Kurt Jahnke - điệp viên và thám tử thành công nhất của Đức
Cái tên Kurt Jahnke rất nổi tiếng trong giới nghiên cứu lịch sử tình báo thế giới. Là người Đức, y từng phục vụ trong lực lượng Hải quân Mỹ, làm việc trong hãng thám tử “Pinkerton”, tham gia một số hoạt động phá hoại trong Thế chiến thứ nhất, và thậm chí tìm cách lôi kéo Mexico vào cuộc chiến tranh chống Mỹ. Jahnke là một trong những người đầu tiên thành lập đảng Quốc xã và lực lượng đặc biệt của Đức. Nhưng năm 1945, y bị tố cáo là gián điệp của Anh và buộc phải chạy sang Thụy Sĩ.
Câu chuyện nước Mỹ
Sinh ngày 17/2/1882 tại thành phố Gniezno của Ba Lan, năm 1899, Kurt Jahnke xuất dương sang Mỹ và ít lâu sau được nhập quốc tịch Mỹ. Một số nhà sử học cho rằng chuyến xuất dương của Jahnke nằm trong kế hoạch "dự trữ lâu dài". Đây là cách nói về những điệp viên đến nước sở tại một thời gian dài và trong khi chờ đợi tham gia hoạt động tình báo, họ sống ở đấy, thiết lập các mối quan hệ, thậm chí lập gia đình.
Mặc dù vào thời điểm xuất dương, Kurt Jahnke chỉ mới 17 tuổi, nhưng nhận định trên rất chính xác. Sau cuộc chiến tranh Tây Ban Nha - Mỹ năm 1898, Mỹ tăng cường củng cố các thuộc địa của mình. Cụ thể, đã giành lại Cuba, Philippines, Puerto Rico và Guam từ tay Tây Ban Nha. Guam là một phần của quần đảo Mariana mà Tây Ban Nha (trừ đảo Guam) đã bán cho Đức vào năm 1899. Đó là lý do tại sao người Đức đã chịu khó "chăm nom" những người hàng xóm hải ngoại của mình.
Trước năm 1909, Jahnke sống bình thường như những kiều dân khác. Năm 1909, y gia nhập lực lượng Hải quân Mỹ và phục vụ tại Philippines. Một số nguồn tin cho rằng chính từ thời điểm đó, Jahnke bắt đầu hoạt động tình báo. Được biết, y cung cấp thông tin về các sự kiện vùng biên cho hãng thám tử “Pinkerton” nổi tiếng. Mặc dù là hãng tư nhân, nhưng “Pinkerton” thường thực hiện một số nhiệm vụ bí mật của chính phủ Mỹ. Trong các nghiên cứu của mình, các chuyên gia nhầm lẫn về hoạt động tình báo mà Jahnke tham gia vào thời kỳ đó. Trùm tình báo Đức Quốc xã Walter Schellenberg viết rằng Jahnke chủ yếu làm việc cho bản thân. Y buôn lậu thuốc lá và thuốc phiện giấu trong những quan tài kẽm.
Nhưng sau khi Thế chiến thứ I bùng nổ, Kurt Jahnke thực sự làm việc cho cơ quan tình báo Đức. Ví dụ, ngay từ trước khi Mỹ tham chiến (ngày 6/4/1917), y đã trực tiếp tham gia các hoạt động phá hoại ở bờ Tây nước Mỹ. Mục đích của các hoạt động này là ngăn chặn Mỹ bán vũ khí cho các nước trong phe Đồng minh. Jahnke đã kích động phong trào phản đối của công nhân các doanh nghiệp quốc phòng và phu bến tàu, dẫn đến các cuộc đình công ở các cảng vào năm 1916. Tháng 3/1917, với sự tham gia của Jahnke, một kho đạn ở San Francisco đã nổ tung.
Sau khi Mỹ tham chiến, Jahnke chuyển đến Mexico. Theo báo cáo chính thức của ủy ban Thượng viện Mỹ năm 1920, năm 1917, Jahnke đã tìm mọi cách để Mexico tuyên chiến với Mỹ. Theo tính toán của Jahnke và các thượng cấp của y, đội quân 45.000 người của Mexico, do Đức tài trợ, sẽ vượt qua biên giới phía nam của Mỹ và kích động phong trào phản đối của người Mỹ da đen ở đó. Và nếu có thể, thì khơi mào một cuộc nội chiến. Nếu kế hoạch này thành công, rõ ràng Mỹ không thể tham gia vào các sự kiện ở châu Âu.
Tham gia Đại hội thành lập Đảng Quốc xã
Năm 1920, Kurt Jahnke trở về Đức. Đế chế không còn tồn tại nữa, hầu hết các thuộc địa đã thuộc về phe Đồng minh thắng trận. Thêm vào đó, Hòa ước Versailles giới hạn Đức có quân số tối đa 100.000 người tình nguyện. Với một lực lượng vũ trang như vậy và với nền kinh tế Đức hoàn toàn kiệt quệ, thật khó nghĩ đến việc chống lại một kẻ thù như Pháp hay Vương quốc Anh.
Hiện nay, rất khó nói ai là người Đức đầu tiên nghĩ ra việc lẩn tránh các điều khoản do Hòa ước Versailles đặt ra. Trên khắp nước Đức, xuất hiện các trại bán quân sự, nơi những người trẻ được huấn luyện theo chương trình cấp tốc. Trong ba tháng huấn luyện, họ phải học bắn, nắm vững một hoặc vài chuyên ngành quân sự (công binh, điện đài, xạ thủ, lái xe, v.v.). Sau đó, các tình nguyện viên giải tán ai về nhà nấy. Nhưng trong trường hợp xảy ra chiến tranh, những người này có thể trở thành lực lượng dự bị của quân đội Đức.
Trình độ tác chiến của các thành viên tổ chức “Phòng vệ quốc gia” này (tên gọi của các trại bán quân sự) còn thấp do thời gian huấn luyện ngắn và không có điều kiện luyện tập đầy đủ. Dù sao, việc huấn luyện được thực hiện trong bí mật . Nhưng chính tổ chức này đã tạo động lực cho sự xuất hiện của “Lực lượng bão táp - SA” (Quân áo nâu) và “Lực lượng vũ trang SS” (Quân áo đen). Kurt Jahnke là một trong những thành viên tích cực nhất của tổ chức "Phòng vệ quốc gia". Chính y là người của tổ chức này tham gia hội nghị thành lập Đảng Quốc xã ở Munich năm 1923. Và, rất có thể, thậm chí còn tham gia cuộc “Đảo chính quán bia” giành chính quyền bất thành của Adolf Hitler.
Sau thất bại ở Munich, các đảng viên Quốc xã tạm thời rút vào bí mật. Hơn nữa, gần như toàn bộ ban lãnh đạo đảng do Hitler cầm đầu đã bị bắt. Nhưng chính từ thời điểm đó, cuộc sống và hoạt động của Kurt Jahnke gắn bó chặt chẽ với Đức Quốc xã.
Trong khi Hitler ngồi tù sau cuộc "Đảo chính quán bia" (tháng 2 đến tháng 12/1924), đảng Quốc xã thực sự tan rã, và Hitler buộc phải làm lại từ đầu. Ở đây, Hitler nhận được sự giúp đỡ tích cực của sĩ quan quân đội Đức Ernst Rohm, người thành lập “Lực lượng bão táp”. Hầu hết những người "Lính áo nâu" đều kinh qua các trại huấn luyện bán quân sự của tổ chức "Phòng vệ quốc gia". Không có nhiều thông tin về hoạt động của Kurt Jahnke trong thời gian này, nhưng rõ ràng y không thể đứng ngoài đảng Quốc xã. Các sự kiện năm 1930 và 1932 đã gián tiếp xác nhận điều đó.
Các đảng viên quốc xã từng bước tiến lên trên con đường chính trị, ngày càng chiếm được cảm tình của người dân Đức. Lúc bấy giờ, nhiều thành viên chính phủ quyết định lôi kéo đảng Quốc xã tham gia vào đời sống chính trị của đất nước. Nhưng họ không thích Hitler lãnh đạo đảng. Các chương trình phân biệt chủng tộc do y thực hiện không thể làm hài lòng xã hội thượng lưu Đức. Trong số các nhà công nghiệp và doanh nhân giàu có, có nhiều người Do Thái. Họ hy vọng vào Gregor Strasser, một cộng sự thân cận của Hitler. Chính nhờ Gregor Strasser mà đảng Quốc xã không những không sụp đổ vào năm 1924 mà còn trở thành một đảng quốc gia. Nhân tiện xin nói, Bộ trưởng Tuyên truyền tương lai Joseph Goebbels lúc bấy giờ là thư ký của Gregor Strasser, người phụ trách công tác tuyên truyền của đảng Quốc xã.
Nhưng Hitler đã kịp thời nhận được thông tin về các cuộc đàm phán giữa Strasser và giới thượng lưu Đức. Theo Schellenberg, thông tin này do Kurt Jahnke cung cấp cho Hitler. Bị loại bỏ khỏi tất cả các công việc quan trọng của đảng, Strasser tức giận và chạy sang Ý. Vị trí phó của Hitler trong đảng thuộc về Rudolf Hess, người có quan hệ rất thân mật với Jahnke.
Bị thất sủng
Sau khi Đức Quốc xã lên cầm quyền, Jahnke thành lập “Văn phòng Jahnke”, thực chất đây là cơ quan tình báo và thám tử tư theo mô hình hãng thám tử “Pinkerton” và trực thuộc Rudolf Hess. Người đặt hàng chính của Jahnke là ban lãnh đạo Đệ tam Đế chế.
Có giả thuyết cho rằng Jahnke bằng cách nào đó đã tham gia vào chuyến bay bí ẩn của Rudolf Hess tới Scotland tháng 5/1941; thực hư thế nào không rõ, nhưng Jahnke không còn được lòng của Joachim von Ribbentrop, Bộ trưởng Ngoại giao của Đức Quốc xã, còn Gestapo thì tịch thu các tài liệu của y. Trong chiến tranh, Jahnke làm cố vấn về tình báo cho Walter Schellenberg.
Theo Walter Schellenberg, chính Jahnke là người đã thu thâp thông tin cho bộ chỉ huy “Lực lượng bão táp”. Ngày 30/6/1934, ở Đức đã diễn ra cuộc thanh trừng "Đêm của những con dao dài", khi toàn bộ Bộ chỉ huy “Lực lượng bão táp” do Rohm lãnh đạo bị loại bỏ để thay thế bằng “Lực lượng vũ trang SS” dưới trướng Hitler. Đồng thời, Hitler cũng loại bỏ luôn Strasser, người mà y dường như đã hòa giải và thậm chí còn trao "Huy hiệu vàng của Đảng Quốc xã” số 9.
Sau những sự kiện đó, vị thế của Jahnke với tư cách người đứng đầu cơ quan tình báo tư càng được củng cố. Các báo cáo phân tích về những sự kiện trong và ngoài nước, do các thuộc cấp của Jahnke chuẩn bị ngay lập tức đến tay Hitler và Hess. Chúng trở thành văn bản chỉ đạo của Bộ Ngoại giao và Bộ An ninh Quốc gia Đức. Jahnke còn thu thập thông tin về những người Do Thái giàu có, về tài sản của họ ở nước ngoài và ở Đức. Sau đó, những người này bị bắt, còn toàn bộ tài sản của họ bị tịch thu và sung vào ngân khố.
Năm 1940, Hitler đích thân ra lệnh đóng cửa “Văn phòng Jahnke” và cấm y tham gia hoạt động tình báo. Theo ý kiến của Schellenberg và Hess, sở dĩ như vậy là vì Jahnke bắt đầu cạnh tranh rất thành công không chỉ với Abwehr và Gestapo mà còn với Bộ An ninh Quốc gia. Nhưng năm 1941, Jahnke hoàn toàn bị bị thất sủng, sau khi Rudolf Hess lái máy bay sang Vương quốc Anh.
Tuy nhiên, Jahnke không những không bị bắt mà thậm chí còn không bị hạn chế đi lại. Cũng theo hồi ức của trùm tình báo Schellenberg, Jahnke thường xuyên được đô đốc Wilhelm Canaris, giám đốc Cục Quân báo, mời tư vấn. Nhưng đầu năm 1945, Jahnke bị "tố cáo" là gián điệp của Anh. Rõ ràng, người ta nhớ lại tình bạn của Jahnke với Hess. Nhưng là một nhà tình báo và thám tử giàu kinh nghiệm, Jahnke đã dự báo được tình hình và không lâu trước khi bị bắt, đã cùng vợ cao chạy xa bay sang Thụy Sĩ.
Có nhiều giả thuyết khác nhau về quãng đời tiếp của Kurrt Jahnke. Theo giả thuyết chính thức, y và vợ bị cơ quan phản gián quân đội Liên Xô SMERSH bắt giữ vào ngày 27/3/1945. Sau các cuộc thẩm vấn, y bị bắn vào khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5/1950, ở Moscow.