Mạng lưới gián điệp của Hải quân Thiên hoàng trước trận Trân Châu Cảng: Đối đầu với FBI

Thứ Sáu, 21/04/2023, 10:07

Trong 2 năm trước khi xảy ra chiến tranh, chính phủ Mỹ tỏ ra cảnh giác cao về các hoạt động gián điệp và phá hoại của Nhật Bản, đặc biệt là từ Mexico.

Năm 1940, các quan chức ONI báo cáo trước quốc hội Mỹ rằng tin đồn về việc Hải quân Nhật có 1.000 chiến cơ trên các cánh đồng gần vịnh Rùa (Mexico) là không có thật. Tuy nhiên cũng chính ONI đã khiến Hải quân Mỹ báo động cao vào ngày 17/10/1940 rằng Tokyo đang giấu 12 oanh tạc cơ ở Baja California và có kế hoạch dùng chúng đánh bom bổ nhào xuống các con tàu ở San Diego.

Phản gián Mỹ vất vả tìm kiếm những chiếc máy bay không có thực, những kẻ phá hoại và trên hết là sự hoài nghi về các tàu đánh cá hơn là con người và gián điệp điện tử mà Nhật đang hoạt động ở nam biên giới. Bộ trưởng Hải quân Mỹ, Claude Swanson, báo cáo rằng ông tin chắc người Nhật hoạt động gián điệp ở Mexico trong một bản ghi nhớ gửi cho Ngoại trưởng Cordell Hull vào tháng Giêng năm 1935.

Đối đầu với FBI [Bài cuối] -0
Itaru Tachibana, điệp viên nổi tiếng của quân đội Hải quân Thiên hoàng Nhật Bản hoạt động tại Mỹ. Ảnh nguồn: Wikipedia.

Tình báo hải quân Mỹ nhanh chóng đến gặp người đứng đầu Đại sứ quán Mỹ ở Mexico City và yêu cầu Tổng thống Roosevelt phê chuẩn một tùy viên hải quân mới cho Mexico. Ngoài các nhiệm vụ thông thường của mình, viên sĩ quan này còn được trao một chiếc oanh tạc cơ trinh sát Vought để có thể tuần tra cá nhân trên bờ biển Thái Bình Dương. Họ chú ý các tàu đánh cá Nhật Bản. Tháng 8/1941, Hải quân Mỹ báo cáo cho FBI rằng có hàng trăm tàu đánh cá Nhật Bản có thể đưa người và vật liệu đến bất kỳ vị trí nào trên bờ biển Mỹ. Sau chiến tranh, Đô đốc Shimada đánh giá giá trị của các tàu đánh cá từ thang điểm 1 đến 10.

Có rất ít bằng chứng về bất kỳ mối đe dọa nghiêm trọng nào đến lục địa Mỹ từ các tàu đánh cá, máy bay, hoặc bất kỳ kẻ phá hoại hay âm mưu nào khác của Nhật Bản, chủ yếu là vì chúng dường như không tồn tại. Chính phản ứng thái quá này là căn nguyên khiến các công dân Mỹ gốc Nhật bị bắt giam trong chiến tranh. Trên thực tế, IJN vẫn tiếp tục sử dụng các tùy viên hải quân và những điệp viên không phải gốc Nhật để lấy thông tin tại Mỹ. Mặc dù lãnh đạo IJN không đặt niềm tin nhiều vào gián điệp, nhưng các sĩ quan được phái đến Mỹ làm điệp viên đều có động cơ cao thường do mắc lỗi. Chính việc này đã khiến họ phạm sai lầm trong lúc tác nghiệp.

Thời điểm Ken Ringle tiến hành đột kích đại sứ quán Nhật thì mạng lưới tình báo của IJN đã rất nguy hiểm. Itaru Tachibana đứng đầu các hoạt động gián điệp từ Los Angeles và thu thập tình báo từ các tùy viên khác trên đất Mỹ. Frederick Rutland tập trung vào công tác liên lạc với các điệp viên Nhật ở Mexico.

IJN hy vọng rằng Rutland có thể tiếp tục thu thập tình báo về công tác chuẩn bị của Hải quân Mỹ và sản xuất máy bay, đồng thời có thể chuyển những thông tin này qua biên giới và từ đó đưa về Tokyo. Tuy nhiên, Rutland đã phạm sai lầm khi tham gia vào các hoạt động tình báo của Itaru Tachibana. Rutland tự tin về những mối quan hệ gần gũi của mình với các tổ chức Nhật Bản. Rutland theo đuổi thông tin về công nghệ máy bay Mỹ. Rutland là công dân của một nước thứ 3, Anh quốc (nước không chính thức là đồng minh với Mỹ tại thời điểm đó) nên các nỗ lực của ông nhằm thay mặt cho người Nhật được xem là hợp pháp.

Tuy vậy khi tình hình chính trị trở nên căng thẳng và hoạt động gián điệp của người Nhật ngày càng mạnh hơn thì Rutland bắt đầu thấy nguy hiểm. Rutland lên kế hoạch tiếp cận Tình báo Hải quân Mỹ (ONI) và trở thành một điệp viên kép cho người Mỹ trong khi vẫn tiếp tục làm việc cho IJN. Trò chơi nguy hiểm này bước đầu đã thành công. Mặt khác, hóa ra nỗi sợ của Rutland là có cơ sở.

Tháng 6/1941, FBI bắt giữ Itaru Tachibana và Toraichi Kono (quản gia lâu năm của vua hài Charlie Chaplin). Toraichi Kono có mối quan hệ tốt ở Los Angeles và dường như đang giải ngân cho nhiều tài sản gián điệp Nhật Bản. Nhận thấy việc bắt giữ thêm chỉ còn là vấn đề thời gian, các điệp viên Nhật được lệnh phải đào tẩu khỏi Los Angeles đến Mexico cùng với người quản lý tiền lương của họ tại Ngân hàng Yokohama Specie. Tại thời điểm này rõ ràng IJN đã phát hiện ra Rutland đang chơi trò hai mặt.

Một bức điện tín từ lãnh sự quán Nhật ở Los Angeles gửi đến đại sứ quán Nhật ở Washington với đề nghị rằng Rutland đang quan hệ gần gũi với ONI và không nên dùng ông ta để bảo lãnh Toraichi Kono ra khỏi tù. Về phần mình, FBI báo cáo rằng đã tìm thấy bằng chứng khói súng trong công việc của Rutland làm cho IJN trong hồ sơ của Itaru Tachibana. Rutland đọc chữ viết trên tường và đến Washington để vận động hành lang nhằm được ONI bảo vệ cá nhân.

Các điệp viên FBI đã theo sát Rutland khi ông ta bước vào trụ sở ONI. Các sĩ quan ONI đã từ chối giúp đỡ ông ta. Rutland gặp 2 người của đại sứ quán Anh và họ thuyết phục ông ta quay lại Anh, cũng là dịp loại bỏ ông ta nhằm tránh thêm một vụ bê bối nào đó có thể khiến người Anh xấu hổ trong mắt Hoa Kỳ vào thời điểm quan trọng của chiến tranh. Giờ đây Rutland nỗ lực cho một cuộc gặp cuối cùng với IJN, hoặc là một âm mưu làm điệp viên kép cho Tokyo.

Đối đầu với FBI [Bài cuối] -0
Tàu sân bay USS Yorktown (CV-5) trong ụ tàu tại Cảng hải quân Trân Châu Cảng vào ngày 29/5/1942, một ngày trước khi máy bay Nhật nhận lệnh do thám các vị trí của hạm đội tàu sân bay Mỹ. Ảnh nguồn: National Archives.

Tháng 11/1940, Tsunezo Wachi cùng với một nhóm các chuyên gia mã và đánh chặn vô tuyến đến Mexico. Tàu chở người của Waichi đến San Francisco vào ngày 9/12, các điệp viên FBI để mắt và ghi chú cẩn thận. Liền đó Wachi lên một con tàu khác đến Manzanillo, nơi ông ta sẽ xuống tàu và đến Mexico City. Rất nhanh chóng, Wachi đã thiết lập trạm chặn vô tuyến của mình ở Calle Orizaba cùng với 1 sĩ quan và 4 thủy thủ được đào tạo để đánh chặn vô tuyến.

Buổi ban đầu Wachi gặp sự cố trong việc chặn lưu lượng vô tuyến Mỹ. Wachi dùng đầu thu vô tuyến  IJN Lớp 92 không thể bắt sóng dài hơn, bước sóng 15kc VLF được Hải quân Mỹ sử dụng ở Đại Tây Dương. Rồi Wachi lên máy bay tới New York để mua một đầu thu RCA mới nhằm đánh chặn các chương trình phát sóng hải quân của Washington cũng như sóng vô tuyến của hạm đội Đại Tây Dương, mặc dù ông ta vật lộn với việc phá mã do những thay đổi trong mã hải quân Mỹ trong tháng 4 năm 1941.

Vào tháng 2/1941, chính phủ Nhật đặt trọng tâm vào gián điệp. Các quan chức IJN dự đoán rằng trong trường hợp xảy ra chiến tranh, thì các mạng lưới gián điệp của Nhật trên khắp các quốc gia Mỹ Latinh sẽ được tập trung ở Mexico, với các trạm bổ sung ở Rio de Janeiro, Buenos Aires và Santiago. Ngày 2/6/1941, Ngoại trưởng Yosuke Matsuoka đã gửi cho đại sứ Nhật ở Mexico một bức điện tín trong đó nói rằng Mexico City giờ đây sẽ là trung tâm của các hoạt động chống Mỹ. Vài ngày sau, Itaru Tachibana và Torachi Kono bị tóm. Tổng giám đốc Cục Ngoại giao Mỹ, Taro Terasaki, tuyên bố rằng ông không biết gì về hoạt động của Tachibana (của IJN) và cáo buộc IJN phá hoại những nỗ lực ngoại giao của đất nước. Terasaki đề nghị Bộ Ngoại giao Nhật giúp bảo lãnh Torachi Kono ra khỏi tù nhưng tiền bảo lãnh sẽ lấy từ ngân sách của Hải quân Nhật. 

Hoạt động tình báo của Bộ Ngoại giao Nhật ở Mexico thật sự là có logic. Trong suốt Thế chiến I, chính phủ Mexico đặc biệt thù địch với các lợi ích Mỹ. Song thật không may cho Tokyo là vào năm 1941, Tổng thống mới của Mexico, Manuel Ávila Camacho, và nội các của ông là những người ủng hộ Mỹ. Yoshiaki Miura, đại sứ Nhật tại Mexico, tỏ ra hết sức lúng túng với tình thế thay đổi trong tháng 7/1941.

Ngày 5/7/1941, Miura gửi một bức điện tín có nội dung mạnh mẽ tới Bộ Ngoại giao Nhật tuyên bố rằng việc dùng Mexico City làm căn cứ cho các hoạt động thời chiến sẽ không có kết quả vì Mexico ủng hộ Mỹ trong một cuộc chiến tương lai và chắc chắn sẽ đóng cửa các hoạt động của ông ta (Miura). Tới ngày 10/7/1941, Ngoại trưởng Matsuoka đã hạ lệnh cho thư ký đại sứ quán Taro Terasaki đi từ Washington đến Mexico để báo cáo tình hình. Terasaki và Miura cùng nói rằng nếu một cuộc chiến nổ ra với Mỹ thì Tổng thống Camacho sẽ trục xuất toàn bộ quan chức Nhật Bản.

Ngoại trưởng Matsuoka cho rằng nếu chiến tranh nổ ra, Mexico sẽ chính thức hoặc gián tiếp gia nhập Đồng Minh. Terasaki tiếp tục xem xét kế hoạch hành động ở Mexico. Một ưu tiên gián điệp của Nhật Bản là tiếp tục thu thập thông tin nguồn mở từ báo chí Mỹ. Terasaki cũng xác định thêm rằng Brazil cũng sẽ hỗ trợ Đồng Minh trong chiến tranh tương lai. Terasaki cho rằng bất kỳ điệp viên Nhật nào ở Mexico cũng cần gửi thông tin cho Tây Ban Nha hoặc Argentina để từ đó chuyển về Nhật Bản.

Bằng hai phương thức tuyên truyền và “đút lót”, Terasaki đã làm suy yếu sự ủng hộ của chính phủ Mexico đối với Mỹ. Cách tiếp cận này dường như đã mang lại một số thành công, nhưng nó cũng có khả năng sẽ thay đổi chính sách tổng thể của Mexico đối với Nhật Bản. Hối lộ có vẻ là chiêu thành công hơn. Nhật Bản thiếu thủy ngân dùng để sản xuất kíp nổ và không thể mua từ Mexico do các lệnh trừng phạt quốc tế. Và Wachi đã “đút lót” cho một viên tướng Mexico để sắp xếp một lô thủy ngân và cho các điệp viên Mexico buôn lậu nó đến Nhật Bản.

Một việc khác, Bộ Ngoại giao Nhật tỏ ra ấn tượng với đội đánh chặn của Wachi và đề nghị giúp đánh chặn các liên lạc Mỹ liên quan đến những đàm phán hòa bình đang diễn ra. IJN tiếp tục vào đánh chặn quân sự. Wachi đã nỗ lực thực hiện một số nỗ lực tuyển dụng các điệp viên và dùng các điệp viên Mexico để xâm nhập vào Mỹ, chụp ảnh hạm đội Thái Bình Dương nhằm bắt đầu tính toán thiệt hại gây ra trong cuộc tấn công Trân Châu Cảng. Sau đó Hải quân Mỹ kết luận rằng kết quả của những tính toán của Wachi là khá chính xác. Mặt khác, cả Hải quân Mỹ và IJN đều kết luận độc lập rằng việc dùng thường dân Mexico đóng giả khách du lịch để thu thập tình báo không phải là kế hay.

Những tài liệu thu được trong cuộc đột kích Itaru Tachibana của FBI đã cho thấy cách mà các công ty tư nhân Nhật đã tham gia khá sâu vào hoạt động tình báo và giờ đây họ đang đối mặt với áp lực. Tới tháng 8/1941, văn phòng các công ty Nhật gồm Ngân hàng Yokohama Specie, NYK, Mitsui, Mitsubishi và Sumitomo đã bị đặc vụ của Bộ Tài chính Mỹ đột kích. Lãnh sự quán Nhật ở Los Angeles vẫn tiếp tục lấy thông tin mật bao gồm số lượng chiến cơ được chế tạo và số lần hạ thủy các chiến hạm.

Tuy nhiên những thành công hạn chế này cũng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Mexico cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nhật Bản vào ngày 8/12/1941, đóng băng các tài sản ngân hàng do Nhật Bản sở hữu, và đánh tiếng sẽ cho sơ tán hoặc bắt giam các công dân Nhật.  Wachi và mạng lưới của mình đã tăng tốc thu thập tình báo trong khi chuẩn bị cho tình huống bị bắt giữ. Ngày 16/12/1941, Wachi đã phá hủy đầu thu vô tuyến và máy điện báo của mình.

Một nông dân Mexico thấy một toán người Nhật chôn thiết bị lớn xuống đất và báo cảnh sát. Báo chí Mexico đưa tin nghẹt thở. Tháng 4/1942, Wachi, Miura và những người khác được hồi hương theo diện trao đổi ngoại giao. Trước khi rời Mexico, họ đã tổ chức một cuộc chuyển thông tin từ Mexico đến Tokyo thông qua đại sứ quán Tây Ban Nha và đại sứ quán Nhật Bản ở Madrid.

Cuối cùng hoạt động gián điệp và tình báo của IJN ở Mỹ đã thu được một số thông tin hợp lý về công nghệ và chiến thuật Mỹ trước chiến tranh. Nhưng việc mất toàn bộ tài sản IJN ở California vào những tháng trước Trân Châu Cảng đã để lại một lỗ hổng trong thông tin của Tokyo. Hải quân Nhật mất tình báo vô tuyến ở Tây Bán Cầu đã khiến người Nhật chìm trong bóng tối, ngoài việc phân tích các liên lạc và thông tin có sẵn trên báo chí và các nguồn mở khác. 

Eizou Hori, một viên chức tình báo thuộc Tổng hành dinh đế quốc Nhật trong thời chiến viết: “Lỗ hổng lớn nhất trong cuộc chiến tình báo của Nhật Bản là lục địa Mỹ. Quân đội Nhật đã chi rất nhiều tiền để thành lập một mạng lưới thông tin, chỉ phụ thuộc vào một lượng nhỏ người Nhật. Mạng lưới đó đã bị phá hủy hoàn toàn. Với việc tạo ra lỗ hổng, Nhật không hay biết con tàu nào đang đi từ San Francisco, xu hướng sản xuất của quân đội Mỹ, điều động quân đội, sản xuất máy bay. Đây có lẽ là một trong những lý do chính khiến Nhật Bản bại trận”. Cuối cùng, việc IJN thất bại trong việc thiết lập mạng lưới gián điệp và tình báo bền vững ở Mỹ không chỉ khiến Tokyo bị mù sau trận Trân Châu Cảng mà còn trở thành một nhân tố góp phần vào thất bại cuối cùng của Nhật Bản.

Phan Bình (Tổng hợp)
.
.