Mạng lưới gián điệp của Hải quân Thiên hoàng trước trận Trân Châu Cảng
Chiến tranh năm 1941 giữa Mỹ và Nhật Bản đã gần như xóa sổ Hải quân Thiên hoàng (viết tắt IJN) tại Trân Châu Cảng. Tuy nhiên, nên biết rằng IJN đã ngấm ngầm xây dựng các mạng lưới gián điệp trên đất Mỹ trước khi xảy ra trận đánh đó.
Bài báo này sẽ hé lộ những nguồn đáng tin cậy mới được lộ sáng gần đây, dựa trên các nguồn của Bộ Ngoại giao Nhật, và các nguồn phía Mexico nhằm đặc tả chính xác các hoạt động tình báo của IJN cùng những thành công và thất bại trước và sau sự kiện Trân Châu Cảng.
Bài 1: Chiếc cặp tài liệu của Takuya Torii
Xây dựng nền móng tình báo
Năm 1907, lần đầu tiên Chính sách quốc phòng Nhật Bản đưa Mỹ vào danh sách các đối thủ trong tương lai. Vào những năm đầu tiên đó, một cuộc chiến với Mỹ rất khó xảy ra, tuy nhiên Nhật đã đánh bại các đối thủ khác ở Châu Á bao gồm Trung Quốc và cả đế quốc Nga. Căng thẳng giữa Nhật và Mỹ đã tăng đáng kể sau Thế chiến I khi Nhật chiếm đóng các lãnh thổ từng do Đức kiểm soát ở Thái Bình Dương trong suốt chiến tranh, và sau đó nhận sự trừng phạt quốc tế để giữ lại các lãnh thổ này chiếu theo Hiệp ước Versailles. Về phần mình, Mỹ đã chặn đề xuất Hiệp ước bình đẳng chủng tộc trong Hiệp ước Versailles và sau đó đã dẫn đầu Hiệp ước hải quân Washington nhằm đặt ra những giới hạn tương đối thấp đối với công tác xây dựng hải quân Nhật Bản. Chưa hết, Mỹ còn cấm di dân Nhật đến Mỹ bằng Luật Di dân năm 1924.
Trong giới quân sự Nhật Bản, IJN là năng nổ nhất trong việc thúc đẩy đất nước chuẩn bị cho một cuộc chiến chống Mỹ. Quân đội Nhật vẫn quan tâm tới những đối thủ truyền thống như Nga và Trung Quốc và tiến hành chiến tranh với cả hai bằng việc đổ quân vào Mãn Châu năm 1931. Lúc này giới lãnh đạo quân đội Nhật cho rằng cuộc chiến thực sự đang ở phía Đông nên thu thập tình báo ở Mỹ được cho là ưu tiên thấp. Quân đội đế quốc Nhật đã xây dựng một trường gián điệp ở Nakano nhằm đào tạo tình báo hiệu quả, nhưng không có sĩ quan hải quân nào theo học, cũng như không có học sinh nào tốt nghiệp từ trường này được gửi tới Mỹ. Thay vào đó các cựu học viên được gửi tới Trung Quốc và Đông Nam Á, và có 1 người được gửi tới Colombia. Những học viên này được dạy một môn mà các trường gián điệp phương Tây không dạy: Ninjutsu - nghệ thuật trở thành Ninja.
Năm 1934, Trung đội trưởng Naokuni Nomura của IJN đã thiết lập một máy thu vô tuyến đặt trong một nông trang ở ngoại ô Los Angeles nhằm can thiệp các liên lạc của Hải quân Mỹ. Nomura đã nhanh chóng thu được các thông tin về khả năng dùng pháo của hải quân Mỹ. Tuy nhiên, chuyên gia về pháo binh của Hải quân Nhật, Haruo Mayuzumi (người đã phân tích các thông tin của Nomura) quả quyết rằng những thông tin này không có giá trị trong việc huấn luyện và học thuyết của Hải quân Nhật “vì sự kiêu ngạo của các nhân viên điều hành”. Phần lớn thông tin đã bị bỏ qua. Naokuni Nomura là một trong số những điệp viên đầu tiên đã chấp nhận rủi ro để lấy được các báo cáo mà có thể giúp IJN giành chiến thắng nhưng tác động thực sự lại ngược lại. Sự thận trọng này bắt nguồn từ chính văn hóa của IJN. Ông Minoru Maeda (từng là giám đốc Cục Tình báo từ thập niên 1930 đến suốt chiến tranh) nhớ lại rằng IJN rất thận trọng và có quan điểm tiêu cực về gián điệp, coi các hoạt động gián điệp là dị giáo.
Thậm chí ngay cả Đại học Hải quân của Mỹ (nơi đào tạo ra những người ưu tú) cũng chỉ có vài giờ học về tình báo và không có sách hướng dẫn hệ thống như những sách đã được biên soạn bởi Văn phòng Tình báo Hải quân Hoa Kỳ (ONI) trong các năm 1933 và 1935. Về phần mình, Bộ tổng tham mưu của IJN ưu tiên đóng tàu hơn là thu thập tình báo. Theo sĩ quan Bộ tổng tham mưu Hải quân Nhật, Kyugoro Shimamoto, thì vào năm 1934, Cục Tình báo của Bộ Tổng tham mưu đã vạch ra một kế hoạch mở rộng thu thập tình báo chống lại Mỹ bằng cách chi tiêu số tiền 4 triệu Yên, tức bằng chi phí chế tạo 1 tàu khu trục. Nhưng kế hoạch này đã bị thủ tiêu từ trứng nước, mà theo giải thích của ông Shimamoto, là các quan chức cấp cao của IJN ít mặn mà với tình báo. Tháng 12/1941 chỉ có duy nhất 4 nhân viên thuộc Bộ phận thứ 5 trực thuộc Cục Tình báo, họ được lệnh thu thập thông tin từ các điệp viên Mỹ; nhưng vì ít người nên khả năng phân tích của họ bị hạn chế.
Sau cuộc xâm lược Mãn Châu năm 1931, IJN đã thực hiện một loạt các chiến dịch tình báo nhằm chống lại Mỹ, Hawaii và Mexico. Tháng 6/1932, đô đốc Shigetaro Shimada được thăng chức, trở thành giám đốc hoạt động tình báo của Hải quân Nhật. Trong hồi ký của mình, ông Shimada lưu ý rằng kế hoạch phái chiến hạm thường được đích thân Hoàng thượng phê chuẩn. Bản thân ông Shimada là một viên chức hải quân có chút quan tâm tới tình báo. Khi được chỉ định làm chỉ huy Hải quân năm 1941, ông Shimada đã ký lệnh tấn công Trân Châu Cảng. Tới năm 1944, ông Shimada được bầu làm người đứng đầu Bộ tổng tham mưu Hải quân. Những nỗ lực của Shimada tập trung vào bờ Tây Hoa Kỳ, cụ thể là Los Angeles, nơi có căn cứ của Hạm đội Thái Bình Dương cho đến năm 1940 nó chuyển tới Trân Châu Cảng. Nam California cũng là nơi sản xuất tới hơn 60% chiến cơ của Mỹ với các nhà máy lớn gồm Douglas và Lockheed đặt ở đây.
Trong hồi ký của mình, tùy viên hải quân Nhật, Yuzuru Sanematsu, đã vạch ra các mục tiêu tình báo của IJN trong năm 1932, gồm: 1) Quan sát các chuyển động của Hạm đội Mỹ, quyết định kế hoạch hành động, xác định xem họ có kế hoạch chuẩn bị chiến tranh hay không; 2) Tìm hiểu hoạt động huấn luyện của Hạm đội Thái Bình Dương; 3) Dò xét cảm xúc của lính hải quân đối với Nhật Bản; 4) Điều tra việc đóng mới và nâng cấp các chiến hạm hiện có ở bờ Tây Hoa Kỳ. Khi ONI đột nhập vào căn hộ của tùy viên hải quân Sadatomo Okada (của IJN) vào năm 1941, họ đã tìm thấy ông này phân ra các loại thông tin như sau, gồm: 1) Di chuyển tất cả các tàu, đặc biệt là các đơn vị hạm đội; 2) Tiến độ sản xuất vũ khí trang bị chiến tranh; 3) Các danh mục Lục quân/ Hải quân khác; 4) Nơi neo đậu tàu thương mại; 5) Điều động sĩ quan, quân nhân dự bị; 6) Hạ thủy các tuần dương hạm Lớp B; 7) Công tác chuẩn bị điều động đội tàu; Đóng tàu quân sự và dân sự; 8) Số lượng tàu chiến (không tính Hawaii và Viễn Đông); 9) Khả năng đóng chiến hạm, số lượng, kích cỡ các tàu đang được chế tạo; 10) Các phương pháp huấn luyện hàng không hải quân, kích cỡ máy bay của Lục quân, đặc biệt là huấn luyện khi thời tiết xấu bay trên biển hoặc đất liền; 11) Những thỏa thuận của Anh và Mỹ về việc sử dụng các căn cứ ở Đại Tây Dương.
Những hoạt động vận chuyển tài liệu tinh vi
Sự thiếu nguồn lực, đào tạo nghèo nàn, và những khó khăn liên lạc đã cản trở lớn đến hoạt động thu thập tình báo của IJN tại Mỹ. Tháng 8/1932, tức sau sự kiện Thế vận hội Los Angeles, tùy viên Nhật Bản tại đây là chỉ huy Takuya Torii đã náu mình trong một căn hộ ở San Pedro và từ đó ông ta có thể để mắt tới hạm đội Thái Bình Dương đang neo đậu. Trong một lần ăn tối cùng với một người đồng nghiệp tại một nhà hàng Nhật ở Tiểu Tokyo (Los Angeles), lúc lái xe quay trở về San Pedro, ông ta bị đâm xe và thiệt mạng. Sau cái chết của Torii, một bác sĩ Nhật ở địa phương tên là Takashi Furusawa đã gọi một loạt cuộc đến Sở cảnh sát Los Angeles để đòi chiếc cặp của Torii. Những cuộc gọi dồn dập đó càng khiến các sĩ quan sinh nghi. Lúc mở chiếc cặp đó ra, họ khám phá ra thứ tài liệu tố cáo tội làm gián điệp của Torii, cũng như những thư từ gửi đến và đi từ bác sĩ Furusawa, người đã ở Los Angeles từ năm 1907, cùng với bà vợ đã nỗ lực thực hiện gián điệp cho quân đội Nhật.
Sau sự vụ của Torii, FBI đã mở cuộc điều tra. Bác sĩ Furusawa bị bắt giữ vào chiều ngày 7/12/1941. Cái chết của Torii khiến IJN mất luôn đường dẫn tình báo về hoạt động ở cảng của Hạm đội Thái Bình Dương. Với rất ít điệp viên sẵn có, Tokyo bèn biệt phái một điệp viên tên là Nakazawa (sống ở Seattle) để mở rộng thu thập tình báo trải dài từ San Diego đến Alaska. Nhưng điệp viên nổi tiếng nhất của IJN lại là Itaru Tachibana, người tự lái chiếc xe hơi có chở theo người bạn gái và rảo quanh các căn cứ quân sự Mỹ. Phản gián Mỹ cho rằng chiếc xe mang biển số do chính Tachibana đăng ký. Sự chuẩn bị đã phát huy hiệu quả vào cuối thập niên 1930. Takeo Yoshikawa (hoạt động ở Hawaii), điệp viên báo cáo về hạm đội Thái Bình Dương trước sự kiện Trân Châu Cảng, có thể đã chuẩn bị tốt nhất sau 5 năm làm việc ở Anh. Buổi ban đầu các điệp viên lấy thông tin ở Los Angeles và gửi về Tokyo bằng một nhân viên của Tổng lãnh sự Nhật, hoặc chỉ đơn giản nhờ một thuyền trưởng Nhật đi ngang qua để gửi nó đi.
Các hãng vận tải thương mại của Nhật bao gồm Nippon Yusen Kaisha là những thành phần tham gia tích cực vào âm mưu này. Nhưng theo thời gian, hoạt động này bắt đầu bộc lộ rạn nứt. Kết quả là các điệp viên IJN tự mình chuyển một lượng lớn tài liệu cho chắc ăn. Họ thường chở tài liệu và tìm cách vượt qua biên giới Mỹ tới Tijuana. Ở đó, các điệp viên có thể dễ dàng chất tài liệu lên tàu và đưa tới Nhật Bản. Người ta quan sát thấy Tachibana thường lái xe qua lại tuyến đường này. Các lô tài liệu thỉnh thoảng cũng được chất lên tàu tại cảng Guayamas, nơi cách biên giới Mỹ khoảng 260 dặm (420 km) về phía Nam. Và thời gian trôi đi, việc cung cấp nguồn lực khổng lồ cho các nỗ lực tình báo ở Mỹ khiến đây trở thành một thách thức ghê gớm. Kế sách mới được đặt ra là tuyển dụng tại chỗ những người Mỹ hoặc Âu, những người có thể thu thập thông tin một cách thận trọng hơn. Và IJN nhìn ra một sự thật: tiền mua được tất cả.
Điệp viên đáng tin cậy nhất của IJN phù hợp với mô hình này là một phi công người Anh thời Thế chiến I tên là Frederick Rutland. Sau chiến tranh, Rutland từ chức khỏi Không lực Hoàng gia và bắt đầu sự nghiệp của một điệp viên và cố vấn quân sự Nhật. Rutland giành được sự tin tưởng từ các nhân vật chủ chốt của Bộ Hải quân Nhật tại thời điểm đó. Rutland được Shiro Takasu (tùy viên hải quân Nhật ở London) tuyển dụng. Takasu thuyết phục Rutland dọn tới Los Angeles với mục đích tạo ra một mạng lưới các liên lạc và điệp viên có thể kích hoạt trong trường hợp chiến tranh. Rutland tỏ ra gặp chút ít khó khăn khi moi tin từ các sĩ quan tại các bữa tiệc và những dịp tụ tập xã hội khác. Đến năm 1935, Rutland mua nhà ở đồi Hollywood cùng với 2 chiếc xế hộp nhờ vào sự hào phóng của Tokyo. Rutland cho con học ở các trường độc quyền trong vùng.
Theo đó IJN đã trả một khoản lương hậu hĩnh cho Rutland lên tới 400.000 Yên cho 4 năm làm việc, gấp hơn 10 lần lương của đô đốc cấp cao nhất của Nhật Bản khi đó. Năm 1935, Rutland là điệp viên duy nhất của Nhật Bản tại Mỹ. Buổi ban đầu, Hải quân Nhật dự định rằng trong trường hợp xảy ra chiến tranh, Rutland sẽ chuyển thông tin cho đại sứ quán Nhật ở Ottawa (Canada) và từ đây chuyển về Nhật Bản. Tuy nhiên người Nhật nhanh chóng nhận ra rằng Canada có thể không trung lập nếu có chiến tranh xảy ra, trong khi Mexico có biên giới lỏng lẻo và một cộng đồng kiều dân Nhật đang phát triển rất nhanh. Vì lẽ đó vào cuối thập niên 1930, kế hoạch thu thập thông tin thời chiến Hoa Kỳ của IJN đã tập trung ở miền Nam hơn miền Bắc.
(Còn tiếp)