Kế hoạch tấn công Hawaii của hải quân Nhật Bản

Thứ Hai, 20/01/2025, 09:09

Sai lầm chiến lược lớn nhất của Nhật Bản trong Thế chiến II là lén lút tấn công vào Trân Châu Cảng cũng như không nối tiếp cuộc tấn công bằng việc phá hủy nguồn cung dầu, căn cứ tàu ngầm, xưởng đóng tàu, và ụ tàu của Hạm đội Thái Bình Dương.

Hawaii đã bị nhắm trước?

Nhiều người cho rằng Nhật Bản chưa từng có ý định xâm lược Hawaii. Quan điểm này khẳng định rằng giới lãnh đạo Nhật cảm thấy Hawaii quá khó để chiếm giữ trong mọi trường hợp, nó nằm ngoài giới hạn mong muốn của khối thịnh vương chung Đại Đông Á. Tuy nhiên, chúng ta (tác giả) biết rằng trên thực tế Hawaii đã được đưa vào Khối Đại Đông Á cả trong các tài liệu thời chiến được công bố và phân loại. Thật vậy, trong một bản đồ công bố với bài viết này cho thấy nó được vẽ vào năm 1943, cho thấy Hawaii đã được hình dung trong Khối này.

Kế hoạch tấn công Hawaii của hải quân Nhật Bản -0
Không ảnh của Nhật Bản về cuộc tấn công Trân Châu Cảng.

Ngày 9/12/1941, giám đốc tác chiến hải quân Mỹ, Harold Stark, đã cảnh báo Đô đốc Husband Kimmel (chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương) về nguy cơ xảy ra những cuộc tấn công bổ sung và sự chiếm đóng ban đầu những hòn đảo khác ngoài Oahu, bao gồm Midway Maui và Hawaii. 10 ngày sau, Bộ trưởng Hải quân Mỹ, Frank Knox, băn khoăn rằng Hawaii “không an toàn nếu bị chiếm giữ” và “không thể chắc rằng quân Nhật không dám làm”. Tiền giấy nhanh chóng được in chữ “HAWAII” khiến nó trở nên vô giá trị nếu Nhật Bản xâm lược. Tất cả những gì bảo vệ các lợi ích Mỹ ở Hawaii là 3 tàu sân bay của họ tình cờ có mặt trên biển trong cuộc tấn công. Hawaii gần như thất thủ trước cuộc xâm lược. Tuy vậy, Nhật không xâm lược Hawaii sớm như họ đã làm với Philippines và Singapore.

Nếu Nhật xâm lược thành công Hawaii thì có lẽ họ đã chiếm trọn Thái Bình Dương. Giáo sư John J. Stephan (một học giả thông thạo tiếng Nhật) đã viết về tham vọng của Nhật Bản trong việc thuộc địa hóa Hawaii trong cuốn sách “Hawaii: Dưới ánh bình minh, các kế hoạch xâm lược sau Trân Châu Cảng của Nhật Bản”. Như đã đề cập ở trên, đã từ lâu Nhật Bản coi Hawaii là một phần của Khối thịnh vượng chung Đại Đông Á (viết gọn Khối Đại Đông Á). Đầu thập niên 1870, Ngoại trưởng Nhật Bản Taneomi Soejima được cho là đã “cân nhắc tiếp quản quần đảo Hawaii”. Năm 1889, Nhật Bản chuẩn bị kế hoạch 100 năm tuyệt mật nhằm “tiếp quản các tài sản của Mỹ, Anh ở Thái Bình Dương, bao gồm Hawaii”. Nhà hoạt động người Nhật, Keishiro Inoue, đã “không ngừng thúc giục xuyên suốt thập niên 1890 rằng Nhật Bản phải cai trị Hawaii nhằm bảo vệ bản thân ở Thái Bình Dương”.

Những kế hoạch này đã được thúc đẩy bởi một lượng lớn người Nhật di cư đến Hawaii làm việc trong ngành công nghiệp mía đường. Từ cuối thập niên 1800 cho đến giữa thế kỷ 20, người Nhật trở thành cộng đồng dân cư ít người lớn nhất Hawaii: 160.000 người vào năm 1941. Tokyo cho rằng những ngoại kiều này là một dạng bành trướng lãnh thổ, nếu không muốn nói huỵch toẹt đó là tiền thân của sự chiếm đóng. Thập niên 1890, giới lãnh đạo Hawaii đã hất cẳng chế độ quân chủ trên đảo “họ chọn quan hệ lâu dài với Mỹ thông qua việc sáp nhập”. Nhật chống lại việc sáp nhập này. Bộ trưởng Nhật Bản ở Washington, ngài Toru Hoshi, đã trắng trợn nói thẳng với Ngoại trưởng John Sherman rằng “Nhật Bản không có hoặc chưa từng có những kế hoạch dựa trên sự toàn vẹn và chủ quyền của Hawaii”.

Tiên đoán của các tiểu thuyết gia

Trên thực tế, Toru Hoshi khuyến nghị đến Ngoại trưởng Nhật Bản rằng để ngăn ngừa việc sáp nhập thì “phải điều động ngay lập tức một lực lượng hải quân hùng hậu để chiếm đóng Hawaii bằng vũ lực”. Chiến hạm Naniwa của Nhật Bản đã được phái đến Honolulu nhằm ngăn chặn việc này. Khi Thượng nghị sỹ George Frisbie Hoar tuyên bố đanh thép trước quốc hội Mỹ rằng: “Nếu không sáp nhập Hawaii, nó sẽ trở thành miếng mồi của Nhật Bản, không bị xâm lược thì cũng bị dân di cư chiếm đóng. Các bên đều nhất trí rằng chúng ta phải bằng mọi giá ngăn chặn”. Việc sáp nhập năm 1898 có thể làm đảo lộn kế hoạch chiếm đóng của Nhật Bản, nhưng nó không ngăn được họ. Xuyên suốt đầu thế kỷ 20 và sau khi xảy ra Thế chiến II, việc tiếp quản Hawaii của Nhật Bản đã nổ ra không ít tranh cãi trong các tiểu thuyết, sách, trò chơi chiến tranh, cũng như trong giới quân sự Mỹ, Nhật.

Đầu năm 1907, Thượng nghị sỹ của Thịnh vượng chung Massachusetts, Henry Cabot Lodge, e sợ rằng “Nhật Bản sẽ cắm cờ ở Hawaii chỉ sau 1 đêm”. Hai cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 1909 đã tiên đoán trước kết quả đó. Tiểu thuyết “Lòng dũng cảm trong chốn vô minh” của tác giả Homer Lea cho rằng cuộc di cư của người Nhật đến Hawaii là vì chính trị hơn là kinh tế, và số lượng cựu binh thuộc quân đội Đế quốc Nhật ở Hawaii vượt qua toàn bộ quân đội dã chiến Mỹ. Còn trong cuốn sách của cựu Thiếu tướng lục quân Mỹ, J. P. Story, đã than thở rằng “giờ đây Nhật Bản có uy lực tối thượng trên biển Thái Bình Dương” và “chưa bao giờ trên trái đất này có sự phong phú đến thế, giờ đây người Mỹ bất lực trong việc tự vệ trước các quần đảo Philippines và Hawaii”.

Trong cuốn tiểu thuyết mang tiêu đề “Trận chiến tới của các nước hay Chiến tranh Mỹ - Nhật” của tác giả Ernest Hugh Fitzpatrick, có “dự đoán”: “Nhật Bản đã tuồn 30 trung đoàn tới Hawaii trong vỏ bọc người lao động. Những trung đoàn này đã chiếm lấy Hawaii sau những tổn thất và giao tranh dữ dội”. Sau chiến thắng trong Chiến tranh Nga - Nhật (1904-1905), Mỹ trở nên ám ảnh cuộc đụng độ tương lai với Nhật Bản khi mà từ giữa thời gian 1910 và 1914, đảo Oahu được gia cố bằng 8 khẩu đội pháo và súng cối cỡ lớn, 26 ụ súng phòng không, 6 băng đạn. Trong cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 1925 mang tựa đề “Đại chiến tranh Thái Bình Dương: Lịch sử chiến dịch Mỹ - Nhật 1931-1933”, tác giả Hector Bywater đã mô tả cuộc tấn công bất ngờ của Nhật vào hạm đội Mỹ ở Trân Châu Cảng.

Hải quân Nhật tỏ ra hết sức ấn tượng với cuốn sách của ông Bywater đến nỗi nó được “giảng dạy trong Đại học hải chiến”. Nhiều người cho rằng cuốn tiểu thuyết của nhà văn Bywater có thể bị ảnh hưởng bởi các chiến lược của Đô đốc Isoroku Yamamoto. Một tác giả mỉa mai rằng “Có một điều kỳ quặc là nhiều tiểu thuyết phía Nhật viết rằng người Nhật bị đánh bại, trong khi các tiểu thuyết phía Mỹ lại viết rằng họ đã bị đuổi khỏi Thái Bình Dương một cách nhục nhã”.

Tranh luận của các cựu tướng lĩnh

Bên cạnh đó, những lập luận ủng hộ sự chiếm đóng Hawaii không chỉ giới hạn ở các tiểu thuyết gia. Đầu năm 1924, các sĩ quan hải quân đế quốc Nhật Bản đã thảo luận công khai về cách chiếm Hawaii bằng xâm lược. Cũng trong năm này, Đô đốc Seijiro Kawashima lập luận rằng việc chiếm đóng Hawaii là cần thiết trong cuộc chiến tương lai với Mỹ. Sau khi phá hủy Hạm đội Thái Bình Dương, Nhật Bản có thể đã đổ bộ 100.000 lính dọc theo bờ biển phía Tây Bắc của đảo Oahu. Năm 1932, Tư lệnh Hironori Mizuno lập luận rằng “Nếu Nhật Bản thất bại trong việc chiếm lấy Hawaii thì đồng nghĩa chiến cuộc sẽ kéo dài, và Nhật Bản sẽ thua cuộc”. Cũng năm 1932, chiến lược gia hải quân Chuko Ikezaki kết luận rằng điều Nhật có thể đạt được từ cuộc chiến với Mỹ là một trận hòa bằng cách hủy diệt hạm đội Mỹ và tiếp quản Guam, Philippines, và Hawaii.

Đô đốc Kanji Kato đã viết thư cho Ikezaki rằng: “Chừng nào Hawaii còn nằm trong tay người Mỹ thì nó sẽ là một khối u ở Thái Bình Dương”. Năm 1940, nhà báo kiêm quan chức tình báo Nhật, Kinoaki Matsuo, lập luận rằng bằng cách lấy Hawaii, “Nhật Bản sẽ buộc người Mỹ ngồi vào bàn đàm phán hòa bình”. Từ năm 1923 đến năm 1940, hải quân Mỹ đã tổ chức các trò chơi chiến tranh gọi là “Thế trận hạm đội” được Nhật Bản theo sát. Thế trận hạm đội XIII năm 1932 đã “báo trước” trận đánh Trân Châu Cảng chỉ 9 năm sau đó. Tàu sân bay USS Lexington (CV-2) đặt dưới quyền chỉ huy của chỉ huy (khi đó là Đại úy) Ernest King (tư lệnh thời chiến tương lai của Hải quân Mỹ) đã phát lệnh tấn công bất ngờ vào Oahu. Các sĩ quan quân đội Mỹ đã chỉ trích về “tính hợp pháp” của cuộc tấn công vào sáng Chủ nhật.

Đại học chiến tranh Nhật Bản sau khi nghiên cứu đã kết luận rằng quân đội Thiên Hoàng nên “mở một cuộc tấn công tương lai bằng trận không kích bất ngờ”. Năm 1933, Thế trận hạm đội XIV đã mở cuộc tấn công và xâm lược thành công của người Nhật. Trong khi việc mất Hawaii về tay người Nhật trong trò chơi Thế trận hạm đội XIV đã không đánh thức các nhà hoạch định quân sự Mỹ về mối đe dọa, thì những bài học từ nó đã được Nhật Bản dùng trong việc lập kế hoạch tấn công Trân Châu Cảng. Qủa vậy, ngày 29/11/1940, Bộ Tổng tham mưu hải quân Nhật Bản đã soạn thảo “Sơ lược về Khối thịnh vượng chung Đại Đông Á” trong đó xác định Hawaii là “mục tiêu sáp nhập”. Cuốn sách tiếng Nhật cuối cùng có chủ đề Hawaii đã được xuất bản trước cuộc tấn công Trân Châu Cảng của nhà báo Chu Saito, ủng hộ việc chiếm đóng Đại Đảo Hawaii, tiếp theo là xâm lược Oahu.

Những tình tiết chưa từng kể

Lần đầu tiên đô đốc Isoroku Yamamoto chính thức đề xuất tấn công Trân Châu Cảng vào tháng 1/1941, như là điều cần thiết để Nhật Bản có thời gian thảnh thơi 6 tháng đến 1 năm. Trong suốt các giai đoạn lập kế hoạch vào mùa Hè 1941, 2 sĩ quan tham mưu cấp cao của Đô đốc Yamamoto và Tư lệnh Minoru Genda “đang cân nhắc không chỉ một cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng mà còn cả xâm lược Hawaii… ngay sau khi Trân Châu Cảng bị chế ngự”. Ông Genda tin rằng “không tiếp quản Oahu, Nhật Bản không hy vọng gì chiến thắng”. Các cuộc diễn tập chiến tranh tấn công Trân Châu Cảng được thực hiện từ ngày 5 đến 17/9/1941. Sau khi nghe những lập luận phản đối (và mặc dù ủng hộ việc xâm lược Hawaii vào năm 1928), Đô đốc Yamamoto “quyết định không nên cố gắng đổ bộ lên đảo Oahu như một phần của cuộc tấn công”. Hai ngày sau cuộc tấn công, Đô đốc Yamamoto thay đổi quan điểm.

Ngày 9/12/1941 (có lẽ Yamamoto nhận ra rằng việc tiếp quản Oahu là một sai lầm chiến lược), Yamamoto “hạ lệnh cho thuộc cấp chuẩn bị kế hoạch xâm lược Hawaii”. Tham mưu trưởng của ông, Chuẩn đô đốc Matome Ugaki, đặt mật danh xâm lược Hawaii là “Chiến dịch phương Đông”. Mục tiêu của Yamamoto là thu hút và tiêu diệt Hạm đội Thái Bình Dương còn lại (tiếp sau việc xâm lược), đây có thể là một con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán hòa bình”. Yamamoto cũng tìm thấy một đồng minh là Chuẩn đô đốc Tamon Yamaguchi (Sư đoàn tàu sân bay thứ 2) người đã phát triển ra “Kế hoạch Yamaguchi”. Kế hoạch Yamaguchi sẽ bao gồm việc chiếm giữ các đảo Midway, Johnston và Palmyra, áp đặt phong tỏa và dần thắt chặt vòng vây hỏa lực không, hải quân quanh Oahu. Sau khi xâm lược Đại đảo Hawaii, cuối cùng Oahu sẽ chìm trong cuộc tấn công đổ bộ”.

Kế hoạch Yamaguchi ban đầu đã vấp phải sự chống đối của quân đội Thiên hoàng, họ cảnh báo về “sự mở rộng quá mức” thiết bị và nguồn cung. Theo đó, vào tháng 3/1942, Hải quân Nhật quyết định thực hiện chiến dịch Midway sau khi đã xâm lược các đảo Johnston và Palmyra vào tháng 8; Đại đảo Hawaii vào tháng 10; và Oahu trong tháng 3/1943. Ngày 23/5/1942, Bộ tổng tham mưu lục quân Nhật hạ lệnh “chuẩn bị đổ bộ Hawaii”. Nhưng tổn thất thảm khốc tại Midway đã làm phá sản các kế hoạch. Đô đốc Yamaguchi đã chìm cùng tàu sân bay Hiryu của mình cùng với 3 tàu sân bay khác. Ngay cả sau Midway, vào mùa Thu 1942, Tướng Douglas MacArthur sợ rằng Nhật Bản sẽ “kiểm soát biển Thái Bình Dương” và “tấn công Hawaii”, còn một số nhà lập kế hoạch Nhật vẫn mơ Hawaii dưới chân bình minh (ám chỉ nước Nhật). Song vào năm 1943, loạt thất bại ở Tây Nam Thái Bình Dương khiến cho kế hoạch xâm lược Hawaii trở nên xa vời.

Hai tác giả Anthony P. Tully và Jonathan Parshall của cuốn sách “Thanh gươm xé lẻ: Chuyện chưa kể về Chiến địa Midway”, quả quyết rằng “Người Nhật đơn giản là không đủ khả năng đổ bộ và hậu cần để tấn công, chiếm giữ quần đảo Hawaii. Nếu Nhật ngay tức khắc tiếp nối sự thành công của Trân Châu Cảng để xâm lược Hawaii thì quân Mỹ đồn trú trên đảo sẽ không đủ khả năng để thiết lập hàng rào phòng thủ. Vì vậy, trong tình huống đó, Nhật Bản chắc chắn sẽ chiếm được Hawaii”. Tuy vậy, hai tác giả cùng kết luận rằng “ngay cả nếu người Nhật muốn, họ cũng không đủ khả năng để thực hiện chiến dịch cả ở Hawaii và một loạt cuộc tấn công phức tạp khác ở Tây Nam Thái Bình Dương”. 

Phan Bình (Tổng hợp)
.
.