Kinh hoàng hệ thống trại tù Rheinwiesenlager
Trong suốt Thế chiến II, những trại tập trung khét tiếng tàn ác của Đức Quốc xã được rất nhiều người biết đến nhưng khi chiến tranh chấm dứt, chẳng mấy ai để ý đến cái tên Rheinwiesenlager, là nơi quân đội Mỹ giam giữ tù binh Đức. Sau nhiều năm thu thập thông tin, đầu tháng 3/2023 vừa rồi nhà sử học Rosemary Giles đã công bố những gì ông tìm hiểu được về hệ thống trại tù Rheinwiesenlager. Nó cho thấy sự đối xử của quân đội Mỹ với tù binh Đức Quốc xã cũng chẳng kém phần khắc nghiệt…
Sự ra đời của hệ thống Rheinwiesenlager
Đầu tháng 5/1945, Thế chiến II kết thúc, Đức Quốc xã đầu hàng sau cái chết của Hitler, hơn 5 triệu sĩ quan, binh lính Đức bị bắt hoặc đầu thú. Sau khi thanh lọc, số còn lại bị giam trong 23 trại đặt ở nhiều nơi trên đất Tây Đức, nằm dọc theo con sông Rhine dưới cái tên gọi chung là “Rheinwiesenlager - Khu vực tạm thời dành cho tù binh chiến tranh”.
Theo Công ước Geneva, tù binh được nhận một số tiêu chuẩn nhất định về chỗ ở, ăn uống, chăm sóc khi đau ốm, được nhận thư và quà của gia đình…, nhưng ở 23 trại thuộc hệ thống Rheinwiesenlager, tất cả những việc này đều không nằm trong chế độ giam giữ.
Trong hồ sơ “Những bí mật về Rheinwiesenlager”, xuất bản tháng 3/2023, nhà sử học Rosemary Giles viết: “Thoạt đầu tù binh được chia đều cho quân đội Anh và quân đội Mỹ nhưng đến tháng 6/1945, người Anh từ chối tiếp nhận thêm vì hệ thống cung ứng của họ đã quá tải. Sau gần 7 năm nỗ lực chống lại Đức Quốc xã, ngay cả người dân Anh cũng còn thiếu ăn, thiếu mặc thì lấy đâu ra để nuôi tù binh. Vì thế gánh nặng đổ lên đầu quân đội Mỹ với số tù lên đến 3,4 triệu người”.
Vẫn theo Rosemary Giles, lý do thành lập 23 trại giam nằm dọc tả ngạn sông Rhine là với địa hình này, khả năng tù binh chạy trốn hoặc nổi loạn là không thể bởi lẽ bảo vệ trại gồm 10.000 tay súng thuộc Sư đoàn bộ binh 106, Mỹ. Các trại cách nhau bằng mạng lưới hàng rào dây thép gai, mỗi trại quản lý từ 5 đến 10.000 tù binh, thậm chí có trại như Sinzig giam tới 20.000. Về phía mặt trại giáp với sông Rhine có một tuyến đường sắt chạy ngang, giúp người Mỹ nhanh chóng điều quân đến tiếp ứng nếu xảy ra bạo loạn còn ở mặt sau của trại là những cánh đồng cỏ chạy dài đến tận chân trời. Nếu tù binh bỏ trốn, họ sẽ trở thành bia tập bắn cho lính Mỹ.
Ngay khi nhập trại, tù binh Đức bị buộc phải giao nộp tất cả mọi đồ vật cá nhân, kể cả chăn mền. Họ chỉ được phép giữ lại quần áo. Hans Erich, tù binh thuộc Sư đoàn xe tăng số 9 ở trại Sinzig kể: “Cứ 100 người dồn chung vào một lều vải. Vì không có giường, chúng tôi phải ngủ dưới đất bằng cách lót xuống tất cả những gì có thể tìm được: Bìa các-tông, áo mưa, cỏ khô… Đến tháng 6/1945, do số lượng tù binh đưa vào nhiều quá, không đủ lều nên họ phải đào hố, ngủ ngoài trời nên đã có nhiều người chết vì mưa và lạnh…”.
Vẫn theo Hans Erich, việc phân loại chia tù binh làm 2 thành phần, 1 được xem là tù binh chiến tranh vì những người này đầu hàng trước khi xảy ra giao tranh với lính Mỹ và 2 là chỉ buông súng khi không có lựa chọn nào khác. Những người ấy được gọi là “kẻ thù bị tước vũ khí”. Họ bị đối xử rất khắc nghiệt với khẩu phần ăn mỗi ngày gồm 2 ổ bánh mì đen, mỗi ổ 150 gam và 2 bát súp củ cải nấu với muối. Sau vài tháng, phần lớn chỉ còn da bọc xương, cả ngày nằm chờ đến bữa ăn và thậm chí nhiều người không thể ra nhà vệ sinh. Họ bài tiết ngay tại chỗ ngủ!
Để theo dõi tình hình, cứ mỗi trại người Mỹ lại giao nhiệm vụ quản lý cho vài tù binh mà họ tin tưởng. Tương tự như vậy, đội an ninh trại giam, y tế, nấu ăn, tạp dịch cũng đều là tù binh. Đại úy Williamson, phó trại Sinzig cho biết vì số lượng tù ngày càng đông nên đến tháng 6/1945, bộ phận lính Mỹ trông coi hệ thống Rheinwiesenlager lên đến 40.000 người, tương đương 4 sư đoàn.
Theo nhà sử học Giles: “Tình báo quân đội Mỹ tuyển mộ nhiều điệp viên là tù binh trong các trại để theo dõi những diễn biến phát sinh và nhất là để tìm ra những sĩ quan mật vụ Gestapo hoặc Lực lượng SS, khai man lý lịch là lính trơn để tránh phải ra tòa án xét xử tội phạm chiến tranh. Đổi lại mỗi tuần một hoặc hai lần, tù binh điệp viên sẽ được gọi lên khu vực dành cho lính Mỹ với những lý do rất đơn giản, chẳng hạn như làm cỏ, quét dọn phòng ốc, khuân vác, di chuyển đồ đạc nhưng thực tế là điệp viên sẽ được một bữa no”.
Những bi kịch ở Rheinwiesenlager
Do điều kiện vệ sinh kém, cộng với thiếu ăn, thiếu thuốc men điều trị, nhiều tù nhân mắc các bệnh như tiêu chảy, ghẻ lở và đặc biệt là chấy rận. Ở 6 trại dành cho tù binh nữ, thoạt đầu lính Mỹ còn tò mò khi thấy những ngày nắng, hàng nghìn phụ nữ trên người chỉ mặc cái quần lót, ngồi ngoài trời bắt những con rận trốn trong kẽ quần áo nhưng sau nhiều lần chứng kiến những thân thể gầy còm, mình mẩy loang lở ghẻ thì họ cũng chán.
Trung sĩ Christerfield thuộc đội phòng hóa Rheinwiesenlager cho biết đơn vị của ông đã tiến hành hàng chục đợt phun thuốc DDT ở cả 23 trại nhưng chỉ mang lại kết quả vài lần đầu vì những thế hệ rận con nở ra sau đó đề kháng với hóa chất. Christerfield nói: “Điều nguy hiểm là hơn 30 năm sau, khoa học mới chứng minh được tác hại của DDT và đã cấm sử dụng vì nó làm thay đổi cấu trúc gen trong cơ thể người, dẫn đến một số bệnh ung thư, vô sinh hoặc thai nhi dị tật nhưng chưa hề có một nghiên cứu nào về vấn đề này đối với những tù binh ở hệ thống trại tù Rheinwiesenlager”.
Bên cạnh đó, những nỗ lực của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) nhằm giúp đỡ tù nhân Đức đã bị quân đội Mỹ từ chối vì họ không muốn các phái viên của ICRC nhìn thấy điều kiện sống trong trại. Một báo cáo của ICRC công bố đầu năm 1947 cho thấy các trại có tỷ lệ tử vong cao nhất là Bad Kreuznach, Galgenberg, Bretzenheim, Sinzig, Remagen, Rheinberg, Heidesheim am Rhein,Wickrathberg và Buderich. Khoảng 5.000 trong số 500.000 tù binh đã chết ở những nơi này nhưng theo nhà sử học Rosemary Giles, con số ấy dao động trong khoảng 8.000 đến 40.000 người.
Ông Rosemary Giles viết: “Thư từ của tù binh viết về nhà để xin thức ăn, quần áo và những dụng cụ vệ sinh tối thiểu như xà bông, bàn chải, kem đánh răng… đều bị lính Mỹ ném vào thùng rác. Một tù binh là Krammer cho tôi biết những đêm trời lạnh, lính Mỹ đốt lửa trong những chiếc thùng phuy rỗng để sưởi ấm. Đến sáng, họ gọi Krammer ra dọn dẹp những thùng phuy này và anh ta nhìn thấy trong đống tro là một số những mẩu thư chưa cháy hết”.
Do quá đói, tù binh ăn tất cả những gì có thể ăn được. Đến cuối tháng 6/1945, trong tất cả 23 trại thuộc hệ thống Rheinwiesenlager không ai còn tìm thấy một con chuột nào. Vài tù binh liều lĩnh ra sát hàng rào để đặt bẫy chuột, rắn…, sống ở những đồng cỏ kế cận bị lính canh bắn chết vì “âm mưu vượt trại”. Rolf Sachs, năm nay 94 tuổi và vẫn còn sống cho biết: “Tôi đã từng lấy cái thắt lưng bằng da, cắt thành nhiều mảnh nhỏ rồi nấu lên, nhai cho qua cơn đói. Nhiều người khác nấu giày của mình, chỉ trừ phần đế bằng cao su”.
Ở các trại giam nữ, số phận tù binh cũng bi đát không kém. Ngoài việc ăn uống thiếu thốn, kham khổ, họ còn mắc phải những bệnh về đường tiêu hóa và bệnh phụ khoa. Tù binh Christian cho biết cứ mỗi tháng đến kỳ kinh nguyệt, họ phải xé quần áo làm băng rồi sau đó giặt đi, dùng lại. Nhiều người lúc không còn gì có thể xé được nữa, họ băng bằng… giấy báo xin của lính canh! Một bác sĩ ở Bệnh viện Rotenburgcho biết tất cả tù binh nữ khi đưa đến đây đều mắc các bệnh đường sinh dục nghiêm trọng và 2 người đã chết vì nhiễm trùng máu. Số còn lại có thể cả đời sẽ chẳng còn sinh nở được.
Sự thật phơi bày
Đầu tháng 9/1945, Bộ chỉ huy các lực lượng Đồng minh ở châu Âu đề nghị Pháp và Anh tiếp quản hệ thống trại tù binh Rheinwiesenlager rồi ngày 10/9, Rheinwiesenlager được bàn giao. Trước những lời ca thán của tù binh, Chính phủ Anh đã tiến hành thu thập tài liệu chứng cứ, trong đó đáng kể nhất là Trung tâm thẩm vấn ở Bad Nenndorf, nơi các buồng tắm được biến thành buồng hỏi cung.
Bị sốc trước những chứng cứ ấy, ông Richard Stokes, nghị sĩ đảng Lao động Anh đã đến tận nơi để kiểm tra. Bản báo cáo của ông Richard Stokes đọc trước Quốc hội Anh bao gồm những điểm: “Quần áo không phù hợp, sự đe dọa của lính canh, tra tấn tinh thần và thể xác trong quá trình thẩm vấn, bị biệt giam bằng cùm và không thể cử động trong một thời gian dài, bị trừng phạt bằng cách bỏ đói không phải vì bất kỳ hành vi phạm tội nào mà chỉ vì người thẩm vấn không hài lòng với câu trả lời, bị lột trần, dội nước lạnh trong mùa đông 10 độ C, bị hủy bỏ thư từ, chăm sóc y tế không đầy đủ, vật dụng cá nhân của tù binh bị đánh cắp…”, dẫn đến việc Chính phủ Anh rồi sau đó là Pháp, đóng cửa tất cả những trại thuộc hệ thống Rheinwiesenlager. Bên cạnh đó, một tòa án quân sự cũng được Bộ chỉ huy các lực lượng Đồng minh ở châu Âu mở ra nhưng chỉ có 5 người bị kết tội!
Một trong 5 người này là Trung tá Robin Stephens, chỉ huy Trung tâm thẩm vấn số 74, bị cáo buộc tội danh rất mơ hồ: “Có hành vi gây phương hại đến trật tự và kỷ luật quân đội, không hoàn thành nhiệm vụ chỉ huy”. Tự bào chữa, Stephens cho rằng “tất cả những tù binh bị thẩm vấn đều là những kẻ lười biếng, thoái hóa tư tưởng, bịa đặt và nói dối…”. Kết quả là Stephens được tòa tuyên vô tội.
60 năm sau, ngày 17/12/2005, tờ The Guardian xuất bản tại Anh đã công bố một bài tường thuật về hệ thống trại tù binh Rheinwiesenlager dựa trên 800 trang tài liệu đã được giải mật kèm theo những bức ảnh của những tù binh chỉ còn da bọc xương. Hệ quả là ngày 29/7/2006, hàng nghìn người đã tổ chức một cuộc biểu tình kéo dài nhiều ngày tại nơi trước đó là trung tâm thẩm vấn, trong đó có cả các thành viên thuộc Liên đoàn Công đoàn Đức. Nhóm biểu tình đã hô vang các khẩu hiệu đòi công lý cho tù binh cũng như phản đối việc sửa lại lịch sử.
Ngày 13/11/2021, một cuộc biểu tình nữa lại được tổ chức ở Remagen, Đức, với những lá cờ đen và những vòng hoa tang màu đỏ. Nhiều biểu ngữ trong cuộc biểu tình viết: “Rheinwiesenlager. Một triệu người chết kêu gọi hành động”. Các nhà tổ chức biểu tình tuyên bố “tháng 11 là tháng quốc tang để tưởng nhớ các tù binh Đức đã chết ở Rheinwiesenlager và các trại khác dọc theo sông Rhine năm 1945”.
Với người Mỹ, họ cho rằng đây chỉ là âm mưu của các nhóm tân quốc xã, cố tình thổi bùng ngọn lửa thù hận của người dân Đức với các binh sĩ Mỹ đang đồn trú ở Đức. Theo công bố chính thức của quân đội Mỹ, chỉ có 3.053 tù binh chết trong các trại Rheinwiesenlager, phần lớn là bệnh tật hoặc các vết thương rất nặng trong quá trình giao tranh. Về phía nước Đức, Chính phủ Đức không bình luận nhưng các địa phương lân cận với các trại cho biết con số người chết là 4.537. Rudolf Roeder, một trong những người lãnh đạo cuộc biểu tình nói: “Chỉ cần liên hệ với các gia đình có thân nhân là tù binh. Họ sẽ cho biết bao nhiêu người đã không trở về…”.