP liên hoàn với nhau. Bất kỳ ai có kiến thức về an ninh mạng chỉ cần liếc nhìn chúng là đã thấy khả nghi”.

CIA đã phạm phải một sai lầm sơ đẳng về bảo mật thông tin mạng. CIA chỉ kịp nhận ra lỗ hổng an ninh vào năm 2013, khi hàng loạt nội gián của họ bị bắt giữ hoặc mất tích.

Paul Pillar, cựu chuyên gia về Trung Đông của CIA, hé lộ: “CIA “cân đo đong đếm” sự hữu dụng của từng đặc vụ. Những người quan trọng nhất sẽ được cấp các thiết bị liên lạc bí mật được chuyên gia CIA chế tạo bằng tay ở Langley. Trong trường hợp bất kỳ ai trong số này bị bắt giữ hay thiệt mạng, CIA sẽ tìm bằng được thân nhân của họ để bồi thường hàng triệu USD cùng một tấm huân chương bằng bạc”.

“Trái với những người đó là các cá nhân mà chúng tôi gọi là “chim mồi”. Họ là người địa phương được CIA tuyển mộ. Họ liên lạc với đầu mối của mình qua các trang web hay thậm chí là gặp mặt trực tiếp. Họ không có mức lương tiêu chuẩn, và nếu bị bắt thì sẽ bị CIA “bỏ rơi”. Điều duy nhất họ có thể hy vọng là sống được đến ngày thoát khỏi nhà tù”.

Những cựu nội gián Iran được Reuters phỏng vấn đều công nhận những lời của Paul Pillar. Một người đang tị nạn tại Thuỵ Sỹ hé lộ: “Đặc vụ CIA có đưa cho tôi hai số điện thoại nói là trong trường hợp khẩn cấp thì hãy gọi để nhận được sự trợ giúp. Đến lúc tôi được ra tù thì đã quên mất hẳn hai số điện thoại này rồi… Một cách khác để liên lạc với CIA là đi vào đại sứ quán Mỹ và yêu cầu gặp chuyên gia phụ trách an ninh khu vực. Tôi đã từng nhiều lần định làm như vậy nhưng lại thôi do lúc nào tôi cũng sợ có đặc vụ Iran bám theo mình”.

Iran đã lật tẩy mạng lưới gián điệp CIA như thế nào? -0
Gholamreza Hosseini trước khi bị bắt.

Đánh mất cuộc đời

Các nội gián bị bắt chịu án tại nhà tù Evin ở Tehran. Họ sống cùng phòng giam với những tù nhân chính trị được Tehran xếp vào hàng nguy hiểm bậc nhất. Các tổ chức nhân quyền quốc tế từ lâu đã cáo buộc quản giáo ở Evin thường xuyên tra tấn và xử bắn tù nhân trong bí mật. Riêng với Hosseini, anh cho biết mình không ít lần bị đánh đập, chích điện và nhốt trong phòng biệt giam.

Hosseini ra tù thì mất hết nhà cửa, công ty và bạn bè. Từng có một số công ty nhận thuê Hosseini, nhưng họ đều đuổi anh chỉ sau vài ngày vì sợ bị “sờ gáy”. Hiện gia đình Hosseini đang sống dựa vào số tiền 250 USD mà anh kiếm được mỗi tháng từ việc làm thuê. Cũng như gia đình các nội gián khác, họ mong sẽ được CIA giúp đỡ để xây dựng cuộc sống mới ở Mỹ hay một đất nước khác.

Hy vọng trên ít có khả năng thành hiện thực. Một chuyên gia tình báo giấu tên nhận xét: “CIA chẳng được lợi gì khi tìm cách liên lạc với các đầu mối từng bị bắt. Nếu không sợ gặp phải điệp viên hai mang thì cũng sợ nội gián đang bị cơ quan phản gián Iran theo dõi… Những người bị bắt nên biết ơn vì họ sống sót đến khi được thả ra. Cách tốt nhất để giữ họ và gia đình họ an toàn là quên CIA đi”.

Lê Công Vũ  (Tổng hợp)
.
.