Mehdi Ben Barka - hồ sơ một điệp viên

Thứ Sáu, 27/05/2022, 21:47

Hồ sơ về vụ mất tích của ông Mehdi Ben Barka, chính khách người Morocco, lại được xới lại với những tình tiết mới, trong đó có một số chi tiết cho thấy ông không chỉ là một nhà hoạt động cánh tả đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc, mà còn có mối quan hệ với nhiều “đối tác” khác nhau thuộc cả hai phe trong Chiến tranh Lạnh. Và không phải ngẫu nhiên ông bị mật vụ Pháp bắt cóc và sát hại tại Paris vào năm 1965.

Người của phong trào cánh tả quốc tế

Mehdi Ben Barka sinh tháng 1-1920 trong một gia đình trung lưu ở Rabat. Cha của ông là Ahmed Ben M’hammed Ben Barka khi mới bắt đầu sự nghiệp, là thư ký riêng của Tổng trấn vùng Tangier trước khi trở thành một doanh nhân ở Rabat. Mẹ của ông là Lalla Fatouma Bouanane, một bà nội trợ.

Ông là một trong số rất ít đứa trẻ Morocco thời ấy không thuộc giai cấp tư sản thời đó được tiếp cận với một nền giáo dục tốt. Ông theo học tại trường Collège Moulay Youssef ở Rabat, học cùng những đứa trẻ là con em giới tư bản thực dân và quý tộc của thành phố. Ở trường học, Barka từng tham gia câu lạc bộ kịch và xuất sắc trong học tập.

Ngoài việc học, ông còn làm thêm công việc kế toán ở chợ đầu mối để phụ giúp gia đình. Ông lấy bằng tốt nghiệp đầu tiên vào năm 1938 với danh hiệu xuất sắc tại thời điểm Morocco chỉ đào tạo được khoảng 20 học sinh tốt nghiệp chương trình trung học tú tài mỗi năm.

Để đáp lại việc Berber Dahir, ngày 16-5-1930, đặt người dân Amazigh dưới quyền quản lý của chính quyền Pháp, Mehdi Ben Barka, khi đó mới 14 tuổi, đã tham gia Ủy ban hành động Morocco (Comité d’action Marocaine), phong trào chính trị đầu tiên ra đời dưới chế độ bảo hộ.

Thành tích học tập xuất sắc của ông đã thu hút sự chú ý của Tổng đốc Pháp Charles Noguès, người đã đưa ông cùng với các sinh viên ưu tú khác trong một chuyến đi đến Paris. Sau đó, ông theo học tại Lycée Lyautey ở Casablanca từ năm 1938 đến năm 1939 và nhận bằng tú tài về toán năm 1939.

Khi mới 17 tuổi, ông trở thành một trong những thành viên trẻ nhất của Đảng Quốc gia Thực hiện Cải cách của nhà văn, nhà thơ, chính trị gia nổi tiếng Allal al-Fassi, vài năm sau đổi tên thành đảng Istiqlal.

Thế chiến II bùng nổ vào năm 1939 là một biến cố ảnh hưởng lớn đến cuộc đời ông. Nó làm cho ước mơ hoàn thành việc học ở Pháp bị dang dở, thay vào đó, nó buộc ông phải tiếp tục nghiên cứu toán học tại Đại học Algiers, cũng thuộc quyền kiểm soát của Pháp vào năm 1940.

Ông lấy bằng cử nhân toán học và trở thành người Morocco đầu tiên lấy bằng này tại một trường học chính thức của Pháp. Đảng Nhân dân Algeria (PPA) đã ảnh hưởng đến ông, thôi thúc ông đi theo con đường chủ nghĩa dân tộc với tham vọng liên kết toàn bộ khu vực Bắc Phi. Ông không thể tách Morocco ra khỏi vùng Maghreb.

Ông trở lại Morocco vào năm 1942, và ở tuổi 23 đã trở thành người Morocco Hồi giáo đầu tiên tốt nghiệp chuyên ngành toán của một trường chính thức của Pháp, và trở thành giáo sư tại Học viện Hoàng gia (Collège Royal), nơi Hassan II, vị vua tương lai của Morocco, theo học và là một trong những học trò của ông.

Ông đã tham gia thành lập đảng Istiqlal, đảng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giành độc lập cho Morocco. Ông là người trẻ nhất ký Tuyên ngôn Độc lập của Morocco ngày 11-1-1944. Chữ ký của ông đã khiến ông bị bắt cùng với các nhà lãnh đạo đảng khác, và phải ngồi tù hơn một năm.

Sau khi ra tù, Ben Barka đã tham gia cùng với Ahmed Balafrej, Mohamed Lyazidi, Mohamed Laghzaoui và Abdeljalil El Kabbaj thành lập tờ báo Al-Alam vào năm 1946. Ông đã tham gia biên soạn Bài phát biểu Tangier của Sultan Muhammad V ngày 10-4-1947. Ông cũng là một nhà hoạt động trong phong trào dân tộc chủ nghĩa, đến mức Tướng Pháp Alphonse Juin mô tả ông là “kẻ thù số 1 của Pháp ở Morocco”.

Điều đó khiến Mehdi Ben Barka bị quản thúc tại gia vào tháng 2-1951. Năm 1955, ông tham gia vào các cuộc đàm phán dẫn đến sự trở lại của Vua Muhammad V (người bị chính quyền Pháp lật đổ và lưu đày) cũng như chấm dứt chế độ bảo hộ của Pháp.

Sau khi đụng độ với các đối thủ bảo thủ trong đảng Istiqlal, ông rời khỏi đảng này vào năm 1959 để thành lập Liên minh Các lực lượng Bình dân Quốc gia cánh tả (UNFP). Năm 1962, ông bị buộc tội âm mưu chống lại Vua Hassan II. Ông bị lưu đày khỏi Morocco vào năm 1963, sau khi kêu gọi binh lính Morocco từ chối chiến đấu với Algeria trong cuộc chiến tranh biên giới Morocco-Algeria năm 1963.

Theo sử gia người Pháp Jean Lacouture, khi bị lưu đày vào năm 1963, Ben Barka đã trở thành “nhà hoạt động cách mạng” ở khu vực Bắc Phi. Ban đầu, ông rời đến Algiers, nơi ông gặp Che Guevara, Amílcar Cabral, Malcolm X và ông Nelson Mandela. Từ đó, ông đến Cairo, Rome, Geneva và Havana, cố gắng đoàn kết các phong trào cách mạng của Thế giới thứ ba cho cuộc họp của Hội nghị Ba châu lục (Tricontinental Conference, bao gồm châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh) sẽ tổ chức vào tháng 1-1966 tại Havana. Trong một cuộc họp báo, ông tuyên bố “hai trào lưu cách mạng thế giới sẽ được thể hiện ở đó: trào lưu xuất hiện cùng với cuộc Cách mạng Tháng Mười và trào lưu cách mạng giải phóng dân tộc”.

Là lãnh đạo của Hội nghị Ba châu lục, Ben Barka một nhân vật lớn trong phong trào Thế giới thứ ba và ủng hộ hành động cách mạng chống thực dân ở nhiều quốc gia khác nhau; điều này đã kích động sự tức giận của Mỹ và Pháp. Ngay trước khi mất tích, ông đang chuẩn bị cuộc họp đầu tiên của Hội nghị Ba châu lục, dự kiến diễn ra ở Havana. OSPAAAL (tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là Tổ chức Đoàn kết Nhân dân Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh) được thành lập vào dịp đó.

Chủ trì Ủy ban trù bị hội nghị, ông xác định các mục tiêu: hỗ trợ các phong trào giải phóng, ủng hộ Cuba đang trong thời gian bị Mỹ cấm vận, thanh lý các căn cứ quân sự nước ngoài và chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi. Nhà sử học René Galissot cho rằng: “Lý do cơ bản cho việc loại bỏ và sát hại Ben Barka xuất phát từ trong động lực cách mạng này của Hội nghị Ba châu lục”.

Mehdi Ben Barka - hồ sơ một điệp viên -0
Mehdi Ben Barka họp báo tại Casablanca tháng 1-1959.

Vụ mất tích nhiều uẩn khúc

Vào ngày 29-10-1965, Mehdi Ben Barka bị cảnh sát Pháp bắt cóc (biến mất) ở Paris. Lúc đó, ông đang lãnh đạo một phong trào chống lại Vua Hassan II và đang ở cao trào của cuộc đấu tranh.

Cái chết và vụ mất tích bí ẩn của ông đã tạo thành một vụ bê bối chính trị ở Pháp và Morocco khi ấy. Tổng thống Pháp Charles de Gaulle đã phải ra lệnh điều tra, nhưng mặt khác tuyên bố công khai rằng “cảnh sát và mật vụ Pháp không chịu trách nhiệm”. Tuy nhiên, một phiên tòa năm 1967 đã tuyên án tù 2 sĩ quan cảnh sát Pháp vì dính líu trong vụ “bắt cóc”.

Vào ngày 29-12-1975, tạp chí Time đăng một bài báo có tiêu đề “Vụ giết Mehdi Ben Barka”, nói rằng ba đặc vụ Morocco phải chịu trách nhiệm cho cái chết của Ben Barka, trong đó có cựu Bộ trưởng Nội vụ Mohamed Oufkir, cánh tay phải của Vua Hassan II. Theo bài báo, có dư luận nghi ngờ về sự tham gia của CIA, các nhân viên tình báo Pháp và cả Mossad của Israel.

Sự tham gia của Israel là sau sự hợp tác thành công giữa Morocco và Israel trong Chiến dịch Yachin năm 1961–1964; chính các đặc vụ của Mossad đã thuyết phục Ben Barka đến Paris để mật vụ Pháp “bắt cóc” ông. Cũng có giả thuyết cho rằng Mossad đã chỉ điểm để người của Vua Hassan II ra tay.

Cho đến tận bay giờ, gia đình của ông Ben Barka không hề biết rõ lý do vì sao ông bị giết và xác của ông được chôn cất ở đâu. Vào năm 2001, một cựu đặc vụ Morocco tên là Ahmed Boukhari đã tuyên bố trong một bài báo rằng ông Ben Barka đã bị tra tấn trong lúc thẩm vấn cho đến chết ở phía Nam Paris. Sau đó thi thể ông được đưa về Morocco và tiêu hủy bằng axít. Boukhari cũng nói thêm rằng kỹ thuật tiêu hủy này do một điệp viên CIA có mật danh “Đại tá Martin” (Colonel Martin) mách bảo.

Nhiều năm sau, gia đình của ông Ben Barka đã nỗ lực đi tìm công lý lẫn sự thật về vụ mất tích và cái chết của ông, nhưng sự thật và công lý vẫn còn ở đâu đó trong mớ hồ sơ mật của nhiều cơ quan tình báo, mật vụ nhiều nước. Bachir Ben Barka, con trai cả của ông Ben Barka, tố cáo chính quyền Pháp và Morocco cố tình che đậy sự thật về cái chết của cha mình khi nhiều cố gắng đưa ra trước công lý những kẻ liên quan vụ bắt cóc và giết ông Ben Barka đều bị chặn đứng bởi các công tố viên Pháp. Từ khi Vua Mohammed VI ngôi, mọi nỗ lực thẩm vấn các nghi can liên quan vụ án đều thất bại.

Mehdi Ben Barka - hồ sơ một điệp viên -0
Mehdi Ben Barka (phải) với Vua Mohamed V cuối thập niên 1950.

Ben Barka là điệp viên đa mang?

Trong khi các uẩn khúc liên quan vụ mất tích của ông Mehdi Ben Barka còn chưa lý giải được thì lại xuất hiện những thông tin về việc ông là “điệp viên” của không chỉ cơ quan tình báo mật vụ Tiệp Khắc (StB) mà còn hợp tác với nhiều bên khác nhau, kể cả CIA.

Tiến sĩ Jan Koura thuộc Đại học Charles ở Prague, Cộng hòa Séc, qua nghiên cứu các hồ sơ mật thuộc StB trước đây đã phát hiện rằng ông Ben Barka từng có quan hệ hợp tác khá chặt chẽ với StB. Theo tiến sĩ Koura, mối quan hệ giữa Ben Barka với StB bắt đầu từ năm 1960, khi đó ông đã gặp gỡ một điệp viên cấp cao của StB ở Paris khi ông bỏ ra nước ngoài để lánh nạn Vua Mohammed V.

Quê hương Morocco của ông đã thân phương Tây kể từ khi bắt đầu Chiến tranh Lạnh, nhưng dần dần đã nghiêng về phía Moscow hơn. Các điệp viên của Praha hy vọng nhà lãnh đạo nổi bật của cuộc chiến giành độc lập của Morocco sẽ cung cấp thông tin tình báo có giá trị, không chỉ về những diễn biến chính trị trong nước mình mà còn về suy nghĩ của các nhà lãnh đạo Arab như Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser.

Ngay sau cuộc gặp đầu tiên, StB đã báo cáo rằng Ben Barka là một nguồn thông tin “cực kỳ có giá trị” và đặt cho ông mật danh “Sheikh”. Vào tháng 9-1961, Ben Barka đã nhận được 1.000 franc Pháp từ StB cho các báo cáo về Morocco mà ông cho rằng đã sao chụp từ bản tin nội bộ của cơ quan tình báo hải ngoại Pháp.

Trên thực tế, tài liệu đã được công bố công khai, điều này đã dẫn đến sự tức giận và xấu hổ ở Praha khi hành vi lừa dối bị phát hiện. Ben Barka sau đó đã đề nghị một chuyến đi được chi trả toàn bộ chi phí đến Tây Phi để thu thập thông tin tình báo về các hoạt động của Mỹ ở Guinea Xích đạo. Nhiệm vụ này được coi là một thành công.

Chẳng mấy chốc Tiệp Khắc đã bắt đầu nghi ngờ rằng Ben Barka cũng có quan hệ với những “tay chơi” khác trong Chiến tranh Lạnh. Tháng 2-1962, thông tin từ một đặc vụ ở Pháp nói rằng “Sheikh” đã gặp một “nhà hoạt động công đoàn” người Mỹ tại quán bar L’Éléphant Blanc ở Paris và nhận được một tấm séc bằng USD. Điều này dẫn đến lo ngại rằng Ben Barka có mối liên hệ với CIA, vốn muốn hỗ trợ “cải cách dân chủ” ở Morocco và củng cố vị trí tiền đồn phía Tây. StB nhận được thêm các báo cáo cáo buộc Ben Barka có liên hệ với Mỹ, mặc dù bản thân ông luôn phủ nhận điều này.

Mối quan hệ vẫn tiếp tục, và Tiệp Khắc đã mời Ben Barka đến Praha để thảo luận hợp tác, trong đó ông Ben Barka đồng ý giúp gây ảnh hưởng chính trị và các nhà lãnh đạo ở châu Phi, đổi lại ông được trả lương 1.500 bảng Anh/năm. Ben Barka được phái đến Iraq để lấy thông tin về cuộc đảo chính tháng 2-1963 và được thưởng công 250 bảng Anh. Tại Algeria, ông nhiều lần gặp Tổng thống Ahmed ben Bella (và cũng là một người bạn của ông) và báo cáo về tình hình ở quốc gia mới độc lập này.

Trong những ngày tháng cuối cùng trước khi bị bắt cóc và bị giết, Ben Barka bận rộn tổ chức Hội nghị Ba châu lục ở Cuba. Liên Xô đã bày tỏ nghi ngờ rằng ông đã trở nên quá thân thiết với Trung Quốc, khi đó đang cạnh tranh vị trí lãnh đạo cánh tả toàn cầu. Các quan chức Liên Xô nói với StB rằng Ben Barka đã nhận được 10.000 USD từ Bắc Kinh và gây áp lực buộc cơ quan này rút lại mọi sự hỗ trợ hoặc bảo vệ nào dành cho ông. Có lẽ vì vậy mà Ben Barka đã dễ dàng rơi vào tay mật vụ Pháp và bị thủ tiêu?

Nguyên Khang (Tổng hợp)
.
.