Karl Donitz - Quốc trưởng cuối cùng của đế chế thứ ba

Thứ Sáu, 29/09/2023, 08:55

Ngày 30/4/1945, Adolf Hitler và vợ là Eva Braun đã tự sát tại căn hộ của mình. Trước khi chết, Hitler ban hành một số mệnh lệnh. Y khai trừ thống chế Hermann Goering khỏi đảng và tước bỏ mọi quyền hành của y.

Hitler đã bổ nhiệm đại đô đốc Karl Donitz làm Tổng thống và Tổng tư lệnh tối cao, tức là người kế nhiệm thực sự của mình. Tuy nhiên, Karl Donitz giữ chức quốc trưởng chưa đầy một tháng. Ngày 23/5/1945, y bị bắt và mùa thu năm 1946, ra trình diện trước Tòa án Quân sự Quốc tế ở Nuremberg.

Sĩ quan chỉ huy tàu ngầm

Karl Donitz  sinh ngày 16/9/1891 tại thị trấn Grunau, ngoại ô Berlin trong gia đình kỹ sư quang học Emil Donitz. Bố của đô đốc tương lai đã trang bị cho các con một nền học vấn tốt. Năm 1910, Donitz vào học trường hải quân ở Kiel. Theo nhận xét của các bạn cùng lớp, học viên Donitz là một thanh niên chăm chỉ, mặc dù ít cởi mở.

Anh_1-1695941779606.jpg
Đại đô đốc Karl Donitz

Năm 1912, Karl Donitz làm sĩ quan canh gác trên tàu tuần dương hạng nhẹ “Breslau”, và một năm sau, y được thăng cấp bậc trung úy. Tàu tuần dương “Breslau” hoạt động ở Địa Trung Hải vào đầu Thế chiến thứ nhất. Cùng với tàu chiến -tuần dương “Goeben”, nó đã vượt qua eo biển Dardanellia trước mũi quân Anh và tiến vào lãnh hải Thổ Nhĩ Kỳ.

Năm 1915, tàu “Breslau” trúng phải mìn của Nga ở eo biển Bosporus. Trong khi chiếc tàu tuần dương được sửa chữa, Donitz tạm thời đổi nghề và vốn là một phi công quan trắc, y tham gia các trận đánh với quân Anh - Pháp ở Dardanellia. Mùa hè năm 1916, Donitz được triệu hồi về Đức và được cử đi đào tạo lại để trở thành sĩ quan chỉ huy tàu ngầm.

Tháng 1/1917, Donitz có mặt tại biển Adriatic, nơi y trở thành sĩ quan chỉ huy tàu ngầm UC-25. Trong chiến dịch quân sự đầu tiên của mình, Donitz đã đánh chìm một số tàu chiến của quân đồng minh. Chẳng bao lâu, y trở thành sĩ quan chỉ huy tàu ngầm lớn UB-68. Ngày 4/10/1918, Doenitz tấn công tàu hộ tống Anh gần đảo Malta. Tàu hộ tống Anh bị chìm, nhưng khi nổi lên mặt biển, tàu ngầm Đức UB-68 cũng bị các tàu khu trục đánh chìm. Donitz và thủy thủ đoàn bị bắt.

Donitz bị giam ở trại tù binh sĩ quan cách thành phố Sheffield của Anh không xa. Vào thời kỳ này, Thế chiến thứ nhất đã kết thúc và việc hồi hương tù binh bắt đầu. Để nhanh chóng được trở về quê hương, Donitz quyết định “giả vờ điên”. Suốt ngày y đùa nghịch với những chiếc ống bơ và những con chó sứ. Cuối cùng, ban quản lý trại tin rằng y thực sự bị điên. Tháng 7/1919, Donitz trở về Đức và ngay lập tức được “chữa khỏi” bệnh tâm thần. Y tái ngũ.

Theo các điều kiện của Hòa ước Versailles, nước Đức bị cấm sở hữu hạm đội tàu ngầm. Vì vậy, thời gian đầu, Donitz buộc phải chỉ huy một con tàu phóng lôi. Mùa thu năm 1924, sau khi tham gia một khóa đào tạo sĩ quan ngắn hạn, Donitz được chuyển đến bộ tham mưu của lực lượng hải quân Đức Quốc xã (Kriegsmarine) ở Berlin. Donitz tham gia xây dựng các quy định mới của hải quân. Ngoài ra, y còn bí mật phát triển chiến thuật sử dụng tàu ngầm trong các trận hải chiến sau này.

"Bố Carl"

Năm 1933, sau khi Đức Quốc xã lên cầm quyền, sự nghiệp của Donitz thăng tiến chóng mặt. Hitler ra lệnh chế tạo tàu ngầm và tuyên bố rằng từ nay trở đi nước Đức từ chối tuân thủ các điều khoản của Hòa ước Versailles. Nhờ những đóng góp trong quá trình bí mật chuẩn bị chiến tranh tàu ngầm của Đức, Donitz được phong danh hiệu "Quốc trưởng tàu ngầm".

Karl Donitz - Quốc trưởng cuối cùng của đế chế thứ ba -0
Tàu ngầm U.47 nổi tiếng của Đức Quốc xã

Donitz tích cực tham gia đào tạo cán bộ cho các con tàu ngầm đang được chế tạo. Mặc dù được quốc trưởng ủng hộ, y vẫn có kẻ thù riêng. Và trước hết là Tư lệnh lực lượng hải quân Đức Quốc xã, đại đô đốc Erich Raeder, kẻ ủng hộ "hạm đội lớn" và vận động hành lang cho việc đóng các tàu mặt nước đồ sộ trước tiên. Việc chế tạo tàu ngầm đối với Raeder chỉ là nhiệm vụ thứ yếu.

Kết quả là đến đầu Thế chiến thứ hai, Đức chỉ có 56 tàu ngầm, trong đó 22 tàu có thể tham gia các hoạt động tác chiến. Tuy nhiên, trong những ngày đầu chiến tranh, chúng đã giáng cho kẻ thù của mình, hải quân Anh, nhiều đòn chí mạng. Thành công lớn nhất thuộc về tàu ngầm U-47 dưới sự chỉ huy của trung úy Gunther Prien. Vào đêm 13 rạng sáng 14/10/1939, tàu ngầm U-47 tiến vào hải cảng Scapa Flow, căn cứ của hạm đội Anh trên quần đảo Orkney và phóng ngư lôi vào thiết giáp hạm “Royal Oak”.

Sau khi Đức Quốc xã chiếm được Na Uy và vùng phía bắc nước Pháp, các tàu ngầm Đức được tự do ra vào Đại Tây Dương. “Bầy sói” của Donitz tấn công các đoàn tàu hộ tống của Anh, tiêu diệt hàng trăm tàu buôn mỗi tháng. Nước Anh bị phong tỏa đường biển. Churchill kêu gọi Hoa Kỳ trợ giúp. Từ Paris, Donitz  chỉ huy các đội tàu ngầm của mình. Và không chỉ thế...

Donitz đích thân đến thăm từng đội tàu ngầm vừa đi chiến dịch trở về. Ngay tại bến tàu, y trao phần thưởng cho những thủy thủ râu tóc còn lấm lem dầu mỡ. Donitz ra lệnh xây các nhà điều dưỡng đặc biệt, nơi các thủy thủ “thư giãn” sau những hiểm nguy mà họ gặp phải trong các chiến dịch. Đáp lại, các thủy thủ bày tỏ lòng quý mến đối với sếp của mình và thân mật gọi y là “Bố Karl”.

Đỉnh cao quyền lực

Tuy nhiên, thành công của “bầy sói” của Donitz nhanh chóng trở thành của hiếm. Cuối năm 1941, sau khi tham chiến, Mỹ và Anh đã chấn chỉnh hệ thống tàu hộ tống và đưa vào hoạt động những chiếc tàu hộ tống mới. Nhưng điều quan trọng là ưu thế trên không của quân Đồng minh đã nhấn chìm uy lực của hạm đội tàu ngầm Đức. Tổn thất của các con tàu buôn của các nước đồng minh giảm, trong khi đó tổn thất của các tàu ngầm Đức lại tăng mạnh. Donitz rơi vào tuyệt vọng - "các chàng trai" của y (cách y gọi các chỉ huy tàu ngầm) lần lượt bỏ mạng. Bản thân y cũng mất hai người con trai, vốn là sĩ quan tàu ngầm.

Điều duy nhất khiến Donitz hài lòng là kẻ thù riêng của y, đại đô đốc Raeder, bị cách chức. Các còn tàu mặt nước cỡ lớn của y không hoạt động, suốt cả cuộc chiến chỉ buông neo ở các căn cứ hải quân, không dám ra khơi. Và Hitler đã không tha thứ cho Raeder về điều đó.

Anh_3-1695941858768.png
Đại đô đốc Erich Raeder, kẻ thù của Karl Donitz

Sau khi trở thành tổng tư lệnh của Kriegsmarine, Donitz ném tất cả các tàu ngầm còn lại của mình vào các trận chiến. Nhưng thời gian không ủng hộ y - Đức đã bị các nước đồng minh đánh bại. Trong số 820 tàu ngầm Đức đi làm nhiệm vụ chiến đấu trong chiến tranh, có 781 chiếc không trở về căn cứ, trong số 39.000 thủy thủ tàu ngầm có 32.000 người bỏ mạng trong các trận hải chiến. Không có gì ngạc nhiên khi các thủy thủ tàu ngầm gọi tàu của họ là “quan tài sắt”.

Hitler tin tưởng và đánh giá cao Donitz. Đến mùa xuân năm 1945, quốc trưởng thất vọng về các chiến hữu của mình. Ngay cả những tên Quốc xã đầu sỏ khét tiếng như Goering và Himmler cũng phản bội y. Cuối chiến tranh, ngay cả các đơn vị của lực lượng vũ trang SS cũng “tan vỡ”. Nhưng các thủy thủ của Kriegsmarine đã chiến đấu đến người cuối cùng.

Và khi xuất hiện câu hỏi về người kế nhiệm, Hitler đã không ngần ngại gọi tên Donitz. Biết mình trở thành quốc trưởng mới của Đế chế thứ ba, Donitz  viết cho Hitler: “Thưa Quốc trưởng! Tôi sẽ làm hết khả năng của mình để hỗ trợ ngài ở Berlin. Tuy nhiên, nếu số phận ban cho tôi vinh dự lãnh đạo Đế chế với tư cách là người kế nhiệm của ngài, tôi sẽ đi theo con đường này đến cùng, phấn đấu để xứng đáng với cuộc đấu tranh anh hùng của nhân dân Đức. Đại đô đốc Donitz".

Mong muốn cứu thật nhiều người Đức khỏi vùng chiếm đóng của quân đội Liên Xô, Donitz đã ra lệnh đưa tất cả các con tàu hiện có đến các cảng biển Baltic và sơ tán những người tị nạn khỏi đó. Ước tính sơ bộ, trong 8 ngày trước khi Đức ký văn kiện đầu hàng, khoảng 2 triệu người Đức đã được chuyển đến khu vực phía tây.

Tòa án Nuremberg và nhà ngục Spandau

Ngày 23/5/1945, triều đại của "quốc trưởng" Donitz kết thúc, khi y bị bắt. Donitz được giải đến Nuremberg và trình diện trước Tòa án Quân sự Quốc tế. Các công tố viên kết luận rằng tuy là người tổ chức hạm đội tàu ngầm Đức, nhưng Donitz không liên quan đến âm mưu phát động chiến tranh xâm lược. Donitz bị kết tội theo điều 2 (chống lại hòa bình) và điều 3 (tội ác chiến tranh) và bị kết án 10 năm tù.

Karl Donitz - Quốc trưởng cuối cùng của đế chế thứ ba -0
Nhà ngục khét tiếng Spandau

Donitz bị giam tại nhà ngục Spandau khét tiếng nằm ở vùng chiếm đóng của Anh ở Berlin. Nhà ngục được 120 người canh gác suốt 24/24.

Các trạm gác bên trong được bảo vệ luân phiên. Lính Anh, Mỹ, Pháp và Nga đứng gác mỗi lần một giờ từ bên ngoài nhà ngục cùng với các quân nhân ở các cổng chính, sau đó một số giờ tại các phòng giam. Cứ sau 15 phút, người cai ngục lại nhìn vào cả bảy xà lim qua lỗ nhòm trên cửa.

Các tù nhân ngồi trong xà lim chiều dài khoảng 2,5 mét và rộng khoảng 1,5 mét. Mỗi xà lim có một giường sắt, một bàn nhỏ, một ghế gỗ có lưng tựa và một bồn cầu bằng sứ. Tù nhân bị cấm nói chuyện với nhau. Khi thời tiết tốt, họ được phép đi dạo trong vườn nhà tù.

Mỗi tù nhân có mảnh đất riêng, nơi anh ta có quyền trồng rau. Người làm vườn chăm chỉ nhất là cựu đại đô đốc Karl Donitz (hay tù nhân số 2, như y được gọi trong hồ sơ nhà tù). Karl Donitz trồng rau mùi tây, cà rốt, bắp cải, cà chua và dưa chuột trên mảnh vườn của mình.

Donitz nghiêm túc cho rằng, với tư cách là người nhận mức án ngắn nhất, y sẽ chiếm “vị trí hợp pháp trong ban lãnh đạo nhà nước, vì Hitler đã chọn y làm người kế nhiệm”. Donitz không có ý định đòi quyền lãnh đạo nước Đức, nhưng khẳng định y “luôn sẵn sàng cầm lái, nếu nhân dân kêu gọi”.

Chấp hành xong bản án của mình, Karl Donitz được trả tự do vào ngày 1/10/1956. Y định cư ở thị trấn Aumyule, nhận lương hưu đô đốc và bắt đầu viết hồi ký. Tháng 5/1962, vợ y qua đời và Donitz sống những ngày còn lại một mình. Y trở thành tín đồ công giáo ngoan đạo và đến nhà thờ vào mỗi Chủ nhật. Donitz vô cùng tức giận chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức lúc bấy giờ  đã từ chối y quyền tổ chức lễ tang theo nghi thức lễ tang đô đốc.

Qua đời ngày 6/1/1981, quốc trưởng cuối cùng của Đế chế thứ ba Karl Donitz được mai táng tại thành phố Aumhle.

Trần Đình (Tổng hợp)
.
.